Sự kế thừa tư tưởng triết học đạo đức của Imanuel Kant trong "Triết học về sự phát triển đạo đức" của Lawrence Kohlberg

TS. Ngô Thị Mỹ Dung
ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Tp Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Đã hơn hai trăm năm kể từ ngày Immanuel Kant (1724 – 1804) mất, người ta vẫn tiếp tục viết về ông, bởi lẽ di sản ông để lại hết sức phong phú và bởi lẽ cho đến bây giờ người ta vẫn chưa thực sự hiểu hết về ông. Người ta có thể khai thác hệ thống triết học của ông dưới nhiều khía cạnh, góc độ và từ các lập trường tư tưởng triết học khác nhau. Người ta có thể tán thành, ca ngợi hoặc phê phán ông ở mọi khía cạnh, nhưng dù nghiêm khắc đến đâu người ta cũng đều thừa nhận rằng tư tưởng của ông, nhất là tư tưởng triết học đạo đức của ông, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. “Ông được xem là triết gia Đức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại, là triết gia của nền văn hóa tân thời và của nhiều lĩnh vực khác nữa. Dù người ta có đánh giá Kant gì đi nữa, điều không thể chối cãi là ít nhất Kant đã nâng triết học Đức tiến lên một giai đoạn mới. Danh tiếng của ông đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau”. Đã hai thế kỷ trôi qua, người dân Đức vẫn nhớ về ông: một con người nhỏ, một tinh thần lớn, và câu nói bất hủ: “...bầu trời đầy sao trên đầu tôi và qui luật đạo đức ở trong tôi”.

Với việc đề cao vai trò của chủ thể hành động, triết học đạo đức của Kant đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử triết học phương Tây, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nền triết học cổ điển Đức, khơi dậy nguồn cảm hứng cho các trào lưu triết học từ đó về sau (chủ nghĩa Kant mới, triết học hiện sinh, triết học chính trị...), trong đó có triết học đạo đức của Lawrence Kohlberg (1927 – 1987).

Kohlberg là nhà triết học đạo đức, nhà tâm lý học, và là nhà giáo dục học người Mỹ. Là nhà tâm lý học, nhà giáo dục học ông nghiên cứu quá trình phát triển tâm lý của trẻ em và người lớn, tìm cách vận dụng chúng vào thực tiễn. Là nhà đạo đức học, ông nghiên cứu quá trình nhận thức/đánh giá đạo đức của con người. Quá trình này được trình bày trong tác phẩm “Triết học về sự phát triển đạo đức” (“The Philosophy of Moral Development”, xuất bản năm 1971.

Triết học về sự phát triển đạo đức của Kohlberg là sự kế thừa những thành tựu của tâm lý học đạo đức, nhất là lý thuyết về sự phát triển phán đoán đạo đức của trẻ em của nhà tâm lý học Thụy sĩ, Jean Piaget (1896 – 1980), triết học đạo đức của Immanuel Kant (1724 – 1804), và học thuyết về sự công bằng của John Rawls (1921).

Trong khuôn khổ của bài viết này chúng tôi chỉ có ý định trình bày tư tưởng cơ bản của Kohlberg trong tác phẩm trên và nêu rõ sự kế thừa những tư tưởng triết học đạo đức của Kant trong học thuyết của ông.

2. Học thuyết về sự phát triển nhận thức đạo đức của Kohlberg

Xuất phát từ quan điểm cho rằng con người cần nhận thức tốt về đạo đức để có thể hành động có đạo đức, bởi khó có thể có hành động tốt, nếu không biết được thế nào là tốt hay ít nhất cũng có thể tin rằng việc mình làm là tốt, Kohlberg đã tiến hành nghiên cứu quá trình phát triển nhận thức (phán đoán/đánh giá) đạo đức của con người.

