Một số trường phái triết học phương Tây hiện đại từ nửa sau thế kỷ XX

Trong nỗ lực tìm kiếm hướng nghiên cứu mới trong triết học phương Tây hình thành trào lưu hậu cấu trúc - hậu hiện đại, được hiểu như sự thoát ly rõ rệt khỏi các môtíp quen thuộc về phương pháp luận. 

1. Tính chất liên thông của việc giải quyết các vấn đề cần nghiên cứu, góp phần mở rộng hơn nữa lĩnh vực quan tâm của chính triết học. Trong ngôn ngữ thể hiện quá trình này diễn ra khá rầm rộ. Phản tỉnh triết học tự giải phóng mình khỏi các phương thức và cách thức tiếp cận truyền thống, hướng đến nguyên tắc phương pháp luận chung của khoa học nhân văn. Người ta dễ nhận ra xu hướng này thông qua sự đan xen, gặp gỡ giữa triết học với sử học, ngôn ngữ học và chính trị học. 


2. Nguyên tắc giải thiết kế trong nghiên cứu bản văn; ý tưởng chủ đạo của nó là ở việc làm sáng tỏ mâu thuẫn bên trong của bản văn, ở việc tìm ra những “ẩn nghĩa” mà cả người đọc dễ dãi lẫn chính tác giả chưa hẳn phát hiện được. Nếu trong chú giải học luôn đòi hỏi một chương trình nghiên cứu tổng thể,thì ở đây sự hiện diện của chương trình chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Mục đích của chú giải học là hiểu bản văn và cung cấp phương pháp để hiểu bản văn; đối với chủ nghĩa giải thiết kế yếu tố đó không có ý nghĩa lớn.

3. Phê phán mô hình giải thích duy lý. Chủ nghĩa hậu hiện đại tích cực đi theo hương phá chấp này. Chủ nghĩa cấu trúc truyền thống xác định nhiệm vụ của mình là tìm kiếm một số đồ thức giải thích sơ khởi, chẳng hạn có hiện diện trong ý thức nguyên thủy, nhưng hiện nay đã “đóng lại” đối với chúng ta bởi nền văn minh, và nhờ đó, lần theo dấu vết đó chúng ta có thể giải thích được các hiện tượng văn hóa đương đại. Chủ nghĩa hậu cấu trúc, ngược lại, thoát ly khỏi bất kỳ đồ thức giải thích ràng buộc nào. Thay vào đó là sự phóng khoáng tự do của tư duy, của ý tưởng. Do đó mà có sự trở lại với Heidegger, đối lập tư duy mang tính thi ca với tư duy khoa học.
4. Thay đổi quyết liệt cách lý giải mối tương quan giữa ý thức đời thường và tư duy phản tỉnh (triết học, văn chương). Đối với triết học cổ điển ý thức đời thường là đối tượng của hoạt động khai mở trí tuệ. Giờ đây, trong điều kiện mới ý thức đời thường trở nên không chỉ đối tượng ngang bằng và nguồn gốc của những khám phá triết học, mà thậm chí còn chiếm vị trí quan trọng hơn. 

Thử điểm qua vài nét về chủ nghĩa hậu hiện đại(Post-modernism). Theo nghĩa sâu xa chủ nghĩa HHĐ là khuynh hướng “chống lại hiện đại”, ở bình diện triết học là “chống lại triết học hiện đại”. Hậu hiện đại nghĩa là sau hiện đại. Tuy nhiên khái niệm “hiện đại” không có một định nghĩa chung, nhất quán. Khởi điểm của “hiện đại” gắn với lúc thì chủ nghĩa duy lý cận đại, lúc thì phong trào Khai sáng với niềm tin vào tiến bộ và sự phát triển của khoa học, lúc thì đẩy sang nửa sau thế kỷ XIX, thậm chí muộn hơn - hai thập niên đầu thế kỷ XX. Mặc dù thuật ngữ “CNHHĐ” được sử dụng khá sớm, khoảng năm 1917, song phải đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX nó mới trở nên phổ biến ở lĩnh vực kiến trúc, rồi lan sang các lĩnh vữc văn học, nghệ thuật, kinh tế, kỹ thuật, chính trị, xã hội.

 Những năm 80 CNHHĐ triết học thực sự khai sinh nhờ các công trình của J-F Lyotard (sinh năm 1924), người Pháp. Triết học của chủ nghĩa hậu hiện đại như một trường phái tương đối độc lập (như chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học …) không tồn tại, không chỉ vì thiếu sự thống nhất quan điểm giữa các nhà tư tưởng theo khuynh hướng này, mà vì trên thực tế thái độ phê phán đối với truyền thống cổ điển do CNHHĐ chủ trương không có gì mới lạ; nó chỉ đẩy sự phê phán sang một lĩnh vực khác, với lối trình bày đa dạng hơn. CNHHĐ bắtt đầu từ sự hoài nghi toàn diện vào khả năng của triết học như sự thống nhất thế giới quan và thể loại. Đúng ra, người ta đề cập không hẳn về triết học của CNHHĐ, mà về “tình huống của CNHHĐ” trong triết học, đối chiếu với “tình huống của CNHHĐ” trong văn hóa nói chung.

