Chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật

Chủ nghĩa hậu hiện đại (post modernisme) xuất hiện cuối những năm 70, đầu tiên là ở Mỹ. Những đồ đệ của khuynh hướng này quan niệm rằng, nghệ thuật cần phải đến với tầng lớp bình dân nhiều hơn, cần những chất liệu "tầm thường - thô nhám", những biện pháp đa thanh, đa sắc, nhiều "sân chơi" và trò giải trí để dễ đi vào lòng người.

Một nhận định chung cho bối cảnh triết học phương Tây vào nửa đầu thế kỷ XX là sự ra đời của nhiều khuynh hướng nghệ thuật, khả dĩ đáp ứng nhu cầu, tâm trạng, hoài vọng của công chúng; đồng thời phản ánh thực trạng xã hội khủng hoảng sau hai cuộc đại thế chiến tàn khốc. Những giá trị đạo đức, lòng tin vào tương lai, văn hóa truyền thống, sự tồn tại của các nền văn minh. Nhiều nhà tư tưởng dự báo cảnh "hoàng hôn của văn minh châu Âu", nhà triết học Mỹ gốc Nhật Phucuiama nói đến "sự tận cùng của lịch sử" mang âm hưởng bi quan v.v...

Tất cả đều đặt ra nhiều câu hỏi với câu nói bất hủ của Hămlét: "Tồn tại hay không tồn tại" thời hậu chiến? Và nếu tồn tại thì như thế nào? Thế là một loạt "chủ nghĩa" (isme) trong nghệ thuật mọc lên như nấm. Không phải tất cả đều phi lý, bởi phi lý là cách nói khác của hữu lý. Không phải không bổ ích, vì chúng có "hạt nhân hợp lý".

Từ đó cho đến 50 năm cuối của thế kỷ trước, triết học, văn học, nghệ thuật đặt ra những vấn đề có tầm vĩ mô nhân loại: Vừa ra khỏi chiến tranh, loài người đã đứng trước bối cảnh "Chiến tranh lạnh", sự đối đầu giữa hai hệ thống ý thức tư tưởng, môi trường sinh thái bị hủy hoại, môi trường nhân văn bị khủng hoảng, những hệ giá trị mới của đời sống nhân loại đang ngổn ngang, chờ đợi sự quy chuẩn.

Người ta chờ đợi sự cất cánh của văn học, nghệ thuật. Xem ra là khó, bởi vì văn hóa đang bị coi nhẹ, tiếng nói của hình thái ý thức này trở nên yếu ớt. Những nhà khoa học kiệt xuất, những nhà văn hóa bậc thầy có "quyền uy" - có tiếng nói trọng lượng đối với những vấn đề khẩn thiết của loài người, bảo vệ chính nghĩa, ngăn ngừa những hành động phiêu lưu chính trị - ngày càng ít dần. Ngay cả ở phương Tây, văn hóa thượng lưu chưa phải đã ở ngôi thứ danh dự. Người ta nói đến "sự hao hụt trí tuệ", sự thiếu vắng những quyết sách có tính chiến lược về văn hóa…

Có nhà văn hóa lớn nào, nhà khoa học lỗi lạc nào (ngay cả những vị được giải thưởng Noben) có thể so sánh giá trị thực tế với một võ sĩ quyền Anh, một ngôi sao bóng đá chuyển nhượng từ câu lạc bộ này sang câu lạc bộ khác với giá 25 triệu USD đến 47 triệu USD!? (1) Ở bên đó, nhà văn, nghệ sĩ muốn sống phải viết các loại tiểu thuyết trinh thám, truyện vụ án, các loại pop - mass (đĩa hát, bài hát bình dân), best - seller (cuốn sách, đĩa hát bán chạy nhất). Xã hội không đánh giá đúng bản chất và vị thế của văn hóa thì văn hóa tìm cách "trả thù", hoặc là sa vào chủ nghĩa thực dụng, vụ lợi, bất mãn xã hội hoặc tìm nơi trú ẩn của tôn giáo.

Trước tình thế đó, các trào lưu triết học nghệ thuật tìm cách đổi mới. Không phải ngẫu nhiên mà bất cứ thứ triết học nào muốn tồn tại, muốn kéo dài "tuổi thọ" đều mang thêm từ néo (néo - positivisme: chủ nghĩa thực chứng mới; néo - conservatisme: chủ nghĩa bảo thủ mới; néo - realisme: chủ nghĩa hiện thực mới).


