Sự ra đời của triết học Hy Lạp cổ đại

a) Điều kiện kinh tế, xã hội dẫn đến sự ra đời triết học Hy Lạp cổ đại
Hy Lạp và La Mã đại diện cho thế giới phương Tây cổ đại, trong đó Hy Lạp là chiếc nôi của văn minh phương Tây. Lãnh thổ Hy Lạp xưa kia rộng lớn hơn so với hiện nay gấp nhiều lần, bao gồm phần đất liền cùng vô số hòn đảo trên biển Egiê, vùng duyên hải Bancăng và Tiểu Á. Từ cuộc di thực ồ ạt vào các thế kỷ VIII - VI TCN, người Hy Lạp chiếm thêm miền nam Ý, đảo Xixin, vùng ven biển Đen, lập nên Đại Hy Lạp. Những cuộc viễn chinh toàn thắng của Alếchxăngđơ xứ Maxêđoan vào cuối thế kỷ IV TCN đã đưa đến sự ra đời các quồc gia Hy Lạp hóa trải rộng từ Xixin ở phía Tây sang An Độ ở phía Đông, từ biển Đen ở phía Bắc đến khu vực tiếp giáp sông Nin ở phía Nam. Tuy nhiên trung tâm của Hy lạp cổ đại, trải qua bao thăng trầm, vẫn là vùng biển Egiê, nơi nhà nước và nền văn hóa Hy Lạp đạt tời sự phồn thịnh cao nhất của mình. Nơi đây những nền móng đầu tiên của tri thức khoa học và triết học đã hình thành từ rất sớm. 


Vào thời đại Hôme (thế kỷ XI - IX TCN) ở Hy Lạp đã chớm bắt đầu quá trình tan rã của công xã thị tộc, được thúc đẩy bởi sự phân công lao động, diễn ra trong nông nghiệp giữa trồng trọt và chăn nuôi. “Pôlít” (Polis), khái niệm dùng để xác định nhà nước đặc trưng của người Hy Lạp dưới hình thức các thị quốc (thành bang), vào thời Hôme chỉ là những cụm dân cư, tương đối độc lập, có thành lũy bao bọc xung quanh. Song sự phân hóa xã hội cũng đã bắt đầu và ngày càng trở nên gay gắt. Bước sang thế kỷ VIII TCN kinh tế ở các thị quốc Hy Lạp tiếp tục phát triển với nhịp độ nhanh. Thủ công tách khỏi nghề nông và tiến những bước đáng kể. Hình thức tổ chức quyền lực mang tính nhà nước đã xuất hiện, thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng cũng tạo nên sự phân hóa sâu sắc trong đời sống xã hội. Sự hưng thịnh của kinh tế kích thích quá trình vượt biển tìm đất mới, dẫn đến những cuộc di thực ồ ạt, xâm chiếm các khu vực làng giềng, bắt người làm nô lệ.

Tóm lại, sự tích lũy tư hữu, phát triển quan hệ hàng hóa, tiền tệ, sự tan rã của nền kinh tế tự nhiên, sự phân hóa giàu nghèo, sự đối kháng giữa các lực lượng xã hội, sự thôn tính đất đai, sử dụng lao động nô lệ… khiến cho chế độ công xã thị tộc, là chế độ lấy quan hệ huyết thống làm cơ sở, phải đi đến chỗ suy vong, và bị thay thế bởi một thiết chế xã hội mới, phù hợp với những quan hệ xã hội mới. Nói cách khác, nhà nước đã ra đời như một tất yếu trên con đướng phát triển lịch sử của nhân loại. Ph. Ăngghen viết:”Nhà nước là sản phẩm của một xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định”.

Cùng với sự hình thành các thị quốc, nền văn hóa mới cũng được xác lập, trở thành bộ phận hữu cơ của đời sống xã hội Hy Lạp cổ đại. Những biểu hiện chủ yếu của hệ thống các giá trị tinh thần mới là sự duy lý hóa tư duy, ý thức về nhân cách, ca ngợi tính tích cực, lòng quả cảm và năng lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên, tinh thàn ái quốc, quan niệm về tự do như phạm trù đạo đức - chính trị cao qúy nhất…Sự hình thành những cơ sở của văn hóa Hy lạp là sự kế thừa các giá trị truyền thống, thể hiện trong các sáng tác dân gian, trong thần thoại và các hình thức sinh hoạt tôn giáo, trong những mầm mống của tri thức khoa học. Tư tưởng triết học phát sinh và phát triển như một thành tố không tách rời của nền văn hóa mới ấy.

