Dương Quốc Quân - Về sự tương quan giữa các cặp phạm trù cơ bản của Phép biện chứng duy vật

 TS. Dương Quốc Quân (*)

Trong triết học Mác – Lênin, các cặp phạm trù đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng được xem là các quy luật không cơ bản. Và cùng với các qui luật cơ bản tạo nên bức tranh tổng quát về các mối liên hệ trong thế giới khách quan. Các cặp phạm trù này không chỉ có ý nghĩa bản thể luận mà còn có ý nghĩa phương pháp luận to lớn đối với hoạt động của con người. Chính vì vậy, triết học Mác – Lênin coi các cặp phạm trù là một nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật (PBCDV). Và là một nội dung cơ bản của PBCDV, nên nó là phần kiến thức không thể thiếu trong bất kỳ giáo trình triết học Mác – Lênin nào, phục vụ cho đối tượng đào tạo nào. Trong giáo trình Những NLCB của CN M-LN (dành cho sinh viên đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai giảng dạy hiện nay, phần kiến thức này được trình bày từ trang 76 đến đầu trang 88 [1]. So với các giáo trình được giảng dạy trước đó, phần kiến thức này hiện nay chỉ được trình bày bó gọn trong hơn 11 trang sách. Vì nội dung cắt tỉa, rút gọn đến mức tối đa nên nó trở nên khó dạy đối với người giảng và đặc biệt là khó tiếp thu đối với người học. Theo chúng tôi, khi giảng dạy các cặp phạm trù này, giảng viên cần phải phân tích, trình bày bổ sung thêm kiến thức để làm rõ nội hàm của mỗi phạm trù và mối quan hệ biện chứng giữa chúng; tiếp đó cần tiến tới sự đối chiếu, so sánh giữa các cặp phạm trù với nhau trong tổng thể các cặp phạm trù của PBCDV. Do khuôn khổ của bài tham luận cho phép, nên ở đây, tôi chỉ bước đầu phác họa sự tương quan giữa các cặp phạm trù cơ bản của PBCDV, với hy vọng rằng, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc hiểu và nắm vững thấu đáo mối quan hệ biện chứng của mỗi cặp phạm trù mà còn thấy được vị trí, vai trò, sự tương đồng và khác biệt của từng phạm trù, từng cặp phạm trù trong tổng thể các cặp phạm trù cơ bản của PBCDV. Trước hết, chúng ta cần thống nhất cách hiểu về phạm trù triết học và bản chất của nó.

1. Phạm trù và phạm trù triết học
 Phạm trù là những khái niệm rộng nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật thuộc một lĩnh vực nhất định.

 Mỗi môn khoa học có một hệ thống các phạm trù của riêng mình phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến thuộc phạm vi khoa học đó nghiên cứu. Chẳng hạn, trong kinh tế học có các phạm trù: hàng hoá, giá trị…; vật lý học có các phạm trù năng lượng, khối lượng…; sinh học có các phạm trù biến dị, di truyền…; đạo đức học có các phạm trù lương tâm, thiện ác…; mỹ học có các phạm trù như cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả…

Khác với các phạm trù của các khoa học cụ thể, các phạm trù của phép biện chứng duy vật (phạm trù triết học) như vật chất, ý thức, mâu thuẫn, nguyên nhân, kết quả, tất nhiên, ngẫu nhiên, khả năng, hiện thực… là những khái niệm chung nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến nhất không phải chỉ của một lĩnh vực nhất định nào đấy của hiện thực, mà của toàn bộ thế giới hiện thực, bao gồm cả tự nhiên, xã hội và tư duy. Chẳng hạn, bất cứ sự vật hiện tượng nào, dù là do sinh học, kinh tế học hay do một bộ môn khoa học nào khác nghiên cứu, cũng đều có nguyên nhân xuất hiện của mình, đều ở trong trạng thái vận động, phát triển, đều là sự thống nhất của cái chung và cái riêng, đều có nội dung và hình thức, số lượng và chất lượng, đều xuất hiện một cách tất nhiên hay ngẫu nhiên, đều chứa khả năng phát triển thành cái khác v.v..., nghĩa là đều có những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ được phản ánh trong các phạm trù của PBCDV. Chính vì vậy, việc nắm vững mối quan hệ qua lại biện chứng của các phạm trù này, nhờ đó, có thể vận dụng chúng một cách tự giác trong hoạt động của mình trở thành cái cần thiết cho tất cả mọi người, dù người đó đang tiến hành công việc trong bất cứ lĩnh vực nào.

