Sự hình thành và phát triển của tư tưởng triết học Ấn Độ cổ, trung đại

Lịch sử phát sinh và phát triển của triết học ấn độ cổ, trung đại được chia thành hai thời kỳ: thời kỳ Véđa ( khoảng cuối thiên niên kỷ II đến thế kỷ VII tr.CN) và thời kỳ cổ điển, hay thời kỳ Phật giáo, Bàlamôn giáo ( từ thế kỷ VI đến thế kỷ I tr.CN). 

1. Triết học thời kỳ Véđa 

Kinh Véđa là những bộ kinh cổ nhất của ấn độ và của nhân loại. Đó là một bộ sách thu lượm tất cả những câu ca dao, vịnh phú, những tư tưởng, quan điểm, những tập tục, lễ nghi...của nhiều bộ lạc người Arya. 

Chữ Véđa bắt nguồn từ căn tự "vid", nghĩa đen là "tri thức", "hiểu biết". Nó cũng được dùng chung với nghĩa là "thánh kinh", là "sự sáng suốt cao nhất". Có thể nói Véđa là một tác phẩm tổng hợp, có tính hỗn hợp và có nhiều cách phân chia. 

1.1. Giai đoạn từ khoảng 2000 năm tr.CN đến thế kỷ VIII tr. CN 

+ Rig - Véđa: Rig, có nghĩa là "tán ca", tán tụng Véđa. Đây là bộ kinh cổ nhất của nền văn hoá ấn độ bao gồm 1017 bài, sau được bổ sung thêm 11 bài dùng để cầu nguyện, chúc tụng công đức của các vị thánh thần.

+ Sama - Véđa: Tri thức về các giai điệu ca chầu khi hành lễ, gồm 1549 bài.

+ Yajur - Véđa: Tri thức về các lời khấn tế, những công thức, nghi lễ khấn bái trong hiến tế.

+ Atharva - Véđa: Tách riêng với bộ ba trên, gồm 731 bài văn vần là những lời khấn bái mang tính bùa chú, ma thuật, phù phép nhằm đem lại những điều tốt lành cho bản thân và người thân, gây tai họa cho kẻ thù.

Nhìn chung trong các tập Véđa thời kỳ này tập trung phản ánh ước vọng của người dân thường như mong mưa thuận gió hòa, mong có thức ăn, có gia súc...; đồng thời phản ánh một tín ngưỡng ma thuật và đa thần giáo, chưa có những khái quát triết học. Tuy nhiên qua các tập Véđa đã thể hiện sự phát triển của tư duy trừu tượng trong đó người ta đã thừa nhận một nguyên lý vũ trụ với sức mạnh vô hạn, biểu hiện ra trong thiên nhiên, trong tinh thần và các nghi lễ.

1.2.Giai đoạn từ thế kỷ VIII tr. CN đến thế kỷ V tr. CN

+ Brahmana: (gọi là Phạn chí hay kinh Bàlamôn), gồm những bài cầu nguyện, giải thích các nghi lễ của Véđa.

+ Aranyaka: Nghĩa là suy tưởng trong rừng - kinh rừng, giải thích ý nghĩa huyền bí của những nghi lễ Véđa và phát hiện những ý nghĩa tượng trưng cao siêu của Véđa.

+ Kinh Upanishad: Là những kinh sách bình chú tôn giáo - triết học, gồm 200 bài kinh giải thích ý nghĩa triết lý sâu xa của những tư tưởng thần thoại, tôn giáo Véđa. Nó thể hiện một tinh thần mới là giải phóng ý thức khỏi sự ràng buộc của nghi lễ và bàn đến những vấn đề có ý nghĩa triết học thực sự.

1.3. Tư tưởng triết học trong kinh Upanishad

Đây là một trong những bộ kinh quan trọng nhất của kinh Véđa, được biên soạn qua nhiều thế kỷ ( khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ V tr.CN) bởi các tông phái, các đạo sĩ trong những hoàn cảnh và địa phương khác nhau.
Khái niệm Upanishad có nghĩa là ngồi trang nghiêm cùng giảng giải lý thuyết cao siêu, huyền bí với thầy. ("shad" nghĩa là "ngồi"; "upa" nghĩa là "gần"; "ni" có nghĩa là "trang nghiêm"). Upanishad không phải là một tác phẩm trình bày có hệ thống, chặt chẽ những quan điểm của một trường phái triết học, mà được viết dưới hình thức hội thoại giữa thầy và trò. Sự xuất hiện của Upanishad được coi là "bước nhảy" hoàn toàn từ thế giới quan thần thoại, tôn giáo sang tư duy triết học. Tư tưởng triết học cơ bản của Upanishad có thể khái quát như sau:

a. Thế giới quan
Upanishad đã đưa ra cách giải thích duy tâm về nguồn gốc của thế giới, coi Brahman - "Tinh thần vũ trụ tối cao" - là thực thể duy nhất, có trước nhất, tồn tại vĩnh viễn, bất diệt, là cái từ đó tất cả thế giới này đều nảy sinh ra và nhập về với nó sau khi chết.

