Những khái niệm căn bản của chủ nghĩa hậu hiện đại
"Tình bạn luôn luôn là dầu xoa dịu tốt nhất cho nỗi đau vì thất vọng trong tình yêu."
------------------------ AJane Austen
Chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận tính chất đô hộ và áp đặt của đại tự sự, cổ xuý những tiểu tự sự, những lý lẽ giải thích cho những hành động nhỏ bé, những biến cố có tính chất địa phương thay vì những khái niệm rộng lớn có tính cách bao quát và toàn thể.
LTS: Tiếp theo các bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta của tác giả Đông La và Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoàng Ngọc Tuấn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Minh Quân nhằm tiếp tục cung cấp cho bạn đọc những kiến thức căn bản về xu hướng triết học - mỹ học và nghệ thuật quan trọng này.
Chu nghia hau hien dai nhung khai niem can ban
Trong phần tư cuối cùng của thế kỷ thứ hai mươi, những cuộc tranh luận về chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism, còn gọi tắt là PoMo) không chỉ xảy ra trong giới hàn lâm mà còn tạo nên một phong trào hết sức rộng lớn ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực khác nhau trên khắp thế giới. Về phương diện lý thuyết văn hoá và mỹ học, cuộc luận chiến nổ ra xung quanh một nghi vấn: Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại (modernism) trong các ngành nghệ thuật đã thực sự bị khai tử hay chưa? Nếu có, khuynh hướng nghệ thuật (hậu hiện đại) nào sẽ tiếp nối?
Gay gắt và dữ dội hơn, các nhà lý thuyết hàng đầu hai bên bờ Đại Tây Dương đã đẩy các cuộc tranh cãi đến những giới hạn cuối cùng của các phạm trù triết học. Những triết gia hoài cổ tiếp tục chống chế và cố biện giải cho sự duy trì chủ nghĩa nhân bản (humanism) và chủ nghĩa duy lý (rationalism), nhóm này tìm thấy đồng minh ở giới khoa bảng trung thành với chủ nghĩa thực chứng (positivism), lấy Khoa Học và Tri Thức làm nền tảng cho tri thức luận (epistemology) của họ. Trong khi đó, nhóm triết gia đại diện cho chủ nghĩa hậu hiện đại như Barthes, Derrida, Foucault, Baudrillard, Rorty, Lyotard… tấn công một cách mãnh liệt vào nền tảng triết học của chủ nghĩa hiện đại, đồng thời khẳng định rằng lý thuyết này đã đến thời điểm cáo chung. Dần dần, các cuộc tranh luận về ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đã lan rộng ra hầu như mọi lãnh vực của đời sống, biến khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại trở nên vô cùng đa dạng và phạm vi ý nghĩa của nó ngày một rộng lớn hơn .
Chủ nghĩa hậu hiện đại, theo giáo sư Mary Klages [I], là một từ ngữ phức tạp bao hàm một hệ thống tư tưởng được giới nghiên cứu đại học tiếp nhận, khai triển từ những năm giữa thập niên 1980 đến nay. Rất khó có một định nghĩa thật chính xác và hàm súc về chủ nghĩa hậu hiện đại, vì khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, bao gồm nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, phim ảnh, văn chương, chính trị, xã hội, truyền thông, khoa học kỹ thuật và ngay cả thời trang hay các phương tiện giải trí thường ngày như Disneyland chẳng hạn [2].
Có lẽ cách tiếp cận dễ dàng nhất về chủ nghĩa hậu hiện đại là nên bắt đầu từ chủ nghĩa hiện đại (modernism): nguồn gốc phát triển, đồng thời cũng là đối tượng bị phủ nhận của chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo phương pháp này, chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ được giải thích trên hai bình diện khác nhau: (a) lịch sử và xã hội, (b) văn học và các khuynh hướng nghệ thuật.
Nếu dựa theo quan điểm lịch sử và xã hội để giải thích chủ nghĩa hậu hiện đại, chúng ta sẽ thấy rằng chủ nghĩa hậu hiện đại mặc dầu trên danh nghĩa là chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng có vẻ như đó là tên gọi cho toàn thể hình thái xã hội, hoặc ít nhất cũng là tên gọi cho những thái độ xã hội của các khuynh hướng chính trị, triết lý, hay văn học nhất định. Đứng trên một ngữ cảnh như thế, chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ mang một ý nghĩa không có gì khác với thời kỳ hậu hiện đại cùng với những tính chất đặc trưng của nó. Cách tiếp cận này sẽ dẫn đến sự đối chứng và so sánh giữa thời kỳ hậu hiện đại và thời kỳ hiện đại, tiền thân lịch sử và xã hội của thời đại chúng ta đang sống, nếu chúng ta không quá bảo thủ để khư khư cho rằng thời đại này chỉ là một “quá độ của tư bản chủ nghĩa.”
Thời Kỳ Hiện Đại/Hậu Hiện Đại - Tính Chất Hiện Đại/Hậu Hiện Đại
Trong các luận văn Anh Ngữ viết về chủ nghĩa hậu hiện đại, chữ modernity (thời kỳ hiện đại) hay chữ postmodernity (thời kỳ hậu hiện đại) vừa bao hàm ý nghĩa thời gian vừa ngầm chứa ý nghĩa của tính chất, nên trong tiếng Việt của chúng ta, rất khó có một từ ngữ tương đương, chứa đựng hai đặc điểm diễn tả cả ý niệm thời gian lẫn tính chất: thời kỳ hiện đại và tính chất hiện đại, hay, thời kỳ hậu hiện đại và tính chất hậu hiện đại, để chuyển dịch trọn vẹn cho hai từ ngữ trên.
Về phương diện lịch sử, thời kỳ hiện đại đánh dấu một kỷ nguyên tương đối dài trong lịch sử thế giới, bắt đầu từ thời Phục Hưng (Renaissance), kéo dài gần một nửa thiên niên kỷ, cho đến giữa thế kỷ thứ hai mươi. Nghĩa là kể từ khi thời đại Trung Cổ (Middle Ages) chấm dứt cho đến những năm đầu của thập niên 1950 đều thuộc về thời kỳ hiện đại [3]. Thông thường, người ta sắp xếp thời kỳ hiệân đại này như một modern era trùng hợp với kỷ nguyên Ánh sáng (Enlightment) của Âu Châu, mặc dầu thời gian và tính chất giúp xác định một cách rõ ràng giai đoạn lịch sử nào tương ứng với Enlightment vẫn còn đang trong vòng tranh cãi giữa các giới nghiên cứu và học giả. Theo Oden [4], thời kỳ Ánh Sáng chính là thời kỳ khai sinh của giai đoạn hiện đại trong lịch sử trí thức. Nó bắt đầu từ cuộc cách mạng Pháp, 1789, và chấm dứt vào năm 1989, mốc điểm đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh bằng sự sụp đổ bức tường ngăn chia Đông và Tây Berlin. Một số khác cho rằng thời kỳ hiện đại bắt đầu từ năm 1750 và chấm dứt sau đệ nhị thế chiến (2). Tuy có khác biệt trong việc sắp xếp thời gian, xu hướng chung đều đồng ý rằng, thời kỳ hiện đại gắn liền với giai đoạn Ánh Sáng tại Âu Châu.
Khác với thời kỳ hiện đại kéo dài nhiều trăm năm, chủ nghĩa hiện đại (modernism) là một khuynh hướng văn hoá rộng lớn xuất hiện vào giai đoạn sau cùng của thời kỳ hiện đại và chỉ kéo dài 50 hoặc 60 năm, từ cuối thế kỷ thứ 19 đến những năm đầu thập niên 60 (4), cao điểm của nó vào khoảng thời gian 1890 đến 1930 (5) hoặc ngắn hơn như quan điểm của Mary Klages là vào khoảng 1910 đến 1930 (2). Thời kỳ hiện đại mang những tính chất liên hệ đến một hệ tư tưởng về triết lý, đạo đức, chính trị và xã hội, làm nền tảng căn bản cho các khuynh hướng mỹ học của chủ nghĩa hiện đại phát triển.
Chữ modernity bắt đầu từ chữ modern có từ nguyên từ tiếng La tinh, modernus, được sử dụng vào thế kỷ thứ năm, dùng để tách rời một cách chính thức thời kỳ Cơ Đốc và quá khứ đa thần của đế quốc La Mã [5]. Kể từ đó, danh từ này được dùng để mô tả một giai đoạn hay một khoảng thời gian, trong hàm ý so sánh với một quá khứ đi trước, gọi là thời kỳ Cổ Đại (Antiquity). Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện thời kỳ Ánh Sáng của Pháp (French Enlightment), ý nghĩa thời gian trong chữ modernity đã được bổ sung thêm một ý niệm mới, đặc biệt là sau Querelle des Anciens et des Modernes, chữ modernity bao hàm thêm ý nghĩa cao hơn (ý niệm về tính chất) trong sự so sánh các giai đoạn lịch sử và phát triển của nhân loại. Trong sự liên hệ với lý thuyết triết học, tôn giáo và giá trị mỹ học, người ta đã tranh luận rằng, modernity phải được xem là tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, tinh tế hơn và dĩ nhiên sở hữu nhiều sự thật (có nền tảng sâu xa) hơn thời đại cổ xưa [6].
Những cuộc tranh luận về các tiêu chuẩn giá trị giữa cũ và mới (vào giai đoạn đó) làm cho lòng tôn kính một cách mù loà về sự hiện hữu của một đấng siêu nhiên ngoài vũ trụ, thông suốt hết mọi sự, trở nên hết sức lỗi thời và lố bịch, nền tảng triết lý của Antiquity bị lật nhào, mang theo nó những định chế về xã hội và văn hoá chi phối một cách mạnh mẽ bởi giới vua chúa, quý tộc, tăng lữ và giáo hội trong hơn 15 thế kỷ, mở đường cho thời kỳ Ánh Sáng với những phát triển vượt bậc về khoa học, chính trị, xã hội, luật pháp, đạo đức và văn học tại Âu Châu. Xuyên suốt chiều dài của giai đoạn Ánh Sáng, dựa trên “tính chất khách quan” của các “bằng chứng khoa học”, người ta đi tìm một “sự thật tuyệt đối” trong mỗi tạo vật của thế giới và vũ trụ ngõ hầu xây dựng nên những lý thuyết về tự nhiên cũng như những tổ chức và định chế xã hội nhằm đạt đến “một cơ cấu hợp lý trong đời sống thường ngày.” [7]
Khi bàn luận về tính chất hiện đại có hai tên tuổi lớn thường được nhắc đến: Kant và Hegel. Nếu Kant được thừa nhận như người đầu tiên cổ xuý cho những đổi mới trong các khuynh hướng triết học hiện đại, và nếu Hegel được xem như là người tiên phong trong việc đưa ra một khái niệm triết học rõ ràng để xác định những vấn nạn của thời kỳ hiện đại như “sự bảo chứng bản ngã”, hoặc sự cần thiết xây dựng những nền tảng biện chứng riêng cho bản ngã, thì Baudelaire mới là người thường xuyên được nói đến như là một lý thuyết gia có công tạo ra được một ngã rẽ rõ ràng về các hiểu biết của tính chất hiện đại [8].
Baudelaire đã chỉ ra những giá trị có thể có của thời kỳ hiện đại [9]; nhận thức những đặc tính hiện đại tách biệt như tính nhất thời, ngẫu nhiên, và phù du trong thời kỳ hiện đại [10]; làm sáng tỏ những điều kiện và những phức tạp trong đời sống hiện đại [11]. Nhưng có lẽ Baudelaire được nhớ đến nhiều nhất là nhờ ông đã chỉ ra “sự tương phản giữa tính chất mỹ học hiện đại và tính chất thực tiễn của nền văn minh tư sản trong thời kỳ hiện đại.” [12]. Baudelaire đã có hai quan sát riêng biệt: thứ nhất, có những trùng hợp đáng kể giữa triết lý và mỹ học thời hiện đại; thứ hai, sự tương phản giữa mỹ học (hoặc văn hoá) và chính trị, xã hội thời hiện đại tạo nên hai tính chất riêng rẽ đối kháng nhau một cách đầy mỉa mai [13], đánh dấu cho thời kỳ này đang tiến đến giai đoạn phát triển cao nhất của nó để chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời các chủ thuyết lớn thời cận đại.
Theo Jane Flax, trong luận văn Thinking Fragments: Psychoanalysis, Feminism, and Postmodernism in the Contemporary West [14], nếu thời kỳ hiện đại được hiểu với khái niệm thời gian, thì giai đoạn nối tiếp của nó sẽ được xem như là thời kỳ hậu hiện đại (postmodernity). Và tính chất riêng biệt đặc trưng cho từng thời kỳ gọi là tính chất hiện đại và tính chất hậu hiện đại, mặc dầu trong Anh Ngữ vẫn chỉ là modernity và postmodernity. Khi nói đến tính chất hiện đại người ta có khuynh hướng nói đến những đặc điểm triết lý xuyên suốt thời kỳ Ánh Sáng của Âu Châu, với những đại diện tiêu biểu cho giai đoạn này bao gồm: Jean-Jacques Rousseau, Ferdinand de Saussure, Sigmund Freud, Karl Marx, Jean-Paul Sartre…
Tiến trình xây dựng lý thuyết cho thời kỳ hiện đại từ Descartes cho đến Marx, Weber, hay Jean-Paul Sartre, cùng những trường phái liên hệ, đặt định Lý Tính như một nguồn gốc tiến bộ của tri thức và xã hội, cũng như vị trí ưu thế đặc quyền trung tâm của Sự Thật làm nền tảng cho hệ thống tri thức. Lý Tính được sử dụng như một phương tiện đầy quyền năng để khám phá và xây dựng một cách đầy đủ những tiêu chuẩn lý thuyết lẫn thực hành; dựa vào đó, tư tưởng và hành động của từng cá nhân, cấu trúc xã hội, sẽ hình thành. Cuộc cách mạng tư tưởng trong thời đại Ánh Sáng cũng xảy ra tại Hoa Kỳ và một số quốc gia dân chủ khác mà mục đích tối hậu là xoá bỏ chế độ cùng với ý thức hệ phong kiến để sản sinh ra một trật tự xã hội đúng đắn và công bằng hơn, tạo nên một xã hội tiến bộ hơn có chức năng vận động hợp lý hơn.
Những tư tưởng căn bản của thời kỳ Ánh Sáng đặc trưng bởi tính chất hiện đại, nêu lên trong công trình nghiên cứu của Jane Flax, có thể được tóm tắt như sau:
Luôn luôn tồn tại một bản ngã ổn định, tự nhận thức, được cấu trúc mạch lạc và chặt chẽ. Bản ngã này tự ý thức, duy lý, tự do về ý chí và mang những đặc tính chung cho toàn thể thế giới, không có một điều kiện thể lý nào có thể tạo nên những ảnh hưởng thực thể đến nguyên lý hoạt động của bản ngã.
Bản ngã này tự biết về bản thân nội tại và thế giới xung quanh thông qua những quy luật lý tính, trong đó tính hợp lý được đặt ở vị trí cao nhất trong các dạng thức về chức năng lý trí, và tính chất này là hữu thể khách quan duy nhất của vũ trụ.