2. Bản chất của phạm trù triết học
Lý luận về phạm trù đã có từ thời cổ đại, nhưng các trường phái triết học khác nhau đã giải đáp vấn đề bản chất của phạm trù theo những cách khác nhau:

- Phái Duy thực cho rằng, bản chất của phạm trù là ý niệm, tồn tại bên ngoài và độc lập với ý thức con người.

- Phái Duy danh cho rằng, phạm trù chỉ là những từ trống rỗng, do con người tưởng tượng ra, không biểu hiện cái gì của hiện thực.

- Cantơ (1724-1804) và những người thuộc phái của ông lại coi phạm trù chỉ là những hình thức tư duy vốn có của con người, có trước kinh nghiệm, không phụ thuộc vào kinh nghiệm, được lý trí của con người đưa vào giới tự nhiên.

- Khác biệt với các quan điểm trên, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng:
+ Các phạm trù đều mang tính khách quan.
 Tính khách quan của phạm trù không phải ở chỗ nó có trước thế giới vật chất, sinh ra thế giới vật chất như chủ nghĩa duy tâm khách quan quan niệm. Phạm trù cũng không phải là cái tiên nghiệm, có sẵn ở các giác quan con người hay ở trong bộ óc con người từ khi con người được sinh ra. Phạm trù là kết quả của quá trình nhận thức của con người, được hình thành trong quá trình hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Mỗi phạm trù xuất hiện đều là kết quả của quá trình nhận thức trước đó, đồng thời lại là bậc thang cho quá trình nhận thức tiếp theo của con người để tiến gần đến nhận thức đầy đủ hơn bản chất của sự vật.

Tính khách quan của các phạm trù thể hiện ở chỗ, nội dung của nó phản ánh hiện thực khách quan. Phạm trù cũng như khái niệm là một hình thức của tư duy trừu tượng nên có sự lầm tưởng phạm trù chỉ là sản phẩm thuần tuý của tư duy, nhưng thực tế nó cũng như ý thức nói chung chỉ là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Sự hình thành các phạm trù được thực hiện bằng con đường khái quát hoá, trừa tượng hoá những thuộc tính, những mối liên hệ vốn có bên trong của bản thân sự vật. Vì vậy, nội dung của nó mang tính khách quan, bị thế giới khách quan qui định, mặc dù hình thức thể hiện của nó là chủ quan. Như vậy, phạm trù không phải là những từ trống rỗng, không biểu hiện một cái gì cả như những người duy danh khẳng định.

+ Phạm trù mang tính biện chứng
 Phạm trù luôn vận động và phát triển vì thế giới khách quan (nội dung phản ánh của phạm trù) luôn vận động và biến đổi, mặt khác, khả năng nhận thức của con người cũng thay đổi ở mỗi giai đoạn lịch sử. Do vậy, các phạm trù phản ánh thế giới khách quan cũng vận động và phát triển không ngừng. Từ thời cổ đại, Aristốt (384-322 TCN), nhà triết học Hy Lạp nêu ra hệ thống 10 phạm trù [2]. Cantơ nhà triết học cổ điển Đức đưa ra một hệ thống gồm 12 phạm trù [3]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kế thừa và đổi mới nội hàm của nhiều phạm trù đạo đức phong kiến thành những phạm trù của đạo đức cách mạng. Trong triết học Hêghen, có nhiều cặp phạm trù mà sau này được triết học Mác kế thừa và cải tạo. Ngày nay, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học nên các phạm trù của các khoa học ngày càng được bổ sung thêm.

+ Các phạm trù thường mang tính cặp đôi, nghĩa là mỗi phạm trù thường có phạm trù đối lập với nó. Chẳng hạn đối lập với phạm trù “vật chất” có phạm trù “ý thức”, đối lập với phạm trù “tồn tại” là phạm trù “hư vô”, đối lập với “thiện” là “ác”…

3. Sự tương quan giữa các cặp phạm trù cơ bản của PBCDV
a. Sự tương quan giữa phạm trù với phạm trù
Các phạm trù có mối quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau. Xem xét các phạm trù cái chung, bản chất, tất nhiên, nguyên nhân...chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