Là nhà đạo đức học Kohlberg cho rằng những giá trị cơ bản của một xã hội là những giá trị đạo đức, và giá trị đạo đức cơ bản là sự công bằng, vì vậy việc nghiên cứu quá trình nhận thức đạo đức chính là nghiên cứu quá trình nhận thức về sự công bằng. Công bằng là gì? Quá trình nhận thức về công bằng được thể hiện như thế nào? Cái gì là nguyên tắc tối cao của công bằng, của nhận thức đạo đức?

Với luận án tiến sĩ về “Sự phát triển phương thức tư duy đạo đức và quyền lựa chọn ở lứa tuổi từ 10 đến 16” (The Development of Modes of Moral Thingking and Choice in the Years 10 to 16), từ năm 1958 Kohlberg đã bắt đầu nghiên những vấn đề trên, và năm 1971 Kohlberg đã cho ra mắt độc giả tác phẩm “The Philsophy of Moral Development”. Học thuyết về sự phát triển đạo đức của Kohlberg không dừng lại ở tác phẩm trên mà tiếp tục được hoàn thiện bằng kết quả thực nghiệm nhiều năm ở nhiều nước cho tới khi ông qua đời.

Trong tác phẩm “The Philsophy of Moral Development”, Kohlberg đã sử dụng phương pháp phỏng vấn phán đoán đạo đức (Moral Judgment Interview), đưa ra một tình huống khó xử giả định (hypothesis dilemma) cho người được phỏng vấn, và dựa trên sự trả lời, lập luận về tình huống khó xử đó để phân tích, đánh giá quá trình phát triển nhận thức đạo đức của con người. Một trong những tình huống khó xử được Kohlberg thường sử dụng cho học thuyết của mình là tình huống khó xử của ông Heinz (Heinz’s dilemma):

“Ở Châu Âu, có một phụ nữ sắp chết vì bị bệnh ung thư đặc biệt. Có một loại thuốc mà các bác sĩ nghĩ là có thể cứu được chị ta. Đó là một dạng chất phóng xạ mà một dược sĩ cùng thành phố mới phát minh ra. Loại thuốc này rất đắt tiền nhưng người dược sĩ kia còn đòi một khoản tiền gấp mười lần giá trị của thuốc. Ông ta mất 200 USD để mua chất phóng xạ và bán ra một liều thuốc nhỏ với giá 2.000 USD. Chồng bệnh nhân, ông Heinz, chạy vạy khắp nơi, tìm đến bất kỳ ai anh ta quen biết để vay tiền, nhưng anh ta chỉ vay được tổng cộng khoảng 1.000 USD, nghĩa là một nửa số tiền cần để mua thuốc. Ôâng nói với người dược sĩ rằng vợ ông sắp chết và cầu xin người bán thuốc bán rẻ cho ông hoặc cho ông nợ, ông hứa sẽ hoàn trả lại đầy đủ. Nhưng người dược sĩ bảo:“Không, tôi đã phát minh ra loại thuốc này và muốn kiếm được nhiều tiền từ nó“. Trong tình thế túng quẫn, ông Heinz đã đột nhập vào hiệu thuốc và trộm thuốc về cho vợ ông. Ông ta cần phải làm như thế không và tại sao? Hành vi trộm thuốc của ông Heinz đúng hay sai và tại sao?”

Dựa vào kết quả phỏng vấn về tình thế khó xử trên (qua nhiều năm với những đối tượng không thay đổi, chủ yếu với nam giới), cách thức lập luận, và lý thuyết về sự phát triển phán đoán đạo đức ở trẻ em của Piaget, Kohlberg chia quá trình phát triển nhận thức đạo đức thành ba cấp độ (levels) với sáu giai đoạn (stages) khác nhau, trong đó các cấp độ nối tiếp nhau, cấp độ sau đầy đủ, hoàn thiện hơn cấp độ trước.

Cấp độ 1: đạo đức tiền qui ước (Preconventional Morality) bao gồm giai đoạn 1 và 2.