Phương tiện nhận thức do bản ngã lý tính khách quan tạo nên là Khoa Học, và chỉ có khoa học mới có khả năng đưa ra được những Sự Thật tuyệt đối, phổ thông và vạn năng về thế giới, bất chấp trạng thái cá nhân của người cảm nhận.
Tri Thức (Kiến Thức) đạt được từ Khoa học là sự thật tuyệt đối vĩnh hằng.
Tri thức và Sự thật tạo ra bởi Khoa Học thông qua một bản ngã khách quan hữu lý sẽ luôn dẫn đến sự toàn thiện và toàn mỹ. Tất cả mọi thể chế và hành động của nhân loại có thể phân tích bằng khoa học (một khoa học hợp lý và khách quan) để hoàn thiện.
Lý tính là sự phán xử sau cùng cho những gì gọi là Sự Thật, do đó cũng sẽ quyết định cái gì là đúng, là tốt, là hợp pháp và hợp đạo đức. Sự tự do phải bao hàm ý nghĩa tuân thủ luật pháp, một luật pháp phù hợp với tri thức phát hiện bởi lý tính.
Trong thế giới điều khiển bằng lý tính, Sự Thật luôn luôn đồng nghĩa với cái đúng, cái tốt và cái đẹp, sẽ không bao giờ có sự mâu thuẫn giữa những gì gọi là sự thật và những gì gọi là điều đúng.
Khoa học, vì vậy, sẽ đại diện cho một khuôn mẫu bao gồm tất cả mọi hình thái tri thức có ích đối với xã hội. Khoa Học là trung tính và khách quan; khoa học gia, kẻ sản sinh ra những kiến thức khoa học thông qua khả năng lý tính không bị ảnh hưởng của sự chủ quan, phải theo đúng quy luật lý tính và không bị khuynh đảo bởi những động cơ vụ lợi như quyền lực hay tiền bạc chẳng hạn.
Ngôn ngữ được sử dụng như một phương tiện diễn đạt dùng để sản xuất ra kiến thức và phổ biến kiến thức khoa học. Vì là một phương tiện khoa học, nên ngôn ngữ cũng phải hợp lý. Vì phải duy trì tính hợp lý, nên ngôn ngữ phải trong sáng, chức năng duy nhất của nó là phản ánh và thể hiện thế giới hiện thực cảm nhận, một thế giới mà từ đó một bản ngã duy lý quan sát được.
Phải có một liên kết khách quan và chặt chẽ giữa đối tượng được nhận thức và ngôn ngữ dùng để diễn tả sự nhận thức khách quan đó. Nói khác đi là cần có một quan hệ biện chứng “khoa học” giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt (signifier/signified).
Dựa trên các nguyên tắc trên, chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa duy lý sử dụng để giải thích gần như tất cả mọi hình thức cấu trúc và thể chế xã hội, bao gồm tính chất dân chủ, luật pháp, khoa học, đạo đức và mỹ học…
Về căn bản, tính chất hiện đại được bao trùm bởi tính duy lý và tiến trình hợp lý hoá, một quá trình nhằm tạo nên một trật tự từ những hỗn loạn. Các chủ thuyết hiện đại luôn có cương lĩnh hành động trên cơ sở một giả định: xây dựng một xã hội hợp lý có nghĩa là tạo nên một trật tự ổn định; xã hội ổn định chừng nào thì chức năng của nó càng hoạt động hữu hiệu chừng đó và càng hợp lý hơn.
Vì tính chất của xã hội trong thời kỳ hiện đại luôn nhấn mạnh đến sự gia tăng ngày một cao hơn trong mức độ ổn định và trật tự xã hội, nên điểm đặc thù nhất trong xã hội hiện đại là thường xuyên canh giữ những gì gọi là mất trật tự - những nguy cơ phá vỡ các trật tự đã được khoa học và lý tính xây dựng. Vô hình trung, trong xã hội hiện đại, đặc biệt là xã hội hiện đại tây phương, tính chất ổn định và trật tự phải được đặt ở vị trí trấn áp trong cặp đối lập nhị phân Trật Tự/Hỗn Loạn. Muốn vậy, mặt đối lập của Sự Đúng/Sự Thật/Trật Tự/Ổn Định phải được tạo ra một cách thường trực. Theo ngôn ngữ của Jacques Derrida, phần đối lập của trật tự, của đúng đắn, của chân lý, v.v... được xếp chung trong một phạm trù Khác (the Others).
Tính chất hiện đại xâm nhập vào đời sống thường ngày bằng cách phổ biến nền nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại (sẽ trình bày chi tiết ở phần dưới), những sản phẩm của một xã hội tiêu thụ, những kỹ thuật mới, những phương tiện di chuyển và truyền thông tân tiến. Những phương tiện năng động mà nhờ đó, thời kỳ hiện đại đã tạo ra một thế giới mới mang tính chất công nghiệp và thực dân, một quá trình biến chuyển xã hội để tiến tới công nghiệp hóa, chuyên biệt hoá, vật chất hoá, thành thị hoá, thư lại hoá, cá nhân hoá, và đặc biệt nhất và rộng lớn nhất là khoa học hoá và hợp lý hoá, một quá trình chuyển hoá toàn diện để gộp thành ý nghĩa của hiện đại hoá [15]
Trong quá trình hiện đại hoá như thế cái "Others” dùng để chỉ mọi thứ không hợp lý, thiếu văn minh, không có nguồn gốc Âu Châu, không phải da trắng, không phải đàn ông, đồng tính luyến ái, văn hoá của các dân tộc thiểu số… đều là Khác, Lạ, cần phải loại trừ. Nhân danh cho sự loại trừ những cái Khác này là sự khai phóng, là cách mạng, để tạo nên một trật tự và ổn định mới, hợp lý hơn, tốt đẹp hơn. Và trên con đường thi hành sứ mệnh duy trì trật tự và gieo rắc chủ nghĩa khai phóng, nền văn minh hiện đại cũng sáng tạo nên một hệ thống xã hội pháp lý toàn trị nhằm che đậy cho sự đô hộ và trấn áp:
Tính chất Đế Quốc và Thực Dân; lý tưởng khai phóng của thời kỳ Ánh Sáng đã mang những ý nghĩa trái ngược. Với hai cuộc chiến tranh thế giới (chủ yếu tại Châu Âu) kéo theo những hệ luỵ khủng hoảng xã hội thời hậu chiến, cộng với sự nổi dậy của các dân tộc bị trị dưới chế độ thực dân, thời kỳ hiện đại cùng với những hệ tư tưởng triết lý của nó tiến dần đến sự mâu thuẫn và khủng hoảng, mở đường cho một giai đoạn kế tiếp: thời kỳ hậu hiện đại.
Khác với chủ nghĩa hiện đại xuất hiện trong giai đoạn cuối cùng của thời kỳ hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) xuất hiện gần như đồng thời với thời kỳ hậu hiện đại (postmodernity), và có thể xem như hình ảnh đối xứng của chủ nghĩa hiện đại theo khía cạnh thời gian. Về mặt từ ngữ, chữ postmodern đã manh nha từ năm 1934, và được sử dụng lần đầu tiên bởi Arnold Toynbee vào năm 1939 [16].
Trong phần chú giải ở trang đầu tiên của tập thứ nhất thuộc bộ sách lịch sử đồ sộ của ông, A Study of History, Toynbee đã ghi rõ thời kỳ hiện đại chấm dứt vào khoảng phần tư thứ ba của thế kỷ 19, nghĩa là vào khoảng thời gian 1850 – 1875. Như vậy, thời kỳ hậu hiện đại tiếp theo không phải nằm trong thế kỷ 20 mà bắt đầu từ thế kỷ 19. Khi nghiên cứu sâu hơn trong công trình lịch sử đó, Toynbee đã chính thức sử dụng từ ngữ hậu hiện đại (Post-modern) trong tập sách thứ 5, bộ sách này xuất bản vào năm 1939, trong đó ông dời sự chấm dứt của thời kỳ hiện đại lại vào khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, nghĩa là thời kỳ hậu hiện đại có khởi điểm nằm trong khoảng thời gian từ năm 1918 đến 1939 [17].
Vì sự xuất hiện có tính cách đồng thời như vậy, nên tính chất hậu hiện đại thường được diễn tả trong các đặc tính của chủ nghĩa hậu hiện đại. Do đó, trong các văn bản tiếng Anh, chữ Postmodernity chỉ dùng để chỉ khoảng thời gian theo sau thời kỳ hiện đại, những tính chất về xã hội, triết lý, văn hoá, mỹ học… được bao hàm trong chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism). Thời kỳ hậu hiện đại (Post-modern age, Postmodernity) có liên hệ nối tiếp với thời kỳ hiện đại, có thể kéo dài vài thế kỷ mà thời đại chúng ta sống hiện nay là phần đầu của nó. Nếu chủ nghĩa hậu hiện đại, cũng như chủ nghĩa hiện đại chỉ kéo dài một thời gian ngắn, sau này người ta sẽ phân biệt rõ hơn giữa tính chất hậu hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, như chúng ta thường phân biệt tính chất hiện đại và chủ nghĩa hiện đại khi nói về giai đoạn Ánh Sáng. Điều này phù hợp với quan điểm của Lemke [18], “chủ nghĩa hiện đại, hay bất cứ một khuynh hướng trí thức nào, cuối cùng sẽ được xác định và làm rõ tính chất từ quan điểm của thế hệ kế tiếp.”
Chủ nghĩa hậu hiện đại: Những Khái Niệm Căn Bản
Theo Hassan [19], danh từ postmodernism được Federico de Onis đưa vào văn bản lần đầu vào thập niên 1930 để chỉ sự ảnh hưởng đối kháng với chủ nghĩa hiện đại. Danh từ này được sử dụng một cách phổ biến vào thập niên 1960 tại New York, theo sau sự xuất bản hai cuốn sách phê bình về mỹ thuật kiến trúc: The Death and Life of Great American Cities của Jane Jacobs vào năm 1961 và cuốn Complexity and Contradiction in Architecture của Robert Venturi vào năm 1966. Trong khi Jacobs phê bình những quá trình hiện đại hoá đô thị đã làm mất đi tính mỹ thuật về kết cấu tổng thể của thành phố, Venturi phê bình lối kiến trúc đơn điệu cộc lốc của các cao ốc mang nặng tính thực dụng của diện tích mặt bằng mà lại bỏ quên tính đa dạng, sự hài hoà giữa lịch sử cổ điển và văn minh đương đại.
Trong hai tập sách, mặc dầu không nhắc đến chữ chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng cả hai tác giả đều đề nghị giới trí thức hiện đại phải có tầm nhìn vượt lên trên thời hiện đại. Đến năm 1972, những khối nhà cao tầng được xây dựng từ những năm 50 (do Yamasaki thiết kế và đoạt giải kiến trúc Pruitt-Igoe về thiết kế nhà ở đô thị hiện đại) tại thành phố St. Louis, Missouri (Miền Trung Tây Hoa Kỳ) bị giật sập kéo theo sự phá huỷ các cao ốc có lối kiến trúc tương tự tại các thành phố khác của Mỹ, Gia Nã Đại và Âu Châu trong những năm tiếp theo, năm 1972 trở thành mốc thời gian cho sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Trong suốt thập niên 60, danh từ postmodernism được nhiều giới nghệ sĩ, nhà văn và nhà phê bình như Rauschenberg, Cage, Burroughs, Barthelme, Fielder, Hassan và Sontag sử dụng để chỉ trích sự cạn kiệt của chủ nghĩa hiện đại và để mô tả những khuynh hướng nghệ thuật muốn vượt qua những phạm vi giới hạn của chủ nghĩa đó [20]. Khuynh hướng hậu hiện đại từng bước tạo những ảnh hưởng rộng lớn hơn, lôi kéo sự bàn luận và chú ý của giới trí thức đại học như Bell, Kristeva, Lyotard, Vattimo, Derrida, Foucault, Harbemas, Baudrillardd và Jameson [21].
Theo Fredric Jameson, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như chủ nghĩa hiện đại, là những cơ cấu văn hoá, xã hội, tương ứng với những giai đoạn nhất định của chủ nghĩa tư bản. Jameson đã chia chủ nghĩa tư bản ra làm ba giai đoạn phát triển căn bản gắn liền với những hình thái văn hoá đặc thù, để từ đó các ngành nghệ thuật và văn chương được hình thành một cách tương ứng:
Giai đoạn thứ nhất hay chủ nghĩa tư bản thị trường xảy ra từ nửa đầu thế kỷ 18 kéo dài đến cuối thế kỷ thứ 19 tại Tây Âu, Anh Quốc và Hoa Kỳ cùng các quốc gia chịu ảnh hưởng. Giai đoạn này gắn liền với sự phát triển kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản, ví dụ như động cơ hơi nước và về mỹ học là sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực (realism).
Giai đoạn thứ hai hay chủ nghĩa tư bản độc quyền, bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến khi Âu Châu hoàn tất chương trình tái thiết thời hậu chiến (vào khoảng thập niên 1950). Giai đoạn này tương ứng với sự ra đời của động cơ đốt trong và động cơ điện về kỹ thuật; về mỹ học là sự hình thành chủ nghĩa hiện đại (modernism).
Giai đoạn thứ ba tức thời kỳ đương đại chúng ta đang sống, là chủ nghĩa tư bản đa quốc gia mang nặng yếu tố mở rộng thị trường, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm. Về kỹ thuật tương ứng với sự ra đời năng lượng hạch tâm và kỹ nghệ điện tử. Chủ nghĩa hậu hiện đại tương ứng với thời kỳ này.
Về phương diện lý thuyết, chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận những giả định căn bản của chủ nghĩa hiện đại mà hai yếu tố đóng vai trò chủ đạo cho mọi nền tảng triết lý của nó là Tri Thức Khách Quan (Objective Knowledge) và Sự Thật Tuyệt Đối (Absolute Truth). Theo cách nhìn của các triết gia hậu hiện đại, chủ nghĩa hiện đại được xây dựng trên một niềm tin là có một hiện thực khách quan, tồn tại một cách độc lập với mọi suy nghĩ của chủ thể quan sát, vì vậy chỉ có một kết quả biểu hiện khách quan duy nhất từ hiện thực: Sự Thật. Phương tiện để tìm hiểu hiện thực (sự thật) khách quan là Khoa Học và các nhà lý thuyết của chủ nghĩa hiện đại tin rằng con người có thể tìm ra được sự thật khách quan của thế giới và vũ trụ. Nhờ vào khoa học, chủ nghĩa hiện đại tin rằng, trí óc con người có thể có những hoạt động tinh thần để tạo ra tri thức phản ánh cho một hiện thực khách quan – Tri thức khách quan.
