Tư tưởng Khai sáng về con người và xã hội
“Con người – cỗ máy” là một cách tiếp cận chưa hòan bị về con người, nhưng quá trình tìm kiếm giá trị của con người và dành cho con người đã tôn vinh hình ảnh của các nhà khai sáng. Trong số họ nổi lên ba nhà khai sáng hữu thần (nói như vậy để phân biệt với các nhà khai sáng – duy vật vô thần vừa nêu trên) : F. M.Voltaire, Ch. L. Montesquieu, J.J Rousseau.
Tác phẩm có giá trị nhất của Montesquieu là “Tinh thần luật pháp”. Một số nội dung đáng chú ý: 1/ con người, với tính cách là thực thể có lý trí, tự thiết lập cho mình những quy tắc của đời sống cộng đồng. Do chỗ “mỗi vật chất đều có luật riêng của mình” (luật trời, luật của tự nhiên, luật của con người) nên quy luật phát triển của mỗi vật chất cố hữu nơi vật chất ấy. 2/ luật của xã hội khác với luật của tự nhiên, nhưng do chỗ con người từng sống trong “trạng thái tự nhiên” trước khi đạt tới “trạng thái xã hội”, nên nó cũng trở thành một phần của đời sống con người. Phần thiêng liêng nhất, quí giá nhất của tự nhiên nơi con người, theo Montesquieau, là tự do. Tự do cao cả thống nhất với lý trí, với thiên tính và nhân tính; 3/ Trong ba hình thức đang tồn tại của nhà nước – độc tài, quân chủ, dân chủ - , thì hình thức dân chủ đảm bảo tự do và quyền bình đẳng cho đa số công dân hơn, nhưng quân chủ có tính chất bền vững và trọng danh dự hơn, do đó dân chủ thích hợp với quốc gia có diện tích nhỏ, quân chủ thích hợp với quốc gia có diện tích rất lớn. Nước Pháp thích hợp với quân chủ lập hiến; 4/ Thực hiện nguyên tắc phân quyền trong bộ máy nhà nước thành lập pháp và hành pháp, tư pháp, với các chức năng rõ ràng và chế ước, kiểm soát lẫn nhau, nhằm tránh nguy cơ độc tài, phát huy tự do chính trị; 5/ Điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai, tài nguyên…), ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của các dân tộc, là thứ quyền lực đặc biệt đối với con người.
Một trong những tên tuổi được ngưỡng mộ nhiều nhất tại châu Âu khai sáng thế kỷ XVIII là Voltaire (1694-1778). Một số điểm cần chú ý của tư tưởng triết học Voltaire: 1/ Hoài nghi và châm biếm là vũ khí Voltaire sử dụng trong đấu tranh chống thần quyền và trật tự xã hội hiện hành; 2/ Tư tưởng có giá trị lịch sử, xã hội: - nhà nước hình thành từ bạo lực và bằng bạo lực, - động lực cơ bản của con người trong mọi hình thức cai trị là nhu cầu và quyền lợi, trong đó quyền tư hữu và tự vệ là những quyền hàng đầu, - con người làm ra lịch sử và điều khiển nó hướng tới mục đích mà mình mong muốn; 3/ Tuyên ngôn của Voltaire : tự do – bình đẳng – sở hữu. Nền cộng hòa là sự đảm bảo tốt nhất ba nguyên tắc đó.
Trong số các nhà Khai sáng Pháp J.J. Rousseau (1712-1778) là nhân vật cấp tiến nhất. Tư tưởng Rousseau chia làm hai thời kỳ: thời kỳ đầu (từ những năm 40 đến năm 1762) chủ nghĩa bi quan lịch sử đan xen với ý chí đấu tranh vì tự do và bình đẳng xã hội.
Chủ nghĩa bi quan thể hiện rõ nhất trong sự đối lập tiến bộ kỹ thuật, trình độ văn minh, với nguy cơ suy thoái đạo đức, sự thống trị của tính vị kỷ và trạng thái vô chính phủ. Thời kỳ tiếp theo được đánh dấu bằng tác phẩm bất hủ “Bàn về khế ước xã hội” (Du contrat social). Nó là điển hình của khuynh hướng cộng hòa cấp tiến và dân chủ trong sinh hoạt tinh thần tại Pháp ở đêm trước của cách mạng, mặc dù về hình thức Rousseau không tán thành dân chủ do những khuyết tật mà nó mắc phải trong lịch sử (13). Tác phẩm mở đầu bằng câu “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích”. Nội dung các chương tiếp theo trình bày những đường nét cơ bản của “Khế ước xã hội”, đưa con người từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái công dân, quyền tự nhiên sang quyền được hợp pháp hóa, tự do tự nhiên sang tự do công dân, đảm bảo sự thống nhất lợi ích cá nhân và lợi ích toàn xã hội. Đấng chủ tế hay quyền lực tối cao, chính là nhân dân và thuộc về nhân dân. Nhân dân tự quyết định số phận số phận mình bằng “ý chí chung”, thông qua những đại diện ưu tú và hợp pháp.
Đánh giá bài viết?