Sự ra đời và các phái chính của chủ nghĩa hiện sinh
Chủ nghĩa hiện sinh chính thức được khai sinh vào năm 1927 với tác phẩm “ Hữu thể và thời gian” của Heidegger, và kết thúc vào năm 1960 như một triết thuyết với “Phê bình lý trí biện chứng” của J. S. Sartre.
Thế nào là chủ nghĩa hiện sinh ?
Bằng các tên gọi khác nhau - chủ nghĩa hiện sinh (Sartre), triết học hiện hữu (K. Jaspers), triết học về hiện sinh - triết học này có điểm chung cho tất cả các đại diện là triết học về tồn tại của con người, bản thể luận về con người, là tất cả những suy tư về thân phận con người, trước hết là con người cá nhân, cụ thể trong thời đại khủng hoảng về giá trị, những nỗi đau, những lầm lạc và những khát vọng của con người. Ra đời và phát triển tại các nước phương Tây, nhất là tai Đức và Pháp, sau hai cuộc đại chiến thế giới (1914 - 1918, 1939 - 1945), triết học hiện sinh biểu thị thái độ của con người trước những diễn biến không đồng nhịp của xã hội.
Nếu triết học cổ điển thể hiện tính tích cực tinh thần của con người, thì triết học hiện sinh đặt ra vấn đề sự chịu đựng tinh thần của mỗi cá nhân trước những biến động của đời sống, từ đó gợi ra một lối thoát cho họ. Trong “Thư về nhân bản chủ nghĩa” (Ueber den humanismus) Heidegger đã “nâng cấp” khái niệm “existentia”, tức tồn tại theo tiếng Latinh, thành một diễn đạt đặc trưng - Eksistenz, hay Ek-sistenz, nhằm nhấn mạnh hiện thể “xuất tính thể’ của con người, phân biệt với những tồn tại khác, những tồn tại mà Sartre cho là không thể sánh được với chủ quan tính của con người (Sartre. Hiện sinh một nhân bản thuyết). Heidegger và Sartre là hai đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ XX.
Theo Lê Tôn Nghiêm, Kinh Thánh Kitô giáo, có phần mô tả số phận chìm nổi của các vị tiên tri, các vị thánh, sự đày đọa Jesus Christ, đáng được xem là cội nguồn sau xa của chủ nghĩa hiện sinh với tính cách là tiếng kêu bi thiết về số phận con người. Thứ đến là Thánh Augustin, người nói nhiều đến những suy tư, xao xuyến, lo âu, nhửng kinh nghiệm đau đớn trong quãng đời phóng đãng, lầm lạc trên con đường tìm về Thiên Chúa, khẳng định rằng tri thức sơ khởi và đầy đủ nhất là sự tìm hiểu bản chất con người qua sự hiểu biết về Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông tổ thực sự của chủ nghĩa hiện sinh là S. Kierkegaard (1813 - 1855), người Đan Mạch. Kierkegaard xuất hiện trên sân khấu triết học với tính cách là người phê bình gay gắt thời đại. Khuynh hướng hiện sinh tôn giáo của Kierkegaard đặt ra câu hỏi: tại sao tâm hồn con người bị khô kiệt ? Trả lời: vì những toan tính đầy tham vọng của lý trí, vì sự mổ xẻ không thương tiếc, sự phân đôi bản chất con người trong thời đại khoa học, vì cái nhìn cứng nhắc, máy móc đối với thế giới. Để phục hồi nhân tính cần hiến mình cho tôn giáo - đó là chủ đề cơ bản của triết học Kierkegaard. Triết học cần giúp con người trở về hệ thống các giá trị tôn giáo, vốn bị chìm vào lãng quên từ thời Descartes. Triết học dẫn ta vào cảm thụ quan tôn giáo, khắc họa chiều sâu tâm linh của con người.
Sự phản ứng của Kierkegaard đối với trật tự tư sản là sự phản ứng mang tính lãng mạn. Bản tân sự hiện hữu của con người được phân tích từ góc độ thẩm mỹ - đạo đức - tôn giáo. Các giai đoạn hiện hữu: 1) Giai đoạn thẩm mỹ đồng nhất với khoái cảm. Con người sống bằng những quan tâm hiện tại, chưa biết lựa chọn. Giai đoạn này có ba chặng nhỏ là buồn chán toàn diện, bạo dâm, trung gian (còn gọi là “mỉa mai”, là chặng liên kết thẩm mỹ và đạo đức); 2)Giai đoạn đạo đức, thể hiện cuộc đấu tranh chống lại những đam mê cảm tính và chế ngự chúng. Con người sống bằng nghĩa vụ, quan tâm đến nhau và cùng hy vọng vào tương lai. Hạn chế của đạo đức là ở chỗ nó dễ ru ngủ con người, biến họ thành một sinh vật máy móc, nù quáng tuân theo những quy luật, những môtíp đạo đức định sẵn. Thay vì lựa chọn tự do là nỗi sợ hãi của cá nhân; 3) Giai đoạn tôn giáo, nơi hiện hữu của cá nhân thống nhất với Thượng đế. Đó là sự chuyển sang lối sống tôn giáo, một bằng chứng về “nổi ô nhục và sự bất lực của lý trí”. Con người phụng sự Thượng đế, cảm nhận sự an ủi nơi cuộc đời đau khổ, song không bao giờ sánh ngang cùng Đấng tối cao. Quan niệm đó của Kierkegaard nhằm chống lại Hegel, người đã duy lý hóa niềm tin vào Thượng đế.
Đánh giá bài viết?