Lý thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại tranh luận rằng những gì chúng ta gọi là Tri Thức chỉ là một mẩu chuyện đặc biệt, một dạng văn bản, hay một giải trình ngôn ngữ (discourse), là sự sắp xếp các từ ngữ, hình ảnh hay ký hiệu, dáng điệu… theo một cách đặc biệt nhất định nào đó để phù hợp với những lợi ích của một nền văn hoá, hoặc đôi khi chỉ làm vui tai, vui mắt cho một thành phần nhỏ nhoi có quyền lực trong nền văn hoá đó. chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận con người có thể có một Tri Thức Khách Quan vì những gì chúng ta gọi là tri thức phải được tạo thành từ ngôn ngữ và những nguồn gốc tạo nghĩa khác tồn tại trong một nền văn hoá nhất định, mỗi nền văn hoá có cách nhìn thế giới trong những cách khác nhau, những hệ thống hình thành tri thức trong các nền văn hoá khác nhau như thế hoạt động trên một nguyên tắc đặc thù riêng biệt. Vì vậy, quan điểm về thế giới và vũ trụ từ nền văn hoá Âu Mỹ xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa hiện đại bị áp đặt để trở thành một quan điểm thống nhất và hằng định cho toàn thể mọi nền văn hoá trên thế giới, về thực chất là một giả định có tính chất mưu cầu lợi ích chính trị để đạt được những tham vọng đế quốc trong quá khứ, nó không tồn tại vững chắc trên cơ sở trí thức.
Chủ nghĩa hậu hiện đại đi xa hơn để chỉ ra rằng, cũng giống như một số nền văn hoá Âu Châu trong thời kỳ cận đại đã áp đặt quan điểm của họ lên những nền văn hoá khác bằng vũ lực, bằng xâm lăng và đô hộ, thì ngay trong các quốc gia “hiện đại” đó cũng có một thiểu số thuộc giai cấp quyền thế, giai cấp quý tộc cầm quyền chiếm ưu thế bởi các nhóm nam giới trung niên, đã thống trị và chi phối các dòng tư tưởng “chính mạch” trong các động hướng xã hội, chính trị, văn hoá và cả đến khoa học tự nhiên (nếu thực sự có một khoa học khách quan về tự nhiên như thế hằng tồn tại), làm cho “thế giới quan hiện đại” phát đi từ chủ nghĩa hiện đại tại các quốc gia đó vốn dĩ đã không khách quan lại càng bị bó hẹp hơn – quan điểm của giai cấp thống trị [22].
Như đã đề cập ở phần trên, Huyssen đã truy nguyên nguồn gốc của chủ nghĩa hậu hiện đại từ các khuynh hướng kiến trúc, mỹ thuật và phê bình của giới trí thức và nghệ sĩ tại New York vào thập niên 1960 sau đó được các nhà lý thuyết triết học Âu Châu khai triển vào thập niên 70, trong số các lý thuyết gia hàng đầu đó (Michel Foucault, Jean Baudrillard, Kristeva, Bell…) phải kể đến Jean-François Lyotard với cuốn sách nổi tiếng La Condition Postmoderne xuất hiện tại Paris vào năm 1979, khi cuốn sách này được chuyển dịch sang Anh ngữ vào năm 1984 [23], cùng với bài luận văn ngắn: “An Answer to the Question: What is Postmoderism?” đăng trong phần phụ lục, đã trở thành cuốn sách giáo khoa về chủ nghĩa hậu hiện đại lưu hành phổ biến trong giới đại học của các quốc gia nói tiếng Anh. Lyotard phê phán nỗ lực tạo ổn định xã hội bằng cách trấn áp sự hỗn loạn (disorder) của chủ nghĩa hiện đại, ông cho rằng tính chất ổn định xã hội này trùng hợp với khái niệm toàn thể (totality) của J. Derrida (trong đó totality tương đương với wholeness, completeness).
Tính toàn thể, tính ổn định, tính trật tự trong xã hội hiện đại, theo Lyotard, được duy trì thông qua những thần thoại hợp lý hoá (legitimating myths), hay những đại tự sự (grand narratives) của thời kỳ hiện đại. Lyotard tấn công vào tính đại tự sự mà chủ thuyết hiện đại tin rằng sẽ có một quá trình giải phóng nhân loại để tiến đến sự tiến bộ thông qua khoa học, cùng với ý tưởng triết lý có thể phục hồi tính thống nhất trong sự tiếp nhận và phát triển một tri thức nhân loại có giá trị chung cho toàn thế giới (và vũ trụ). Một trong những đối tượng tấn công của Lyotard vào thời kỳ này là Habermas, người đặt nghi vấn về một hình thức bảo thủ mới trong lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại và hậu cấu trúc luận (poststructuralism) của Pháp [24].
Lyotard tranh luận rằng, tất cả mọi khía cạnh của xã hội hiện đại, bao gồm cả khoa học – hình thức căn bản của tri thức, hoàn toàn tuỳ thuộc vào những đại tự sự. Theo ông, đại tự sự là những câu chuyện “có tính cách thần thoại” một nền văn hoá tự kể về niềm tin và hành động thực tiễn của nó. Ví dụ như tại Hoa Kỳ, một trong những đại tự sự về chính trị hiện nay là Dân Chủ và Nhân Quyền, một đại tự sự mà chính phủ Mỹ cho là chính sách hợp lý và văn minh nhất trong vấn đề đối ngoại, và dĩ nhiên, người lập ra sách lược này tin rằng nó sẽ làm cho nhân loại trên thế giới sống hoà bình và hạnh phúc hơn. Có lẽ cho đến nay không ai trong chúng ta là không tin vào chính sách “hết sức khoa học và hợp lý” này. Nhưng tuyệt nhiên không ai đặt một dấu hỏi cỏn con nào về mặt thật đằng sau tính chất đại tự sự ấy của nền văn hoá Mỹ.
Theo quan điểm hậu hiện đại, mỗi hệ thống đức tin hoặc ý thức hệ, đều chứa đựng những “thần thoại hữu lý” của nó. Ví dụ, giáo hội Công giáo tin có một thượng đế duy nhất hằng hữu, bao dung và toàn trị; trong khi đó, những người Mác-xít tin tưởng một cách kiên trung rằng, một ngày kia chế độ tư bản sẽ tự nó sụp đổ và thế giới xã hội không tưởng sẽ hình thành; hay Việt Nam ta cũng có đại tự sự: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, đánh thắng ba đế quốc to…
Chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán các hình thức đại tự sự của chủ nghĩa hiện đại bằng cách cảnh báo rằng, những đại tự sự đó được lạm dụng để che đậy những mặt đối lập và bất định gắn liền với mọi tổ chức xã hội cũng như mọi thực tiễn hành động. Nói một cách khác, mọi nỗ lực kiến tạo trật tự và ổn định luôn luôn sản sinh ra một đối lực tương ứng của hỗn loạn và bất ổn, như hai quá trình song hành trong một thể thống nhất của hiện thực xã hội. Nhưng, thay vì nhìn những yếu tố “hỗn loạn” và “bất ổn” đó như một đối trọng có tính cách cân bằng trong nghĩa xây dựng, đại tự sự của chủ nghĩa hiện đại đã tìm mọi cách đè bẹp với lý lẽ cho rằng sự hỗn loạn và bất ổn là xấu, là phá hoại, là phản động, cần phải tận diệt, trong khi đó trật tự và ổn định là luôn luôn tốt, luôn luôn đúng, phù hợp với cách mạng, hợp lý với khoa học!
Chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận tính chất đô hộ và áp đặt của đại tự sự, cổ xuý những tiểu tự sự, những lý lẽ giải thích cho những hành động nhỏ bé, những biến cố có tính chất địa phương thay vì những khái niệm rộng lớn có tính cách bao quát và toàn thể. Những tiểu tự sự của chủ nghĩa hậu hiện đại thường được nhìn dưới góc độ hoàn cảnh tạm thời, ngẫu nhiên, không tuyên xưng tính thống nhất toàn thể, tính ổn định, tính hợp lý, hay sự thật khách quan.
Đối với chủ nghĩa hậu hiện đại, mọi sự thật vĩnh hằng và trường cửu sẽ biến mất, mang theo nó những quy định về ngôn ngữ của cái biểu đạt (signifier/signifiant) và cái được biểu đạt (signified/signifié), thay vào đó là những biểu hiện bề mặt không cần có bản chất, như Foucault [25] đã chỉ ra bản chất của lịch sử, trong đó ông cho rằng, sử gia tái tạo lịch sử là một công việc hão huyền, nếu không muốn nói là sự đánh lừa công chúng một cách ấu trĩ, vì, giải trình ngôn ngữ lịch sử là một giải trình ngôn ngữ hiện tại, phục vụ cho hiện tại, tạo ra một ý nghĩa nào đó cho con người hôm nay, có một hiểu biết nào đó, về những dấu tích khảo cổ để lại từ những sinh hoạt mà nhân loại thu lượm được từ quá khứ.
Từ lý luận về giải trình ngôn ngữ lịch sử, Foucault đã đi sâu hơn về khái niệm giải trình ngôn ngữ (discourse), ông viết một chương dài bàn luận về vai trò của khái niệm này, nó không phải chỉ đặc trưng cho chức năng ngôn ngữ, mà tất cả những gì con người có thể làm để tạo nghĩa về thế giới. Foucault đã chứng minh rằng, những hiện thực khách quan, những đối tượng nghiên cứu khoa học của chủ nghĩa hiện đại, như những ý niệm (thực thể) của bản ngã, quốc gia, ngôn ngữ, trí tuệ, giới tính, tội phạm, những định chuẩn tự nhiên, vân vân, thực chất là những cấu trúc đặc thù của lịch sử, hay sản phẩm của lịch sử, không thuộc về đối tượng của giải trình ngôn ngữ nhân loại.
Ông chú ý đến cái gọi là khoa học hiện tượng để tìm ý nghĩa thông qua giải trình ngôn ngữ, từ đó nghiên cứu những phương pháp lý thuyết của quá trình tạo nghĩa bởi sự tương tác giữa con người và giải trình ngôn ngữ đối với sự vật. Với giải trình ngôn ngữ của Foucault hay "trò chơi ngôn ngữ" (language game) của Wittgenstein (J. F. Lyotard khai triển thêm), chủ nghĩa hậu hiện đại đã bước hẳn sang một ngã rẽ khác trong quá trình quan sát và tạo nghĩa, một quá trình hoàn toàn loại trừ khái niệm cái biểu đạt và cái được biểu đạt của chủ nghĩa hiện đại để tập trung xây dựng một cách diễn đạt ý nghĩa mới về thế giới và vũ trụ.
Trong giải trình ngôn ngữ hậu hiện đại, sự phân tích ngôn ngữ là một sự áp dụng ngữ nghĩa học (semantics) vào một văn bản thuần tuý, không tìm những ý nghĩa ẩn tàng sau những cách sử dụng cú pháp, văn phạm và tu từ như được nhấn mạnh trong chủ nghĩa hiện đại. Thay vào đó là sự chú tâm đến những quy ước văn hoá của ngôn ngữ, do đó đòi hỏi sự tìm hiểu ngôn ngữ xuất phát từ xã hội hơn là xuất phát từ ý thức.
Chúng ta không thể nào phân tích một cách đầy đủ quá trình thụ nhận tri thức của một cá nhân từ ngôn ngữ nếu chúng ta không hề hay biết đến kiểu mẫu giải trình ngôn ngữ của cộng đồng cá nhân đó đang lệ thuộc [26]. Giải trình ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại đặt nền tảng trên nguyên tắc liên văn bản (intertextuality), bất chấp giải trình đó là ngoại biểu hay nội biểu; nói cách khác, mọi ý nghĩa được tạo nên phải dựa vào căn bản một ý nghĩa khác đã được thành lập trước đó và chia sẻ bởi cộng đồng, rộng hơn, của nền văn hoá cộng đồng đó phụ thuộc [27].
Trong giải trình ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại, có hai tên tuổi lớn luôn được nhắc đến: Foucault và Bakhtin. Bakhtin và Foucault quan niệm rằng, giải trình ngôn ngữ là một quá trình hành động để tạo nghĩa, mà đơn vị giải trình của nó là đơn vị ý nghĩa hoặc một hành động của con người để diễn tả ý nghĩa chứ không phải những đơn vị của ngôn ngữ như ngôn, từ, mệnh đề, câu… Giải trình ngôn ngữ có thể tạo nghĩa từ những điệu luân vũ, dáng điệu, chuyển động; với hình ảnh, biểu đồ, bài hát, hay ngay cả với thực phẩm và quần áo.
Lấy ví dụ, trong khoa học, chúng ta không phải chỉ viết và nói, chúng ta còn sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để xây dựng những ý nghĩa đặc thù cho mỗi ngành khoa học, những phương pháp đó bao gồm việc quan sát các hiện tượng xảy ra khi tiến hành một thực nghiệm sinh hoá học, ghi nhận và phân tích dữ kiện, hoặc trong kinh tế, các chuyên gia thường chú ý đến các biểu đồ lên xuống của tiền tệ, hối đoái, trong xã hội người ta lại tìm kiếm các số liệu người thất nghiệp, người có việc làm, tỉ lệ tội phạm, hoặc thăm dò các khuynh hướng chính trị của một nhóm chủng tộc nào đó… (ví dụ sẽ còn rất nhiều, chỉ xin đơn cử một số để minh họa).
Trong mỗi lãnh vực riêng biệt đều có một hệ thống ký hiệu quy ước mà cộng đồng chấp nhận, và giải trình ngôn ngữ là sự ứng dụng các hệ thống ký hiệu để tạo nghĩa về một hiện tượng, một vật thể hay rộng hơn về thế giới. Ký hiệu học hậu hiện đại nhấn mạnh đến sự giải trình ngôn ngữ về tạo vật hay hiện tượng tức là cách chúng ta nhìn sự vật và hiện tượng như thế nào, chứ không phải hiện tượng và sự vật được mô tả như thế nào bằng giải trình ngôn ngữ.
Chủ nghĩa hậu hiện đại hoàn toàn không đề cập đến bản chất hiện tượng đó, hay nói theo ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện đại, Sự Thật đằng sau hiện tượng. Như đã đề cập phần trên, hiện tượng chúng ta quan sát và tạo nghĩa bằng giải trình ngôn ngữ, là một quá trình so sánh liên văn bản kéo dài đến bất tận, nên chúng ta không tài nào biết được đâu là nguồn gốc của ý nghĩa, đâu là sự thật của ý nghĩa đó. Một quá trình mà Baudrillard cho là sự sao chép giả tạo (simulation).
Khái niệm căn bản cho lý thuyết hiện tượng học của Baudrillard là Vật thể giả tạo (Simulacrum). Simulacrum là một hiện tượng mà bản chất của nó hoàn toàn bị che dấu nên không còn mang tính chất hiện thực [28] và chúng ta cảm nhận được thế giới là nhờ giải trình ngôn ngữ trên các hiện tượng “giả tạo” đó. Vì vậy, Sự Thật mà chủ nghĩa hiện đại tìm thấy ở vật thể và thế giới thực ra là những hình ảnh giả tạo, Simulacrum.
Tri Thức Dưới Quan Điểm Hậu Hiện Đại
Khai triển từ luận văn của J.F. Lyotard, Sarup [29] đã phân tích một cách khá chi tiết về tổ chức của tri thức theo lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong xã hội hậu hiện đại, tri thức không những được đặc trưng bởi tính chất ứng dụng, mà còn có thể phân phối, dự trữ, và sắp xếp: Tri Thức thuần tuý là một hiện tượng, một sản phẩm, do đó nó mang đầy đủ tính chất của một vật thể có giá trị trao đổi.
