TS. Dương Quốc Quân - Phạm trù "Trung" trong Nho giáo Việt Nam
PHẠM TRÙ "TRUNG" TRONG NHO GIÁO VIỆT NAM
TS. DƯƠNG QUỐC QUÂN
T/c Khoa học, Trường Đại học Sư phạm quốc gia Nga mang tên Herzen , 2014
Nếu Nho giáo Trung Quốc đem nước phụ thuộc vào vua, truyền bá chủ nghĩa trung quân mà không biết đến chủ nghĩa yêu nước”, thì ở Việt Nam, tư tưởng trung quân của Nho giáo không còn sức ràng buộc mạnh mẽ đối với các nhà nho một khi nó mâu thuẫn với lòng yêu nước, với lợi ích của dân tộc.
[...]
[...]
Đầu thế kỷ XIX, nhằm phục hồi chế độ phong kiến, nhanh chóng ổn định trật tự, kỷ cương xã hội, ngay sau khi giành được chính quyền, nhà Nguyễn đã thi hành triệt để đường lối đức trị. “Đây là triều đại đề cao đường lối đức trị hơn so với các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó”. Để đề cao phạm trù trung, vua quan nhà Nguyễn đã nhiều lần thưởng công lớn cho những bề tôi, người dân nào tận trung với vua, chết vì vua; hết lòng ca ngợi những tấm gương tiết nghĩa vì vua. Trung còn được nhà Nguyễn sử dụng với vai trò là cái chi phối, là chuẩn mực của công việc trị nước, giáo hóa và thực thi pháp luật. Trong lời dụ của vua Gia Long yêu cầu Nguyễn Văn Cừ - quan phụ trách pháp luật ở tỉnh Gia Định (ngày nay là thành phố Hồ Chí Minh) về kinh đô đã viết: “Ngươi nên làm sáng tỏ luật pháp, giúp đỡ, giáo dục, xem xét làm rõ những oan uổng, sao cho hợp với đạo trung”. Cũng như Hán Nho, Tống Nho và các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó, nhà vua và nho thần triều Nguyễn luôn coi hiếu gắn với trung, hiếu phải vì trung. Vua Gia Long nói, “đem lòng hiếu để thờ vua, cho nên muốn cầu tôi trung phải tìm ở nhà con hiếu”.
Trong hoàn cảnh đất nước bị đe dọa bởi họa xâm lăng từ thực dân Pháp, nhiều nhà nho bảo thủ lúc này vẫn ảo tưởng dùng tư tưởng nhân nghĩa chung chung để mong giặc cũng tỏ ra nhân nghĩa nghị hòa rút quân, lại cũng không dám phát động nhân dân đứng lên chống giặc, sợ làm như thế giặc sẽ “bất bình” không nghị hòa rút quân. Kết quả là lần lượt sáu tỉnh ở miền Nam Việt Nam (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) đều rơi vào tay giặc, đất nước từng bước lâm vào vòng nô lệ. Bên cạnh những nhà nho bảo thủ, “chọn một chữ trung không nguy hiểm mà an nhàn, ấy là trung với vua bù nhìn tay sai của Pháp”, còn có một lực lượng các nhà nho yêu nước gắn bó với nhân dân, họ đã để lại những tấm gương về tấm lòng trung nghĩa, không phải chỉ với vua mà còn với nhân dân, đất nước như Nguyễn Tri Phương (1800-1873), Hoàng Diệu (1828-1882), Trương Định (1820-1864), Phan Đình Phùng (1847-1895), Nguyễn Quang Bích (1832-1890), Đỗ Quang (1807-1866)… Tất cả những nho quan này, họ đều biết rằng, học nho là để làm quan, làm quan là để giúp vua trị dân, “tác dụng của tôi trung là tác dụng quyết định nhất trong việc trị nước” [43]. Nhưng khi triều đình nhà Nguyễn cắt đất để cầu hòa, bỏ nhân dân để đầu hàng thực dân Pháp thì họ đã chống lại lệnh bãi binh của vua mà quyết tâm cùng nhân dân kháng chiến chống quân xâm lược.
Với họ, “đất nước cao hơn vua, khi vua không tận trung với nước thì bề tôi không bắt buộc phải tận trung với vua”; “khi ở kinh thành không có vua thánh hiền, thì ngoài tỉnh phải có những người dựng cờ chống lại”. Đặc biệt, nhà nho Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), dù bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn kiên trì dùng những sáng tác thơ văn của mình để lên án mạnh mẽ quân Pháp xâm lược, phê phán triều đình nhu nhược, đồng thời ca ngợi tinh thần trung nghĩa và những tấm gương chiến đấu anh dũng của những quan nho chân chính và nhân dân. Ông đã để lại tấm gương sáng về lòng trung với nước, thương yêu nhân dân. Biết ông là một nhà nho yêu nước, có sức ảnh hưởng lớn trong nhân dân, do đó, thực dân Pháp tìm nhiều cách để mua chuộc ông như hứa trả lại ruộng đất, biếu tiền vàng và cho người chăm sóc ông…nhưng ông thẳng thắn, kiên quyết từ chối: “đất vua chưa trả thì đất riêng của tôi có sá gì!”. Phê phán những nhà nho và triều đình chịu làm tay sai cho giặc, ông viết: “dù đui (mù) mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Tấm lòng trung với nước ở Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua những tư tưởng bảo thủ của các nhà nho đương thời.
Đánh giá bài viết?