Triết học xã hội của John Locke

Theo Mác, “chủ nghĩa duy vật Pháp có hai phái: một phái bắt nguồn từ Descartes, một phái bắt nguồn từ Locke”, trong đó phái thứ hai “là một yếu tố của văn hóa Pháp và trực tiếp dẫn tới chủ nghĩa xã hội” (C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t.2, CTQG, HN, 1995, tr. 191). Đánh giá đó của Mác phần nào nói lên vị trí của Locke trong tư tưởng chính trị – xã hội cận đại.

Locke được xem là nhà tư tưởng giáo dục theo phong cách Anh, nghĩa là nhấn mạnh yếu tố hữu dụng trong hành vi xử thế của con người, và do đó có thể xem như bậc tiền bối của chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) Bentham. Chính xác hơn, ông chịu ảnh hưởng của lý luận hạnh phúc chủ nghĩa (eudemonism) do Gassendi xác lập. Trong “An Essay concerning human understanding” (1690, “Khảo luận về lý trí con người”) Locke ví con người như một thuỷ thủ đi biển. Anh ta không quan tâm đến độ sâu của biển, mà chỉ tìm hiểu xem chỗ nào có đá ngầm để tránh. Xuất phát từ duy cảm luận, Locke đặc biệt quan tâm đến vai trò của cảm giác trong đời sống con người. Nếu tâm hồn là một tờ giấy trăng, thì các cơ quan cảm giác sẽ ghi vào tờ giấy trắng đó những dòng chữ cuộc sống. Khoái lạc và đau đớn là hai cảm giác đưa con người đến ý niệm về cái lợi, cái hại, cái thiện, cái ác, cái được phép và cái bị cấm đoán…Một cuộc sống bình thường bắt đầu từ một cơ thể khỏe mạnh, chứ không phải từ những tố chất tinh thần trừu tượng. Do đó sức khoẻ là điều lợi trước tiên trong mọi điều lợi mà con người có thể có – đó là quan điểm của Locke trong “Some thougts concerning Education” (1693, tạm dịch “Một số tư tưởng về Giáo dục”). Tương tự Hobbes và Spinoza, Locke nhấn mạnh lợi ích vật chất của con người, trước hết là con người cá nhân. Trong lý luận giáo dục Locke đặt ra mục tiêu là xây dựng hình ảnh gentlemen, hiểu theo nghĩa “người lịch sự”, hay “quân tử”, ngầm hiểu là giới quý tộc và tư sản. Tuy nhiên, xét theo cách triển khai tư tưởng của ông, thì đó là lý luận giáo dục phù hợp với nước Anh hậu phong kiến, đang trên con đường phát triển tư bản chủ nghĩa; nó mang tính thiết thực, hữu ích, chú trọng rèn luyện tính nhạy bén của con người trong công việc, đề cao tính cá nhân, trong đó có tự do cá nhân, và sau cùng, lấy lý trí làm nguyên tắc tối cao.  


Trong quan điểm tôn giáo Locke, như đã nêu trên, đứng về phía thần luận, đồng thời giải thích Kitô giáo theo hướng duy lý hóa, thể hiện trong tác phẩm “Tính hợp lý của Kitô giáo”. Locke là chiến sỹ nhiệt thành của cuộc đấu tranh vì quyền tự do tín ngưỡng và khoan dung tôn giáo, thừa nhận quyền của mỗi người lựa chọn phương thức tín ngưỡng phù hợp với nhu cầu của mình, chống thần quyền, đòi hỏi nhà nước và nhà thờ không can thiệp vào công việc của nhau.     

Quan điểm triết học xã hội của Locke thể hiện khá tập trung trong “Hai khảo luận về chính thể nhà nước”, được xem như một trong những tiền đề lý luận của phong trài Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII.  Cũng như Hobbes, Locke đem đối lập học thuyết của mình với tư tưởng bảo hoàng, thần quyền, là tư tưởng biện minh cho quyền lực vô hạn của nhà vua, xem thường các quyền cơ bản của con người. 