Ở giai đoạn 1, “đúng- sai” được định hướng theo sự trừng phạt và vâng lời (the punishment and obedience orientation . Trẻ em hiểu “đúng” là tránh vi phạm luật vì sự vi phạm này sẽ dẫn đến sự trừng phạt và cần phải vâng lời để tránh bị trừng phạt. Trong tình thế của ông Heinz, hầu hết trẻ em đều cho rằng ông đã hành động sai bởi ăn cắp là điều xấu, có thể bị vào tù hay bị trừng phạt.

Ở giai đoạn 2, sự đánh giá đạo đức của trẻ em nhìn chung tập trung vào các nhu cầu lợi ích cá nhân (individual utility consequences) và cách thức để đạt được lợi ích đó. “Đúng”,“công bằng” được hiểu là sự trao đổi có đi có lại (the instrumental and exchange orientation), với phương châm: “Bạn đối xử với tôi thế nào, tôi sẽ đối xử với bạn như vậy”(“You scratch my back and I’ll scratch your”). Trong tình thế của ông Heinz, hầu hết trẻ em đều cho rằng ông Heinz cần phải trộm thuốc để cứu vợ vì đó là vợ ông ta, các con của ông ta cần cô ấy.

Cấp độ 2: đạo đức qui ước (Conventional Morality) bao gồm giai đoạn 3 và 4.

Ở giai đoạn 3 sự đánh giá hành vi đạo đức của trẻ em đã hướng tới các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội hay gắn liền với mẫu người lý tưởng (the interpersonal relations or "good boy-nice girl"


. “Đúng” là làm hài lòng người khác, hành động giống mẫu người mà mình và mọi người tôn trọng hay cho là tốt. Trong tình thế của ông Heinz trẻ em cho rằng hành vi trộm thuốc là đúng vì đó là vợ ông. Vì tình yêu đối với vợ, vì lợi ích của gia đình thì dù có phải vào tù cũng là việc nên làm. Ông có thể bị trừng phạt vì hành vi trộm thuốc nhưng vợ ông được sống và con cái của ông sẽ hạnh phúc hơn. Người dược sĩ đã xử sự không đúng khi chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của mình.

Ở giai đoạn 4 sự đánh giá hành vi đạo đức hướng về luật pháp và những qui định xã hội (the "law and order" orientation). Trẻ em đã hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội, về vai trò của pháp luật và sự cần thiết phải tôn trọng nó. Về tình thế của ông Heinz hầu hết trẻ em cho rằng hành vi trộm thuốc của ông là sai vì nó vi phạm qui định của luật pháp. Tuy nhiên Kohlberg cho rằng khác với giai đoạn 1, lập luận về hành vi của ông Heinz chú ý nhiều đến chức năng của pháp luật đối với xã hội chứ không thiên về lợi ích cá nhân, về thưởng, phạt.
Cấp độ 3: đạo đức hậu qui ước (Postconventional Morality) bao gồm giai đoạn 5 và 6.

Ở giai đoạn 5 sự đánh giá đạo đức hướng tới tính hợp pháp của những qui ước xã hội (the social contract legalistic orientation). Hành vi được đánh giá là tốt về mặt đạo đức là những hành vi tuân theo những qui tắc đạo đức cụ thể (concrete moral rules) phù hợp với luật pháp và qui ước xã hội. Những qui ước xã hội nhằm bảo vệ quyền tự nhiên của con người như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc được coi là những giá trị độc lập và ưu tiên hơn so với các giá trị xã hội khác. Tuy nhiên quyền của cá nhân không được xung đột với quyền và lợi ích của xã hội.

Theo Kohlberg quan điểm trên thể hiện rõ trong cách lập luận về tình thế của ông Heinz như sau: hành vi của ông Heinz không sai, nhưng ông ta đã hành động vượt quá trách nhiệm. Ông đã không tôn trọng luật pháp và nếu ai cũng làm như ông thì những qui ước xã hội sẽ không được bảo đảm. Người bán thuốc có quyền đòi nhiều tiền, nhưng về mặt đạo đức anh ta không có quyền tố giác ông Heinz.

