Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán

Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (Empiriocriticism) do E. Mach (1838 - 1916) và R. Avenarius (1843 - 1896) xác lập với chủ trương xem xét kinh nghiệm một cách có phê phán, kiểm chứng tính chặt chẽ và tính xác thực của kinh nghiệm. Để thanh tẩy kinh nghiệm cần giải thoảt nó khỏi mọi sự khảm nhập siêu hình học. CNKNPP có quan hệ cội nguồn với chủ nghĩa duy tâm chủ quan G. Berkeley, hoài nghi luận kinh nghiệm của D. Hume, yếu tố bất khả tri của I. Kant (qua cách đặt vấn đề về hiện tượng và “vật tự nó”). Theo V. I. Lenin, về mặt triết học CNKNPP là sự phục hồi chủ nghĩa Kant trong điều kiện khủng hoảng thế giới quan của vật lý học. 


Mach là nhà vật lý lừng danh của thời đại mình, nhưng trong lĩnh vực lịch sử triết học và triết học ông chỉ là một kẻ tài tử, cho dù đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa kinh nghiệm thâm nhập vào vật lý học. Chủ nghịa kinh nghiệm phê phán, theo ý tưởng của Mach và Avenarius, là học thuyết phê phán kinh nghiệm. Tuy nhiên không nên nói về sự phủ nhận kinh nghiệm, bởi lẽ các nhà lý luận của CNKNPP cho rằng triết học chân chính của sự phê phán - đó là kiểm chứng tính thuyết phục và tính xác thực của kinh nghiệm. Cũng chớ nên lầm lẫn sự phê phán với bệnh sính phê phán, chỉ nhằm đến sự thủ tiêu, loại bỏ đối thủ để tự nâng mình lên. Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán tiếp tục công việc của Comte không ở sự phân tích lý trí thuần túy, mà ở sự phân tích kinh nghiệm thuần túy.

Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán đặt ra mục tiêu thanh tẩy tri thức khoa học khỏi những tri thức ngoài kinh nghiệm, mà Mach gọi là những tri thức siêu hình. Theo ông, mỗi một khái niệm khoa học cần có một “giấy uỷ nhiệm của kinh nghiệm”, nghĩa là cần phải dựa vào kinh nghiệm. Do đó, để tách tri thức khoa học ra khỏi những yếu tố không khoa học chúng ta cần kiểm chứng tri thức trên nội dung kinh nghiệm của nó. Mà để tiến hành thanh tẩy kinh nghiệm cần phải có bộ lọc, bảng kiểm kê tri thức khoa học, giải thoát nó khỏi siêu hình học.

Đâu là cội nguồn của sự nhiểm bẩn kinh nghiệm? Avenarius trả lời: ở Introjection (tạm dịch: đầu nhập tác dụng, khảm nhập). Introjection - đó là sự sai lầm siêu hình học theo cách hiểu của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, là “đặt kinh nghiệm vào thực thể”, biến cảm giác thành thuộc tính của một thực thể nào đó. So sánh: hình thức duy vật của khảm nhập - cảm giác là thuộc tính của vật chất có tổ chức cao đặc biệt; hình thức duy tâm của khảm nhập - đặt cảm giác vào linh hồn. Như vậy, theo Avenarius, khảm nhập là sự sai lầm căn bả, thâm nhập vào khoa học, bất chấp nó là duy vật hay duy tâm. Để thanh tẩy kinh nghiệm, chúng ta cần giải thoát nó khỏi khảm nhập. Kinh nghiệm cần được xem xét tự thân - không gắn nó với bất kỳ thực thể nào, vật chất hay linh hồn. Chúng ta cần kinh nghiệm thuần túy, nghĩa là kinh nghiệm không có substrat (thể cốt, thể nền). Avenarius cho rằng kinh nghiệm mang tính trung lập (trung hòa), không nên xem nó là mang tính vật chất hay tinh thần. Kinh nghiệm là cái xuất phát từ cảm giác, thậm chí là chính cảm giác. Chúng ta tư duy về những cảm giác nói chung, tư duy về chúng đơn giản như chúng vẫn tồn tại. Cảm giác mang tính trung lập, vì đó không phải là những cảm giác của tôi, mà là, xét chung nhất, là cảm giác chung, “đơn giản là các cảm giác”. Sự khác nhau giữa tâm lý và vật lý nằm ở mối liên hệ chức năng của các yếu tố của thế giới.