Như vậy, sự chuyển tiếp từ xã hội công xã nguyên thủy sang chế độ chiếm hữu nô lệ diễn ra cùng với những biến đổi chăn bản trong ý thức, trước hết là nhu cầu lý giải nghiêm túc những vấn đề tự nhiên, xã hội. Triết học ra đời theo Arixtốt, làm cho sự ngạc nhiên trước thế giới rộng lớn và bí hiểm được giải quyết bằng những nỗ lực của lý trí truy tìm nguyên nhân đích thực của vạn vật. Theo sử liệu học Pitago (570 - 496 TCN), hoặc có thể Hêraclít (khoảng 544 - khoảng 483 TCN),là người đầu tiên tự gọi mình là philosophos, sau đó xuất hiện thuật ngữ philosophia, dịch thành triết học, mặc dù Talét (khoảng 624-547 TCN) mới là triết gia đầu tiên của Hy Lạp. Như vậy “Philosophia” (philo - yêu mến, sophia - sự thông thái) biểu thị khát vọng của con người vươn tới hiểu biết thực sự về mối quan hệ giữa con người với thế giới và với chính mình, vượt qua ảnh hưởng của tư duy huyền thọai, đi vào chiều sâu nhận thức thông qua khái niệm ngày càng đạt được tính trừu tượng hóa cao.

b) Con đường từ tư duy biểu tượng đến tư duy khái niệm, hay tiền đề tinh thần của triết học
Ngạc nhiên làm nảy sinh triết lý, triết lý của con người về thế giới ở buổi đầu lịch sử thể hiện trong huyền thoại, nhất là trong các câu chuyện thần thoại và sinh hoạt tín ngưỡng nguyên thuỷ. Thần thoại là sự đối thoại đầu tiên, đầy tính hoang tưởng, của con người với thế giới xung quanh.

Thần thoại (xuất phát từ tiếng Hy Lạp mythologia, trong đó mythos là câu chuyện, truyền thuyết, logos là lời nói, học thuyết) là hình thức tư duy phổ biến của người nguyên thủy, cùng với thuyết nhân hình, vật linh thuyết, vật hoạt luận…Trong thần thoại các yếu tố tư tưởng và tình cảm, tri thức và nghệ thuật, tinh thần và vật chất, khách quan và chủ quan, hiện thực và tưởng tượng, tự nhiên và siêu nhiên còn chưa bị phân đôi. . Tuy nhiên tư duy huyền thoại cũng trải qua những bước phát triển nhất định, thể hiện sự phát triển của ý thức. Có thể nhận thấy điều này trong thần thoại Hy Lạp. Đỉnh cao của thần thoại cũng cũng đồng thời báo hiệu sự cáo chung tất yếu của nó, sự thay thế nó bằng hình thức thế giới quan mới, đáp ứng nhu cầu nhận thức thế giới ngày càng sâu sắc hơn của con người. 

Quá trình này bắt đầu từ thời đại Hôme (thế kỷ XI - IX TCN) với việc xóa bỏ dần hố sâu ngăn cách giữa thần và người, nêu ra các ý tưởng sơ khởi về hỗn mang, về các hành chất, về nguồn gốc thế giới, và cả những thông điệp của con người về tình bạn, tình yêu, tinh thần ái quốc. Xu hướng này được tiếp tục ở Hêsiốt. Trong “Thần hệ” của Hêsiốt các trạng thái vũ trụ được mô tả thông qua các thế hệ thần linh, từ Hỗn mang đến thần Dớt - biểu tượng của trật tự, ánh sáng và sự tổ chức cuộc sống trong vũ trụ. Hiện tượng Prômêtê lấy trộm lửa của thần Dớt đem đến cho con người hàm chứa ý nghĩa sâu xa: lửa - biểu tượng của sức mạnh và lý trí - không còn là đặc quyền của thần linh như trước, mà đã cố hữu nơi con người. Con người trở nên tự chủ hơn trong quan hệ với thế giới xung quanh.

Vào khoảng cuối thế kỷ VII - đầu thế kỷ VI TCN, các thị quốc bước vào thời kỳ phát triển khá thịnh vượng. Sự phân công lao động lần thứ hai và sự ra đời đồng tiền kim khí đã tạo nên những biến đổi lớn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở bình diện văn hóa tinh thần “bảy nhà thông thái” xuất hiện, mở đường cho một nền triết học thực sự. Trong số họ Talét được Arixtốt gọi là nhà triết học đầu tiên của thế giới phương Tây.

Con đường từ thần thoại đến triết học, theo Hêghen, là con đường đi từ lý tính hoang tưởng đến lý tính tư duy, từ hình thức diễn đạt thông qua biểu tượng đến hình thức diễn đạt bằng khái niệm (G. W. F. Hêghen,toàn tập, t. IX, Moskva, 1934, tr. 14). Triết học ra đời không có nghĩa thần thoại mất đi, mà tiếp tục tồn tại trong tôn giáo, nghệ thuật, văn chương, nhưng được xem xét ở bình diện khác - bình diện giá trị. Đằng sau những câu chuyện thần thoại là cả một triết lý sống, thể hiện những chuẩn mực, những giá trị, những bài học đạo đức, nhân văn.

c) Ảnh hưởng của văn hoá phương Đông đến sự hình thành tư duy triết học và khoa học Hy Lạp
Trong quá trình xây dựng các học thuyết triết học và khoa học người Hy Lạp kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc phương Đông, vốn hình thành sớm hơn, đồng thời tạo cho mình một phong cách và sắc thái tư duy độc đáo, tạo nên truyền thống đặc trưng được tiềp tục bổ sung, phát triển ở các thời đại sau.

