Một số đánh giá về triết học thực chứng của Comte

Comte là người khai sinh khuynh hướng “khoa học” trong triết học phương Tây hiện đại. Cần phân biệt duy lý cổ điển và duy lý phi cổ điển (khoa học). Hy Lạp là nơi xuất phát của truyền thống duy lý phương Tây. Chủ nghĩa duy lý gắn liền với các khám phá trong “triết học tự nhiên” bắt đầu từ trướng phái Milet. Ngay cả đạo dức học của Xôcơrát (Socrates) cũng được gọi là đạo đức học duy lý, thống nhất tri thức với cái thiện, sự hiểu biết với đức hạnh, quy cái ác về sự dốt nát. Theo Xôcơrát “không ai biết thế nào là tốt mà làm điều ngược lại”. Chủ nghĩa duy lý cũng gắn liền với cách hiểu triết học như hệ thống tri thức phổ quát, bao trùm. Khuynh hướng duy lý phi cổ điển hình thành trong quá trình khủng hoảng của truyền thống cổ điển, đời hỏi những tìm tòi mới nhằm khắc phục siêu hình học, bị xem là mơ hồ, trống rỗng và thiếu tính hiệu quả. Duy lý theo phong cách phi cổ điển không có tham vọng trở thành tri thức phổ quát như hệ thống Descartes, Kant, hay Hegel. Sau Comte, khuynh hướng này thiên về phương pháp và ngôn ngữ, thậm chí quy giản các vấn đề triết học về phương pháp, xem nó là vấn đề cốt lõi của mọi hệ thống triết học, xác định vị trí, vai trò của nó trong nhận thức và hoạt động xã hội. 


Chủ nghĩa thực chứng Comte là chủ nghĩa thực chứng xã hội học, vì ở đó các nguyên tắc thực chứng đều hướng đến xã hội học với tính cách là khoa học thực chứng trung tâm, có chức năng khám phá quy luật của lịch sử và cải tổ đời sống xã hội. Comte là người khởi xướng thuật ngữ “xã hội học”; ông vừa là người khai sinh chủ nghĩa thực chứng, vừa là người đặt nền móng cho xã hội học, vừa là nhà chính trị.

Phê phán truyền thống duy lý cổ điển, Comte dự định xác lập “con đường thứ ba” trong triết học, loại bỏ vấn đề cơ bản của triết học, vốn gắn liền với sự phát triển của triết học ngay từ cổ đại, vượt qua cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm. Tuy nhiên với những gì đã trình bày chủ nghĩa thực chứng chưa thể vượt qua thế giới quan duy tâm (xem xét tiến bộ xã hội qua lăng kính phát triển tri thức thuần túy, ý tưởng về “Nhân đạo giáo” …). Triết học thực chứng tỏ ra thiếu nhất quán và mâu thuẫn.
Tính chất biện hộ chính trị của chủ nghĩa thực chứng Comte thể hiện ở lập luận nước đôi theo kiểu “chống cả cách mạng và phản cách mạng” (cách mạng đòi hỏi tiến bộ không cần trật tự, còn phản cách mạng đòi hỏi trật tự không cần tiến bộ). Phủ nhận cách mạng xã hội, Comte tuyên bố “tiến bộ trong trật tự”, “phát triển trong ổn định”. On định để phát triển là cần thiết, song vấn đề là ở chỗ nên hiểu mệnh đề này như thế nào, trong bối cẢnh nào.

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?