Thực chất của cuộc cách mạng trong triết học do Các Mác và Ph.Ăngghen thực hiện
Sự ra đời triết học Mác tạo nên sự biến đổi có ý nghĩa cách mạng trong lịch sử triết học Mác.
Triết học Mác đã tạo ra hình thức phát triển cao của chủ nghĩa duy vật là chủ nghĩa duy vật biện chứng và hình thức phát triển cao của phép biện chứng là phép biện chứng duy vật. Triết học Mác thực sự khắc phục được sự tách rời thế giới quan duy vật và phép biện chứng trong lịch sử phát triển của triết học. Cố nhiên, trong chủ nghĩa duy vật trước Mác đã chứa đựng không ít những luận điểm riêng biệt thể hiện tinh thần biện chứng; song, do sự hạn chế của điều kiện xã hội và trình độ phát triển của khoa học nên tính siêu hình vẫn là một nhược điểm chung của nó. Do vậy, quan điểm duy vật của những học thuyết đó thường thiếu triệt để. Đây là điểm yếu để chủ nghĩa duy tâm lợi dụng tiến hành đấu tranh chống lại. Còn phép biện chứng lại được phát triển trong cái vỏ bọc duy tâm thần bí tiêu biểu trong triết học của Hêghen. Cho nên, nội dung của phép biện chứng chưa phản ánh đúng thế giới hiện thực. Các Mác và Ph.Ăngghen đã cải tạo chủ nghĩa duy vật cũ, khắc phục hạn chế siêu hình; cải tạo phép biện chứng, giải thoát khỏi cái vỏ duy tâm. Từ đó khái quát xây dựng một học thuyết triết học mới - chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Trước triết học Mác, có một số học thuyết triết học bàn đến vấn đề xã hội; song, do hạn chế về thế giới quan hoặc phương pháp luận nên các học thuyết đó mới chỉ nghiên cứu hoặc lĩnh vực này hoặc lĩnh vực kia mà chưa nghiên cứu toàn diện mọi mặt của xã hội. Do vậy không thể nào tìm ra được quy luật phát triển chung của xã hội loài người. Các Mác và Ph.Ăngghen đã vận dụng những lý luận của duy vật biện chứng để nghiên cứu lĩnh vực xã hội, tìm ra các quy luật phát triển chung của xã hội loài người và tiến trình phát triển tất yếu tự nhiên của nó. Từ đó xây dựng, sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử với tính cách là bộ phận của triết học Mác. Chủ nghĩa duy vật lịch sử là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Đó là một cuộc cách mạng thực sự trong triết học. Từ khi chủ nghĩa duy vật lịch sử ra đời đã loại bỏ được cơ sở tồn tại cuối cùng của chủ nghĩa duy tâm.
Những học thuyết triết học trước triết học Mác thường mới dừng lại ở việc giải thích thế giới, cho nên họ chưa đề cập đến vai trò của hoạt động thực tiễn đối với lý luận, lý luận thường tách rời với thực tiễn. Do vậy, không tránh khỏi tình trạng rơi vào quan điểm duy tâm về xã hội. Ngay cả ở trong triết học Phoiơbắc tuy coi vấn đề con người là trung tâm thế nhưng đây chỉ mới là con người thuần túy về mặt sinh vật, chưa phải con người với tính cách là chủ thể hoạt động cải tạo thế giới. Còn triết học Mác đã xác định rõ: Nhiệm vụ của mình không chỉ dừng lại ở giải thích thế giới mà chủ yếu là tìm ra các phương tiện, các biện pháp để cải tạo thế giới bằng cách mạng. Triết học Mác thường lấy hoạt động thực tiễn cải tạo xã hội, cải tạo thế giới của con người là điểm xuất phát và thông qua quá trình hoạt động thực tiễn để hoàn thiện hệ thống lý luận của mình. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử triết học, triết học Mác đã tạo ra được sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn. Lý luận xuất phát từ thực tiễn, chịu sự quyết định của thực tiễn; khi ra đời, lý luận định hướng hoạt động thực tiễn. Vì thế, so với các học thuyết triết học khác thì triết học Mác luôn luôn được bổ sung và hoàn thiện.
Đánh giá bài viết?