Mấy ý nghĩa của “tồn tại người”, hay “hiện sinh”, để phân biệt với những tồn tại khác

Thứ nhất, hiện sinh là phương thức tồn tại đặc trưng của con người. Chỉ có con người mới hiện sinh, chứ không phải Thượng đế, hòn đá, con bò. Thượng đế đơn giản là tồn tại, chứ không hiện sinh. Hòn đá cũng không “hiện sinh”, cho dù nó thể hiện ra hình hài, nó có tồn tại. Thế giới là hiện thực, chứ không “hiện sinh”. Chỉ có tồn tại người mới là thứ tồn tại nếm trải, âu lo, xao xuyến, buồn chán, khổ đau, suy tư. Con người ý thức được nổi khổ đau của mình, luôn dằn vặt về thân phận mình. Càng né tránh đau khổ bao nhiêu, con người càng xa rời ý nghĩa hiện sinh bấy nhiêu. Heidegger cho rằng“hiện sinh”, xét như tồn tại đặc trưng của con người, là hiện hữu - ý thức, là “Dasein”, phân biệt với “Sein” (tồn tại). 


Thứ hai, hiện sinh là tồn tại - với, là sống - với. Phương thức tồn tại của con người là hiện hữu giữa trời và đất. Theo quan điểm của hiên sinh tôn giáo con người là khâu trung gian giữa thế giới mà nó gia nhập, và cái siêu việt vượt lên trên (Kierkegaard). Nhưng theo quan điểm của hiện sinh vô thần thì chỉ có chủ quan tính con người mới là cái duy nhất (Sartre); “sống - với” ở đây là sống với “tha nhân”. Chính vì thấu hiểu được điều đó mà con người chủ trương “dấn thân”, song quá trình này lại tạo nên những xáo trộn mang tính chất phân đôi của tồn tại. Sự trốn chạy vào cô đơn là hệ quả của của những tác động bất lợi từ môi trường “tha nhân” - đó là hành vi có sau, mang tính phản kháng. 

Thứ ba, hiện sinh là phương thức phi duy lý của tồn tại. Hiện hữu của con người trong thế giới về nguyên tắc không thể nhận thức được thông qua các khái niệm (lý trí), không bị vật hóa. Nếu Hegel sùng bái tư duy, thì Kierkegaard, ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh, sùng bái xúc cảm. Nếu Hegel thiên về phép biện chứng của các khái niệm, thì biện chứng hiện sinh của Kierkegaard là biện chứng của những xung động tâm linh - một cách xác định lại những giá trị nhân bản ở thời đại lãng mạn và bi kịch. 

Thứ tư, hiện sinh là hiện hữu luôn đặt mình trong lựa chọn và giải pháp, bắt đầu bằng việc kích thích chủ quan tính, cái Tôi. Con người vùng vẫy, quẫy đạp, khao khát hướng đến tự do bất chấp những lực lượng cưỡng chế bên ngoài, mặc dù đó là sự vùng vẫy vô vọng. 

Thứ năm, hiện sinh là khả năng đang thể hiện. Hiện hữu của con người là khả năng chủ quan của con người, bộc lộ ra qua hành vi. Mâu thuẫn giữa khả năng dường như vô tận của con người với tính hữu hạn của tồn tại cá nhân góp phần tạo nên tính hai mặt của đời sống - mặt sáng tạo, tich cực và những biểu hiện tiêu cực khó kiểm soát. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?