Tuy nhiên có nhiều lập luận lại cho rằng hành vi của ông ta hoàn toàn đúng, ông ấy cần trộm thuốc về cho vợ vì đấy là trách nhiệm của ông. Đối với người ngoài thì ông ấy không nhất thiết phải làm như vậy, nhưng đó là vợ ông ấy. Người bán thuốc đã xử sự không có đạo đức bởi không làm theo nguyên tắc là giúp đỡ người khác trong tình thế khó khăn mà mình có thể giúp đỡ được.

Theo Kohlberg những lập luận này phân biệt rõ sự hơn thiệt theo luật pháp và hành vi vi phạm pháp luật của ông Heinz. Nó không đưa ra được một nguyên tắc mang tính trách nhiệm đạo đức rõ ràng trong trường hợp cần phải cân nhắc giữa quyền sở hữu cá nhân và quyền sống của con người.

Ở giai đoạn 6 sự đánh giá đạo đức dựa trên những nguyên tắc đạo đức phổ quát (the universal ethical principle). Hành vi đạo đức là hành vi xuất phát từ những nguyên tắc phổ quát về công bằng, tương hỗ và bình đẳng về quyền con người, và sự tôn trọng phẩm giá con người như là một cá thể độc lập” (the universal principles of justice, of the reciprocity and equality of the human rights, and of respect for the dignity of human beings as individual person.”

Trong tình thế của ông Heinz giai đoạn này được thể hiện trong những lập luận cho rằng hành vi của ông Heinz là sai về mặt luật pháp nhưng đúng về mặt đạo đức bởi mỗi người đều có trách nhiệm cứu người nếu anh ta có thể cứu được. Người bán thuốc đã xử sự vô đạo đức khi xem người phụ nữ bị bệnh sắp chết kia là phương tiện để trục lợi cho bản thân, mặc dù về mặt luật pháp anh ta chưa hẳn đã vi phạm. Nếu bản thân anh ta được đặt trong tình trạng tương tự, anh ta sẽ không muốn rằng có một người bán thuốc như anh ta, vì vậy trong tình trạng này chỉ có một cách duy nhất để cứu người, là hành vi trộm thuốc. Mặc dù hành vi này vi phạm qui tắc thường lệ, nhưng mạng sống con người quí hơn, vì vậy nó nhận được sự chấp thuận của dư luận xã hội.

Với lập luận này Kohlberg cho rằng nhận thức đạo đức đã đạt tới cấp độ lý tưởng của nó. Ở đây những giá trị đạo đức (moral values) và những nguyên tắc đạo đức (ethical principes) được lập luận một cách rõ ràng. Con người tự quyết (autonomous) về hành vi của mình với tư cách là một thực thể lý tính phù hợp với nguyên tắc đạo đức phổ quát chung (moral point of view), trừu tượng, đúng trong mọi trường hợp, chứ không phải những qui tắc đạo đức cụ thể trong giai đoạn 5. Sự công bằng được thể hiện thông qua lập luận về sự bình đẳng, sự tương hỗ, sự tôn trọng phẩm giá con người.

Như vậy theo Kohlberg triết học về sự phát triển đạo đức là quá trình nhận thức về sự công bằng. Quá trình này diễn ra liên tục trong đó các cấp độ và các giai đoạn sau bao giờ cũng đầy đủ và hoàn thiện hơn.

Mặc dù cho rằng tâm sinh lý và môi trường sống có ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhận thức đạo đức, nhưng dựa trên kết quả nghiên cứu từ nhiều nước (27 nước: Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài loan, Aán độ,...), Kohlberg khẳng định rằng sự phát triển nhận thức đạo đức ở các nền văn hóa, lịch sử, chế độ chính trị khác nhau đều giống nhau. Ở đâu giá trị con người, quyền sống con người cũng được lập luận như một nguyên lý phổ quát cho hành vi đạo đức. Từ đó Kohlberg đưa ra kết luận rằng nhận thức đạo đức mang tính hình thức phổ quát, không phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế, văn hóa, và xã hội.