Đi xa hơn, như Sarup đã nhấn mạnh theo lý luận của Lyotard, trong xã hội hậu hiện đại, bất cứ một loại tri thức nào mà không được mã hoá để nhận biết và lưu trữ bởi máy điện toán, thì không còn được xem là tri thức. Dựa theo khuôn mẫu này, đối lập với tri thức không còn là sự dốt nát như các cặp đối lập nhị phân trong chủ nghĩa hiện đại, mà là tạp hiệu (noise). Tạp hiệu được dùng để chỉ một cái gì đó không nhận thức được trong khuôn mẫu hậu hiện đại, tín hiệu không chuyên chở một thông tin có nghĩa nào.
Theo chủ nghĩa hậu hiện đại, tri thức không phải chỉ thuần tuý làm giàu kiến thức cá nhân, mà nhấn mạnh đến khía cạnh chức năng, tri thức học hỏi để hành động chứ không phải chỉ để biết. Vì vậy, trong các xã hội tây phương chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại, chính sách giáo dục thường được chú ý đến phương diện thực tiễn, tạo một sự liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và hướng nghiệp.
Sau hết, làm thế nào để xác định tri thức và tạp hiệu? Chủ nghĩa hậu hiện đại không đưa ra một định nghĩa rõ ràng làm thế nào để phân biệt hai lãnh vực này, thay vào đó, dựa vào Ký Hiệu Học hậu hiện đại, tri thức là một hành động giải trình ngôn ngữ trước một hiện tượng, một sự kiện, một tạo vật…, còn đối với Lyotard, tri thức là một "trò chơi ngôn ngữ" (language game). Từ cách đặt vấn đề như thế chúng ta có thể phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa hai quan niệm tri thức hiện đại và hậu hiện đại. Tri thức theo quan niệm của chủ nghĩa hiện đại là sự phản ánh sự thật khách quan từ một hiện tượng, được làm rõ bản chất thông qua phương tiện khoa học. Nó trở thành tấm gương soi cho sự thật của vật thể và thế giới.
Dưới lăng kính của chủ nghĩa hậu hiện đại, tri thức tự thân của nó cũng là một hiện tượng, được diễn dịch một cách chủ quan bằng giải trình ngôn ngữ, một quá trình hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân. Nói khác đi, không có tri thức khách quan và có trở thành tri thức cho một cá nhân hay không là dựa vào kinh nghiệm cá nhân cảm nhận hiện tượng. Lấy ví dụ, đối với một nhà phê bình văn học, hiểu biết những vấn đề về văn chương là điều tối cần thiết, nên sự ra đời một tác phẩm có thể loại hoàn toàn mới, sẽ trở thành một tri thức vì chưa bao giờ anh ta gặp một thể loại như thế từ trước, trái lại, tác phẩm đó rơi vào tay một anh lái buôn, anh ta không thấy hứng thú đọc tiếp, đối với bản thân anh ta nó là thứ anh ta không cần phải biết, tác phẩm biến thành một tạp hiệu.
Mỹ Học Theo Quan Điểm Hiện Đại và Hậu Hiện Đại
Theo một nghĩa rất hạn hẹp, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại gắn liền với những khuynh hướng mỹ học có tính chất đặc trưng cho thời kỳ hiện đại và thời kỳ hậu hiện đại. Như đã khảo sát ở phần đầu, chủ nghĩa hiện đại xuất hiện vào giai đoạn sau cùng của thời kỳ hiện đại (cuối thế kỷ thứ 19) với những đại diện tiêu biểu như: Joyce, Yeats, Gide, Proust, Rilke, Kafka, Mann, Musil, Lawrence và Faulkner (Văn Chương); Rilke, Pound, Eliot, Lorca, Valéry (Thi Ca); Strindberg, Pirandelo và Wedekind (Kịch); Matisse, Picasso, Braque, Cézanne và những trường phái Vị Lai, Biểu Hiện, Đa Đa, Siêu Thực, trong hội hoạ; Stravinsky, Schoenberg và Berg (Âm Nhạc).
Những đặc điềm mỹ học của chủ nghĩa hiện đại có thể tóm tắt như sau (2): nhấn mạnh đến sự diễn tả quá trình nhận thức xảy ra như thế nào hơn là những gì được cảm nhận, sử dụng hình thức ấn tượng và nêu bật vai trò chủ thể trong hành văn, như trường hợp lối viết của thể loại dòng ý thức (stream of consciousness) trong tác phẩm của James Joyce; loại trừ lối viết tự sự, bắt nguồn từ một ngôi thứ ba thông suốt hết mọi sự, có cảm quan cố định và một làn ranh rõ ràng về đạo đức; xoá nhoà sự tách biệt giữa các thể loại, do đó thơ đến gần với văn xuôi (trường hợp Eliot) và văn xuôi đến gần với thơ (trường hợp của Woof và Joyce); tác phẩm mỹ thuật có dạng thức phân đoạn, không liên tục và là một kết hợp ngẫu nhiên nhiều chất liệu; tác phẩm mang nhiều sắc thái nội hướng, ý thức bản ngã của tác giả, để mỗi sáng tác mang một ý nghĩa mỹ học tự thân; và sau cùng là sự chối bỏ các lý thuyết mỹ học khuôn sáo để tiến đến sự ngẫu hứng và khám phá sự sáng tạo, phủ nhận sự phân biệt các dạng thức cao thấp trong mỹ học.
Quan điểm mỹ học hậu hiện đại mang những đặc điểm như: xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày; phá bỏ những giai tầng văn hoá quý phái và văn hoá đại chúng; phủ nhận tính chất nguyên thuỷ của một tác phẩm nghệ thuật và cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là một hiện tượng lập lại; nhấn mạnh đến phong cách trộn lẫn giữa nhân vật và sự can thiệp của chính tác giả vào tác phẩm; tính chất kết dính nhiều mảng kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm, tựa như một bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt, là điều khá phổ biến trong các tác phẩm hậu hiện đại.
Nghệ thuật hậu hiện đại cũng có nhiều điểm tương đồng với quan niệm mỹ học hiện đại, như sự soi rọi nội tâm, ý thức bản ngã, cách đoạn và không liên tục, tính đồng diễn… Nhưng ngược lại, thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại trong mỹ học là phi cấu trúc, phi tâm hoá và từ chối vai trò chủ thể của con người, một sự tiếp nhận, mô tả hiện tượng không suy diễn, không chú ý đến chiều sâu, không diễn dịch bản chất sự vật theo chủ quan tác giả; thay vào đó, tác giả cũng tham gia vào một trò chơi ngoại biểu, tạo ra những đối kháng có tính chất mỉa mai và châm biếm để người đọc tự tìm thấy trong tác phẩm và nếu cần tác giả sẽ chủ động lôi kéo người đọc vào trò chơi đó.
Quan điểm mỹ học hiện đại vẫn còn mang nặng tính chất đại tự sự, khi nhiều công trình nghệ thuật được sáng tác để mang một thông điệp cho loài người biết rằng, nghệ thuật hiện đại có khả năng tạo ra những tác phẩm có sự đồng nhất, kết cấu chặt chẽ và mang những ý nghĩa của đời sống mà chính sự phát triển các phương tiện hiện đại đã làm chúng biến mất. Nghệ thuật hiện đại tự khoác cho nó một vai trò lịch sử to lớn để tái tạo lại những gì mà các thể chế khác của nhân loại đã bó tay. Nói chung, nền mỹ học hiện đại, giống như chủ thuyết khai sinh ra nó, vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những niềm tin vào khả năng vô hạn của con người, một khả năng dựa hẳn vào tính chất tuyệt đối của sự thật phát hiện bởi các phương tiện khoa học.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, trái lại, xem mỹ học cũng như các vật thể giả tạo khác mà hiện thực hoàn toàn bị khuất lấp sau những hiện tượng, những Simulacrum. Càng nhiều hiện tượng, “hiện thực” càng được làm đầy thêm (hyper-reality) và vai trò của nghệ thuật chỉ thuần tuý là tham gia vào trò chơi hỗn loạn giữa các vật thể giả tạo đó, và việc có tin tưởng vào hiện thực biểu hiện hay không là hoàn toàn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người đọc, tuỳ thuộc vào nền văn hoá mà họ đang sinh hoạt và tuỳ vào khả năng phản ánh hiện thực thông qua hành động giải trình ngôn ngữ, và cứ như thế mà mỹ học hậu hiện đại cứ kéo dài sự diễn dịch ra ngoài mọi biên cương để tiến về nơi bất tận.
Đối với văn học Việt Nam, sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại gần như chưa có một dấu ấn nào đáng kể (xem thêm bài viết của Nguyễn Hưng Quốc trong số này). Cũng có một số “đại học giả” kiến nghị rằng chúng ta nên giữ một thái độ bao dung và thể tất tối đa với văn học nước nhà, không nên vì cái mới mà xoá bỏ cái cũ. Tôi đồng ý, bảo vệ nền văn học (và rộng hơn là văn hoá) truyền thống của dân tộc là chuyện nên làm; nhưng tôi cảm thấy bị lạc trong “cao trào văn hoá truyền thống” đó. Truyền thống là một giải trình ngôn ngữ văn hoá, chúng ta sẽ không bao giờ mất, bởi tự thân giải trình ngôn ngữ văn hoá này xuất phát từ quan điểm cá nhân rất Việt Nam đã thâm căn cố đế trong máu huyết của mỗi một chúng ta (có ai nhìn tà áo dài Việt Nam mà bảo rằng đó là cái váy đâu). Cái còn lại mà chúng ta sẽ mất là đà tiến hoá của nhân loại.
Khi thế giới đang vượt lên trên mọi giới hạn của dân tộc và biên giới quốc gia để tạo nên một cách nhìn đa nguyên về cuộc sống, để tạo nên một sự hoà trộn giữa các nền văn hoá nói chung và văn học nói riêng, lẽ nào chúng ta cứ ôm giữ mãi một đại tự sự “độc tôn”: Việt nam là đỉnh cao của trí tuệ và lương tri của loài người.
Một đại tự sự đã làm cho những trí óc siêu việt chứng minh một cách rất “khoa học và biện chứng” rằng củ mì có chất đạm cao hơn thịt bò. Một đại tự sự đã làm cho ai đó ở Tây ba năm, ở Mỹ nửa đời niên thiếu, vẫn nặng lòng với dân tộc, để hô hào bảo vệ nền văn hoá truyền thống dân tộc, vì e rằng văn hoá Âu Mỹ sẽ ăn tươi nuốt sống nền văn học Việt Nam. Chủ nghĩa hậu hiện đại không những không phá huỷ nền văn hoá dân tộc mà ngược lại, còn cổ xuý cho sự phát triển tính đa dạng của các nền văn hoá (và văn học) nhỏ bé đó.
Chỉ có điều nên thể hiện nó dưới một quan điểm mới hơn, lạ hơn và thú vị hơn. Để làm được như vậy, không phải chúng ta có nên bao dung với nền văn học nước nhà hay không, mà thực ra những kẻ hô hào bao dung đó phải từ bỏ những Đại Tự Sự kiểu như: dân tộc ta thông minh có thừa… Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng vân vân. May ra văn học Việt có được một lối đi mới mẻ trong kỷ nguyên tới.
_________________________
Chú thích:
[1] Mary Klages, Postmodernism đăng trên trang web: http://www.colorado.edu/English/ENGL2012Klages/pomo.htm
[2] Baudrilla, J. (1996) Disneyworld Company đăng trên nhật báo xuất bản tại Paris: Liberation ngày 4 tháng 5 năm 1996, bản dịch Anh ngữ của Francois Debris.
[3] Epstein, M. On the place of Postmoderism in Postmordernity in the book Russian Postmodernism: New perspectives on Post-Soviet Culture. New York, Oxford: Berghalm Books (1999), pp. 456-468.
[4] Bell, D. (1976) The Cultural Contradictions of Capitalism. London: Heinemann, p. 50.
[5] Oden, T. C. (1992) Two Worlds: Notes on the Death of Modernity in America and Russia. Downers Grove, Illinois: InterVarsity Press. P32.
[6] Bock, K. (1979) Theory of Progress, Development, Evolution in Bottomore, T. and Nisbet, R. A history of Sociological Analysis. London: Heinemann. Calinescu, M. (1977) Faces of Modernity. London: Indiana University Press. Habermas, J. (1981) Modernity versus Postmodernity. New German Critique, 22:9.
[7] Smart, B. (1990) Modernity, Postmodernity and Present in Turner, B. S. (1991) Theories of Modernity and Postmodernity. London: SAGE Publ, p17.
[8] Benjamin, W. (1973) Illumination. London: Fontana, p196.
[9] Harbemas, J (1987) The Philosophical Discourse of Modernity. Cambridge: Polity, p8.
[10] Berman, M. (1983) All that is Solid Melts in Air. London: Verso, p40.
[11] Calinescu, M. (1977) Faces of Modernity. London: Indiana University Press, p4.
[12] Sách đã dẫn trong (14), p41.
[13] Lash, S. (1987) Modernity or Modernism: Weber and contemporary social theory, in Whimster, S. and Lash, S (eds) Max Weber, Rationality and Modernity. London: Allen and Unwin.
[14] Flax, J. (1990) Thinking Fragments: Psychoanalysis, Feminism, and Postmodernism in the Contemporary West. California: The University of California Press, p41.
[15] Featherstone, M. In Pursuite of the Postmodern: An Introduction. In Theory, Culture & Society Volume 5, 195-215. London: SAGE Publication, 1988.
[16] Toynbee, A. (1939) A Study of History. Volume 5. Oxford: Oxford University Press, p43.
[17] Best, S. and Kellner, D. (1991) Postmodern Theory: Critical Interrogations. New York: Guiford Press. Introduction of Chapter 1.
[18] Lyotard, J. F. (1979) The Postmodern Condition: A Report on Knowledge. Translated by Geoff Bennington and Brian Massumi, Manchester: Manchester University Press (1984).
[19] Hassan, I. (1985) Theory, Culture and Society. Postmodern Culture, 2(3): 119-131.
[20] Huyssen, F. (1984) Mapping the Postmodern. New German Critique 33.
[21] Jameson, F. (1984) Postmodernism, or the Cultural Logic of Late Capitalism. New Left Review 146.
[22] Lemke, J. L. (1994) Semiotics and the Deconstruction of Conceptual Learning. J. Soc. For Accelerative Learning and Teaching.
[23] Lyotard, J. F. (1979) The Postmodern Condition: A Report on Knowledge. Translated by Geoff Bennington and Brian Massumi, Manchester: Manchester University Press, 1984).
[24] Beinstein, R. (1985) Habermas and Modernity. Oxford: Polity and Richters, A. (1988) Habermas and Foucault. Theory, Culture & Society: Vol 5, No. 4.
[25] Foucault, M. (1969) The Archaeology of Knowledge and The Discourse on Language. New York: Pantheon Books, 1972. Chapter 1: The Unities of Discourse.
[26] Lemke, J. L. (1989) Social Semiotics: A new model for literacy education. In D. Bloome Edition. Classrooms and Literacy, pp 289-309. Norwood, New Jersey: Ablex Publishing.
[27] Lemke, J. L. (1985) Ideology, Intertexuality, and The Notion of Register. In Benson, J. D. and Greaves, W. S. Editions: Systemic Perspectives on Discourse, pp 275-294. Norwood, New Jersey: Ablex Publishing.
[28] Woolley, M. (1996) Beyond Simulation: Production and the Nostalgia Industry. SSPP.net Vol.2, No.1, Sep. 1999.
