Sự hình thành các khuynh hướng chủ đạo của triết học phương Tây hiện đại

Vào những năm 20 - 30 của thế kỷ XIX trong khi triết học Hegel, đỉnh cao của truyền thống duy lý cổ điển phương Tây, đang còn Ảnh hưởng khá tích cực đến đời sống tinh thần của nước Đức ở đêm trước của những chuyển biến cách mạng, thì trong nội bộ của trường phái Hegel đã xuất hiện các yếu tố xét lại đối với hệ thống Hegel. Sau khi Hegel mất (1831) trường phái Hegel phân rã thành hai phái đối lập nhau. Phái Hegel trẻ chủ trương sửa chữa Hegel từ phía “tả”, lượt bỏ bớt những nội dung thần bí, đẩy mạnh tinh thần phê phán tôn giáo, xem sự phê phán này là một phần của công cuộc cải tổ triết học, từ đó gián tiếp phê phán trật tự xã hội hiện tồn. Ngược lại phái Hegel già đòi hỏi loại bỏ nội dung cách mạng của phép biện chứng Hegel, nhằm duy trì sự thống nhất của hệ thống. Ngay vào năm 1818 A. Schopenhauer đã thách thức truyền thống duy lý bằng việc xác lập Ý chí luận (Voluntarismus ) - “ Thế giới như ý chí và như biểu tượng của tôi’, trong đó nhấn mạnh ý chí sinh tồn, thể hiện khắp vũ trụ. Schopenhauer đã đặt nền móng cho khuynh hướng phi duy lý, một trong những khuynh hướng chủ đạo của triết học phi cổ điển, hiện đại phương Tây, đồng thời là ông tổ của triết học sự sống. Các trào lưu triết học phi duy lý của thế kỷ XX khá đa dạng, nhưng nổi bật nhất có Phân tâm học (Psychoanalysis) với chủ nghĩa Freud và Freud-mới, Tính dục học (Sexology), Hiện tượng học (Phenomenology), Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism)…


Sự bành trướng của khuynh hướng phi duy lý là phản ứng đối với những biến cố dồn dập diễn ra trong đời sống xã hội và mỗi con người: tại sao cuộc sống diễn ra không hoàn toàn tuân theo những chuẩn mực, những bản thiết kế định sẵn của lý trí ? Tại sao con người có thể cùng lúc đóng hai vai đối lập nhau - sáng tạo và phá hoại ? Tại sao thế lực phản nhân loại có thể nắm trong tay quyền lực tối thượng ? Tại sao … Đó là những câu hỏi thật khó tìm ra lời đáp theo môtíp của lý trí. Phi duy lý, do đó, cũng là biểu hiện của phi cổ điển, nghĩa là rà soát lại toàn bộ các khái niệm và các vấn đề của truyền thống, xuất phát từ Hy Lạp cổ đại, đưa ra các khái niệm và các vấn đề mới mà truyền thống chưa từng biết đến hoặc chưa đào sâu. Tại Pháp A. Comte phê phán các vấn đề của triết hoc cũ, xem đó là các vấn đề siêu hình (hiểu theo nghĩa mơ hồ, không rõ ràng, không hiệu quả), vì chúng không đưa ra lời giải thích tối hậu về các sự vật, hiện tượng, trong khi nhân loại đang đứng trước nhiều vận hội lẫn thách thức, không thể chấp nhận những nguyên lý phổ quát, chung chung về mọi thứ. 

Xụất phát từ đó Comte chủ trương “con đường thứ ba”, vượt qua cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm trong triết học, bác bỏ luôn cả vấn đề cơ bản của triết học, vốn được đặt ra suốt nhiều thế kỷ qua, gắn các vấn đề của triết học với các vấn đề cụ thể của khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm. Comte là người khởi xướng chủ nghĩa thực chứng (Positivisme, Positivism), biểu hiện đầu tiên của khuynh hướng khoa học, hay duy lý hiện đại. Ngoài chủ nghĩa thực chứng với lịch sử phát triển khá bề thế (chủ nghĩa thực chứng “cổ điển”, chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, chủ nghĩa thực chứng -mới, chủ nghĩa hậu-thực chứng…) vào thế kỷ XX còn có chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism), chủ nghĩa cấu trúc (Structuralism), chủ nghĩa duy khoa học (Scientism)… Chủ nghĩa thực chứng cũng thể hiện “tiếng gào thét” cải tổ triết học, làm gần các vấn đề triết học với các vấn đề của khoa học chuyên biệt, kêu gọi các nhà triết học tự biến thành các chuyên gia thực sự trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Nhưng chủ nghĩa thực chứng chẳng qua chỉ là sự phản ánh quá trình chuyển hướng triết học cho phù hợp với đòi hỏi của trật tự xã hội phương Tây sau thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản. Giờ đây mối quan tâm không phải là cách mạng xã hội, mà là cách mạng tri thức, là tìm kiếm phương pháp thích hợp để làm lành mạnh hóa môi trường xã hội. Do đ1o xét ở bình diện xã hội “con đường thứ ba” có nghĩa là: không chấp nhận cách mạng lẫn “phản cách mạng”, vì cách mạng chủ trương phát triển không cần đến trật tự, còn “phản cách mạng” lại chú trọng đến trật tự không cần phát triển. Mệnh đề chung cuộc là “phát triển trong ổn định,, tiến bộ trong trật tự”. Nói khác đi, tính chất “cổ điển” được thay bằng tính chất biện hộ.