3. Sự kế thừa tư tưởng triết học đạo đức của Immanuel Kant trong “Triết học về sự phát triển đạo đức” của Lawrence Kohlberg

Triết học về sự phát triển đạo đức của Kohlberg không chỉ dựa trên kết quả thực nghiệm của riêng ông mà còn là sự kế thừa những thành tựu của tâm lý học đạo đức từ James Mark Baldwin đến Jean Piaget, và tư tưởng triết học đạo đức từ Immanuel Kant đến John Rawls. Nói về sự kế thừa những tư tưởng của các nhà tiền bối, Kohlberg viết: “Truyền thống của triết học đạo đức mà chúng tôi dựa vào để phát triển học thuyết của mình là truyền thống tự do hay lý tính, đặc biệt là truyền thống “hình thức” hay “trách nhiệm” từ Immanuel Kant đến John Rawls”.

Xuất phát từ quan điểm cho rằng những mục tiêu chủ quan rất phong phú và đa dạng nên không thể đưa ra những mục tiêu có nội dung nhất định cũng như những qui định đạo đức cụ thể có tính chất bắt buộc đối với toàn xã hội, Kant đã đưa ra qui luật đạo đức mang tính hình thức làm khuôn mẫu cho mọi hành vi đạo đức. Tính hình thức của qui luật đạo đức nằm trong tính chất của ý chí, trong sự tự quyết (Autonomie). Sự tự quyết của ý chí là sự độc lập (Unabhängigkeit) và tự ban hành luật (Selbstgesetzgeben) vì vậy nó làm cho qui luật đạo đức có tính hình thức, và nó cũng là nguyên tắc cao nhất của hành vi đạo đức.

Tính hình thức của qui luật đạo đức thể hiện trong sự phù hợp giữa những nguyên tắc chủ quan tối cao (subjektive Maximen) của chủ thể hành động với lý tính chung và được diễn đạt một cách chung nhất như sau: “Hãy chỉ hành động theo những nguyên tắc tối cao của hành động của anh qua ý chí của anh mọi lúc đồng thời có thể trở thành một qui luật chung”.

Qui luật đạo đức trên không nói rõ nội dung đạo đức (cái gì là tốt về mặt đạo đức) mà chỉ đưa ra nguyên tắc chung mang tính khuôn mẫu. Nó chỉ nói rằng một hành vi được đánh giá là tốt về mặt đạo đức nếu nó xuất phát từ sự tự quyết ý chí của chủ thể hành động, mà ý chí này cùng với hành động của nó phù hợp với lý tính chung, có thể trở thành qui luật phổ quát áp dụng cho mọi người trong hoàn cảnh tương tự. Một hành vi thỏa mãn nguyên tắc chủ quan (nói dối để thoát khỏi tình thế túng quẫn chẳng hạn) nhưng không có khả năng trở thành qui luật ứng xử chung cho toàn bộ cộng đồng thì không thể coi là hành vi đạo đức.

Kant cho rằng trách nhiệm đạo đức xuất phát từ lương tâm buộc con người phải tôn trọng qui luật đạo đức. Và một trong những nguyên tắc cơ bản của qui luật đạo đức là tôn trọng phẩm giá con người. Nguyên tắc này được thể hiện dưới dạng hình thức như sau: “Hãy hành động như thể anh luôn cần nhân loại, trong bản thân anh cũng như trong mỗi một con người, mọi lúc đồng thời là mục đích chứ không bao giờ chỉ là phương tiện“.

Nguyên tắc này coi con người là giá trị tối cao, là mục đích của mọi hành vi, vì vậy trong mọi quan hệ xã hội không bao giờ được xem con người chỉ như là phương tiện mà luôn đồng thời là mục đích. Hành vi đạo đức là hành vi thực hiện vì trách nhiệm (chứ không phải phù hợp với trách nhiệm), và vì con người, “bởi chỉ con người và cùng với nó những thực thể lý tính là mục đích tự nó.”