[29] Sarup, M. (1993) An Introduction Guide to Post-Structuralism and Postmodernism. Atlanta: University of Georgia Press.
LTS: Tiếp theo các bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta của tác giả Đông La và Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoàng Ngọc Tuấn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Minh Quân nhằm tiếp tục cung cấp cho bạn đọc những kiến thức căn bản về xu hướng triết học - mỹ học và nghệ thuật quan trọng này.
* * *
Chu nghia hau hien dai nhung khai niem can ban
Trong phần tư cuối cùng của thế kỷ thứ hai mươi, những cuộc tranh luận về chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism, còn gọi tắt là PoMo) không chỉ xảy ra trong giới hàn lâm mà còn tạo nên một phong trào hết sức rộng lớn ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực khác nhau trên khắp thế giới. Về phương diện lý thuyết văn hoá và mỹ học, cuộc luận chiến nổ ra xung quanh một nghi vấn: Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại (modernism) trong các ngành nghệ thuật đã thực sự bị khai tử hay chưa? Nếu có, khuynh hướng nghệ thuật (hậu hiện đại) nào sẽ tiếp nối?
Gay gắt và dữ dội hơn, các nhà lý thuyết hàng đầu hai bên bờ Đại Tây Dương đã đẩy các cuộc tranh cãi đến những giới hạn cuối cùng của các phạm trù triết học. Những triết gia hoài cổ tiếp tục chống chế và cố biện giải cho sự duy trì chủ nghĩa nhân bản (humanism) và chủ nghĩa duy lý (rationalism), nhóm này tìm thấy đồng minh ở giới khoa bảng trung thành với chủ nghĩa thực chứng (positivism), lấy Khoa Học và Tri Thức làm nền tảng cho tri thức luận (epistemology) của họ. Trong khi đó, nhóm triết gia đại diện cho chủ nghĩa hậu hiện đại như Barthes, Derrida, Foucault, Baudrillard, Rorty, Lyotard… tấn công một cách mãnh liệt vào nền tảng triết học của chủ nghĩa hiện đại, đồng thời khẳng định rằng lý thuyết này đã đến thời điểm cáo chung. Dần dần, các cuộc tranh luận về ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đã lan rộng ra hầu như mọi lãnh vực của đời sống, biến khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại trở nên vô cùng đa dạng và phạm vi ý nghĩa của nó ngày một rộng lớn hơn .
Chủ nghĩa hậu hiện đại, theo giáo sư Mary Klages [I], là một từ ngữ phức tạp bao hàm một hệ thống tư tưởng được giới nghiên cứu đại học tiếp nhận, khai triển từ những năm giữa thập niên 1980 đến nay. Rất khó có một định nghĩa thật chính xác và hàm súc về chủ nghĩa hậu hiện đại, vì khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, bao gồm nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, phim ảnh, văn chương, chính trị, xã hội, truyền thông, khoa học kỹ thuật và ngay cả thời trang hay các phương tiện giải trí thường ngày như Disneyland chẳng hạn [2].
Có lẽ cách tiếp cận dễ dàng nhất về chủ nghĩa hậu hiện đại là nên bắt đầu từ chủ nghĩa hiện đại (modernism): nguồn gốc phát triển, đồng thời cũng là đối tượng bị phủ nhận của chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo phương pháp này, chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ được giải thích trên hai bình diện khác nhau: (a) lịch sử và xã hội, (b) văn học và các khuynh hướng nghệ thuật.
Nếu dựa theo quan điểm lịch sử và xã hội để giải thích chủ nghĩa hậu hiện đại, chúng ta sẽ thấy rằng chủ nghĩa hậu hiện đại mặc dầu trên danh nghĩa là chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng có vẻ như đó là tên gọi cho toàn thể hình thái xã hội, hoặc ít nhất cũng là tên gọi cho những thái độ xã hội của các khuynh hướng chính trị, triết lý, hay văn học nhất định. Đứng trên một ngữ cảnh như thế, chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ mang một ý nghĩa không có gì khác với thời kỳ hậu hiện đại cùng với những tính chất đặc trưng của nó. Cách tiếp cận này sẽ dẫn đến sự đối chứng và so sánh giữa thời kỳ hậu hiện đại và thời kỳ hiện đại, tiền thân lịch sử và xã hội của thời đại chúng ta đang sống, nếu chúng ta không quá bảo thủ để khư khư cho rằng thời đại này chỉ là một “quá độ của tư bản chủ nghĩa.”
Thời Kỳ Hiện Đại/Hậu Hiện Đại - Tính Chất Hiện Đại/Hậu Hiện Đại
Trong các luận văn Anh Ngữ viết về chủ nghĩa hậu hiện đại, chữ modernity (thời kỳ hiện đại) hay chữ postmodernity (thời kỳ hậu hiện đại) vừa bao hàm ý nghĩa thời gian vừa ngầm chứa ý nghĩa của tính chất, nên trong tiếng Việt của chúng ta, rất khó có một từ ngữ tương đương, chứa đựng hai đặc điểm diễn tả cả ý niệm thời gian lẫn tính chất: thời kỳ hiện đại và tính chất hiện đại, hay, thời kỳ hậu hiện đại và tính chất hậu hiện đại, để chuyển dịch trọn vẹn cho hai từ ngữ trên.
Về phương diện lịch sử, thời kỳ hiện đại đánh dấu một kỷ nguyên tương đối dài trong lịch sử thế giới, bắt đầu từ thời Phục Hưng (Renaissance), kéo dài gần một nửa thiên niên kỷ, cho đến giữa thế kỷ thứ hai mươi. Nghĩa là kể từ khi thời đại Trung Cổ (Middle Ages) chấm dứt cho đến những năm đầu của thập niên 1950 đều thuộc về thời kỳ hiện đại [3]. Thông thường, người ta sắp xếp thời kỳ hiệân đại này như một modern era trùng hợp với kỷ nguyên Ánh sáng (Enlightment) của Âu Châu, mặc dầu thời gian và tính chất giúp xác định một cách rõ ràng giai đoạn lịch sử nào tương ứng với Enlightment vẫn còn đang trong vòng tranh cãi giữa các giới nghiên cứu và học giả. Theo Oden [4], thời kỳ Ánh Sáng chính là thời kỳ khai sinh của giai đoạn hiện đại trong lịch sử trí thức. Nó bắt đầu từ cuộc cách mạng Pháp, 1789, và chấm dứt vào năm 1989, mốc điểm đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh bằng sự sụp đổ bức tường ngăn chia Đông và Tây Berlin. Một số khác cho rằng thời kỳ hiện đại bắt đầu từ năm 1750 và chấm dứt sau đệ nhị thế chiến (2). Tuy có khác biệt trong việc sắp xếp thời gian, xu hướng chung đều đồng ý rằng, thời kỳ hiện đại gắn liền với giai đoạn Ánh Sáng tại Âu Châu.
Khác với thời kỳ hiện đại kéo dài nhiều trăm năm, chủ nghĩa hiện đại (modernism) là một khuynh hướng văn hoá rộng lớn xuất hiện vào giai đoạn sau cùng của thời kỳ hiện đại và chỉ kéo dài 50 hoặc 60 năm, từ cuối thế kỷ thứ 19 đến những năm đầu thập niên 60 (4), cao điểm của nó vào khoảng thời gian 1890 đến 1930 (5) hoặc ngắn hơn như quan điểm của Mary Klages là vào khoảng 1910 đến 1930 (2). Thời kỳ hiện đại mang những tính chất liên hệ đến một hệ tư tưởng về triết lý, đạo đức, chính trị và xã hội, làm nền tảng căn bản cho các khuynh hướng mỹ học của chủ nghĩa hiện đại phát triển.
Chữ modernity bắt đầu từ chữ modern có từ nguyên từ tiếng La tinh, modernus, được sử dụng vào thế kỷ thứ năm, dùng để tách rời một cách chính thức thời kỳ Cơ Đốc và quá khứ đa thần của đế quốc La Mã [5]. Kể từ đó, danh từ này được dùng để mô tả một giai đoạn hay một khoảng thời gian, trong hàm ý so sánh với một quá khứ đi trước, gọi là thời kỳ Cổ Đại (Antiquity). Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện thời kỳ Ánh Sáng của Pháp (French Enlightment), ý nghĩa thời gian trong chữ modernity đã được bổ sung thêm một ý niệm mới, đặc biệt là sau Querelle des Anciens et des Modernes, chữ modernity bao hàm thêm ý nghĩa cao hơn (ý niệm về tính chất) trong sự so sánh các giai đoạn lịch sử và phát triển của nhân loại. Trong sự liên hệ với lý thuyết triết học, tôn giáo và giá trị mỹ học, người ta đã tranh luận rằng, modernity phải được xem là tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, tinh tế hơn và dĩ nhiên sở hữu nhiều sự thật (có nền tảng sâu xa) hơn thời đại cổ xưa [6].
Những cuộc tranh luận về các tiêu chuẩn giá trị giữa cũ và mới (vào giai đoạn đó) làm cho lòng tôn kính một cách mù loà về sự hiện hữu của một đấng siêu nhiên ngoài vũ trụ, thông suốt hết mọi sự, trở nên hết sức lỗi thời và lố bịch, nền tảng triết lý của Antiquity bị lật nhào, mang theo nó những định chế về xã hội và văn hoá chi phối một cách mạnh mẽ bởi giới vua chúa, quý tộc, tăng lữ và giáo hội trong hơn 15 thế kỷ, mở đường cho thời kỳ Ánh Sáng với những phát triển vượt bậc về khoa học, chính trị, xã hội, luật pháp, đạo đức và văn học tại Âu Châu. Xuyên suốt chiều dài của giai đoạn Ánh Sáng, dựa trên “tính chất khách quan” của các “bằng chứng khoa học”, người ta đi tìm một “sự thật tuyệt đối” trong mỗi tạo vật của thế giới và vũ trụ ngõ hầu xây dựng nên những lý thuyết về tự nhiên cũng như những tổ chức và định chế xã hội nhằm đạt đến “một cơ cấu hợp lý trong đời sống thường ngày.” [7]
Khi bàn luận về tính chất hiện đại có hai tên tuổi lớn thường được nhắc đến: Kant và Hegel. Nếu Kant được thừa nhận như người đầu tiên cổ xuý cho những đổi mới trong các khuynh hướng triết học hiện đại, và nếu Hegel được xem như là người tiên phong trong việc đưa ra một khái niệm triết học rõ ràng để xác định những vấn nạn của thời kỳ hiện đại như “sự bảo chứng bản ngã”, hoặc sự cần thiết xây dựng những nền tảng biện chứng riêng cho bản ngã, thì Baudelaire mới là người thường xuyên được nói đến như là một lý thuyết gia có công tạo ra được một ngã rẽ rõ ràng về các hiểu biết của tính chất hiện đại [8].
Baudelaire đã chỉ ra những giá trị có thể có của thời kỳ hiện đại [9]; nhận thức những đặc tính hiện đại tách biệt như tính nhất thời, ngẫu nhiên, và phù du trong thời kỳ hiện đại [10]; làm sáng tỏ những điều kiện và những phức tạp trong đời sống hiện đại [11]. Nhưng có lẽ Baudelaire được nhớ đến nhiều nhất là nhờ ông đã chỉ ra “sự tương phản giữa tính chất mỹ học hiện đại và tính chất thực tiễn của nền văn minh tư sản trong thời kỳ hiện đại.” [12]. Baudelaire đã có hai quan sát riêng biệt: thứ nhất, có những trùng hợp đáng kể giữa triết lý và mỹ học thời hiện đại; thứ hai, sự tương phản giữa mỹ học (hoặc văn hoá) và chính trị, xã hội thời hiện đại tạo nên hai tính chất riêng rẽ đối kháng nhau một cách đầy mỉa mai [13], đánh dấu cho thời kỳ này đang tiến đến giai đoạn phát triển cao nhất của nó để chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời các chủ thuyết lớn thời cận đại.
Theo Jane Flax, trong luận văn Thinking Fragments: Psychoanalysis, Feminism, and Postmodernism in the Contemporary West [14], nếu thời kỳ hiện đại được hiểu với khái niệm thời gian, thì giai đoạn nối tiếp của nó sẽ được xem như là thời kỳ hậu hiện đại (postmodernity). Và tính chất riêng biệt đặc trưng cho từng thời kỳ gọi là tính chất hiện đại và tính chất hậu hiện đại, mặc dầu trong Anh Ngữ vẫn chỉ là modernity và postmodernity. Khi nói đến tính chất hiện đại người ta có khuynh hướng nói đến những đặc điểm triết lý xuyên suốt thời kỳ Ánh Sáng của Âu Châu, với những đại diện tiêu biểu cho giai đoạn này bao gồm: Jean-Jacques Rousseau, Ferdinand de Saussure, Sigmund Freud, Karl Marx, Jean-Paul Sartre…
Tiến trình xây dựng lý thuyết cho thời kỳ hiện đại từ Descartes cho đến Marx, Weber, hay Jean-Paul Sartre, cùng những trường phái liên hệ, đặt định Lý Tính như một nguồn gốc tiến bộ của tri thức và xã hội, cũng như vị trí ưu thế đặc quyền trung tâm của Sự Thật làm nền tảng cho hệ thống tri thức. Lý Tính được sử dụng như một phương tiện đầy quyền năng để khám phá và xây dựng một cách đầy đủ những tiêu chuẩn lý thuyết lẫn thực hành; dựa vào đó, tư tưởng và hành động của từng cá nhân, cấu trúc xã hội, sẽ hình thành. Cuộc cách mạng tư tưởng trong thời đại Ánh Sáng cũng xảy ra tại Hoa Kỳ và một số quốc gia dân chủ khác mà mục đích tối hậu là xoá bỏ chế độ cùng với ý thức hệ phong kiến để sản sinh ra một trật tự xã hội đúng đắn và công bằng hơn, tạo nên một xã hội tiến bộ hơn có chức năng vận động hợp lý hơn.
Những tư tưởng căn bản của thời kỳ Ánh Sáng đặc trưng bởi tính chất hiện đại, nêu lên trong công trình nghiên cứu của Jane Flax, có thể được tóm tắt như sau:
Luôn luôn tồn tại một bản ngã ổn định, tự nhận thức, được cấu trúc mạch lạc và chặt chẽ. Bản ngã này tự ý thức, duy lý, tự do về ý chí và mang những đặc tính chung cho toàn thể thế giới, không có một điều kiện thể lý nào có thể tạo nên những ảnh hưởng thực thể đến nguyên lý hoạt động của bản ngã.
Bản ngã này tự biết về bản thân nội tại và thế giới xung quanh thông qua những quy luật lý tính, trong đó tính hợp lý được đặt ở vị trí cao nhất trong các dạng thức về chức năng lý trí, và tính chất này là hữu thể khách quan duy nhất của vũ trụ.
Phương tiện nhận thức do bản ngã lý tính khách quan tạo nên là Khoa Học, và chỉ có khoa học mới có khả năng đưa ra được những Sự Thật tuyệt đối, phổ thông và vạn năng về thế giới, bất chấp trạng thái cá nhân của người cảm nhận.
Tri Thức (Kiến Thức) đạt được từ Khoa học là sự thật tuyệt đối vĩnh hằng.