Thông qua những chuyến vượt biển tìm đất mới, quan hệ buôn bán, giao lưu, người Hy Lạp tiếp thu chữ viết, thành quả khoa học, và cả yếu tố huyền học (occultism) ở các nền văn minh phương Đông, nhất là vùng Trung Cận Đông và Bắc Phi. Chữ viết tượng hình xuất hiện tại Ai Cập, Mesopotamie và một số dân tộc khác từ khoảng 2700 TCN. Đến thế kỷ VIII TCN người Phenicie, sau đó người Hy Lạp tiếp thu, cải biến và hoàn thiện thêm. Các lĩnh vực tri thức ở phương Đông như toán học, thiên văn học, địa lý, hệ thống đo lường, lịch pháp, các mầm mống của y học, các khoa học về sự sống đáp ứng phần nào khát vọng khám phá của người Hy Lạp, do đó được họ đón nhận một cách nhiệt tình, thúc đẩy quá trình hình thành những phác thảo đầu tiên về thế giới quan vào thế kỷ VII - VI TCN. . Các nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp đều có kiến thức khoa học vững vàng nhờ thường xuyên giao lưu với phương Đông dưới các hình thức khác nhau. Người Ai Cập tính được số pi, diện tích hình tam giác, hình chữ nhật,, hình thang, hình bình hành, hình tròn. Hệ thống lịch pháp được xác lập vào đầu thiên niên kỷ II TCN. Từ phát minh của người Ai Cập ra cách tính thời gian một năm (365 + ¼ ngày đêm) sớm nhất thế giới, Babylon hoàn thiện thêm một bước về tháng bổ sung, để đưa năm âm lịch (12 tháng với 354,36 ngày đêm) đến gần với năm dương lịch (365,24 ngày đêm). Cách tính giời hiện nay cũng cũng xuất phát từ cách tính của Babylon. 

Tuy nhiên, dù đi trước Hy Lạp ở trình độ phát triển, song tại các nước phương Đông láng giềng triết học đúng nghĩa vẫn chưa xuất hiện. Ở phương diện lý luận tại Ai Cập và Babylon các yếu tố huyền học và thuật chiêm tinh đan xen với các mầm mống của triết lý vũ trụ, nhân sinh, nhưng mặt thứ hai này còn khá mờ nhạt, bị lấn át bởi cách tiếp cận nhân hình hóa. Tại Babylon chiêm tinh chiếm vị trí cao trong thang bậc tinh thần, nhà chiêm tinh được tham dự vào cả công việc triều chính, giúp nhà vua vạch ra các kế hoạch đối nội, đối ngoại, tiến cử nhân sự. Tại Ai Cập, những pho tượng khổng lồ đầu người mình thú, đặt bên cạnh những kim tự tháp uy nghi, tráng lệ, cho thấy người Ai Cập quan tâm đến thế giới “bên kia” vĩnh cửu. Với thời gian, trong tư duy của người Ai Cập xuất hiện một số cách ngôn chứa đựng các yếu của chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa bi quan, chủ nghĩa khắc kỷ cổ sơ, như “Tôi là tôi”, “Đã vào cõi tử làm sao trở về”, “Đừng uổng phí thời gian”. Những cách ngôn đó bị xã hội xem là báng bổ thế giới thiêng liêng. Tại Babylon, sau thời kỳ hưng thịnh, những đô thị giàu có và sa đoạ bắt đầu suy vong, và sau cùng lùi về dĩ vãng. Sự kiện Babylon sa đoạ và sụp đổ đã được nêu ra trong Kinh Thánh Kytô giáo.

 Các yếu tố huyền học, khi được du nhập vào Hy Lạp, chúng vẫn phải đóng vai trò giá đỡ cho tinh thần phóng khoáng, tự do của người Hy Lạp. Liên minh Pitago là một điển hình. Ở đó các yếu tố duy tâm, tôn giáo, vốn được tiếp thu từ phương Đông, không che khuất các yếu tố khoa học, duy lý. Có thể khẳng định rằng, dù đi sau phương Đông về văn minh, nhưng Hy Lạp không đơn giản làm công việc của người kế thừa. Ngược lại, sự hình thành và phát triển của triết học Hy Lạp là kết quả phát triển nội tại của tinh thần Hy Lạp, được thể hiện sinh động trong huyền thoại, trong văn hóa, trong tín ngưỡng nguyên thủy, chịu sự chi phối của các điều kiện kinh tế và xã hội. Trong quá trình tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tinh thần phương Đông, người Hy Lạp tạo nên phong cách tư duy đặc trưng của mình, trở thành cái nôi của triết học và khoa học phương Tây. Vào năm 525 TCN, Ai Cập bị Ba Tư xâm chiếm. Ach thống trị của Ba Tư đã đẩy văn minh Ai Cập, cũng như Babylon trước đó, lùi về phía sau, nhưng ngọn lửa trí tuệ đã được nhen nhóm lên và rực sáng ở một vùng đất khác.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?