- Cái chung với cái bản chất:
Cái chung có thể phân thành cái phổ biến và cái đặc thù. Cái phổ biến là cái chung của tất cả các sự vật, hiện tượng trong một lĩnh vực mà ta nghiên cứu. Cái đặc thù là cái chung của một sự vật hoặc của nhóm sự vật trong lĩnh vực nói trên. Tuy nhiên, cái chung còn được phân thành cái chung căn bản và cái chung không căn bản. Cái chung căn bản là cái chung thuộc về bản chất của sự vật. Cái chung không căn bản là những cái chung nằm ngoài bản chất. Cái chung căn bản chi phối sự vận động và phát triển của sự vật, còn cái chung không căn bản ảnh hưởng ít hoặc nhiều đến sự vận động và phát triển của sự vật. Đối với mỗi con người, cái chung căn bản thường là cái chung về lợi ích đặc biệt là lợi ích vật chất; những cái chung về hình dáng bề ngoài, màu tóc, màu da…, thường là những cái chung không căn bản.

Như vậy, phạm trù cái chung có mối tương quan với phạm trù bản chất, trong đó phạm trù bản chất luôn gắn liền với phạm trù cái chung, nhưng không đồng nhất với cái chung. Cái tạo nên bản chất của một lớp sự vật nhất định cũng đồng thời là cái chung vốn có của các sự vật đó. Tuy nhiên, không phải cái chung nào cũng là cái bản chất vì bản chất chỉ là cái chung tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển sự vật.

Ví dụ: Bản chất của con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Điều đó đúng cho mọi người, không trừ một ai. Như vậy, ở đây cái bản chất đồng thời cũng là cái chung. Tuy nhiên không phải cái chung nào cũng là cái bản chất. Là một con người ai cũng có đầu, mình, chân, tay đó là thuộc tính chung của mọi người, nhưng không tạo nên bản chất người.

- Tất nhiên, ngẫu nhiên với cái chung:
Cái tất nhiên là cái chung, nhưng không phải mọi cái chung đều là cái tất nhiên. Có cái chung là ngẫu nhiên.

Nếu cái chung được quyết định bởi bản chất nội tại, bởi qui luật bên trong của sự vật, khi đó cái chung gắn liền với cái tất nhiên, là hình thức thể hiện của cái tất nhiên. Nếu cái chung không được quyết định bởi bản chất nội tại, mà chỉ là những thuộc tính được lặp đi lặp lại ở nhiều sự vật riêng lẻ, khi đó cái chung là hình thức thể hiện của cái ngẫu nhiên.

Ví dụ: thuộc tính “biết chế tạo công cụ lao động và có ngôn ngữ” là cái chung của con người. Cái chung này đồng thời cũng là cái tất nhiên, vì nó được nảy sinh do tác động của bản thân qui luật nội tại của quá trình hình thành con người. Nhưng có cái chung là ngẫu nhiên.

Ví dụ: trong cuộc thi tuyển nghiên cứu sinh vào Học viện Tài chính năm 2013, những người đạt loại giỏi đều là những người có chiều cao 1, 6 m. Đây là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên và cái chung ở đây là ngẫu nhiên. Chẳng hạn, mọi người sinh ra đều có nhu cầu ăn mặc, ở, đi lại, học tập. Đây là những nhu cầu liên quan đến sự tồn tại của con người. Do vậy, đây là cái chung tất nhiên. Nhưng sự giống nhau về sở thích ăn, mặc,...không phải là cái liên quan đến sự sống còn của con người mà do ý muốn chủ quan của mỗi người quyết định, do vậy đây là cái chung ngẫu nhiên. Điều đó chứng tỏ rằng không phải cái chung nào cũng là tất nhiên.