Phương án khế ước xã hội của Locke về nguồn gốc nhà nước tương tự như phương án của Hobbes ở điểm xuất phát, nhưng khác với Hobbes trong cách lý giải về bước chuyển từ “trạng thái tự nhiên” sang “trạng thái công dân”, vấn đề chủ thể quyền lực trong trạng thái công dân, tức nhà nước. Tương tự như Hobbes, Locke cho rằng con người trong trạng thái tự nhiên hoàn toàn tự do, bình đẳng và tự chủ. Tuy nhiên, Locke nhấn mạnh rằng, tự do không có nghĩa là phóng túng thái quá,  và bình đẳng cũng không hẳn chỉ mang tính hình thức do chịu sự chi phối của “luật của kẻ mạnh”, không dẫn đến quan hệ “người với người là chó sói”, “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”, như Hobbes từng nghĩ. Theo Locke, “lý trí tự nhiên” dạy cho  mọi người hiểu rằng do họ bình đẳng với nhau và độc lập như nhau, nên không ai cần phải gây hại cho người khác trên các phương diện sự sống, sức khỏe, tự do và tài sản. Lý trí tự nhiên cho phép mỗi người quyền tự vệ, và với tư cách ấy, bảo vệ những người vô tội và trừng phạt kẻ gây ác. Bằng cách ấy trong trạng thái tự nhiên, thuần phác của con người không có chỗ cho chiến tranh, xung đột, mà là sự ngự trị của hoà bình. Hobbes đã nhầm lẫn khi gán cho trạng thái tự nhiên là trạng thái chiến tranh. Trong các quyền của con người trong trạng thái tự nhiên Hobbes đề cao sở hữu, nhất là tư hữu, và lao động, mà thiếu nó sẽ không có cuộc sống con người. Ông lập luận như sau: Thượng đế ban cho con người Trái đất này, nhưng lý trí, cũng do Thượng đế ban tặng, muốn rằng con nguời cần biết sử dụng những gì trên Trái đất một cách có lợi nhất. Mỗi người, vì thế, phải biết tự mình nắm giữ cái gì và làm gì để đạt được mục đích mà mình cho là có lợi. Quyền tư hữu được quy định bởi khả năng của từng cá nhân, đồng thời gắn với nhu cầu sinh tồn của cá nhân ấy. Lao động và tư hữu là cơ sở của các cơ sở văn hóa loài người. Sở hữu là cơ sở của tự do cá nhân, là nguyên nhân đầu tiên của sự ra đời nhà nước. Quyền sống và quyền sở hữu, gắn với quyền tự do, trở thành những quyền tự nhiên, tất yếu. Lao động và sự cần mẫn – nguồn gốc cơ bản của giá trị. Con người cần chiếm hữu cho mình bao nhiêu mẫu đất để duy trì sự tồn tại của mình và sống một cuộc sống bình thường. Nhưng dù sao, theo Locke, trạng thái tự nhiên chưa phải là trạng thái tốt nhất, bởi lẽ còn quá nhiều vấn đề mà thiếu sự nhất trí chung mang tính nguyên tắc sẽ gây ra cho mọi người hậu quả tiêu cực. Trạng thái công dân (nhà nước) thay thế trạng thái tự nhiên không phải nhằm tránh chiến tranh, đảm bảo cuộc sống hoà bình, yên lành, mà làm cho con người sống tốt hơn. Như vậy Locke đã giải thích sự ra đời của nhà nước bằng con đường khế ước xã hội. Sự khác nhau giữa hai đại diện lớn của triết học Anh thời kỳ cách mạng tư sản là ở chỗ, Hobbes sống trong bối cảnh nước Anh nội chiến, nên mong muốn một quyền lực nhà nước mạnh, quyết đoán, hạn chế tự do cá nhân để đảm bảo ổn định chính trị, còn Locke chứng kiến một nước Anh đang dần hồi phục và tìm kiếm con đường hợp lý, ôn hòa để phát triển trong phù hợp với điều kiện cụ thể, đó là mô hình quân chủ lập hiến, sự kết hợp giữa duy trì truyền thống và phát huy quyền con người, kích thích sự sáng tạo của cá nhân. Theo Locke, tự do, vốn là bản chất cố hữu của con người ở trạng thái tự nhiên, và sở hữu, cái không tách rời khỏi mỗi cá nhân, cần được bảo vệ, được hợp pháp hóa trong trạng thái mới –  trạng thái công dân, hay nhà nước, Bản chất con người, vốn do Thượng đế tạo ra, quy định bản chất xã hội. Xã hội tồn tại một cách tự nhiên trước khi xuất hiện nhà nước với tính cách một cơ thể nhân tạo do sự thỏa thuận của nhân dân với nhà cai trị, mà kết quả là bộ máy quyền lực được thừa nhận hợp pháp, nhà cai trị trở thành người đứng đầu nhà nước phù hợp với ý nguyện chung. Nên hiểu điều này như thế nào? Locke cho rằng, vì trong trạng thái tự nhiên tất cả mọi người đều tự do, bình đẳng và độc lập, nên không ai có thể bị rút ra khỏi tình trạng này và bị đặt dưới quyền lực chính trị của người khác, mà không có sự thoả thuận của chính mình, theo đó mỗi người đồng ý với những người khác thống nhất với nhau, cùng chung thành lập xã hội để tự bảo tồn, được an toàn và thanh thản, được lao động và hưởng thụ yên lành  những gì mình có, được đảm bảo quyền hợp pháp ấy, chống lại những kẻ gây hại cho họ. Nhân dân là đại diện chân chính của lịch sử, là đấng chủ tể, còn người đứng đầu nhà nước thực hiện sứ mệnh nhân dân giao phó. Nhân dân sẵn sàng phế truất nhà cai trị, nếu lợi ích của mình không được đảm bảo, danh dự bị xâm hại, nguyện vọng bị xem thường.

