Quá trình lịch sử tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế xã hội

Quá trình lịch sử-tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế-xã hội

a. Tính lịch sử-tự nhiên của sự phát triển các hình thái kinh tế-xã hội

- Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển nối tiếp nhau từ thấp đến cao. Tương ứng với mỗi giai đoạn là một hình thái kinh tế - xã hội. Sự vận động thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử đều do tác động của các quy luật khách quan, đó là quá trìn lịch sử tự nhiên của xã hội.

- Các mặt hợp thành của hình thái kinh tế - xã hội không tách rời nhau mà có mối liên hệ biện chứng với nhau hình thành nên những quy luật vận động, phát triển khách quan và phổ biến của xã hội. Đó là quy luật của sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng và các quy luật xã hội khác.

Chính sự tác động của các quy luật khách quan đó mà các hình thái kinh tế - xã hội vận động và phát triển từ thấp đến cao như một quá trình lịch sử tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn của con người. Trong các quy luật khách quan chi phối sự vận động và phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội thì sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có vai trò quyết định nhất. Nó vừa đảm bảo tính kế thừa trong sự phát triển, vừa biểu hiện tính gián đoạn trong sự phát triển của lịch sử xã hội loài người.

- Sự tác động của các quy luật khách quan làm cho các hình thái kinh tế - xã hội phát triển thay thế nhau từ thấp đến cao – đó là con đường phát triển chung của nhân loại. Song, con đường phát triển của mỗi dân tộc không bị chi phối bởi các quy luật chung, mà còn bị tác động bởi các điều kiện về tự nhiên, về chính trị, về truyền thống văn hoá, điều kiện quốc v.v... Chính vì vậy, lịch sử phát triển của nhân loại hết sức phong phú và đa dạng. Mỗi dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong sự phát triển của mình. Có những dân tộc lần lượt trải qua các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao. Nhưng có những dân tộc bỏ qua một hay một số hình thái kinh tế - xã hội nào đó. Tuy nhiên, sự bỏ qua đó cũng diễn ra theo một quá trình lịch sử tự nhiên chứ không phải theo ý muốn chủ quan.

Như vậy, quá trình phát triển lịch sử tự nhiên của sự phát triển xã hội chẳng những diễn ra bằng con đường phát triển tuần tự, mà còn bao hàm cả sự bỏ qua một vài hình thái kinh tế - xã hội trong những điều kiện nhất định. 


b. Giá trị lịch sử của học thuyết hình thái – kinh tế xã hội

- Là cơ sở lý luận để hiểu được cấu trúc và quy luật phát triển của xã hội loài người

- Chống lại các quan điểm duy tâm, siêu hình về xã hội.

- Hiểu sự phát triển của xã hội như là quá trình lịch sử - tự nhiên.

- Nghiên cứu học thuyết hình thái kinh tế-xã hội giúp ta hiểu được đường lối và chủ trương của Đảng ta trong việc xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để xây dựng hình thái kinh tế-xã hội ở nước ta Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển lực lượng sản xuất bằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng bằng chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa bằng việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, v.v..

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?