Atman - Linh hồn con người chỉ là sự biểu hiện, là một bộ phận của "Tinh thần vũ trụ tối cao". Cơ thể con người chỉ là vỏ bọc của linh hồn, là nơi trú ngụ của linh hồn, là hiện thân của "Tinh thần vũ trụ tối cao" tuyệt đối, bất tử Brahman. Vì toàn bộ vũ trụ là Brahman nên về bản chất linh hồn là đồng nhất với "Linh hồn tối cao".

b. Nhận thức luận
Upanishad phân sự nhận thức của con người thành hai trình độ khác nhau là hạ trí (aparâ - vidây) và thượng trí (parâ - vidây). Hạ trí là tri thức phản ánh những sự vật, hiện tượng riêng lẻ, có hình tướng, danh sắc đa dạng của hiện thực gồm các tri thức khoa học thực nghiệm, các ngành nghệ thuật. Thượng trí là trình độ vượt qua tất cả thế giới hiện tượng hữu hình, hữu hạn, thường xuyên biến đổi để nhận thức một thực tại tuyệt đối, duy nhất, bất diệt (aksara), thường hằng, vô hình và là bản chất của tất cả những cái đang tồn tại (Brahman). Tuy nhiên, hạ trí cũng có vai trò và công dụng của nó đối với nhận thức, là phương tiện cần thiết để đưa con người tới hiểu biết thượng trí.

c. Nhân sinh quan
Upanishad bàn tới vấn đề "luân hồi", "nghiệp báo". Vì Atman "linh hồn" tồn tại trong thể xác con người trần tục nên ý thức con người lầm tưởng rằng "linh hồn" đó khác với "linh hồn vũ trụ" bất tử. Những cảm giác, ham muốn dục vọng và hành động của con người nhằm thỏa mãn những ham muốn đó trong đời sống trần tục đã gây ra những hậu quả, gieo đau khổ ở kiếp này và cả kiếp sau, gọi là "nghiệp báo" (Karma). Do vậy, linh hồn bất tử cứ bị giam hãm vào hết thể xác này đến thể xác khác, bị che lấp, ràng buộc bởi thế giới hiện tượng như ảo ảnh, gọi là sự "luân hồi" (Samsara), không nhận ra và không trở về đồng nhất với chân bản của mình là Brahman được.
Muốn giải thoát linh hồn bất tử khỏi vòng vây hãm của luân hồi, nghiệp báo để đạt tới đồng nhất với "Tinh thần vũ trụ tối cao" tuyệt đối thì con người phải dốc lòng toàn tâm tu luyện hành động và tu luyện tri thức. Bằng nhận thức trực giác, thực nghiệm tâm linh, con người mới nhận ra chân bản của mình, khi đó linh hồn bất tử mới đồng nhất được với "linh hồn vũ trụ tối cao" và bắt đầu "siêu thoát" (moksa).


2. Triết học thời kỳ cổ điển (Hay thời kỳ Phật giáo, Bàlamôn giáo)

Đây là thời kỳ nền kinh tế, xã hội nô lệ ấn Độ đã phát triển cao, nhưng vẫn bị bóp nghẹt bởi tính chất kiên cố của tổ chức công xã nông thôn, cùng sự thống trị của nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền và sự khắc nghiệt của chế độ đẳng cấp. Trong lĩnh vực tinh thần, thế giới quan duy tâm, tôn giáo được coi là hệ tư tưởng chính thống, thống trị trong đời sống tinh thần xã hội. Các trào lưu triết học thời kỳ này với khuynh hướng đa dạng, đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau, vừa mang tính chất triết học, vừa mang đậm màu sắc tôn giáo.

Trong thời kỳ này, cuộc đấu tranh giữa các trường phái triết học, nhất là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật, vô thần chống chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo lên đến đỉnh cao, đặc biệt là việc phủ nhận uy thế của kinh Véđa. Từ đó đã hình thành cách phân chia có tính chất truyền thống tất cả các trường phái triết học thành hai phái chính:

+ Phái triết học chính thống (Astika) thừa nhận uy thế tối cao của kinh Véđa, đạo Bàlamôn, bao gồm 6 trường phái chính là 1)Samkhya, 2) Nyaya, 3) Vaisêsika, 4) Mimamsa, 5) Yoga và 6) Védanta.

+ Phái triết học không chính thống (Nastika) bác bỏ uy thế tối cao của kinh Véđa, đạo Bàlamôn gồm 3 trường phái chính là: 1) Các trường phái triết học vô thần, duy vật trong phong trào mới đòi tự do tư tưởng ở Đông ấn và trường phái triết học duy vật tiêu biểu Lokayata hay chủ nghĩa duy vật khoái lạc Charvaka; 2) Phật giáo và 3) Đạo Jaina.

Trừ trường phái Lokayata là trường phái triệt để duy vật, vô thần, còn tất cả các trường phái khác đều mang tính chất nhị nguyên luận hay thiếu triệt để.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?