Nhà nước được xác lập nhằm đảm bảo các quyền của con người. Nhà nước hợp lý tính, đưa hình ảnh con người cá nhân lên sự quan tâm hàng đầu, hoàn toàn đối lập với nền quân chủ chuyên chế, khi cá nhân bị hòa tan vào cái phổ quát hư vị. Bên cạnh đó Locke cũng vạch ra mâu thuẫn tất yếu giữa cá nhân và xã hội, giữa xã hội và hệ thống quyền lực chính trị, quá trình vận động không ngừng của xã hội, trải qua các nấc thang từ thấp đến cao. Mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội được giải quyết bằng tinh thần hòa giải và khoan dung, thống nhất lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội; mâu thuẫn giữa xã hội và hệ thống quyền lực được giải quyết theo hướng có lợi cho xã hội. Đề cao con người cá nhân, khẳng định ưu thế của xã hội trước nhà nước là đặc trưng của triết học chính trị Locke. Trong quan hệ với xã hội, nhà nước không phải là cái đầu định hướng cho cơ thể xã hội, mà là cái nón, có thể lấy ra khi cần. Xã hội tồn tại vĩnh viễn, còn nhà nước thì được hình thành từ đó.

Locke là người xác lập học thuyết phân quyền, có ảnh hưởng to lớn đến lý luận nhà nước pháp quyền hiện đại. Hai nhánh quyền lực xã hội chính là quyền lập pháp, quyền làm ra luật để quản lý con người trong một quốc gia, nhằm bảo vệ trật tự xã hội và cuộc sống của con nguời; quyền hành pháp, bảo đảm việc thi hành các luật bên trong quốc gia. Ngoài ra còn có một quyền khác, gắn với quyền hành pháp, gọi là quyền bang giao, có chức năng thông qua các hiệp ước hòa bình và chiến tranh. Locke không xem tư pháp như một nhánh quyền lực, mà đưa chức năng phán xử về cơ quan hành pháp. Các cơ quan quyền lực phải thuộc về những người khác nhau, nhằm tránh xu hướng độc tài, tuy nhiên vị trí của chúng không bình đẳng hoàn toàn với nhau. Quyền lập pháp được Locke xem là quyền tối cao, vì luật đầu tiên của mọi quốc gia là luật thiết lập quyền lập pháp. Nó là linh hồn của xã hội chính trị, căn cứ vào đó mà mỗi công dân tự mình biết phải điều chỉnh hành vi như thế nào để sống hạnh phúc, tự bảo tồn và liên kết  với những công dân khác trong một xã hội có kỷ cương. Quyền hành pháp có tính chất phụ thuộc, song không nên hiểu tính chất này một cách đơn giản. Một mặt, người nắm giữ quyền hành pháp cần dựa vào khung pháp lý chung, nhưng mặt khác, không phải lúc nào quyền lập pháp cũng quán xuyến mọi thứ, vì thế quyền hành pháp không chỉ điều hành công việc, mà còn góp phần làm ra luật cụ thể, điều chỉnh luật. Luật cần được cập nhật, mà muốn cập nhật phù hợp với biến đổi của thực tiễn, lại cần đến  hnững chất liệu từ cơ quan hành pháp. Hơn thế nữa, mặc dù quyền lập pháp được xem là quyền tối cao và thiêng liêng, song cả hai quyền không được đi xa hơn quyền lợi của các công dân. Nhân dân tin tưởng nơi lập pháp cũng như hành pháp để thực hiện lợi ích chung. Quyền hành là cái được giao phó cho những người cầm quyền, để họ làm lợi cho nhân dân. Chính nhân dân, chứ không phải quyền lập pháp, nắm giữ quyền lực thực sự. 

Trong triết học chính trị của mình Locke nói đến  nhà vua như đại diện cho quyền hành pháp. Đó là biểu hiện của sự dung hòa chính trị  - đặc điểm của cách mạng 1688. Tuy nhiên, xét tổng thể triết học đạo đức – chính trị của Locke, có thể xem ông như  người sáng lập chủ nghĩa tự do tư sản tại Anh. Ngoài ra cách đặt vấn đề về nguyên tắc phân quyền, về quyền con nguời, về quyền lực của nhân dân, là sự gợi mở tích cực cho  tư tưởng Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, và từ phong trào đó, đến với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, như  nhận định của C. Mác trong “Gia đình thần thánh”. 

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?