"Đối với người yếu đuối, tình yêu là một trò chơi buồn bã. Đối với người mạnh mẽ, nó là một thứ rượu mạnh."
  • P.GERALDY
 Ngay cả thần học, giáo lý đạo Cơ đốc muốn có số giờ giảng dạy chiếm 1/3 chương trình cũng phải được cải cách. Giữa các trường phải có xu hướng liên kết, bổ sung cho nhau: Hội thảo chủ nghĩa và phân tâm học đã được tạp chí Lanouvelle critique tổ chức vào năm 1970; chủ nghĩa hiện sinh có nhiều quan điểm đồng tình với chủ nghĩa Mac, đặc biệt J.P.Sattre có nhiều hoạt động chính trị, văn hóa mang tầm quốc tế, có thiện cảm với nhiều nước xã hội chủ nghĩa, mà tác phẩm Unsoleil un Viet Nam Một mặt trời một Việt Nam) v.v… là những ví dụ.

Trong thế kỷ trước, ngoài chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XX và các biến thái của nó còn là thời kỳ của chủ nghĩa tiên phong gồm có: Đầu thế kỷ là chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa trừu tượng, chủ nghĩa thực chứng; còn nửa sau thế kỷ là chủ nghĩa siêu thực, pop - art, soc - art, hippining… đều có chung quan điểm: Sự đối lập giữa hoàn cảnh với con người (2).

Nhiều quan niệm mới mẻ về vị thế của triết - mỹ hiện đại. Nhà triết học không phải là người nắm chân lý, mà chỉ là người bạn của chân lý đang đi trên con đường dẫn tới chân lý bằng các phương tiện đối thoại, tiếp biến văn hóa, giao lưu, hội nhập. Tri thức, thông tin, sản phẩm trí tuệ, giá trị đạo đức, kỹ thuật tư duy… không chỉ của riêng ai. Tất cả, nói như Fean Paul Vernan đều được mang ra quảng trường, chịu sự phê bình và tranh cãi của công luận (3). Chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật ra đời trong bối cảnh đó.



Đến những năm 80, khi mà số đông cho rằng, thế giới xung quanh ta không phải lúc nào cũng bất biến, thì trong nghệ thuật bắt đầu hình thành một giai đoạn "nổi loạn" mới của chủ nghĩa tiên phong, tức là chủ nghĩa hậu hiện đại bắt đầu phổ biến rộng và có nhiều xu hướng.

Thật vậy, vào cuối những năm 80, đầu 90, trên bản đồ thế giới bắt đầu thay đổi sắc màu, đường biên giới: Bức tường Berlin sụp đổ, sự tan rã của Liên bang Xôviết, những cuộc chiến tranh cục bộ ở Apganixtang, Karabắc, Tsecnhia, Casơmia, Liên bang Nam Tư cũ v.v… Trong khi khối quân sự Vácsava ly khai, chia rẽ thì khối NATO liên kết với nhau trên diễn đàn chính trị quốc tế.

Một trong những đặc điểm phổ quát của chủ nghĩa hậu hiện đại là sự giải cấu trúc bao trùm mọi bình diện văn hóa, là giai đoạn nghệ thuật mang tính biến thái về đối tượng, phương thức, chất liệu nghệ thuật và xác định rằng, con người không chịu đựng được sức ép của hoàn cảnh xã hội, thì phải trở thành post - man (hậu nhân) (tạm dịch. HSV). Hệ biến thái của các xu hướng nghệ thuật giai đoạn hậu hiện đại có đặc điểm giống nhau, nhưng cũng có rất nhiều điểm khác biệt.

Chủ nghĩa hậu hiện đại bao gồm nhiều xu hướng phi hiện thực, là kết quả phủ định của phủ định. Nghệ thuật hậu hiện đại từ chối nghệ thuật hàn lâm nghệ thuật cổ điển, nhưng đến cuối thế kỷ XX thì chính hậu hiện đại lại trở thành truyền thống. Một số nghệ sĩ hậu hiện đại quay trở lại với nghệ thuật tiền hiện đại và sáng tác theo phong cách mới. Ví dụ như sự phối khí, chỉnh điệu các nhạc phẩm cổ điển, hoặc vay mượn những phương thức, kỹ thuật của các tác giả cổ điển.

