Tìm hiểu mâu thuẫn trên lĩnh vực tư tưởng tinh thần và vai trò của công tác lý luận chính trị hiện nay


TÌM HIỂU MÂU THUẪN TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG TINH THẦN VÀ VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

TRẦN HÙNG
Thạc sĩ-Trường Đại học KHXH &NV, Tp HCM


Tư tưởng, tinh thần với tư cách là hình thức của phản ánh thế giới bên ngoài, là sự phản ánh các sự vật, vì vậy nếu các sự vật, hiện tượng luôn chứa đựng mâu thuẫn, thì tư tưởng, tinh thần của con người cũng luôn tồn tại mâu thuẫn.

Có thể nói mâu thuẫn trên lĩnh vực tư tưởng tinh thần chính là quá trình nhận thức của con người trên cơ sở phản ánh những mâu thuẫn xã hội. Với tư cách là một phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật, mâu thuẫn trong tư duy, tư tưởng, tinh thần có đầy đủ mọi đặc trưng của mâu thuẫn biện chứng như: tính khách quan, tính nội tại, tính phổ biến, tính loại trừ lẫn nhau đồng thời nương tựa vào nhau của các mặt đối lập trong sự vận động và phát triển. Do đó, việc xác định mâu thuẫn trên lĩnh vực tư tưởng, tinh thần và các phương pháp giải quyết đúng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy tối đa tính tích cực của tư tưởng, tinh thần. Đây cũng chính là việc phát huy cao độ nhân tố chủ quan –nhân tố con người trong sự phát triển tiến bộ xã hội.

Đã từ lâu, chúng ta mắc một “căn bệnh” mà trong quá trình đổi mới vừa qua chúng ta đã nhận thức được, đó là “Bệnh chủ quan, duy ý chí” (1; tr.28). Có thể nói căn bệnh này xuất phát từ kiểu tư duy thoát ly thực tiễn về cả hai phía: Tụt hậu so với thực tiễn và nhảy trước thực tiễn một cách duy ý chí, đốt cháy giai đoạn. Từ đó có sự lạc hậu trong tư tưởng, bất cập với thực tiễn và kìm hãm sự phát triển của thực tiễn. Sự lạc hậu đó thể hiện cả trong nội dung và phương pháp tư duy, trong đó cái chủ quan đã được cường điệu hoá, tách rời khỏi cái khách quan, nẩy sinh tư tưởng lấy cái mong muốn làm cái thực tế, lấy nhu cầu thay cho khả năng hiện thực, lấy cái chưa được làm cái đạt được, lấy ảo tưởng thay cho hiện thực. 

Những mâu thuẫn trên lĩnh vực tư tưởng, tinh thần trên do không được phát hiện kịp thời và giải quyết đúng, đã gây cho chúng ta những tổn thất trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Bước vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những sai lầm khuyết điểm trên đã được khắc phục. Hơn mười năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, chúng ta đã chuyển sang thời kỳ mới “Thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” như Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã nhận định.

Sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thành tựu đạt được là rất to lớn, làm tăng thêm sự tin tưởng của toàn dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đời sống tư tưởng, tinh thần của xã hội đã được sự nghiệp đổi mới thổi vào những luồng sinh khí mới. Xu thế tư tưởng, tinh thần của xã hội giờ đây là tự tin, phấn khởi đi vào công cuộc xây dựng đất nước vì sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn chứa đựng mâu thuẫn và đấy cũng chính là sự vận động của cuộc sống tiến lên, Lê- nin đã hết sức tán thành quan điểm của Hégel cho rằng: “Cuộc sống đi lên thông qua những mâu thuẫn”. Vậy, mâu thuẫn của cuộc sống thể hiện trong mâu thuẫn trên lĩnh vực tư tưởng, tinh thần hiện nay là gì?

