Phương pháp duy lý của Descartes

        Vào thời cận đại vấn đề phương pháp gắn bó hữu cơ với sự tiến bộ của nhận thức khoa học. Lôgíc học truyền thống của Aristote không đủ sức đáp ứng những đòi hỏi của quá trình khám phá chân lý. Vì thế các nhà tư  tưởng thế kỷ XVII tìm kiếm phương pháp tư duy thích hợp, nhằm giúp con người thâm nhập sâu hơn vào cõi bí hiểm của tự nhiên. Bacon chỉ trích xã hội đương thời là đã xác lập một nền quân chủ trong khoa học xoay quanh ngai vàng tri thức của Aristote. Ông phê phán tam đoạn luận cùng phương pháp quy nạp đơn giản, xây dựng phương pháp quy nạp khoa học, đề cao vai trò của khoa học thực nghiệm, khẳng định “chân lý là đứa con của thời gian, chứ không phải của uy quyền”. Galileio khởi xướng phương pháp thực nghiệm – toán học, còn Descartes trong tác phẩm Những quy tắc hướng dẫn lý trí (gồm 21 quy tắc) nhấn mạnh sự cần thiết giải phóng lý trí ra khỏi nhận thức mơ hồ. Phương pháp luận của Descartes đề cao tri thức xác thực và dựa vào toán học “phổ quát” để nêu ra những quy tắc quan trọng nhất của tư duy. Trong phần 2 của Bàn về phương pháp hướng dẫn lý trí của mình một cách đúng đắn và tìm kiếm chân lý trong khoa học Descartes nêu ra 4 quy tắc cơ bản của nghiên cứu khoa học, còn gọi là các quy tắc vàng. 


 
        Quy tắc thứ nhất – tính rõ ràng và phân minh của đối tượng. Descartes nhấn mạnh: “không bao giờ thừa nhận cái mà ta cho là không phân minh rõ ràng là cái chân lý, nghĩa là phải tránh sự vội vàng và hấp tấp, chỉ xem là đối tượng nghiên cứu những gì rõ ràng và phân minh đối với trí tuệ của tôi, làm sao để không còn bất kỳ hoài nghi nào” (Sđd, tr. 260). 

        Ở một tác phẩm khác – Các quy tắc hướng dẫn trí tuệ – Descartes viết :”Việc hướng dẫn trí tuệ bằng cách làm sao để nó có thể đưa ra những phán quyết chắc chắn và xác thực về tất cả các sự vật… đó là mục đích của nghiên cứu khoa học […] Chỉ nên tìm hiểu các đối tượng mà trí tuệ của chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt đến tri thức xác thực và đáng tin cậy về chúng” (Sđd, tr. 78 – 79).

        Quy tắc thứ hai - phân tích đối tượng ra các yếu tố để làm rõ những nan giải cần vượt qua, những nhiệm vụ cần giải quyết, mục tiêu cần đạt tới;

        Quy tắc thứ ba – tính trình tự  của tư duy. Theo Descartes, cần phải bắt đầu việc nghiên cứu  từ những sự vật đơn giản nhất, dễ nhận biết nhất, dần dần đi đến nghiên cứu những sự vật và hiện tượng phức tạp hơn. Descartes bổ sung thêm, toàn bộ phương pháp là ở trình tự và vị trí các sự vật mà lý trí cần hướng đến để tìm ra một chân lý nào đó. “Chúng ta kiên trì sử dụng nó, nếu dần dần đưa được những cái rối rắm và mơ hồ về những cái đơn giản, rồi sau đó, xuất phát từ sự lý giải những cái đơn giản nhất, cố gắng đi tới sự nhận thức những cái khác” (Sđd, tr. 91). 

        Quy tắc thứ tư – lập bảng liệt kê đầy đủ, đánh giá tổng quan các sự kiện, các phát minh, giả thiết, hệ thống, để chắc chắn rằng không có điều gì chúng ta bỏ qua. 

        Đối với Bacon tri thức là sức mạnh. Đối với Descartes, để tri thức biến thành sức mạnh, cần loại bỏ những yếu tố ngẫu nhiên, chú ý những luận cứ của tư duy như sự minh chứng hùng hồn về con người – chủ thể tư duy: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”.

        Ở phương pháp luận của Descartes khái niệm trực giác chiếm vị trí đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu về tính phân minh, rõ ràng của sự nghiên cứu và tính xác thực của tri thức. Trong lịch sử triết học khái niệm này có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất gắn với nhận thức cảm tính trực tiếp về sự vật, đặc biệt với các hình ảnh được xác định bằng thị giác; ở nghĩa thứ hai trực giác được xem như thứ ánh sáng bên trong nào đó, khi mà chân lý phức tạp nhất được nhận thức trong một cảm giác chắc chắn, phản ánh sự thống nhất rất cao các tiềm năng và sức mạnh nhận thức của con người, trong đó trực giác đóng vai trò là khâu hoàn thành của nhận thức.

        Trực giác của Descartes là trực giác trí tuệ; nó không phải là “niềm tin và sự kiểm chứng bấp bênh của cảm giác”, cũng không phải là “phán đoán lừa bịp của sự tưởng tượng vô căn cứ”, mà là “khái niệm bền vững của trí tuệ rõ ràng, nghiêm túc, phân minh, chỉ được tạo ra bởi ánh sáng tự nhiên của lý trí và nhờ tính chân thực của mình mà tỏ ra chính xác hơn cả suy diễn” (Sđd, tr. 86).

Suy diễn khác với trực giác bởi tính gián tiếp khi nêu ra chân lý. Điều cơ bản làm cho trực giác trở thành trực giác trí tuệ, là do nó đóng vai trò là điểm xuất phát đối với chuỗi suy diễn, đối với việc rút ra một khái niệm từ khái niệm khác. Do chỗ hiện thực là chuỗi các quan hệ của các sự vật, hiện tượng, các quan hệ tuân thủ các quy tắc của “toán học phổ quát”, nên sự nhận thức các quan hệ đó được thể hiện ở chuỗi suy diễn của các phán đoán. Mỗi trực giác nhất định tạo nên điểm bắt đầu của một trong những chuỗi ấy.

Một đặc tính quan trọng của suy diễn là tính liên tục. Để thành công trong lập luận suy diễn cần có một trí nhớ mà nhờ đó ta liệt kê được các khâu của suy diễn. Ưu thế của trực giác so với suy diễn là tính trực tiếp, không đòi hỏi một cường độ ghi nhớ nào, tuy nhiên sau đó phải có suy diễn tiếp theo thì mới nêu bật được nội dung cốt lõi của nó. Trực giác và suy diễn thống nhất với nhau theo nghĩa này. Sau Descartes phái duy lý thu hút các nhà triết học như B. Spinoza, G, W. Leibniz, N. Malebranche…

Thế hệ các nhà triết học sau Bacon và Descartes chú trọng nhiều hơn đến việc kết hợp hai khuynh hướng duy nghiệm và duy lý, hai phương pháp quy nạp và diễn dịch, nhằm đáp ứng đòi hỏi nhận thức sâu sắc về các hiện tượng của tự nhiên, xã hội, tư duy con người.

Triết học+
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?