Kế thừa tính hình thức trong triết học đạo đức của Kant, Kohlberg đề cao nguyên tắc đạo đức phổ quát (univeral ethical principles) trong quá trình nhận thức đạo đức (giai đoạn 6). Ông đánh giá cao những nguyên tắc của sự công bằng như sự bình đẳng, sự tương hỗ, và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng phẩm giá con người: Mọi người đều bình đẳng và giá trị của mỗi người là giá trị của một cá thể đặc biệt.

Học thuyết về sự phát triển nhận thức đạo đức của Kohlberg là sự kế thừa về tính hình thức và nguyên tắc tôn trọng phẩm giá con người trong triết học đạo đức của Kant.

Mặc dù chỉ 25% số người được phỏng vấn đạt tới giai đoạn cao nhất của quá trình nhận thức đạo đức nhưng Kohlberg vẫn đi đến kết luận rằng nguyên tắc tôn trọng phẩm giá con người là nguyên tắc tối cao của nhận thức/đánh giá đạo đức. Kế thừa tính hình thức của triết học đạo đức của Kant, Kohlberg cũng cho rằng học thuyết của ông mang tính phổ quát (universal), đúng cho mọi nền văn hóa không phân biệt điều kiện lịch sử - xã hội.

Bằng kết quả thực nghiệm của tâm lý học Kohlberg muốn khẳng định tính đúng đắn của tư tưởng triết học đạo đức của Kant và chống lại quan điểm của thuyết vị lợi (Utilitarism) lấy lợi ích hay hạnh phúc của đa số làm tiêu chí cho hành động và như vậy cùng với nó quyền con người trong những hoàn cảnh nhất định có thể bị vi phạm.

Kể từ khi tác phẩm “Triết học về sự phát triển đạo đức” được xuất bản (1971) cho tới sau khi Kohlberg qua đời (1987) nội dung của nó luôn được bổ sung, hoàn thiện về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, “Trung tâm giáo dục đạo đức Harvard” (Harvard’s Center for Moral Education) cùng với mô hình “Cambridge Cluster School” lần lượt ra đời nhằm hiện thực hóa kế hoạch về một “xã hội công bằng” (Just Community) do Kohlberg và đồng nghiệp của ông khởi xướng.

Mặc dù học thuyết của Kohlberg có ảnh hưởng sâu rộng ở Mỹ và các nước phương Tây (2/3 tài liệu nghiên cứu về tâm lý học và đạo đức học trong những năm 70, 80 đều liên quan đến Kohlberg) nhưng nó cũng bị chỉ trích nhiều từ phía các nhà nghiên cứu tâm lý học và triết học đạo đức.

Sự phê phán của hầu hết các nhà tâm lý học (C. Gilligan; W. Vossenkuhl; G. Schreiner...) tập trung vào các cấp độ và kết quả kiểm nghiệm thực tế của nó. Gilligan cho rằng nhận thức đạo đức giữa phụ nữ và đàn ông khác nhau, vì vậy sự phân chia cấp bậc của Kohlberg không hoàn toàn chính xác. Sự nhận thức “đúng” “sai” về mặt đạo đức ở đàn ông thiên về nguyên tắc hơn là những qui ước cụ thể vì vậy học thuyết của Kohlberg phù hợp với đàn ông hơn. Với phụ nữ nhận thức đạo đức gắn liền với bổn phận, sự cảm thông, và sự hy sinh.

Schreiner, Vossenkuhl cho rằng phương pháp phỏng vấn của Kohlberg gắn liền với tình huống giả định cụ thể (Heinz’s dilemma) vì vậy kết quả của nó đánh mất sự tin cậy. Và mặc dù Kohlberg đề cập tới mối quan hệ giữa đánh giá đạo đức và hành vi đạo đức thì theo Vossenkuhl học thuyết của Kohlberg cũng chỉ đề cập đến phương diện đánh giá về hành vi đạo đức mà thôi. Và về mặt này học thuyết của Kohlberg cũng không tránh khỏi hạn chế khi nó xem nhẹ môi trường sống của chủ thể nhận thức đạo đức trong lập luận của họ về sự công bằng.