Pop - art (nghệ thuật bình dân hay đại chúng) là một xu hướng của hậu hiện đại chủ trương dân chủ hóa việc thưởng thức, giải trí, tôn trọng nhu cầu tiếp nhận hàng loạt, nhu cầu đám đông. Biện pháp sonority (tiếng Ý sonore tức là thanh âm). Trong âm nhạc bình dân là trò chơi âm sắc, thanh điệu, thể hiện cái tôi của nhạc sĩ, cách diễn xuất phóng đãng của ca sĩ. Biện pháp Aleatory (tiếng Latinh = alea) là trò chơi trong thế giới đầy rẫy những tình huống ngẫu nhiên, may rủi (4).

Pop - art được nhà phê bình Mỹ L.Alouaem tung ra vào năm 1965. Nó có đặc điểm là sự đối lập giữa cái đại chúng và cái thượng lưu, là sự phản ứng đối với các tác phẩm phi vật thể. Thẩm mỹ hóa thế giới đồ vật bình thường, tìm kiếm những giá trị nghệ thuật ở bất cứ vật thể nào: Chiếc lốp cũ ôtô, những mảnh giấy báo, những chiếc máy điện thoại, những chiếc bếp gas, những mảnh quảng cáo dán bên ngoài chiếc hộp, v.v…

Các nhà lý luật pop - art đinh ninh rằng, mỗi một vật thể đánh mất ý nghĩa sơ khai, đưa lại cho vật thể những phẩm chất mới bằng con đường tổ chức, sắp đặt để đám đông có thể tiếp nhận, cảm thụ. Nghệ sĩ mong muốn tìm kiếm cái sặc sỡ, tính trực quan, tính phổ cập trong sáng tạo bằng việc sử dụng thi pháp dùng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng cáo. Họ cũng có lý lẽ theo lôgic thẩm mỹ của mình: Thời cổ đại, những bình, lọ là để hạt giống, những chum, vại là đựng rượu vang; nhưng với hậu hiện đại, các vật thể trên được trưng bày trong các tủ lồng kính tại một số bảo tàng lớn. Chúng lập tức gây những hiệu quả nghệ thuật bất ngờ.

Tại Bảo tàng Nghệ thuật Des Moines (một thành phố giáp với Canada) được xây dựng với quy mô hoành tráng tốn gần 10 tỷ USD; bên cạnh nhiều tác phẩm nổi tiếng của một số danh họa như Leonardo da Vinci, Van Gogh, Léger, Goia, Gauguin, Picasso là một "tác phẩm" giá khoảng 800.000 USD với bố cục ba chiếc máy hút bụi được xếp hình tam giác lệnh nhau về độ cao, được đựng trong một tủ kính trong suốt đặt ở giữa căn phòng rộng… (Xem Hữu Ước - Ký sự chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2002, tr.161-163).

Ở nước ta, vào đầu năm Đinh Sửu, 1997, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với tinh thần "trăm hoa đua nở", các cơ quan quản lý cho phép nhóm nghệ sĩ tạo hình trưng bày cuộc triển lãm thể nghiệm hậu hiện đại gồm những "phòng tranh" treo lủng lẳng xô màn bôi quệt phẩm màu xanh đỏ, gậy gộc, mảnh sành, chum lọ, xoong, nồi chảo thủng… Kết quả chỉ gây nên sự phản cảm, sự tò mò, tâm lý chuộng lạ của người xem, chứ chẳng đem lại hiệu quả cảm thụ gì.

Đến cuối những năm 60 trở đi, pop - art tràn sang châu Âu với những tên như nhóm "Tượng hình mới" (Nouvelle Figaration), "hiện thực mới" v.v… Có thể nhận dạng hai thể loại cơ bản của pop - art: Sử dụng những chất liệu như những sản phẩm công nghiệp có sẵn: Biển chỉ đường, bánh xe, bao bì, vỏ đồ hộp v.v…; thể hiện những mẫu hình hàng loạt, cụ thể, giống nhau, lặp đi lặp lại kiểu áp phích, tranh hoạt hình, bài hát, điệu nhảy v.v…