Trước hết, đó là mâu thuẫn giữa tinh thần nhiệt tình cách mạng, lòng trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn của phần lớn cán bộ chúng ta với việc phải vươn lên đứng trên tầm cao lý luận, phương pháp tiếp cận thực tiễn đúng đắn, khoa học. Xét đến cùng, đây là một loại mâu thuẫn trong tư duy, do đó đổi mới tư duy phải là một quá trình liên tục. Không bao giờ được phép coi việc đổi mới tư duy lý luận chỉ là việc làm cần thiết khi chưa đổi mới, mà phải coi quá trình đổi mới tư duy vẫn được tiếp tục ngay cả khi quá trình đổi mới đã giành được những thắng lợi. Đấy chính là quá trình biện chứng của tư duy, làm cho tư duy bao quát được biện chứng của sự vật, thâm nhập được vào lô-gích khách quan của thực tiễn. Rõ ràng cần phải có phẩm chất và tinh thần cách mạng, gắn bó với cuộc sống. Nhưng nếu chỉ có nhiệt tình, chỉ có tinh thần cách mạng, lòng trung thành, chỉ có tư tưởng, tinh thần và ý định tốt đẹp không thôi thì chưa đủ. Điều không kém phần quan trọng là trong khi hướng về hiện thực sôi động, tư duy, tư tưởng phải đứng trên tầm cao lý luận, có như vậy mới theo kịp những biến đổi rất nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn, mới nhận biết và nắm chắc sự vận động của các quy luật trong quá trình phát triển xã hội và đưa ra được giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất cho việc phát triển. Đó  chính là tư  tưởng, tinh thần có cội nguồn vững chắc từ thực tiễn và cơ sở lý luận tiên tiến phát triển.

Thứ hai, là mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao về trình độ giác ngộ XHCN, sự kiên định về lập trường tư tưởng chính trị trước những biến động chính trị –xã hội phức tạp và trình độ dân trí về chính trị của một bộ phận cán bộ, nhân dân ta chưa được cao. Sự hiểu biết về chính trị đối với những vấn đề cơ bản như mục tiêu, lý tưởng, vai trò của giai cấp công nhân, cơ sở khoa học của chủ nghĩa xã hội, về sự quá độ lên CNXH còn hạn chế. Thiếu cơ sở khoa học, thiếu hiểu biết về chủ nghĩa xã hội là một trở ngại lớn trong sự phát triển tư tưởng và tình cảm XHCN. Mặt khác những biểu hiện của việc thờ ơ với chính trị, ngại nghiên cứu lý luận chính trị có ảnh hưởn rất lớn đến sự phát triển ý thức chính trị XHCN. Những biểu hiện đó đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp khắc phục nhanh chóng.

Thứ ba là mâu thuẫn giữa yêu cầu giữ vững tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với môi trường kinh tế chính trị rất phức tạp, không thuần nhất. Sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu khiến cho lý tưởng XHCN đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Tình hình này rất dễ dẫn đến sự ngộ nhận dẫn tới việc đồng nhất những sai lầm, khuyết điểm của hiện thực như là sai lầm của lý tưởng trong một bộ phận quần chúng dao động tư tưởng. Các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tấn công vào chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mặt khác nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, ngoài những mặt tích cực, vẫn còn những yếu tố tiêu cực tác động đến đời sống tư tưởng, tinh thần của nhân dân. Do đó đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hạn chế mặt tiêu cực về xã hội –chính trị của kinh tế thị trường. 

Thứ tư là mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao về việc rèn luyện phẩm chất chính trị, lý tưởng, đạo đức cách  mạng với thực trạng của công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay. Nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị hiện nay chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa thực sự khơi dậy những tình cảm, những cảm xúc cách mạng trong đối tượng giáo dục, đặc biệt trong thế hệ trẻ, trong các trường đại học. Do đó, phải bằng mọi cách, mọi phương pháp, tạo mọi điều kiện để nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Giáo dục lý luận chính trị phải trở thành một môn học hứng thú, sinh động mở ra cho người học, nhất là cho thanh niên một chân trời mới, một khát vọng cộng sản chủ nghĩa về sự phát triển tiến bộ xã hội.

Từ sự phân tích lĩnh vực tư tưởng, tinh thần như trên, đòi hỏi chúng ta phải có phương pháp đồng bộ và triệt để nhằm giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn đó. Thực tế cuộc sống tư tưởng, đặt ra cho công tác giáo dục lý luận chính trị những nhiệm vụ mới và hơn bao giờ hết nó đòi hỏi lý luận chính trị phải giữ vững và khẳng định vai trò, vị trí của mình trên lĩnh vực tư tưởng, tinh thần của xã hội.