Như vậy triết học Avenarius toan tính chiếm vị thế trung lập, vượt lên trên chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm: thế giới là thế giới kinh nghiệm, cái mang tính trung lập, đằng sau nó không có gì cả, không vật chất, không tinh thần. Chúng ta hãy thử hỏi: chẳng lẽ kinh nghiệm, cảm giác là trung lập ư? Không, quan điểm đó phản ánh lập trường của chủ nghĩa hiện tượng (phenomenalism). Những người theo chủ nghĩa hiện tượng vạch ra sự khác nhau không phải giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài, mà chỉ giữa cảm giác bên trong và cảm giác bên ngoài. Tuy nhiên, theo họ, sự khác nhau này không mang tính bản chất, mà mang tính chức năng, nghĩa là cùng một yếu tố (cảm giác) có thể vừa là hiện thực vật lý, vừa là hiện thực tâm lý. Hiện thực vật lý - đó là tổng thể các yếu tố của thế giới, được xem xét ở bên ngoài mối quan hệ với con người, không lệ thuộc vào con người. Hiện thực tâm lý - cũng vẫn những yếu tố đó, nhưng được xem xét trong mối quan hệ của con người với chúng. Tóm lại, sự khác nhau giữa vật lý và tâm lý mang tính thứ hai so với kinh nghiệm trung lập. Sự khác nhau này phụ thuộc vào cách tiếp cận, vào quan hệ, vào tình thái, vào sự xếp đặt…Thực chất của chủ nghĩa nhất nguyên trung lập “sự khác nhau giữa vật lý và tâm lý” chỉ ở cách xếp đặt. Có nghĩa là, chẳng hạn, hòn đá không phải là vật chất khác với linh hồn, nhưng ở hpương diện này nó là nó, ở phương diện khác nó là cái khác. Quan điểm đó mang tính chất duy tâm đã được nguỵ trang, mặc dù ở đây không có những kết luận duy tâm trực tiếp.

Khách quan hoá cảm giác, đó là chủ nghĩa duy tâm, nhưng ẩn giấu dưới vỏ bọc của sự phê phán chủ nghĩa duy tâm truyền thống. Xét các tiền đề thế giới quan và phương pháp luận hình thức thứ hai của chủ nghĩa thực chứng khác với hình thức đầu tiên ở chỗ, chủ nghĩa thực chứng xã hội học trong nhận thức luận đã được hiệu chỉnh sang nhị nguyên luận của Kant; chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán được xác lập trên chủ nghĩa nhất nguyên kinh nghiệm. Sự thay thế nhị nguyên thành nhất nguyên của các cảm giác là đặc trưng của chủ nghĩa thực chứng thời kỳ thứ hai. Sự định hướng lại này có nghĩa là chuyển từ cơ sở triết học Kant sang Hume. Hume trở thành người kế tục Berkeley, quan điểm của Hume là sự phục hồi nguyên tắc “tồn tại nghĩa là được tri giác” của Berkeley.

Sự khác nhau cơ bản giữa triết học của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và triết học của Berkeley: chủ nghĩa duy tâm Berkeley là chủ nghĩa duy tâm của triết học tôn giáo, còn chủ nghĩa duy tâm Mach là chủ nghĩa duy tâm mong muốn tánh khỏi sự Ảnh hưởng của tôn giáo. Hume tạo nên khau trung gian giữa Berkeley và Mach.

Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán đưa ra quan điểm sự phối hợp có tính nguyên tắc trong mối liên hệ giữa ý thức và môi trường. Theo Avenarius, trong sự phối hợp ấy ý thức đóng vai trò là thành viên trung tâm, còn môi trường đóng vai trò phụ thuộc. , nghĩa là môi trường tồn tại chỉ xét theo mối quan hệ với ý thức - một kết luận của hiện tượng luận duy tâm. Ở Avenarius môi trường bị hoà tan vào ý thức, kinh nghiệm thuần túy đồng nhất với cảm giác, cái chủ quan được khách quan hóa và cái khách quan được chủ quan hóa. Kết quả của sự tâm lý hoá nhận thức là chân lý khách quan mất hết ý nghĩa. Tâm lý không thể thay thế cho nhận thức. Sự tâm lý hóa nhận thức dẫn đến chỗ đánh đồng tiêu chuẩn chân lý thành cảm giác chân lý.

Như vậy là có ba thời kỳ phát triển của chủ nghĩa thực chứng, mà mỗi thời kỳ đều có cơ sở của mình: 1) cơ sở nhị nguyên của Kant; 2) cơ sở nhất nguyên của Hume; 3) cơ sở ngôn ngữ.

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?