Tri thức và Sự thật tạo ra bởi Khoa Học thông qua một bản ngã khách quan hữu lý sẽ luôn dẫn đến sự toàn thiện và toàn mỹ. Tất cả mọi thể chế và hành động của nhân loại có thể phân tích bằng khoa học (một khoa học hợp lý và khách quan) để hoàn thiện.
Lý tính là sự phán xử sau cùng cho những gì gọi là Sự Thật, do đó cũng sẽ quyết định cái gì là đúng, là tốt, là hợp pháp và hợp đạo đức. Sự tự do phải bao hàm ý nghĩa tuân thủ luật pháp, một luật pháp phù hợp với tri thức phát hiện bởi lý tính.
Trong thế giới điều khiển bằng lý tính, Sự Thật luôn luôn đồng nghĩa với cái đúng, cái tốt và cái đẹp, sẽ không bao giờ có sự mâu thuẫn giữa những gì gọi là sự thật và những gì gọi là điều đúng.
Khoa học, vì vậy, sẽ đại diện cho một khuôn mẫu bao gồm tất cả mọi hình thái tri thức có ích đối với xã hội. Khoa Học là trung tính và khách quan; khoa học gia, kẻ sản sinh ra những kiến thức khoa học thông qua khả năng lý tính không bị ảnh hưởng của sự chủ quan, phải theo đúng quy luật lý tính và không bị khuynh đảo bởi những động cơ vụ lợi như quyền lực hay tiền bạc chẳng hạn.
Ngôn ngữ được sử dụng như một phương tiện diễn đạt dùng để sản xuất ra kiến thức và phổ biến kiến thức khoa học. Vì là một phương tiện khoa học, nên ngôn ngữ cũng phải hợp lý. Vì phải duy trì tính hợp lý, nên ngôn ngữ phải trong sáng, chức năng duy nhất của nó là phản ánh và thể hiện thế giới hiện thực cảm nhận, một thế giới mà từ đó một bản ngã duy lý quan sát được.
Phải có một liên kết khách quan và chặt chẽ giữa đối tượng được nhận thức và ngôn ngữ dùng để diễn tả sự nhận thức khách quan đó. Nói khác đi là cần có một quan hệ biện chứng “khoa học” giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt (signifier/signified).
Dựa trên các nguyên tắc trên, chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa duy lý sử dụng để giải thích gần như tất cả mọi hình thức cấu trúc và thể chế xã hội, bao gồm tính chất dân chủ, luật pháp, khoa học, đạo đức và mỹ học…
Về căn bản, tính chất hiện đại được bao trùm bởi tính duy lý và tiến trình hợp lý hoá, một quá trình nhằm tạo nên một trật tự từ những hỗn loạn. Các chủ thuyết hiện đại luôn có cương lĩnh hành động trên cơ sở một giả định: xây dựng một xã hội hợp lý có nghĩa là tạo nên một trật tự ổn định; xã hội ổn định chừng nào thì chức năng của nó càng hoạt động hữu hiệu chừng đó và càng hợp lý hơn.
Vì tính chất của xã hội trong thời kỳ hiện đại luôn nhấn mạnh đến sự gia tăng ngày một cao hơn trong mức độ ổn định và trật tự xã hội, nên điểm đặc thù nhất trong xã hội hiện đại là thường xuyên canh giữ những gì gọi là mất trật tự - những nguy cơ phá vỡ các trật tự đã được khoa học và lý tính xây dựng. Vô hình trung, trong xã hội hiện đại, đặc biệt là xã hội hiện đại tây phương, tính chất ổn định và trật tự phải được đặt ở vị trí trấn áp trong cặp đối lập nhị phân Trật Tự/Hỗn Loạn. Muốn vậy, mặt đối lập của Sự Đúng/Sự Thật/Trật Tự/Ổn Định phải được tạo ra một cách thường trực. Theo ngôn ngữ của Jacques Derrida, phần đối lập của trật tự, của đúng đắn, của chân lý, v.v... được xếp chung trong một phạm trù Khác (the Others).
Tính chất hiện đại xâm nhập vào đời sống thường ngày bằng cách phổ biến nền nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại (sẽ trình bày chi tiết ở phần dưới), những sản phẩm của một xã hội tiêu thụ, những kỹ thuật mới, những phương tiện di chuyển và truyền thông tân tiến. Những phương tiện năng động mà nhờ đó, thời kỳ hiện đại đã tạo ra một thế giới mới mang tính chất công nghiệp và thực dân, một quá trình biến chuyển xã hội để tiến tới công nghiệp hóa, chuyên biệt hoá, vật chất hoá, thành thị hoá, thư lại hoá, cá nhân hoá, và đặc biệt nhất và rộng lớn nhất là khoa học hoá và hợp lý hoá, một quá trình chuyển hoá toàn diện để gộp thành ý nghĩa của hiện đại hoá [15]
Trong quá trình hiện đại hoá như thế cái "Others” dùng để chỉ mọi thứ không hợp lý, thiếu văn minh, không có nguồn gốc Âu Châu, không phải da trắng, không phải đàn ông, đồng tính luyến ái, văn hoá của các dân tộc thiểu số… đều là Khác, Lạ, cần phải loại trừ. Nhân danh cho sự loại trừ những cái Khác này là sự khai phóng, là cách mạng, để tạo nên một trật tự và ổn định mới, hợp lý hơn, tốt đẹp hơn. Và trên con đường thi hành sứ mệnh duy trì trật tự và gieo rắc chủ nghĩa khai phóng, nền văn minh hiện đại cũng sáng tạo nên một hệ thống xã hội pháp lý toàn trị nhằm che đậy cho sự đô hộ và trấn áp:
Tính chất Đế Quốc và Thực Dân; lý tưởng khai phóng của thời kỳ Ánh Sáng đã mang những ý nghĩa trái ngược. Với hai cuộc chiến tranh thế giới (chủ yếu tại Châu Âu) kéo theo những hệ luỵ khủng hoảng xã hội thời hậu chiến, cộng với sự nổi dậy của các dân tộc bị trị dưới chế độ thực dân, thời kỳ hiện đại cùng với những hệ tư tưởng triết lý của nó tiến dần đến sự mâu thuẫn và khủng hoảng, mở đường cho một giai đoạn kế tiếp: thời kỳ hậu hiện đại.
Khác với chủ nghĩa hiện đại xuất hiện trong giai đoạn cuối cùng của thời kỳ hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) xuất hiện gần như đồng thời với thời kỳ hậu hiện đại (postmodernity), và có thể xem như hình ảnh đối xứng của chủ nghĩa hiện đại theo khía cạnh thời gian. Về mặt từ ngữ, chữ postmodern đã manh nha từ năm 1934, và được sử dụng lần đầu tiên bởi Arnold Toynbee vào năm 1939 [16].
Trong phần chú giải ở trang đầu tiên của tập thứ nhất thuộc bộ sách lịch sử đồ sộ của ông, A Study of History, Toynbee đã ghi rõ thời kỳ hiện đại chấm dứt vào khoảng phần tư thứ ba của thế kỷ 19, nghĩa là vào khoảng thời gian 1850 – 1875. Như vậy, thời kỳ hậu hiện đại tiếp theo không phải nằm trong thế kỷ 20 mà bắt đầu từ thế kỷ 19. Khi nghiên cứu sâu hơn trong công trình lịch sử đó, Toynbee đã chính thức sử dụng từ ngữ hậu hiện đại (Post-modern) trong tập sách thứ 5, bộ sách này xuất bản vào năm 1939, trong đó ông dời sự chấm dứt của thời kỳ hiện đại lại vào khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, nghĩa là thời kỳ hậu hiện đại có khởi điểm nằm trong khoảng thời gian từ năm 1918 đến 1939 [17].
Vì sự xuất hiện có tính cách đồng thời như vậy, nên tính chất hậu hiện đại thường được diễn tả trong các đặc tính của chủ nghĩa hậu hiện đại. Do đó, trong các văn bản tiếng Anh, chữ Postmodernity chỉ dùng để chỉ khoảng thời gian theo sau thời kỳ hiện đại, những tính chất về xã hội, triết lý, văn hoá, mỹ học… được bao hàm trong chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism). Thời kỳ hậu hiện đại (Post-modern age, Postmodernity) có liên hệ nối tiếp với thời kỳ hiện đại, có thể kéo dài vài thế kỷ mà thời đại chúng ta sống hiện nay là phần đầu của nó. Nếu chủ nghĩa hậu hiện đại, cũng như chủ nghĩa hiện đại chỉ kéo dài một thời gian ngắn, sau này người ta sẽ phân biệt rõ hơn giữa tính chất hậu hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, như chúng ta thường phân biệt tính chất hiện đại và chủ nghĩa hiện đại khi nói về giai đoạn Ánh Sáng. Điều này phù hợp với quan điểm của Lemke [18], “chủ nghĩa hiện đại, hay bất cứ một khuynh hướng trí thức nào, cuối cùng sẽ được xác định và làm rõ tính chất từ quan điểm của thế hệ kế tiếp.”
Chủ nghĩa hậu hiện đại: Những Khái Niệm Căn Bản
Theo Hassan [19], danh từ postmodernism được Federico de Onis đưa vào văn bản lần đầu vào thập niên 1930 để chỉ sự ảnh hưởng đối kháng với chủ nghĩa hiện đại. Danh từ này được sử dụng một cách phổ biến vào thập niên 1960 tại New York, theo sau sự xuất bản hai cuốn sách phê bình về mỹ thuật kiến trúc: The Death and Life of Great American Cities của Jane Jacobs vào năm 1961 và cuốn Complexity and Contradiction in Architecture của Robert Venturi vào năm 1966. Trong khi Jacobs phê bình những quá trình hiện đại hoá đô thị đã làm mất đi tính mỹ thuật về kết cấu tổng thể của thành phố, Venturi phê bình lối kiến trúc đơn điệu cộc lốc của các cao ốc mang nặng tính thực dụng của diện tích mặt bằng mà lại bỏ quên tính đa dạng, sự hài hoà giữa lịch sử cổ điển và văn minh đương đại.
Trong hai tập sách, mặc dầu không nhắc đến chữ chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng cả hai tác giả đều đề nghị giới trí thức hiện đại phải có tầm nhìn vượt lên trên thời hiện đại. Đến năm 1972, những khối nhà cao tầng được xây dựng từ những năm 50 (do Yamasaki thiết kế và đoạt giải kiến trúc Pruitt-Igoe về thiết kế nhà ở đô thị hiện đại) tại thành phố St. Louis, Missouri (Miền Trung Tây Hoa Kỳ) bị giật sập kéo theo sự phá huỷ các cao ốc có lối kiến trúc tương tự tại các thành phố khác của Mỹ, Gia Nã Đại và Âu Châu trong những năm tiếp theo, năm 1972 trở thành mốc thời gian cho sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Trong suốt thập niên 60, danh từ postmodernism được nhiều giới nghệ sĩ, nhà văn và nhà phê bình như Rauschenberg, Cage, Burroughs, Barthelme, Fielder, Hassan và Sontag sử dụng để chỉ trích sự cạn kiệt của chủ nghĩa hiện đại và để mô tả những khuynh hướng nghệ thuật muốn vượt qua những phạm vi giới hạn của chủ nghĩa đó [20]. Khuynh hướng hậu hiện đại từng bước tạo những ảnh hưởng rộng lớn hơn, lôi kéo sự bàn luận và chú ý của giới trí thức đại học như Bell, Kristeva, Lyotard, Vattimo, Derrida, Foucault, Harbemas, Baudrillardd và Jameson [21].
Theo Fredric Jameson, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như chủ nghĩa hiện đại, là những cơ cấu văn hoá, xã hội, tương ứng với những giai đoạn nhất định của chủ nghĩa tư bản. Jameson đã chia chủ nghĩa tư bản ra làm ba giai đoạn phát triển căn bản gắn liền với những hình thái văn hoá đặc thù, để từ đó các ngành nghệ thuật và văn chương được hình thành một cách tương ứng:
Giai đoạn thứ nhất hay chủ nghĩa tư bản thị trường xảy ra từ nửa đầu thế kỷ 18 kéo dài đến cuối thế kỷ thứ 19 tại Tây Âu, Anh Quốc và Hoa Kỳ cùng các quốc gia chịu ảnh hưởng. Giai đoạn này gắn liền với sự phát triển kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản, ví dụ như động cơ hơi nước và về mỹ học là sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực (realism).
Giai đoạn thứ hai hay chủ nghĩa tư bản độc quyền, bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến khi Âu Châu hoàn tất chương trình tái thiết thời hậu chiến (vào khoảng thập niên 1950). Giai đoạn này tương ứng với sự ra đời của động cơ đốt trong và động cơ điện về kỹ thuật; về mỹ học là sự hình thành chủ nghĩa hiện đại (modernism).
Giai đoạn thứ ba tức thời kỳ đương đại chúng ta đang sống, là chủ nghĩa tư bản đa quốc gia mang nặng yếu tố mở rộng thị trường, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm. Về kỹ thuật tương ứng với sự ra đời năng lượng hạch tâm và kỹ nghệ điện tử. Chủ nghĩa hậu hiện đại tương ứng với thời kỳ này.
Về phương diện lý thuyết, chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận những giả định căn bản của chủ nghĩa hiện đại mà hai yếu tố đóng vai trò chủ đạo cho mọi nền tảng triết lý của nó là Tri Thức Khách Quan (Objective Knowledge) và Sự Thật Tuyệt Đối (Absolute Truth). Theo cách nhìn của các triết gia hậu hiện đại, chủ nghĩa hiện đại được xây dựng trên một niềm tin là có một hiện thực khách quan, tồn tại một cách độc lập với mọi suy nghĩ của chủ thể quan sát, vì vậy chỉ có một kết quả biểu hiện khách quan duy nhất từ hiện thực: Sự Thật. Phương tiện để tìm hiểu hiện thực (sự thật) khách quan là Khoa Học và các nhà lý thuyết của chủ nghĩa hiện đại tin rằng con người có thể tìm ra được sự thật khách quan của thế giới và vũ trụ. Nhờ vào khoa học, chủ nghĩa hiện đại tin rằng, trí óc con người có thể có những hoạt động tinh thần để tạo ra tri thức phản ánh cho một hiện thực khách quan – Tri thức khách quan.
Lý thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại tranh luận rằng những gì chúng ta gọi là Tri Thức chỉ là một mẩu chuyện đặc biệt, một dạng văn bản, hay một giải trình ngôn ngữ (discourse), là sự sắp xếp các từ ngữ, hình ảnh hay ký hiệu, dáng điệu… theo một cách đặc biệt nhất định nào đó để phù hợp với những lợi ích của một nền văn hoá, hoặc đôi khi chỉ làm vui tai, vui mắt cho một thành phần nhỏ nhoi có quyền lực trong nền văn hoá đó. chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận con người có thể có một Tri Thức Khách Quan vì những gì chúng ta gọi là tri thức phải được tạo thành từ ngôn ngữ và những nguồn gốc tạo nghĩa khác tồn tại trong một nền văn hoá nhất định, mỗi nền văn hoá có cách nhìn thế giới trong những cách khác nhau, những hệ thống hình thành tri thức trong các nền văn hoá khác nhau như thế hoạt động trên một nguyên tắc đặc thù riêng biệt. Vì vậy, quan điểm về thế giới và vũ trụ từ nền văn hoá Âu Mỹ xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa hiện đại bị áp đặt để trở thành một quan điểm thống nhất và hằng định cho toàn thể mọi nền văn hoá trên thế giới, về thực chất là một giả định có tính chất mưu cầu lợi ích chính trị để đạt được những tham vọng đế quốc trong quá khứ, nó không tồn tại vững chắc trên cơ sở trí thức.