- Tất nhiên, ngẫu nhiên với nguyên nhân:
Không phải chỉ có cái tất nhiên mới có nguyên nhân, mà cả ngẫu nhiên và tất nhiên đều có nguyên nhân. Có người cho rằng chỉ có cái tất nhiên là có nguyên nhân, còn cái ngẫu nhiên thì không có nguyên nhân. Điều đó không đúng. Bởi vì, bất kỳ hiện tượng nào cũng có nguyên nhân. Do đó, cả cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên đều có nguyên nhân. Sự khác nhau ở chúng chỉ là ở chỗ cái tất nhiên gắn liền với nguyên nhân chủ yếu, bên trong của sự vật; còn cái ngẫu nhiên là kết quả tác động của một số nguyên nhân bên ngoài. Ví dụ: sự bài tiết của con chim là tất nhiên, phân do chim bài tiết ra rơi xuống chỗ này, chỗ khác là ngẫu nhiên. Hoặc, khi một chiếc ôtô nặng hàng chục tấn đè trúng đầu anh A thì anh A nhất định phải chết. Đó là điều tất nhiên. Nhưng sở dĩ việc anh A bị chết vì tai nạn ấy lại được ta coi là điều ngẫu nhiên vì sự va chạm giữa anh A và ôtô không phải là điều bắt buộc: ôtô có thể đè phải anh A, cũng có thể không. Như vậy, bất kỳ hiện tượng ngẫu nhiên nào cũng có nguyên nhân của nó và mối liên hệ của nó với nguyên nhân bao giờ cũng là tất yếu. Nhưng sở dĩ nó được coi là hiện tượng ngẫu nhiên là vì những nguyên nhân gây ra nó là những nguyên nhân ngẫu nhiên, bên ngoài.

- Khả năng, hiện thực với phạm trù vật chất, ngẫu nhiên:
Hiện thực trong tương quan với hiện thực khách quan và vật chất.

Hiện thực là phạm trù chỉ cái hiện có, hiện đang tồn tại thực sự. Do đó, cần phân biệt khái niệm hiện thực với khái niệm hiện thực khách quan. Hiện thực khách quan là khái niệm chỉ các sự vật, vật chất tồn tại độc lập với ý thức của con người. Còn hiện thực bao gồm cả những sự vật, hiện tượng vật chất đang tồn tại một cách khách quan trong thực tế và cả những gì đang tồn tại một cách chủ quan trong ý thức của con người.

Nhưng như vậy, phải chăng phạm trù hiện thực rộng hơn phạm trù vật chất? Ở đây không có mối quan hệ rộng hẹp đó vì các cặp phạm trù vật chất và ý thức, hiện thực và khả năng phản ánh những mặt khác nhau của thế giới mà trong đó chúng ta đang sống. Cặp phạm trù vật chất và ý thức được dùng để phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa những gì đang tồn tại một cách khách quan (vật chất) với những gì đang tồn tại một cách chủ quan (ý thức), còn cặp phạm trù hiện thực và khả năng được dùng để phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa những gì hiện có, hiện đang tồn tại thực sự (hiện thực) với những gì hiện chưa có, nhưng sẽ có, sẽ tới khi có các điều kiện tương ứng (khả năng).
Khả năng trong tương quan với hiện thực và tiền đề.

Khả năng là phạm trù chỉ những cái hiện chưa có, chưa tới, nhưng sẽ có, sẽ tới khi có điều kiện tương ứng. Khả năng là “cái hiện chưa có”, nhưng bản thân khả năng có tồn tại không? Có, song đó là một sự tồn tại đặc biệt! Tức là sự vật được nói tới trong khả năng chưa tồn tại, nhưng bản thân khả năng để xuất hiện sự vật đó thì tồn tại. Ví dụ: Trước mắt ta đã có đầy đủ vôi, gạch, ngói, ximăng, sắt thép, v.v... Đó là hiện thực. Từ hiện thực ấy nảy sinh khả năng xuất hiện cái nhà. Cái nhà trong trường hợp này chưa có, chưa tồn tại, nhưng bản thân khả năng xuất hiện cái nhà thì tồn tại thật. Dấu hiệu căn bản để phân biệt khả năng với hiện thực là ở chỗ: khả năng là cái hiện chưa có, chưa tới, còn hiện thực là cái hiện đã có, đã tới.

Cần phân biệt khả năng với tiền đề, hoặc điều kiện của một sự vật nào đó. Tiền đề hay điều kiện của một sự vật nào đó đều là những cái hiện đang tồn tại thật sự, là những yếu tố hiện thực trên cơ sở đó xuất hiện cái mới. Còn khả năng không phải là bản thân các tiền đề, điều kiện của cái mới mà là cái mới đang ở dạng tiềm thế, chỉ trong tương lai với những điều kiện thích hợp nó mới tồn tại thực.
Khả năng cũng không đồng nhất với cái ngẫu nhiên.