Giới phê bình Mỹ tôn vinh A.Warhol là "người cha của pop - art". Đường công danh của ông bắt đầu từ năm 1962 khi mà chủ thầu I.Blum tổ chức cuộc triển lãm tác phẩm ông tại Los - Andgeles. Ngoài ra còn có các họa sĩ R.Rauschen - berg, R.Lichtenstein, F.Dine, C.Oldenburg… Ở Anh là Hamilton, P.Blake, B.Kitay, ở một nước khác là K.Klapheck, G.Erró, H.Telemaque, M.Raysse…

Công bằng mà nói, văn hóa nước Mỹ với bề dày chỉ 200-300 năm chưa phải là lãnh địa của các loại "mốt", "isme" mà chính là văn hóa Pháp đã từng thống trị nghệ thuật thế giới: Còn nước Nga? Theo Iu.Bôrép, trước rất lâu các họa sĩ Mỹ tuyên bố xu hướng pop - art thì ở Nga vào những năm 1919, Đavi Burliuc với nhóm nghệ thuật vị lai đã đi khắp nhiều tỉnh nước Nga trong thời kỳ nội chiến để tổ chức những cuộc triển lãm lưu động theo xu hướng pop - art. Bấy giờ, tại một thành phố người ta quảng cáo cuộc triển lãm của những nhà vị lai. Nhưng do giao thông bị trục trặc, các bức tranh của V.Shcơlôpxki không chở đến được theo đề nghị của ông, tại triển lãm nhiều hiện vật có liên quan tới pop - art đã được trưng bày, trong số đó có đôi bít tất của Shcơlôpxki đặt trong khung kính được coi là tác phẩm xuất sắc (5).

Việc đánh giá nghệ thuật pop - art ở phương Tây cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một số nhà phê bình cho đó là sự chống đối nghệ thuật, xuyên tạc nghệ thuật, là sự xúc phạm tất cả những gì đồng nghĩa với cái hài hòa. Số khác thì coi pop - art là tấm gương của đời sống xã hội Mỹ, là sự phản ánh những ước mơ của người tiêu dùng. Số thứ ba coi là phương thức thể hiện bản chất trừu tượng của những vật thể thông dụng. Số sau cùng thì cho pop - art là sự tuyên truyền quảng cáo hàng hóa, phản ánh thái độ sùng bái vật chất (kể cả khi nó đã thành phế phẩm).

Mỹ học của pop - art là mỹ học vụ lợi, khẳng định sự sùng bái vật chất, coi thường những giá trị phi vật thể. Xu hướng pop - art chủ yếu được phát triển trong nghệ thuật tạo hình (có thể một số yếu tố trong kiến thức, âm nhạc, thể loại giải trí) hướng về người tiêu dùng đám đông. Họ cần thay đổi thị hiếu thẩm mỹ bằng những tĩnh vật được làm "đẹp" bằng các bố cục vật thể, hàng hóa. Ngôn ngữ tạo hình được thay thế bằng chất liệu công nghiệp. Cái đẹp được thay thế bằng cái lợi ích, nhu cầu tinh thần được thay thế bằng tâm lý ham muốn vật chất, sự đòi hỏi tiêu dùng hàng hóa.

Tất cả những điều trình bày nói trên, cho phép chúng tôi nghĩ rằng, pop - art rất ít liên quan đến văn học, văn chương. Một số ý kiến (6) cho "pop" đột nhập vào văn học cao sang, viện dẫn truyện Lụa của A.Baricco - một nhà văn Italia "có khí vị hậu hiện đại", rồi cả văn Nguyễn Huy Thiệp cũng "rất pop", thơ Trần Dần đã "có hơi hướng hậu hiện đại" v.v… theo chúng tôi, sợ e không có cơ sở, ít sức thuyết phục, dễ bị nghi là suy diễn.

--------

(1) Iu.Bôrép: Xem thêm Mỹ học, NXB "Astreli", Matxcơva, 2005, tr.748.

(2) Như trên, tr.620

(3) V.M.Megiuep: Ý niệm văn hóa, NXB Tiến bộ - Truyền thống, Viện Triết học (Viện Hàn lâm khoa học Nga), Matxcơva, 2006, tr.375.

(4) Iu.Borép: tr.618.

(5) Như trên: tr.608.

(6) Xem Hoàng Ngọc Hiến: Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, tạp chí Nhà văn số 3/2009, tr.28, 29

Theo CÔNG AN NHÂN DÂN
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?