Chủ nghĩa hậu hiện đại đi xa hơn để chỉ ra rằng, cũng giống như một số nền văn hoá Âu Châu trong thời kỳ cận đại đã áp đặt quan điểm của họ lên những nền văn hoá khác bằng vũ lực, bằng xâm lăng và đô hộ, thì ngay trong các quốc gia “hiện đại” đó cũng có một thiểu số thuộc giai cấp quyền thế, giai cấp quý tộc cầm quyền chiếm ưu thế bởi các nhóm nam giới trung niên, đã thống trị và chi phối các dòng tư tưởng “chính mạch” trong các động hướng xã hội, chính trị, văn hoá và cả đến khoa học tự nhiên (nếu thực sự có một khoa học khách quan về tự nhiên như thế hằng tồn tại), làm cho “thế giới quan hiện đại” phát đi từ chủ nghĩa hiện đại tại các quốc gia đó vốn dĩ đã không khách quan lại càng bị bó hẹp hơn – quan điểm của giai cấp thống trị [22].
Như đã đề cập ở phần trên, Huyssen đã truy nguyên nguồn gốc của chủ nghĩa hậu hiện đại từ các khuynh hướng kiến trúc, mỹ thuật và phê bình của giới trí thức và nghệ sĩ tại New York vào thập niên 1960 sau đó được các nhà lý thuyết triết học Âu Châu khai triển vào thập niên 70, trong số các lý thuyết gia hàng đầu đó (Michel Foucault, Jean Baudrillard, Kristeva, Bell…) phải kể đến Jean-François Lyotard với cuốn sách nổi tiếng La Condition Postmoderne xuất hiện tại Paris vào năm 1979, khi cuốn sách này được chuyển dịch sang Anh ngữ vào năm 1984 [23], cùng với bài luận văn ngắn: “An Answer to the Question: What is Postmoderism?” đăng trong phần phụ lục, đã trở thành cuốn sách giáo khoa về chủ nghĩa hậu hiện đại lưu hành phổ biến trong giới đại học của các quốc gia nói tiếng Anh. Lyotard phê phán nỗ lực tạo ổn định xã hội bằng cách trấn áp sự hỗn loạn (disorder) của chủ nghĩa hiện đại, ông cho rằng tính chất ổn định xã hội này trùng hợp với khái niệm toàn thể (totality) của J. Derrida (trong đó totality tương đương với wholeness, completeness).
Tính toàn thể, tính ổn định, tính trật tự trong xã hội hiện đại, theo Lyotard, được duy trì thông qua những thần thoại hợp lý hoá (legitimating myths), hay những đại tự sự (grand narratives) của thời kỳ hiện đại. Lyotard tấn công vào tính đại tự sự mà chủ thuyết hiện đại tin rằng sẽ có một quá trình giải phóng nhân loại để tiến đến sự tiến bộ thông qua khoa học, cùng với ý tưởng triết lý có thể phục hồi tính thống nhất trong sự tiếp nhận và phát triển một tri thức nhân loại có giá trị chung cho toàn thế giới (và vũ trụ). Một trong những đối tượng tấn công của Lyotard vào thời kỳ này là Habermas, người đặt nghi vấn về một hình thức bảo thủ mới trong lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại và hậu cấu trúc luận (poststructuralism) của Pháp [24].
Lyotard tranh luận rằng, tất cả mọi khía cạnh của xã hội hiện đại, bao gồm cả khoa học – hình thức căn bản của tri thức, hoàn toàn tuỳ thuộc vào những đại tự sự. Theo ông, đại tự sự là những câu chuyện “có tính cách thần thoại” một nền văn hoá tự kể về niềm tin và hành động thực tiễn của nó. Ví dụ như tại Hoa Kỳ, một trong những đại tự sự về chính trị hiện nay là Dân Chủ và Nhân Quyền, một đại tự sự mà chính phủ Mỹ cho là chính sách hợp lý và văn minh nhất trong vấn đề đối ngoại, và dĩ nhiên, người lập ra sách lược này tin rằng nó sẽ làm cho nhân loại trên thế giới sống hoà bình và hạnh phúc hơn. Có lẽ cho đến nay không ai trong chúng ta là không tin vào chính sách “hết sức khoa học và hợp lý” này. Nhưng tuyệt nhiên không ai đặt một dấu hỏi cỏn con nào về mặt thật đằng sau tính chất đại tự sự ấy của nền văn hoá Mỹ.
Theo quan điểm hậu hiện đại, mỗi hệ thống đức tin hoặc ý thức hệ, đều chứa đựng những “thần thoại hữu lý” của nó. Ví dụ, giáo hội Công giáo tin có một thượng đế duy nhất hằng hữu, bao dung và toàn trị; trong khi đó, những người Mác-xít tin tưởng một cách kiên trung rằng, một ngày kia chế độ tư bản sẽ tự nó sụp đổ và thế giới xã hội không tưởng sẽ hình thành; hay Việt Nam ta cũng có đại tự sự: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, đánh thắng ba đế quốc to…
Chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán các hình thức đại tự sự của chủ nghĩa hiện đại bằng cách cảnh báo rằng, những đại tự sự đó được lạm dụng để che đậy những mặt đối lập và bất định gắn liền với mọi tổ chức xã hội cũng như mọi thực tiễn hành động. Nói một cách khác, mọi nỗ lực kiến tạo trật tự và ổn định luôn luôn sản sinh ra một đối lực tương ứng của hỗn loạn và bất ổn, như hai quá trình song hành trong một thể thống nhất của hiện thực xã hội. Nhưng, thay vì nhìn những yếu tố “hỗn loạn” và “bất ổn” đó như một đối trọng có tính cách cân bằng trong nghĩa xây dựng, đại tự sự của chủ nghĩa hiện đại đã tìm mọi cách đè bẹp với lý lẽ cho rằng sự hỗn loạn và bất ổn là xấu, là phá hoại, là phản động, cần phải tận diệt, trong khi đó trật tự và ổn định là luôn luôn tốt, luôn luôn đúng, phù hợp với cách mạng, hợp lý với khoa học!
Chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận tính chất đô hộ và áp đặt của đại tự sự, cổ xuý những tiểu tự sự, những lý lẽ giải thích cho những hành động nhỏ bé, những biến cố có tính chất địa phương thay vì những khái niệm rộng lớn có tính cách bao quát và toàn thể. Những tiểu tự sự của chủ nghĩa hậu hiện đại thường được nhìn dưới góc độ hoàn cảnh tạm thời, ngẫu nhiên, không tuyên xưng tính thống nhất toàn thể, tính ổn định, tính hợp lý, hay sự thật khách quan.
Đối với chủ nghĩa hậu hiện đại, mọi sự thật vĩnh hằng và trường cửu sẽ biến mất, mang theo nó những quy định về ngôn ngữ của cái biểu đạt (signifier/signifiant) và cái được biểu đạt (signified/signifié), thay vào đó là những biểu hiện bề mặt không cần có bản chất, như Foucault [25] đã chỉ ra bản chất của lịch sử, trong đó ông cho rằng, sử gia tái tạo lịch sử là một công việc hão huyền, nếu không muốn nói là sự đánh lừa công chúng một cách ấu trĩ, vì, giải trình ngôn ngữ lịch sử là một giải trình ngôn ngữ hiện tại, phục vụ cho hiện tại, tạo ra một ý nghĩa nào đó cho con người hôm nay, có một hiểu biết nào đó, về những dấu tích khảo cổ để lại từ những sinh hoạt mà nhân loại thu lượm được từ quá khứ.
Từ lý luận về giải trình ngôn ngữ lịch sử, Foucault đã đi sâu hơn về khái niệm giải trình ngôn ngữ (discourse), ông viết một chương dài bàn luận về vai trò của khái niệm này, nó không phải chỉ đặc trưng cho chức năng ngôn ngữ, mà tất cả những gì con người có thể làm để tạo nghĩa về thế giới. Foucault đã chứng minh rằng, những hiện thực khách quan, những đối tượng nghiên cứu khoa học của chủ nghĩa hiện đại, như những ý niệm (thực thể) của bản ngã, quốc gia, ngôn ngữ, trí tuệ, giới tính, tội phạm, những định chuẩn tự nhiên, vân vân, thực chất là những cấu trúc đặc thù của lịch sử, hay sản phẩm của lịch sử, không thuộc về đối tượng của giải trình ngôn ngữ nhân loại.
Ông chú ý đến cái gọi là khoa học hiện tượng để tìm ý nghĩa thông qua giải trình ngôn ngữ, từ đó nghiên cứu những phương pháp lý thuyết của quá trình tạo nghĩa bởi sự tương tác giữa con người và giải trình ngôn ngữ đối với sự vật. Với giải trình ngôn ngữ của Foucault hay "trò chơi ngôn ngữ" (language game) của Wittgenstein (J. F. Lyotard khai triển thêm), chủ nghĩa hậu hiện đại đã bước hẳn sang một ngã rẽ khác trong quá trình quan sát và tạo nghĩa, một quá trình hoàn toàn loại trừ khái niệm cái biểu đạt và cái được biểu đạt của chủ nghĩa hiện đại để tập trung xây dựng một cách diễn đạt ý nghĩa mới về thế giới và vũ trụ.
Trong giải trình ngôn ngữ hậu hiện đại, sự phân tích ngôn ngữ là một sự áp dụng ngữ nghĩa học (semantics) vào một văn bản thuần tuý, không tìm những ý nghĩa ẩn tàng sau những cách sử dụng cú pháp, văn phạm và tu từ như được nhấn mạnh trong chủ nghĩa hiện đại. Thay vào đó là sự chú tâm đến những quy ước văn hoá của ngôn ngữ, do đó đòi hỏi sự tìm hiểu ngôn ngữ xuất phát từ xã hội hơn là xuất phát từ ý thức.
Chúng ta không thể nào phân tích một cách đầy đủ quá trình thụ nhận tri thức của một cá nhân từ ngôn ngữ nếu chúng ta không hề hay biết đến kiểu mẫu giải trình ngôn ngữ của cộng đồng cá nhân đó đang lệ thuộc [26]. Giải trình ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại đặt nền tảng trên nguyên tắc liên văn bản (intertextuality), bất chấp giải trình đó là ngoại biểu hay nội biểu; nói cách khác, mọi ý nghĩa được tạo nên phải dựa vào căn bản một ý nghĩa khác đã được thành lập trước đó và chia sẻ bởi cộng đồng, rộng hơn, của nền văn hoá cộng đồng đó phụ thuộc [27].
Trong giải trình ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại, có hai tên tuổi lớn luôn được nhắc đến: Foucault và Bakhtin. Bakhtin và Foucault quan niệm rằng, giải trình ngôn ngữ là một quá trình hành động để tạo nghĩa, mà đơn vị giải trình của nó là đơn vị ý nghĩa hoặc một hành động của con người để diễn tả ý nghĩa chứ không phải những đơn vị của ngôn ngữ như ngôn, từ, mệnh đề, câu… Giải trình ngôn ngữ có thể tạo nghĩa từ những điệu luân vũ, dáng điệu, chuyển động; với hình ảnh, biểu đồ, bài hát, hay ngay cả với thực phẩm và quần áo.
Lấy ví dụ, trong khoa học, chúng ta không phải chỉ viết và nói, chúng ta còn sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để xây dựng những ý nghĩa đặc thù cho mỗi ngành khoa học, những phương pháp đó bao gồm việc quan sát các hiện tượng xảy ra khi tiến hành một thực nghiệm sinh hoá học, ghi nhận và phân tích dữ kiện, hoặc trong kinh tế, các chuyên gia thường chú ý đến các biểu đồ lên xuống của tiền tệ, hối đoái, trong xã hội người ta lại tìm kiếm các số liệu người thất nghiệp, người có việc làm, tỉ lệ tội phạm, hoặc thăm dò các khuynh hướng chính trị của một nhóm chủng tộc nào đó… (ví dụ sẽ còn rất nhiều, chỉ xin đơn cử một số để minh họa).
Trong mỗi lãnh vực riêng biệt đều có một hệ thống ký hiệu quy ước mà cộng đồng chấp nhận, và giải trình ngôn ngữ là sự ứng dụng các hệ thống ký hiệu để tạo nghĩa về một hiện tượng, một vật thể hay rộng hơn về thế giới. Ký hiệu học hậu hiện đại nhấn mạnh đến sự giải trình ngôn ngữ về tạo vật hay hiện tượng tức là cách chúng ta nhìn sự vật và hiện tượng như thế nào, chứ không phải hiện tượng và sự vật được mô tả như thế nào bằng giải trình ngôn ngữ.
Chủ nghĩa hậu hiện đại hoàn toàn không đề cập đến bản chất hiện tượng đó, hay nói theo ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện đại, Sự Thật đằng sau hiện tượng. Như đã đề cập phần trên, hiện tượng chúng ta quan sát và tạo nghĩa bằng giải trình ngôn ngữ, là một quá trình so sánh liên văn bản kéo dài đến bất tận, nên chúng ta không tài nào biết được đâu là nguồn gốc của ý nghĩa, đâu là sự thật của ý nghĩa đó. Một quá trình mà Baudrillard cho là sự sao chép giả tạo (simulation).
Khái niệm căn bản cho lý thuyết hiện tượng học của Baudrillard là Vật thể giả tạo (Simulacrum). Simulacrum là một hiện tượng mà bản chất của nó hoàn toàn bị che dấu nên không còn mang tính chất hiện thực [28] và chúng ta cảm nhận được thế giới là nhờ giải trình ngôn ngữ trên các hiện tượng “giả tạo” đó. Vì vậy, Sự Thật mà chủ nghĩa hiện đại tìm thấy ở vật thể và thế giới thực ra là những hình ảnh giả tạo, Simulacrum.
Tri Thức Dưới Quan Điểm Hậu Hiện Đại
Khai triển từ luận văn của J.F. Lyotard, Sarup [29] đã phân tích một cách khá chi tiết về tổ chức của tri thức theo lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong xã hội hậu hiện đại, tri thức không những được đặc trưng bởi tính chất ứng dụng, mà còn có thể phân phối, dự trữ, và sắp xếp: Tri Thức thuần tuý là một hiện tượng, một sản phẩm, do đó nó mang đầy đủ tính chất của một vật thể có giá trị trao đổi.
Đi xa hơn, như Sarup đã nhấn mạnh theo lý luận của Lyotard, trong xã hội hậu hiện đại, bất cứ một loại tri thức nào mà không được mã hoá để nhận biết và lưu trữ bởi máy điện toán, thì không còn được xem là tri thức. Dựa theo khuôn mẫu này, đối lập với tri thức không còn là sự dốt nát như các cặp đối lập nhị phân trong chủ nghĩa hiện đại, mà là tạp hiệu (noise). Tạp hiệu được dùng để chỉ một cái gì đó không nhận thức được trong khuôn mẫu hậu hiện đại, tín hiệu không chuyên chở một thông tin có nghĩa nào.