Tuy rất gần nhau nhưng khả năng và ngẫu nhiên vẫn là những phạm trù khác nhau. Sự khác nhau ấy thể hiện ở mấy điểm sau: khả năng là cái hiện chưa có nhưng sẽ có, sẽ tới, sẽ xảy ra khi có điều kiện tương ứng, còn cái ngẫu nhiên là cái có thể xảy ra, có thể không xảy ra, có thể xảy ra như thế này, cũng có thể xảy ra như thế khác; khi có điều kiện tương ứng, khả năng dứt khoát sẽ xảy ra, nghĩa là khả năng dứt khoát sẽ biến thành hiện thực, trong khi đó, khi có điều kiện tương ứng, cái ngẫu nhiên có thể xảy ra, cũng có thể không xảy ra; khả năng là cái chỉ được thực hiện, nghĩa là chỉ biến thành hiện thực trong tương lai, trong khi đó, ngẫu nhiên là cái được thực hiện, nghĩa là xảy ra, không chỉ trong tương lai, mà cả trong hiện tại; khả năng là kết quả phát triển của một chuỗi nhân quả trực tiếp, trong khi đó, ngẫu nhiên là kết quả ngẫu hợp của nhiều chuỗi nhân quả có các hướng đi khác nhau. Do đó, chúng ta không được đồng nhất khả năng và ngẫu nhiên.

Khả năng cũng khác với phạm trù xác suất. Xác suất là đặc trưng về số mức độ thực hiện những sự biến có thể có. Nó được biểu thị bằng tỷ số giữa số khả năng đã được thực hiện với tổng số khả năng tồn tại ở trạng thái mà ta cần xác định xác xuất [4].

b. Sự tương quan giữa phạm trù với qui luật
- Tất nhiên, ngẫu nhiên với qui luật:
Tất nhiên và ngẫu nhiên đều có qui luật, nhưng qui luật qui định sự xuất hiện cái tất nhiên khác với qui luật qui định sự xuất hiện cái ngẫu nhiên. Sẽ là sai lầm khi cho rằng chỉ có cái tất nhiên là tuân theo qui luật, còn cái ngẫu nhiên là không tuân theo qui luật. Thực ra cả cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên đều tuân theo qui luật. Sự khác nhau ở chúng là ở chỗ cái tất nhiên tuân theo một loại qui luật được gọi là qui luật động lực, còn cái ngẫu nhiên tuân theo một loại qui luật khác gọi là các qui luật thống kê.

Quy luật động lực là qui luật mà trong đó mối quan hệ qua lại giữa nguyên nhân và kết quả là mối quan hệ đơn trị, nghĩa là ứng với một nguyên nhân chỉ có một kết quả xác định. Vì vậy, nếu biết trạng thái ban đầu của một hệ thống nào đó, chúng ta có thể tiên đoán chính xác trạng thái tương lai của nó. Ví dụ, nếu biết tốc độ chuyển động và vị trí của vệ tinh nhân tạo ở thời điểm t1, ta có thể xác định được chính xác tốc độ chuyển động và vị trí của nó ở thời điểm t2, trong đó t2 lớn hơn t1, dựa theo qui luật của cơ học Niutơn. Các định luật Niutơn chính là một thí dụ cụ thể về loại qui luật động lực.

Qui luật thống kê là qui luật mà trong đó mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả là mối quan hệ đa trị, nghĩa là ứng với một nguyên nhân, thì kết quả có thể như thế này, cũng có thể như thế khác. Vì vậy, nếu biết trạng thái ban đầu của một hệ thống nào đó, ta không thể tiên đoán được trạng thái của nó trong tương lai một cách chắc chắn, mà chỉ có thể tiên đoán được với một xác suất nhất định. Nếu qui các qui luật động lực phản ánh cái tất nhiên dường như dưới dạng “thuần tuý”, thì các qui luật thống kê phản ánh sự thống nhất biện chứng giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên. Thí dụ, ta gieo một đồng tiền kim loại hoàn toàn đối xứng. Kết quả gieo nhiều lần cho thấy: Việc xuất hiện mặt sấp hay mặt ngửa sau mỗi lần gieo là một điều hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng tất cả những cái ngẫu nhiên ấy lại tuân theo một qui luật chung sao cho tổng số lần xuất hiện của một trong hai mặt sẽ chiếm khoảng 1/2 (và số lần gieo càng lớn thì tần số xuất hiện một trong hai mặt càng tiến gần tới 1/2 chứ không thể là 2/3 hay 3/4 tổng số lần gieo). Rõ ràng, cái ngẫu nhiên cũng tuân theo qui luật.