Giáo dục lý luận chính trị, đặc biệt là giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin một bộ phận hợp thành quan trọng của giáo dục lý luận chính trị đang có vai trò to lớn trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư cách là khoa học về thế giới quan đều có mục đích chung là giáo dục về thế giới quan khoa học, phương pháp luận khoa học và về chủ nghĩa cộng sản. Chính vì vậy, trong quá trình đổi mới không những chúng ta phải phân tích tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc mà còn phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tiếp thu những thành tựu lý luận, những kinh nghiệm mới từ thực tiễn cuộc sống để giữ vững định hướng XHCN trong quá trình phát triển đất nước.

Thực tiễn cuộc sống đặt ra cho công tác giáo dục lý luận –chính trị nói chung và giáo dục chủ nghĩa Mác –Lênin nói riêng những vấn đề quan trọng. Đó là việc phải góp phần trực tiếp, hiệu quả cho việc đổi mới tư duy lý luận cả về nội dung và phương pháp, tạo cho cán bộ, nhân dân ta có phương pháp tư duy đúng đắn, khoa học bao hàm trước hết việc gạt bỏ, khắc phục những quan niệm sai lầm, những tư tưởng, quan điểm lý luận đã lỗi thời không còn chịu nổi áp lực của thời gian, của thực tiễn. Làm cho kho tàng lý luận Mác –Lê nin trở thành thành tựu lý luận tiên tiến của thời đại và nhất thiết phải trở thành cơ sở căn cứ lý luận và phương pháp luận khoa học cho việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn trong quá trình đổi mới.

Như vậy, công tác giáo dục lý luận-chính trị phải làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành và luôn luôn là cơ sở lý luận khoa học cho cán bộ chúng ta, để từ đó giúp cho họ biết rút ra từ thực tiễn, bao giờ cũng năng động, phức tạp những kết luận phản ánh đúng thực chất các sự kiện, các biến đổi của cuộc sống để có những phương pháp chỉ đạo thực tiễn đúng đắn.

Muốn vậy, cần phải tổ chức nghiên cứu đầy đủ để hiểu đúng và thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác –Lênin, đặc biệt là những tác phẩm của Lênin viết sau Cách mạng tháng Mười có một ý nghĩa rất quan trọng trong thời kỳ quá độ hiện nay ở nước ta. Đối với chúng ta học thuyết của Lênin  về thời kỳ quá độ lên CNXH, về con đường và phương thức tiến lên CNXH… luôn luôn là ngọn đuốc soi đường để từ đó chúng ta rút ra được những luận điểm lý luận cần thiết cho quá trình phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Tư tưởng trong nội dung của nó bao giờ cũng chứa đựng việc đề ra mục đích và quy định nhiệm vụ của hoạt động thực tiễn. Đó chính là sự phân biệt tư tưởng với các hình thức phản ánh khác. Từ đặc trưng nội dung tư tưởng như vậy, càng đòi hỏi công tác giáo dục lý luận –chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác Lênin phải có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tư tưởng tiên tiến nhằm phản ánh đúng hiện thực để thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ lên CNXH.

Qua cách tiếp cận và phân tích mâu thuẫn trên lĩnh vực tư tưởng, tinh thần trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng XHCNtrên đây, chúng ta càng thấy rõ vai trò và nhiệm vụ mới của giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác –Lênin. Do đó, cùng với việc đổi mới trên các lĩnh vực khác, chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục nói chung trong đó có việc đổi mới giáo dục lý luận chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin. Trước những thời cơ và thử thách mới, giáo dục lý luận chính trị cũng phải được coi trọng, chính vì vậy Đảng ta đã xác định: “Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức và nhân văn…ý chí vươn lên vì tương lai của bản thân và tiền đồ của đất nước” (2;tr.109). Đây là nhiệm vụ của giáo dục mà Đảng đã xác định trong quá trình cách mạng ở nước ta. Đúng như Lênin đã từng nói, trong hoạt động của Đảng, của giai cấp công nhân “Hiện nay và sau này, bao giờ cũng có một nhân tố giáo dục nhất định” (3;tr.397)


STUDYING IDEOLOGICAL CONTRADICTION AND THE ROLE OF POLITICAL REASONING EDUCATION AT PRESENT

TRAN HUNG

During the reform curse, contradictions have appeared in ideological field, including both negative and positive factors.
From the analysis of major contradiction in ideological ang spiritual field, the author emphasizes the necessity to highlight the role of ideological training in Marxism –Leninism and Ho Chi Minh ideology.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1987.
2. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996.
3. Lênin –Toàn tập, Tập 10, NXB Tiến bộ, Moscow, 1979.

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?