Tình huống này có những thông số về bản thể luận, nhận thức luận, lịch sử - văn hóa và thẩm mỹ. Ở khía cạnh bản thể luận hiện tượng CNHHĐ gắn với đòi hỏi “tôn trọng” đối tượng, và cẢnh báo rằng trật tự sự vật sẽ trả thú chúng ta do việc cải biến nó qua những dự án nhân tạo. Sự chuyển đổi bản thể luận “hiện đại” (đề cao yếu tố cải biến, cải tạo từ “phi lý” sang “hợp lý”) chính là ở khía cạnh này. Bản thể luận hiện đại đã phát huy hết tác dụng của mình, cần được thay thế bằng bản thể luận theo phong cách mới (hậu hiện đại). Sự hoài nghi mô hình (lý luận) biến đổi thế giới một cách “chuẩn mực” kéo theo sự phản ứng đối với quan điểm hệ thống. Không nên quy tính chất chống -hệ thống (đặc trưng của CNHHĐ) về biểu hiện của chủ nghĩa hoài nghi hay chủ nghĩa hư vô, loại trừ khả năng nhận thức thực tiễn một cách toàn diện, đầy đủ. Những người theo khuynh hướng HHĐ mong muốn xác lập thứ “bản thể luận trí tuệ”phi cổ điển. Vấn đề là ở chỗ do những chuyển biến phức tạp trong thế giới mà chúng ta khó có thể ghi nhận hết sự hiện diện của các hệ thống quá chặt chẽ, tự khép kín, dù ở lĩnh vực kinh tế, chính trị hay nghệ thuật.

Nhận thức được đổi thay này đưa đến sự hình thành tư duy phản biện bên ngoài khái niệm truyền thống (chủ thể- khách thể, toàn thể - bộ phận, bên trong - bên ngoài, hiện thực - tưởng tượng), thứ tư duy không mổ xẻ nh7ng4 tính toàn vẹn ổn định nào (phương Đông - phương Tây, chủ nghĩa tư bản - chủ nghĩa xã hội, nam - nữ). Sự ra đời của CNHHĐ còn xuất phát từ những thay đổi ở khía cạnh giá trị luận, trong đó có sự phê phán của triết học phi cổ điển (phân tâm học, chủ nghĩa cấu trúc) đối với hệ biến thái của triết học cổ điển. Kết quả là chủ thể như trung tâm của hệ thống đã bị sụp đổ. CNHHĐ cho rằng chủ nghĩa duy lý truyền thống trói buộc con người theo một hệ quy chiếu duy nhất và các khái niệm quá “cứng”. Kiểu triết học mới là triết lý không có chủ thể. Thay vào vị trí của các phạm trù như “chủ quan tính”, “ý hướng tính”, “phản tỉnh của ý thức”là dòng chảy bất tận” của ước muốn, những đột phá nhân cách hóa tự do (trong văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc v. v. . . ). Phương pháp giải thiết kế mở đường cho quá trình phá vỡ Siêu hình học truyền thống, đánh dấu kỷ nguyên sáng tạo theo môtíp mới. 

Một cách vắn tắt, có thể quy chủ nghĩa hậu hiện đại về khuynh hướng triết học ngôn ngữ (V. G. Kusnetsov. Triết học,1999,99), nhưng không phải là biểu hiện của chủ nghĩa thực chứng ngôn ngữ-lôgíc, mà vượt qua khuôn khổ của nó, dùng phương tiện ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ viết đa nghĩa, để phá vỡ những kết cấu, những phương án thiết kế bất biến của triết học cổ điển trong việc tìm hiểu, phát hiện, khai thác các yếu tố còn ẩn dấu trong hoạt động sáng tạo của con người, các linh4 vực của đời sống xã hội. Chủ nghĩa duy danh cổ điển, T. Hobbes chẳng hạn, tuyệt đối hóa ngônngữ, xem nó như cơ sở của nhà nước, của các quan hệ xã hội, còn chủ nghĩa hậu hiện đại quy ngôn ngữ về lĩnh vực cơ bản của tồn tại người

Giải thiết kế, hay phân giải ngônngữ (J. Derrida, M. Foucault), nhấn mạnh yếu tố thỏa mãn (R. Barth), hay làm gần đạo đức với thẩm mỹ, nâng sự thống nhất này lên cái cao cả (J-P. Lyotard). 

 Giới lý luận đôi khi xem CNHHĐ là thứ triết lý pha tạp, phá chấp, nhưng thiếu hẳn diện mạo bản thể luận. Mặc dù vậy trong mấy thập niên gần đây CNHHĐ quy tụ ngày càng nhiều những nhà hoạt động chính trị, xã hội, những người làm công việc sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, các nhà nghiên cứu lý luận. Với cách đặt vấn đề mang tính cải tổ, CNHHĐ đang tạo được sức cuốn hút nhất định. 

Về vai trò của triết học hậu hiện đại Lưu Phóng Đồng viết:”Tuy triết học hiện đại phương Tây thay thế triết học cận đại là sự biến đổi quan trọng về phương thức tư duy triết học, đánh dấu triết học phương Tây đã phát triển đến một giai đoạn mới cao hơn, song nó cũng chứa đựng khuyết điểm và mâu thuẫn nghiêm trọng y như triết học cận đại…Để thoát khỏi cục diện ấy phải xét lại, phê phán, vượt qua các trường phái và lý luận trước đó, xây dựng một lý luận triết học mới…Sự xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại ở mức độ nhất định đã đáp ứng nhu cầu xét lại sự phát triển của triết học phương Tây hiện đại và làm biết đổi nó. Các nhà triết học hậu hiện đại đều vạch ra và phê phán các khuyết điểm, mâu thuẫn trong lý luận của các nhà triết học phương Tây hiện đại, kể từ Nietzsche từ đi” 


Triết học+

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?