- Bản chất với qui luật:
Phạm trù bản chất và phạm trù qui luật là cùng loại, hay cùng một bậc (xét về mức độ nhận thức của con người). Tuy nhiên, bản chất và qui luật không đồng nhất với nhau. Vì mỗi qui luật thường chỉ biểu hiện một mặt, một khía cạnh nhất định của bản chất. Bản chất là tổng hợp của nhiều qui luật. Do đó, phạm trù bản chất rộng hơn và phong phú hơn qui luật.

Ví dụ: Cái bản chất cũng đồng thời là cái có tính qui luật. Qui luật giá trị thặng dư là qui luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Theo qui luật này, quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ được tiến hành khi nó bảo đảm sản xuất ngày càng nhiều giá trị thặng dư cho nhà tư bản trên cơ sở tăng cường bóc lột lao động làm thuê dựa vào việc mở rộng sản xuất và phát triển kỹ thuật. Như vậy, qui luật giá trị thặng dư là qui luật chi phối toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản. Nói cách khác, nó đồng thời nói lên bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa – một nền sản xuất nhằm sản xuất giá trị thặng dư càng nhiều càng tốt.

Tuy bản chất và qui luật là những phạm trù cùng bậc, nhưng chúng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Qui luật là mối liên hệ tất nhiên, phổ biến, lặp đi lặp lại và ổn định giữa các hiện tượng hay giữa các mặt của chúng. Còn bản chất là tổng hợp tất cả các mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong sự vật, nghĩa là ngoài những mối liên hệ tất nhiên, phổ biến, chung cho nhiều hiện tượng, nó còn bao gồm cả những mối liên hệ tất nhiên, không phổ biến, cá biệt nữa. Như vậy, phạm trù bản chất rộng hơn và phong phú hơn phạm trù qui luật.

Tóm lại, PBCDV là bộ phận lý luận cơ bản hợp thành thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác – Lênin; là “khoa học về mối liên hệ phổ biến” [5], và cũng là “khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy” [6]. Do đó, việc nắm vững những nội dung của các cặp phạm trù cơ bản trong PBCDV là một trong những điều kiện tiên quyết để nghiên cứu toàn bộ PBCDV và hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Dĩ nhiên, việc nắm vững này đòi hỏi người nghiên cứu không thể chỉ dừng lại với những kiến thức sơ lược trong giáo trình mà phải tiếp tục đào sâu khai thác, sẽ xuất hiện hàng loạt những vấn đề nhận thức mới nảy sinh cần giải đáp, chẳng hạn, nếu bản chất phản ánh cái chung tất yếu, cái chung quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, còn hiện tượng phản ánh cái cá biệt. Vậy, giữa phạm trù hiện tượng với phạm trù cái đơn nhất, phạm trù chất có mối quan hệ với nhau như thế nào? Trật tự hình thành các cặp phạm trù của PBCDV ra sao?, v.v...Ở bài viết này, tôi chỉ xin được bước đầu gợi mở bằng những nét chấm phá về hướng tiếp cận nghiên cứu theo chủ để Hội thảo.

(*) Giảng viên tại Học viện Hành chính, Hà Nội

 Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Góp phần hoàn thiện Giáo trình các khoa học Giáo dục Chính trị trong giai đoạn hiện nay”, Học viện Tài chính, Hà Nội, 2014, tr.15-23.

[1] Xem: Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình Những Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin (dành cho sinh viên đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh). Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011. (Tái bản có sửa chữa, bổ sung).

[2] Bản chất, số lượng, chất lượng, quan hệ, vị trí, thời gian, tư thế, sở hữu, hoạt động, thụ động.

[3] Các phạm trù lượng: Thống nhất, nhiều vẻ, chỉnh thể. Các phạm trù chất: Hiện thực, phủ định, hạn chế. Các phạm trù quan hệ: Cố định và tồn tại độc lập, quan hệ nhân quả và phụ thuộc, tiếp xúc tương tác. Các phạm trù tình thái: Khả năng, tồn tại, tất yếu.

[4] Xem: Giáo trình Triết học Mác- Lênin, Hội đồng TW chỉ đạo biên soạn, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2004, tr.289.

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.20, tr.455.

[6] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.20, tr.201.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?