Các nhà triết học đạo đức (O. Hưffe; R. Spaemann...) cho rằng, nguyên tắc công bằng (mà trọng tâm của nó là sự bình đẳng và tôn trọng phẩm giá con người) chưa phải là nguyên tắc tối cao để đánh giá một hành vi đạo đức bởi theo họ cơ sở cuối cùng của đạo đức là sự tự quyết của chủ thể hành động. Một hành vi đạo đức là một hành vi xuất phát từ sự tự chủ bên trong của chủ thể hành động, một hành vi hoàn toàn tự giác (hành động có ý thức, hiểu được ý nghĩa hành động của mình) và hoàn toàn độc lập, tự quyết.

Hoàn cảnh xã hội, hiệu quả của hành vi cũng là yếu tố cần xem xét khi đánh giá hành vi đạo đức. Xem nhẹ vấn đề này, triết học về sự phát triển đạo đức của Kohlberg không nhận được sự đồng tình từ phía các nhà triết học duy vật, bởi theo họ một hành vi đạo đức không chỉ mang tính thời đại mà còn gắn liền với tính lịch sử, tính giai cấp của chủ thể hành động.


4. Kết luận

“Triết học về sự phát triển đạo đức” của Kohlberg là sự kế thừa những thành quả nghiên cứu của tâm lý học đạo đức và triết học đạo đức, đặc biệt là “Phán đoán đạo đức của trẻ em” (1932) của Jean Piaget và triết học đạo đức của Immanuel Kant.

Kế thừa học thuyết của Piaget và kết quả thực nghiệm dựa trên phương pháp phỏng vấn về một tình huống khó xử cụ thể, Kohlberg đã đưa ra một học thuyết về sự phát triển nhận thức đạo đức của con người có tính cấu trúc từ thấp lên cao. Quá trình đó chính là quá trình nhận thức/đánh giá về sự công bằng. Quá trình này diễn ra liên tục, tuân theo một trình tự nhất định, trong đó các cấp độ và các giai đoạn sau bao giờ cũng đầy đủ và hoàn thiện hơn.

Kế thừa tư tưởng triết học đạo đức của Kant về tính hình thức của qui luật đạo đức và giá trị tuyệt đối của con người, Kohlberg đã nhấn mạnh những nguyên tắc của sự công bằng, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng phẩm giá con người, xem nó là nguyên tắc tối cao của quá trình nhận thức đạo đức: Mọi người đều bình đẳng và giá trị của mỗi người là giá trị của một cá thể đặc biêt (độc đáo).

Mặc dù học thuyết trên của Kohlberg còn nhiều hạn chế khi nó xem nhẹ tính lịch sử, tính giai cấp của quá trình phát triển nhận thức đạo đức nhưng việc nghiên cứu về nó giúp chúng ta có thể hiểu thêm về những giá trị đạo đức văn minh nhân loại, góp phần làm giàu tinh thần đạo đức dân tộc.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hirschberger, Johannes (1991) Geschichte der Philosophie, Bd. 1, Freiburg-Basel-Wien, Kant, I., Grundlegung einer Metaphysik der Sitten, Frankfurt am Main, 1977

2. Kant, Immanuel (1983),Kritik der praktischen Vernunft, Philipp Reclam jun. Leipzig

3. Kohlberg, Lawrence (1971),The Philosophy of Moral Development. In G. Lesser , ed. Psychology and educational practice. Scott Foresman

4. Kohlberg, L (1977), Eine Neuinterpretation der Zusammenhaenge zwischen der Moralentwicklung in der Kindheit und im Erwwachsenalter. In Doebert, R. (Hrsg.): Entwicklung des Ich, Koeln
5. An Overview of Moral Development. http://www.google.com/ Kohlberg’s Stages of Moral Development
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?