Nền dân chủ chủ nô và sự tác động của nó đến sinh hoạt tinh thần của xã hội

Nền dân chủ chủ nô của Hy Lạp chính thức được khẳng định và phát triển rực rỡ vào nửa sau thế kỷ V TCN, nhưng những cải cách dân chủ đã được bắt đầu ngay từ đầu thế kỷ VI TCN, gắn liền với tên tuổi của Sôlon. Trong nền dân chủ chủ nô tại Aten quyền lực tối cao thuộc về Hội nghị công dân (ekklèsia), tương tự như Nghị viện hoặc Quốc hội ngày nay. Người Hy Lạp gọi kiểu nhà nước đó là Dân chủ (Demokratia, sự kết hợp và giản lược từ “dèmos” - nhân dân, kratos - quyền lực, tức quyền lực của nhân dân). Nền dân chủ Aten được coi là hình thức cai trị ưu việt nhất trong thế giới cổ đại. Pêriclét, nhà lãnh đạo cao nhất của Aten thế kỷ V, tuyên bố:”Chế độ nhà nước của chúng ta không bắt chước những thiết chế xa lạ; chính chúng ta mới là mẫu mực cho người khác noi theo, chứ không ngược lại. Chế độ ta là dân chủ, vì nó được xây dựng không trên thiểu số, mà trên đa số các công dân” (V. I. Kudixin: Lịch sử Hy Lạp cổ đại. Nxb Khoa học, Mátxcơva, 1988, tr. 164, tiếng Nga). Các khái niệm “dân chủ”, “công dân” đều là phát minh của người Hy Lạp. Nền dân chủ đã tạo nên sự khởi sắc trong đời sống kinh tế, văn hóa của xã hội. 


Thế kỷ V TCN Aten là thị quốc giàu có nhất Hy Lạp với một nền sản xuất hàng hóa phát triển, có đội thương thuyền mạnh, làm chủ cả vùng đại dương rộng lớn. Lao động nô lệ được sử dụng như lực lượng sản xuất chủ yếu trong tất cả các ngành. Thế kỷ V - IV TCN là thời kỳ cổ điển của văn hóa Hy Lạp với tính đa dạng, xu hướng nhân bản và tự do, thể hiện trong văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học và các bộ phận cấu thành khác. Trong văn chương thể loại bi kịch, hài kịch, anh hùng ca đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Chủ nghĩa Hy Lạp, biểu tượng cho tinh thần đặc trưng của người Hy Lạp, được các nhà nghiên cứu văn chuơng, lịch sử nhắc đến, chủ yếu dựa trên các thông số này. Người Hy Lạp cũng tạo ra nhiều phát minh có giá trị trong hoạt động khoa học. Thiên văn, toán học, vật lý, y học cổ đại in đậm dấu ấn Hy Lạp. Trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc người Hy Lạp đã xây dựng những công trình mang phong cách Iôríc, Iônic, Côrintien, những tác phẩm điêu khắc về các vị thần, tôn vinh sức mạnh cơ bắp và vẻ đẹp huyền diệu của con người. Các kịch trường Hy Lạp hầu như dành chỗ cho tất cả cư dân thị quốc với sức chứa không dưới chục ngàn người.

Những đột phá của người Hy Lạp trong văn hóa góp phần tạo nên “vòng tròn” (xoắn ốc) đầu tiên, năng động của sự phát triển lịch sử toàn thế giới. Sau này Xixêrôn (Ciceron, Cicero) đã đúc kết thành quả của văn hóa Hy Lạp bằng một từ đầy ý nghĩa - nhân tính (humanitas).

Sau thời kỳ tồn tại và phát triển hưng thịnh, nền dân chủ chủ nô bộc lộ dần những mặt trái của nó. “Một đằng thì người Hy Lạp đã khám phá, hay phát minh ra dân chủ, kịch nghệ, triết lý, nhưng đằng khác họ lại bo bo giữ lấy những nghi lễ, tín ngưỡng cổ hủ và không tránh được nội chiến. Người Aten chuộng tự do mà lại xử tử Xôcrát. Tuy họ đưa ra thuyết “tri bỉ” và thuyết trung dung, thực hiện được những kiến trúc cân đối, hoàn mỹ, và nền giáo dục của họ phát triển toàn diện con người về thể xác cũng như về trí tuệ, họ thường tỏ ra khinh mạn con người…Ngạo mạn đã mang hình phạt tời cho họ” (C. Brinton, J. Christopher, R. Wolff: Văn minh Tây phương, t. 1. người dịch Nguyễn Văn Lượng; tủ sách Kim Văn, Sài Gòn, 1971, tr. 83).

Sự khủng hoảng của nền dân chủ chủ nô xuất phát từ những nguyên nhân bên trong, từ chính bản chất của nó. Đó là hệ thống chính trị hạn chế, chật hẹp và khép kín, chỉ dành cho dân tự do, tức công dân, lúc ấy có khoảng 30 - 40 ngàn người trong số hơn 250 - 300 ngàn người, bằng một phần mười dân số. Bị tước quyền làm người, trong suốt nhiều thế kỷ người nô lệ liên tục nổi lên chống giai cấp chủ nô, dẫn đến sự suy yếu chế độ chiếm hữu nô lệ. Giữa các tầng lớp dân cư tự do cũng nảy sinh mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản, nô lệ, tranh giành quyền lực. Mâu thuẫn tiếp theo là mâu thuẫn giữa người Hy Lạp “chính gốc” và dân nhập cư, kết quả của việc mở rộng lãnh thổ. Cuối cùng, mâu thuẫn giữa các thị quốc đã dẫn đến những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, làm suy yếu thế giới Hy Lạp. Người Hy Lạp đã từng đoàn kết với nhau trong Liên minh Đềlốt (Delos) để đánh đuổi quân xâm lược Ba Tư. 

Nhưng sau chiến thắng giữa các thị quốc nảy sinh những rạn nứt nghiêm trọng, đưa đến sự hình thành hai liên minh - liên minh Aten và liên minh Pêlôpônét (Peloponnes) do Xpáctơ (Sparta) đứng đầu. Năm 431 TCN bắt đầu cuộc chiến tranh giữa hai liên minh. Các năm 430 - 428 nạn dịch giết chết một phần tư dân số Aten, kể cả Pêriclét (Pericles). Năm 411 TCN nền dân chủ bị thay bằng chế độ thiểu số thống trị, nằm trong tay Hội đồng 400. , Năm 404 TCN sau nhiều tháng bị cây hãm Aten tuyên bố đầu hàng. Xpáctơ thay Aten kiểm soát thế giới Hy Lạp. Tại một số thị quốc khác của người Hy Lạp nền dân chủ vẫn tiếp tục được duy trì, song có nơi thì tỏ ra lỏng lẻo, có nơi bị biến thành “trò chơi dân chủ”, mị dân, nhằm phục vụ mục đích của các tập đoàn thống trị. Các nhà tư tưởng lớn của Hy Lạp như Platôn, Arixtốt đều phê phán nền dân chủ, đòi hỏi thay thế nó bằng các hình thức nhà nước khác. Phải đến hai mươi thế kỷ sau nền dân chủ mới được nhắc đến và vận dụng vào đời sống chính trị trong điều kiện lịch sử đã hoàn toàn khác.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?