Bối cảnh lịch sử ra đời của triết học phương Tây hiện đại

Thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản đưa đến sự thay đổi căn bản địa vị chính trị của giai cấp tư sản và hình thành hệ thống xã hội tư sản tại nhiều nước Tây Au. Về kinh tế, lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng dưới tác động của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thời kỳ cạnh tranh tự do, phá vỡ những thành lũy cuối cùng còn sót lại của quan hệ đẳng cấp và đặc quyền phong kiến, đơn giản hóa các quan hệ xã hội. Cá nhân hình thành và được rèn giũa trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đã chứng tỏ tính độc đáo, tính không lặp lại của mình, song cũng đứng trước những thách thức thường xuyên của quy luật đào thải không thương tiếc. Trở thành lực lượng thống trị, giai cấp tư sản không cần đến cách mạng xã hội nữa, mà tập trung vào các cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật, với mục tiêu cải thiện cuộc sống, biến đổi tự nhiên, và củng cố địa vị của mình. Tính cách mạng được thay bằng tính biện hộ. Hệ thống giá trị văn hóa và đạo đức cũng chuyển đổi cho phù hợp với những đòi hỏi của thời đại mới, trong đó nhấn mạnh đến tính năng động, sáng tạo, kể cả những biểu hiện “lệch chuẩn”, phá cách, dám nghĩ dám làm, tính hiệu quả. Bên cạnh đó điều kiện xã hội cũng góp phần hình thành chủ nghĩa vị kỷ và óc thực dụng trong một bộ phận công dân. Tính hai mặt của đời sống ngày càng bộc lộ rõ nét, kéo theo sự đổ vỡ hàng loạt chuẩn mực và giá trị truyền thống. Chủ nghĩa tư bản thời kỳ cạnh tranh tự do, hay thời kỳ “hoang dã”, nắc thang thấp của nó, đẩy con người đến những tâm trạng và những phản ứng khác nhau, từ đó hình thành những hệ quy chiếu và những tính quy định khác nhau trong sáng tạo tinh thần. Các nhà lý luận của xã hội tư sản đã nắm bắt kịp thời những tâm trạng và phản ứng đó, chẳng hạn tâm trạng bị bỏ rơi, cảm giác về sự bất lực của khoa học, sự cằn cỗi của linh hồn, hay mâu thuẫn giữa văn minh vật chất và sự suy thoái trong đạo đức, lối sống, nhu cầu khám phá, khai thác những vùng đất mới, để xác lập các khuynh hướng chủ đạo trong triết học phi cổ điển.

Thực ra sự ra đời phong cách tư duy phi cổ điển, nghĩa là xem xét lại và vượt qua các vấn đề truyền thống, cổ điển, còn xuất phát từ chính lôgíc nội tại của sự vận động ý thức, tinh thần. Theo những người sáng lập phong cách tư duy này, sự tự phủ định của ý thức có mục đích là khắc phục tính chất khuôn mẫu, chuẩn mực đơn giản, mở ra những hướng nghiên cứu mới, làm gần các vấn đề triết học với các vấn đề của nhận thức và hoạt động thực tiễn đang ngày càng trở nên phức tạp, với những biến thái mới, những tính quy định mới, những hiện tượng mới mà trước đó, trong thời kỳ cổ điển, chưa từng biết đến. Những khái niệm phổ quát, những chủ đề chung chung không thể đáp ứng những đòi hỏi của xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là tham vọng về một thứ triết học phổ quát, vạn năng, có thể đưa ra lời giải đáp chân lý đối với bất kỳ câu hỏi nào, khó được chấp nhận trong điều kiện lịch sử mới. Điều này giải thích tính đa dạng của các khuynh hướng và trường phái triết học phương Tây từ những năm 40 của thế kỷ XIX đến nay.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?