Theo chủ nghĩa hậu hiện đại, tri thức không phải chỉ thuần tuý làm giàu kiến thức cá nhân, mà nhấn mạnh đến khía cạnh chức năng, tri thức học hỏi để hành động chứ không phải chỉ để biết. Vì vậy, trong các xã hội tây phương chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại, chính sách giáo dục thường được chú ý đến phương diện thực tiễn, tạo một sự liên kết chặt chẽ giữa giáo dục và hướng nghiệp.
Sau hết, làm thế nào để xác định tri thức và tạp hiệu? Chủ nghĩa hậu hiện đại không đưa ra một định nghĩa rõ ràng làm thế nào để phân biệt hai lãnh vực này, thay vào đó, dựa vào Ký Hiệu Học hậu hiện đại, tri thức là một hành động giải trình ngôn ngữ trước một hiện tượng, một sự kiện, một tạo vật…, còn đối với Lyotard, tri thức là một "trò chơi ngôn ngữ" (language game). Từ cách đặt vấn đề như thế chúng ta có thể phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa hai quan niệm tri thức hiện đại và hậu hiện đại. Tri thức theo quan niệm của chủ nghĩa hiện đại là sự phản ánh sự thật khách quan từ một hiện tượng, được làm rõ bản chất thông qua phương tiện khoa học. Nó trở thành tấm gương soi cho sự thật của vật thể và thế giới.
Dưới lăng kính của chủ nghĩa hậu hiện đại, tri thức tự thân của nó cũng là một hiện tượng, được diễn dịch một cách chủ quan bằng giải trình ngôn ngữ, một quá trình hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân. Nói khác đi, không có tri thức khách quan và có trở thành tri thức cho một cá nhân hay không là dựa vào kinh nghiệm cá nhân cảm nhận hiện tượng. Lấy ví dụ, đối với một nhà phê bình văn học, hiểu biết những vấn đề về văn chương là điều tối cần thiết, nên sự ra đời một tác phẩm có thể loại hoàn toàn mới, sẽ trở thành một tri thức vì chưa bao giờ anh ta gặp một thể loại như thế từ trước, trái lại, tác phẩm đó rơi vào tay một anh lái buôn, anh ta không thấy hứng thú đọc tiếp, đối với bản thân anh ta nó là thứ anh ta không cần phải biết, tác phẩm biến thành một tạp hiệu.
Mỹ Học Theo Quan Điểm Hiện Đại và Hậu Hiện Đại
Theo một nghĩa rất hạn hẹp, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại gắn liền với những khuynh hướng mỹ học có tính chất đặc trưng cho thời kỳ hiện đại và thời kỳ hậu hiện đại. Như đã khảo sát ở phần đầu, chủ nghĩa hiện đại xuất hiện vào giai đoạn sau cùng của thời kỳ hiện đại (cuối thế kỷ thứ 19) với những đại diện tiêu biểu như: Joyce, Yeats, Gide, Proust, Rilke, Kafka, Mann, Musil, Lawrence và Faulkner (Văn Chương); Rilke, Pound, Eliot, Lorca, Valéry (Thi Ca); Strindberg, Pirandelo và Wedekind (Kịch); Matisse, Picasso, Braque, Cézanne và những trường phái Vị Lai, Biểu Hiện, Đa Đa, Siêu Thực, trong hội hoạ; Stravinsky, Schoenberg và Berg (Âm Nhạc).
Những đặc điềm mỹ học của chủ nghĩa hiện đại có thể tóm tắt như sau (2): nhấn mạnh đến sự diễn tả quá trình nhận thức xảy ra như thế nào hơn là những gì được cảm nhận, sử dụng hình thức ấn tượng và nêu bật vai trò chủ thể trong hành văn, như trường hợp lối viết của thể loại dòng ý thức (stream of consciousness) trong tác phẩm của James Joyce; loại trừ lối viết tự sự, bắt nguồn từ một ngôi thứ ba thông suốt hết mọi sự, có cảm quan cố định và một làn ranh rõ ràng về đạo đức; xoá nhoà sự tách biệt giữa các thể loại, do đó thơ đến gần với văn xuôi (trường hợp Eliot) và văn xuôi đến gần với thơ (trường hợp của Woof và Joyce); tác phẩm mỹ thuật có dạng thức phân đoạn, không liên tục và là một kết hợp ngẫu nhiên nhiều chất liệu; tác phẩm mang nhiều sắc thái nội hướng, ý thức bản ngã của tác giả, để mỗi sáng tác mang một ý nghĩa mỹ học tự thân; và sau cùng là sự chối bỏ các lý thuyết mỹ học khuôn sáo để tiến đến sự ngẫu hứng và khám phá sự sáng tạo, phủ nhận sự phân biệt các dạng thức cao thấp trong mỹ học.
Quan điểm mỹ học hậu hiện đại mang những đặc điểm như: xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày; phá bỏ những giai tầng văn hoá quý phái và văn hoá đại chúng; phủ nhận tính chất nguyên thuỷ của một tác phẩm nghệ thuật và cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là một hiện tượng lập lại; nhấn mạnh đến phong cách trộn lẫn giữa nhân vật và sự can thiệp của chính tác giả vào tác phẩm; tính chất kết dính nhiều mảng kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm, tựa như một bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt, là điều khá phổ biến trong các tác phẩm hậu hiện đại.
Nghệ thuật hậu hiện đại cũng có nhiều điểm tương đồng với quan niệm mỹ học hiện đại, như sự soi rọi nội tâm, ý thức bản ngã, cách đoạn và không liên tục, tính đồng diễn… Nhưng ngược lại, thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại trong mỹ học là phi cấu trúc, phi tâm hoá và từ chối vai trò chủ thể của con người, một sự tiếp nhận, mô tả hiện tượng không suy diễn, không chú ý đến chiều sâu, không diễn dịch bản chất sự vật theo chủ quan tác giả; thay vào đó, tác giả cũng tham gia vào một trò chơi ngoại biểu, tạo ra những đối kháng có tính chất mỉa mai và châm biếm để người đọc tự tìm thấy trong tác phẩm và nếu cần tác giả sẽ chủ động lôi kéo người đọc vào trò chơi đó.
Quan điểm mỹ học hiện đại vẫn còn mang nặng tính chất đại tự sự, khi nhiều công trình nghệ thuật được sáng tác để mang một thông điệp cho loài người biết rằng, nghệ thuật hiện đại có khả năng tạo ra những tác phẩm có sự đồng nhất, kết cấu chặt chẽ và mang những ý nghĩa của đời sống mà chính sự phát triển các phương tiện hiện đại đã làm chúng biến mất. Nghệ thuật hiện đại tự khoác cho nó một vai trò lịch sử to lớn để tái tạo lại những gì mà các thể chế khác của nhân loại đã bó tay. Nói chung, nền mỹ học hiện đại, giống như chủ thuyết khai sinh ra nó, vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những niềm tin vào khả năng vô hạn của con người, một khả năng dựa hẳn vào tính chất tuyệt đối của sự thật phát hiện bởi các phương tiện khoa học.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, trái lại, xem mỹ học cũng như các vật thể giả tạo khác mà hiện thực hoàn toàn bị khuất lấp sau những hiện tượng, những Simulacrum. Càng nhiều hiện tượng, “hiện thực” càng được làm đầy thêm (hyper-reality) và vai trò của nghệ thuật chỉ thuần tuý là tham gia vào trò chơi hỗn loạn giữa các vật thể giả tạo đó, và việc có tin tưởng vào hiện thực biểu hiện hay không là hoàn toàn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người đọc, tuỳ thuộc vào nền văn hoá mà họ đang sinh hoạt và tuỳ vào khả năng phản ánh hiện thực thông qua hành động giải trình ngôn ngữ, và cứ như thế mà mỹ học hậu hiện đại cứ kéo dài sự diễn dịch ra ngoài mọi biên cương để tiến về nơi bất tận.
Đối với văn học Việt Nam, sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại gần như chưa có một dấu ấn nào đáng kể (xem thêm bài viết của Nguyễn Hưng Quốc trong số này). Cũng có một số “đại học giả” kiến nghị rằng chúng ta nên giữ một thái độ bao dung và thể tất tối đa với văn học nước nhà, không nên vì cái mới mà xoá bỏ cái cũ. Tôi đồng ý, bảo vệ nền văn học (và rộng hơn là văn hoá) truyền thống của dân tộc là chuyện nên làm; nhưng tôi cảm thấy bị lạc trong “cao trào văn hoá truyền thống” đó. Truyền thống là một giải trình ngôn ngữ văn hoá, chúng ta sẽ không bao giờ mất, bởi tự thân giải trình ngôn ngữ văn hoá này xuất phát từ quan điểm cá nhân rất Việt Nam đã thâm căn cố đế trong máu huyết của mỗi một chúng ta (có ai nhìn tà áo dài Việt Nam mà bảo rằng đó là cái váy đâu). Cái còn lại mà chúng ta sẽ mất là đà tiến hoá của nhân loại.
Khi thế giới đang vượt lên trên mọi giới hạn của dân tộc và biên giới quốc gia để tạo nên một cách nhìn đa nguyên về cuộc sống, để tạo nên một sự hoà trộn giữa các nền văn hoá nói chung và văn học nói riêng, lẽ nào chúng ta cứ ôm giữ mãi một đại tự sự “độc tôn”: Việt nam là đỉnh cao của trí tuệ và lương tri của loài người.
Một đại tự sự đã làm cho những trí óc siêu việt chứng minh một cách rất “khoa học và biện chứng” rằng củ mì có chất đạm cao hơn thịt bò. Một đại tự sự đã làm cho ai đó ở Tây ba năm, ở Mỹ nửa đời niên thiếu, vẫn nặng lòng với dân tộc, để hô hào bảo vệ nền văn hoá truyền thống dân tộc, vì e rằng văn hoá Âu Mỹ sẽ ăn tươi nuốt sống nền văn học Việt Nam. Chủ nghĩa hậu hiện đại không những không phá huỷ nền văn hoá dân tộc mà ngược lại, còn cổ xuý cho sự phát triển tính đa dạng của các nền văn hoá (và văn học) nhỏ bé đó.
Chỉ có điều nên thể hiện nó dưới một quan điểm mới hơn, lạ hơn và thú vị hơn. Để làm được như vậy, không phải chúng ta có nên bao dung với nền văn học nước nhà hay không, mà thực ra những kẻ hô hào bao dung đó phải từ bỏ những Đại Tự Sự kiểu như: dân tộc ta thông minh có thừa… Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng vân vân. May ra văn học Việt có được một lối đi mới mẻ trong kỷ nguyên tới.
Nguyễn Minh Quân
Đã in trong tập Văn học hậu hiện đại thế giới: những vấn đề lý thuyết, NXB Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp xuất bản, 2003. Đăng lại với sự cho phép của tác giả._________________________
Chú thích:
[1] Mary Klages, Postmodernism đăng trên trang web: http://www.colorado.edu/English/ENGL2012Klages/pomo.htm
[2] Baudrilla, J. (1996) Disneyworld Company đăng trên nhật báo xuất bản tại Paris: Liberation ngày 4 tháng 5 năm 1996, bản dịch Anh ngữ của Francois Debris.
[3] Epstein, M. On the place of Postmoderism in Postmordernity in the book Russian Postmodernism: New perspectives on Post-Soviet Culture. New York, Oxford: Berghalm Books (1999), pp. 456-468.
[4] Bell, D. (1976) The Cultural Contradictions of Capitalism. London: Heinemann, p. 50.
[5] Oden, T. C. (1992) Two Worlds: Notes on the Death of Modernity in America and Russia. Downers Grove, Illinois: InterVarsity Press. P32.
[6] Bock, K. (1979) Theory of Progress, Development, Evolution in Bottomore, T. and Nisbet, R. A history of Sociological Analysis. London: Heinemann. Calinescu, M. (1977) Faces of Modernity. London: Indiana University Press. Habermas, J. (1981) Modernity versus Postmodernity. New German Critique, 22:9.
[7] Smart, B. (1990) Modernity, Postmodernity and Present in Turner, B. S. (1991) Theories of Modernity and Postmodernity. London: SAGE Publ, p17.
[8] Benjamin, W. (1973) Illumination. London: Fontana, p196.
[9] Harbemas, J (1987) The Philosophical Discourse of Modernity. Cambridge: Polity, p8.
[10] Berman, M. (1983) All that is Solid Melts in Air. London: Verso, p40.
[11] Calinescu, M. (1977) Faces of Modernity. London: Indiana University Press, p4.
[12] Sách đã dẫn trong (14), p41.
[13] Lash, S. (1987) Modernity or Modernism: Weber and contemporary social theory, in Whimster, S. and Lash, S (eds) Max Weber, Rationality and Modernity. London: Allen and Unwin.
[14] Flax, J. (1990) Thinking Fragments: Psychoanalysis, Feminism, and Postmodernism in the Contemporary West. California: The University of California Press, p41.
[15] Featherstone, M. In Pursuite of the Postmodern: An Introduction. In Theory, Culture & Society Volume 5, 195-215. London: SAGE Publication, 1988.
[16] Toynbee, A. (1939) A Study of History. Volume 5. Oxford: Oxford University Press, p43.
[17] Best, S. and Kellner, D. (1991) Postmodern Theory: Critical Interrogations. New York: Guiford Press. Introduction of Chapter 1.
[18] Lyotard, J. F. (1979) The Postmodern Condition: A Report on Knowledge. Translated by Geoff Bennington and Brian Massumi, Manchester: Manchester University Press (1984).
[19] Hassan, I. (1985) Theory, Culture and Society. Postmodern Culture, 2(3): 119-131.
[20] Huyssen, F. (1984) Mapping the Postmodern. New German Critique 33.
[21] Jameson, F. (1984) Postmodernism, or the Cultural Logic of Late Capitalism. New Left Review 146.
[22] Lemke, J. L. (1994) Semiotics and the Deconstruction of Conceptual Learning. J. Soc. For Accelerative Learning and Teaching.
[23] Lyotard, J. F. (1979) The Postmodern Condition: A Report on Knowledge. Translated by Geoff Bennington and Brian Massumi, Manchester: Manchester University Press, 1984).
[24] Beinstein, R. (1985) Habermas and Modernity. Oxford: Polity and Richters, A. (1988) Habermas and Foucault. Theory, Culture & Society: Vol 5, No. 4.
[25] Foucault, M. (1969) The Archaeology of Knowledge and The Discourse on Language. New York: Pantheon Books, 1972. Chapter 1: The Unities of Discourse.
[26] Lemke, J. L. (1989) Social Semiotics: A new model for literacy education. In D. Bloome Edition. Classrooms and Literacy, pp 289-309. Norwood, New Jersey: Ablex Publishing.
[27] Lemke, J. L. (1985) Ideology, Intertexuality, and The Notion of Register. In Benson, J. D. and Greaves, W. S. Editions: Systemic Perspectives on Discourse, pp 275-294. Norwood, New Jersey: Ablex Publishing.
[28] Woolley, M. (1996) Beyond Simulation: Production and the Nostalgia Industry. SSPP.net Vol.2, No.1, Sep. 1999.
[29] Sarup, M. (1993) An Introduction Guide to Post-Structuralism and Postmodernism. Atlanta: University of Georgia Press.
Đánh giá bài viết?