Sự ra đời và các giai đoạn phát triển của Phân tâm học

Phân tâm học do S. Freud (1856 - 1939), bác sỹ người Ao, sáng lập. Những công trình đầu tiên của Freud bàn về sinh lý học, giải phẩu học não bộ. Từ những năm 80 dưới Ảnh hưởng của trường phái Pháp (Charcot, Bernheim) về thôi miên Freud tìm hiểu chứng rối loạn thần kinh chức năng (tâm thần). Những năm 90 Freud tập trung xây dựng phân tâm học - phương pháp dùng trị liệu tâm lý để chữa bệnh tâm thần. Phương pháp này căn cứ trên kỹ thuật liên tưởng tự do, phân tích những hành vi lầm lẫn và những giấc mơ như phương thức thâm nhập vào cõi vô thức, nghĩa là khu vực không chịu sự kiểm soát của ý thức. Vào năm 1900 Freud đưa ra học thuyết về cơ cấu bộ máy tâm lý như một hệ thống năng lượng mà cơ sở phát sinh của nó là xung đột giữa ý thức và những ham muốn vô thức. Vào năm 1920 Freud công bố công trình “Bản ngã và Bĩ ngã”, đồng thời từng bước vận dụng Phân tâm học vào tâm lý xã hội, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật …Hai lưu ý: 1) Freud sáng lập Phân tâm học vào cuối thế kỹ XIX - đầu thế kỷ XX, khi những quan niệm truyền thống về tâm lý không còn phù hợp nữa. Tâm lý học trước Freud cố gắng xác định thế nào là một con người bình thường, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm lý, từ việc tìm hiểu hiện tượng của ý thức. Đi xa hơn những “tố chất tự nhiên”, Freud phân tích tính chất và và nguyên nhân xuất hiện chứng rối loạn thần kinh chức năng, đẩy nó đến lĩnh vực tâm lý người, và từng bước khám phá những điều sâu kín nhất mà tâm lý học trước đó bỏ qua, hoặc nghiên cứu chưa đến nơi đến chốn. 2) “Khám phá vô thức” - đó là sự đánh giá đã được thừa nhận phổ biến, dù từ các thái độ khen chê khác nhau. Tìm hiểu “sự nổi loạn của vô thức”, chủ trương giáo dục người bệnh bằng liệu pháp tâm lý, bằng kỹ thuật liên tưởng tự do, theo dõi thường xuyên những thay đổi tâm lý của người bệnh, xác định những nguyên nhân của bùng nổ xúc cảm, những ẩn ức … càng làm nổi bật vai trò người thầy thuốc - nhà giáo dục trong điều kiện phức tạp của xã hội, khi tâm lý người chịu quá nhiều tổn thương từ bên ngoài. 3) Freud không gọi mình là nhà triết học, song Phân tâm học do ông sáng lập vượt ra khỏi khuôn khổ của một học thuyết tâm lý, mang ý nghĩa triết học rõ ràng vì, thứ nhất, sự khái quát hóa triết học những ý tưởng cơ bản trong việc xác lập cơ chế tâm lý của cá nhân, thứ hai, tính khuynh hướng lý luận, gắn với hành trình tư tuởng của Freud.
Như vậy từ năm 1900 trên diễn đàn triết học phương Tây đã xuất hiện một trường phái triết học - tâm lý theo khuynh hướng phi duy lý - nhân bản, có tên gọi là chủ nghĩa Freud (Freudism), hay đơn giản là Phân tâm học. Thế hệ sau Freud càng làm cho Phân tâm học mang diện mạo triết học thực sự.

Chủ nghĩa Freud ngay từ buổi đầu đã không phải là một trường phái thống nhất. Ngay giữa những học trò thân tín nhất của Freud vào năm 1910 đã diễn ra cuộc tranh luận xem cái gì đóng vai trò năng lượng tâm lý cơ bản. Nếu ở Freud năng lượng ấy là năng lượng tâm lý - tính dục, thì ở A. Adler (tâm lý học cá thể) vai trò này thuộc về mặc cảm giá trị chưa hoàn thiện và ước muốn tự hoàn thiện. Với K. Jung (tâm lý học phân tích) vô thức tập thể và những nguyên mẫu (archetip) mới là cơ sở của sáng tạo, nhất là sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. O. Rank thì cho rằng toàn bộ hoạt động của con người luôn bị ám Ảnh bởi ý nghĩ phải vượt qua “cú sốc sinh nở ban đầu”.

Mặc dù các nhà phân tâm học sau Freud xem xét lại và bác bỏ một số luận điểm của người sáng lập (về quy tắc, hay tiêu chuẩn nghiên cứu tâm lý, giải thích tính chất của các quá trình tâm lý, về cơ chế tâm lý …), song nhữgn nguyên lý cơ bản vẫn giữ nguyên: năng lượng vô thức, những khía cạnh phi duy lý của đời sống con người, tính chất xung đột và sự phân thân của thế giới nội tâm, tính dồn nén, tính bị ức chế, bị đàn áp và ý chí phản kháng, vấn đề suy đồi văn hóa …

Chủ nghĩa Freud trở thành một trào lưu khá phổ biến từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, gắn với những biểu hiện khủng hoảng của văn hóa, xã hội. Các nhánh khác nhau của chủ nghĩa Freud bổ sng cơ sở triết học và phương pháp luận cho học thuyết của chủ nghĩa Freud mà chính Freud còn thiếu. Những bổ sung này khéo kết hợp với các tư tưởng chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học tự nhiên. 


Ở Mỹ xu hướng sinh học hóa phân tâm học kết hợp với chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa hành vi (behaviorism). Bên cạnh đó còn có xu hướng làm gần chủ nghĩa Freud với Điều khiển học (Cybernetics) Chủ nghĩa Freud-xã hội cũng có tiếng nói trong giới học thuật; nó xem xét các hiện tượng chính trị, văn hóa, xã hội như kết quả của sự thăng hóa (sublimation) năng lượng tâm lý tình dục, sự biến đổi các quá trình vô thức dưới tác động của đời sống văn hóa, xã hội. Vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX chủ nghĩa Freud-mới cố gắng biến phân tâm học thành một học thuyết thuần túy xã hội học và văn hóa học, xa rời dần quan điểm vô thức và các yếu tố sinh học thời Freud. Từ cuối những năm 40, tức sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các vấn đề và các kết quả nghiên cứu của phân tâm học được sử dụng rộng rãi. Phân tâm học xã hội liên kết với chủ nghĩa hiện sinh và cùng xác định hình Ảnh con người trong một thế giới phức tạp, đứng ở “tình thế tranh chấp” giữa tồn tại và hư vô, hòa bình và chiến tranh, hưng thịnh và đổ vỡ. Viện nghiên cứu xã hội tại Frankfurt (trường phái Frankfurt) chịu Ảnh hưởng đáng kể của phân tâm học. Một số đại diện thiên tả của nó dung hòa phân tâm học với chủ nghĩa Marx, nhằm tạo dựng học thuyết chiết trung theo kiểu Chủ nghĩa Freud-mácxít.

Phân tâm học và các vấn đề do nó gợi nên hiện nay tiếp tục thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà triết học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học, đạo đức học, chính trị học.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?