 Cùng với hai khuynh hướng chủ đạo vừa nêu, từ những năm 70 của thế kỷ XIX đã hình thành các tư tưởng triết học tôn giáo, rất gần với khuynh hướng phi duy lý (đôi khi người ta gộp chung lại, gọi là khuynh hướng phi duy lý - tôn giáo), bắt đầu là chủ nghĩa Thomas mới (Neo-thomism, Néo-thomisme), do tòa thánh Vatican bảo trợ - một sự cách tân chủ nghĩa kinh viện trung cổ trong điều kiện mới, chủ trương dung hòa tri thức và đức tin. Một trong những học thuyết triết học tôn giáo nổi bật của thế kỷ XX là Chủ nghĩa duy linh-nhân vị (Spiritualism-Personnalism), triết học tôn giáo của T. de Chardin, N. Buber, N. Berdiaev, P. Tillich …

Nhưng triết học phương Tây hiện đại không chỉ có chừng ấy khuynh hướng, học thuyết. Càng gần với chúng ta càng xuất hiện thêm nhiều các tư tưởng mới. Có những trào lưu tư tưởng đứng ở lằn ranh giữa triết học và xã hội học, hay triết học và chính trị học, triết học và văn hóa học…. Có những khuynh hướng dung nạp nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau, như tương lai học chẳng hạn. Những người được gọi là nhà tương lai học xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, quan tâm đến các vấn đề khác nhau, song mạnh nhất là những vấn đề liên quan đến chính trị - xã hội. Có những khuynh hướng triết học - lich sử khá phức tạp như Mác học (Marxology), các học thuyết kỹ trị (Technocracy), trường phái Frankfurt … Ở lĩnh vực này từ cuối thế kỷ XIX trở đi xuất hiện nhiều tên tuổi lớn như E. Durkheim, M. Weber, O. Spengler, A. Toynbee v. v. . Mấy năm gần đây trong triết học phương Tây hình thành những khuynh hướng mà trước đây đã có, cần được cải biến, điều chỉnh, hoặc trước đây chưa được đặt ra như một điểm nóng của tranh luận triết học, chẳng hạn Chủ nghĩa hậu hiện đại (Post-modernism), Chủ nghĩa hiện sinh-mới, chủ nghĩa thực dụng-mới, hay những triết thuyết bám sát vào các vấn đề toàn cầu gay gắt: sinh thái, môi trường, hậu quả xã hội của tiến bộ khoa học - công nghệ, vấn đề chiến tranh, hòa bình …Cùng với sự cần thiết kết hợp triết học với các lĩnh vực tri thức khác nhau trong việc giải quỵết hàng loạt vấn đề liên quan đến đời sống xã hội tại các nước phương Tây, và cả nhân loại nữa, tao nên tính đa ngành, tính liên thông, thái độ đối với truyền thống cũng thể hiện khá rõ trong sinh hoạt học thuật. Một số chủ trương trở về cội nguồn, số khác tuyên bố đốt cháy chiếc cầu nối với quá khứ. Trong triết học phương Tây diễn ra sự đối đầu giữa “những nhà nhân văn tổng thể”, xem nhẹ vai trò dẫn dắt của tiến bộ khoa học - công nghệ, và “những nhà kỹ trị tổng thể”, xem các thành quả của khoa học - công nghệ là phương thuốc vạn năng, chữa lành mọi vết thương xã hội. Những nhà nhân văn thuộc dạng trên tuyên bố đoạn tuyệt với khoa học - công nghệ, còn những nhà kỹ trị thì quảng cáo mình là đại diện của triết học hữu dụng, đúng nghĩa. Đội ngũ các nhà triết học khoa học khá phân hóa; một số gần với chủ nghĩa thực chứng(I. Lakatos, T. Kuhn ), một số khác - chủ nghĩa duy vật khoa học tự nhiên (M. Bunge), số khác nữa - chủ nghĩa duy tâm duy khoa học đặc trưng (F. Gonsethe), hay thiên tả, bám sát vào các luận điểm mácxít về liên minh triết học - khoa học tự nhiên. Các nhà triết học phương Tây hiện đại là những người chuyên nghiệp, xét theo cách hiểu của họ về đối tượng triết học. Có những nhà triết học chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình; điều này giúp họ có được thế mạnh xét theo từng khuynh hướng riêng. Tuy nhiên, một mặt, tính chuyên nghiệp đôi khi gây ra tình trạng mất phương hướng, do thiếu một hệ chuẩn dẫn đường. Mặt khác, cuộc sống đặt ra quá nhiều vấn đề vượt khỏi khuôn khổ của những nghiên cứu mang tính cục bộ, do đó để các vấn đề triết học thực sự trở thành vấn đề của công chúng đòi hỏi những phương pháp và phương tiện phổ biến tri thức triết học khác với truyền thống cổ điển. Chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng, và cả chủ nghĩa Freud nữa, đi theo hướng này.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?