Tính đảng trong triết học là gì?

“Mọi triết học chân chính đều là tinh hoa tinh thần của thời đại mình”, nhưng “không có tính đảng sẽ không có sự phát triển”

 Nêu ra hai trích dẫn ấy của K. Marx, chúng ta hiểu rằng, cần kết hợp một cách biện chứng cách tiếp cận thế giới quan và cách tiếp cận giá trị, cách tiếp cận tri thức và cách tiếp cận văn hóa trong việc đánh giá các học thuyết triết học trong lịch sử.

Sự thống nhất tính đảng (tính đảng phái) và tính khách quan, chuẩn mực (tính khách quan – khoa học) trong việc xem xét các tư tưởng, học thuyết triết học trong lịch sử nhân loại đòi hỏi dựa vào cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học, đồng thời nắm vững nguyên tắc toàn diện và nguyên tắc lịch sử cụ thể, nhằm tránh sự áp đặt một cách võ đoán, chủ quan đối với lịch sử.

 Chủ nghĩa hư vô trong quan điểm lịch sử đồng nghĩa với sự dửng dưng đối với chính các vấn đề hiện tại, bởi lẽ nó hiểu lịch sử chỉ như những lát cắt rời rạc, không có mối liên hệ với nhau. Thực ra cho dù lịch sử đã an bài, nhưng nó vẫn tiếp tục ám ảnh những đang sống, bởi những cách tiếp cận khác nhau về lịch sử.

Quan điểm máy móc, siêu hình xem lịch sử triết học thuần túy chỉ như lịch sử đấu tranh giữa hai hệ thống thế giới quan và hai phương pháp triết học đối lập nhau, theo sự phân tuyến đơn giản: tốt – xấu, đúng – sai, khoa học – phản khoa học. Lý luận khoa học chân chính không nhìn vấn đề một chiều như thế, mà cố gắng làm sáng tỏ bức tranh đa dạng và phức tạp của sự phát triển tư duy triết học, từ đó rút ra tính quy luật của nó.

Triết học là giá trị văn hóa tinh thần cô đọng nhất, tinh tuý nhất, là thời đại lịch sử hiện thực được tái hiện dưới hình thức tư tưởng, trong hệ thống các vấn đề triết học. C.Mác (K.Marx) viết trong “Bài xã luận báo “Kolnische Zeitung số 179”: … Mọi triết học chân chính đều là tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại mình”. Vậy thế nào là “triết học chân chính”?  Đó là triết học được sinh ra, chịu sự quy định bởi những điều kiện lịch sử – xã hội của thời đại mình, cùng với các học thuyết, các tư tưởng khác làm nên diện mạo tinh thần của thời đại, đóng góp vào giá trị chung của nhân loại. Mác lại viết: “Các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, của dân tộc mình, mà dòng sửa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học”.

 Ngay từ các bài viết đầu tiên trong thời kỳ chuyển tiếp tư tưởng, C.Mác đã nhấn mạnh sự thống nhất của hai cách tiếp cận đối với di sản của quá khứ: một mặt cần tuân thủ nguyên tắc tính đảng trong triết học, căn cứ vào việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, chỉ ra rằng cuộc tranh luận về thế giới quan tạo nên động lực cơ bản của sự  phát sinh, phát triển, sự đan xen, thay thế nhau của các học thuyết triết học. Mặt khác, mỗi học thuyết, tư tưởng, trào lưu, khuynh hướng triết học bên cạnh việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học bằng cách trực tiếp hay ẩn mình trong các luận giải về con người, xã hội, ngôn ngữ… đều được thừa nhận như “tinh hoa về mặt tinh thần” của mỗi thời đại, góp phần vào sự hoàn thiện nhân cách và tri thức con người trong thời đại ấy. Platôn (Plato, Platon), Arixtốt (Aristotle, Aristoteles), Lépních (Leibniz), Cantơ (Kant), Hêghen (Hegel) là những nhà duy tâm, nhưng đồng thời là những bộ óc lớn, những chân dung văn hóa của thời đại mình. Chúng ta phê phán một cách xác đáng chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của Makhơ (Mach), nhưng cũng lưu ý rằng ông là nhà bác học lừng danh của thế kỷ XIX, một trong những người thầy của Einstein.

Tương tự như vậy đối với cách đánh giá tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Kytô giáo. Mác từng khẳng định “không có đảng phái thì không có sự phát triển”, nhưng cũng chỉ rõ: “Triết học hiện đại chỉ tiếp tục cái công việc do Hêraclít và Arixtốt đã mở đầu mà thôi” .

Nhân đọc Xôcrát (Socrates) V.I.Lênin viết trong “Bút ký triết học”, “Chủ nghĩa duy tâm thông minh gần với chủ nghĩa duy vật thông minh hơn chủ nghĩa duy vật ngu xuẩn”. “Chủ nghĩa duy tâm thông minh” của Xôcrát, Platon, Hêghen dù có những hạn chế ở phương diện thế giới quan, song đã để lại nhiều tư tưởng có giá trị cho nhân loại ở những khía cạnh khác. V.I.Lênin từng phê phán những toan tính xem xét chủ nghĩa Mác bên ngoài văn hoá nhân loại.

 Cần phân tích một cách phân minh, rõ ràng những đóng góp và những hạn chế mang tính lịch sử của các học thuyết triết học. Ngược lại, sự mơ hồ, lẫn lộn, sự đánh giá thái quá, theo hướng “tả khuynh” lẫn “hữu khuynh” đối với các học thuyết triết học, hoặc chủ trương “triết lý cái búa” trong sự đánh giá lịch sử, hoặc coi các nhận định trong lịch sử tư tưởng đều là những chân lý tuyệt đỉnh, “dành cho mọi thời đại và mọi dân tộc”, là  trái với bản chất của triết học, và đều đáng bị phê phán như nhau. Ph.Ăngghen (F. Engels) đã phê phán trường hợp tương tự ở vị giáo sư cơ học Đuyrinh (Duhring) trong tác phẩm Chống Đuyrinh.


Phân tích cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng cơ bản trong triết học không chỉ nhằm làm sáng tỏ tính quy luật trong sự phát triển của tri thức triết học, mà còn chứng minh rằng sự phản biện lẫn nhau giữa các khuynh hướng ấy là tất yếu, góp phần vào sự phát triển chung của tư tưởng triết học. Bài học Trung cổ Tây Âu, mà nhiều nhà tư tưởng xem như “đêm trường Trung cổ”, là ở chỗ, một khi triết học chịu sự chế ngự vô điều kiện của uy quyền, của tín điều, không cần đến hệ thống phản biện xã hội, thì nó cũng tự tuyên bố mình như một thứ “giáo điều triết học”, một thứ thần học bán chính thức, hay tệ hại hơn, một thứ nô lệ của “thần học vạn năng”.

Ngoài việc thừa nhận tính quy định (chế định) lịch sử - xã hội đối với các học thuyết triết học, cần vạch ra những quy luật cơ bản trong quá trình vận động của tri thức triết học
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?