Đối tượng triết học theo quan điểm của Thomas Hobbes
Trong chương 1 của “Phép tính, hay Lôgíc học”, thuộc về “Học thuyết về vật thể (cơ thể), Hobbes đã đưa ra định nghĩa về triết học như sau: "Triết học là sự nhận thức đạt được nhờ sự luận giải đúng (per rectam ratiocinalionem), và giải thích các hành vi, hay các hiện tượng, từ những nguyên nhân đã được chúng ta nhận thức, hay các nguyên cớ phát sinh, và, ngược lại, giải thích các nguyên cớ có thể phát sinh từ các hành vi mà chúng ta biết rõ" (Hobbes, t.1, 1989, tr. 74). Mục đích của triết học là làm giàu thêm lợi ích cuộc sống của con người (Sđd, t.1, tr. 77). Với cách hiểu như thế về triết học, Hobbes đã đứng vào hàng ngũ những người tiên phong trong cuộc đấu tranh chống triết học cũ, thứ triết học chỉ tỏ ra chặt chẽ và uyên bác hình thức, song lại nghèo nàn về nội dung, tách khỏi các nhu cầu thực tiễn của con người.
Cần thấy rằng khái niệm triết học của Hobbes có nội hàm rất rộng, theo nghĩa “khoa học của các khoa học”, trong đó có cả vật lý, hình học, các lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Đó cũng là điểm chung của các nhà triết học cận đại, từ Bacon bên Anh đến Hegel bên Đức. K. Marx gọi Hobbes là người hệ thống hóa chủ nghĩa duy vật Bacon. Nhận định này cho thấy sự tương đồng cơ bản giữa Hobbes và Bacon trong nhiều vấn đề. Vào thời ấy tiếng vang của tuyên bố bất hủ do Bacon khởi xướng “Tri thức là sức mạnh” còn rất lớn. Descartes và nhiều nhà tư tưởng khác, trong đó có Hobbes, đều hướng đến tinh thần này. Theo Hobbes, nhiệm vụ của triết học là hướng con người đến sự khám phá thế giới, nâng cao vị trí của mình trong thế giới. Ông nhấn mạnh: "Kỹ thuật, xét như sự ứng dụng tri thức khoa học, là sự đảm bảo những thành quả vĩ đại của nhân loại”. Cũng như Bacon, Hobbes xem triết học kinh viện là trở ngại lớn đối với nhận thức khoa học.Tuy nhiên, trong quá trình đó Hobbes đã điều chỉnh một phần phương pháp luận Bacon, đồng thời đưa vào nội dung của chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật Anh các vấn đề mới, làm gần Bacon với Descartes, tách triết học chính trị ra thành một bộ phận riêng, nhưng không tách biệt với các phần khác. Bacon sống vào đêm trước cách mạng tư sản Anh, còn Hobbes là người chứng kiến và nếm trải những diễn biến của cách mạng tư sản, phản ánh những vấn đề của nó vào học thuyết của mình. Điều này giải thích vì sao quan điểm chính trị – xã hội chiếm vị trí hàng đầu trong triết học Hobbes, còn vấn đề nhận thức luận và bản thể luận đóng vai trò dẫn nhập lý thuyết cho nó. Đó là điểm khác biệt trước tiên giữa Hobbes và Bacon.
Vào thế kỷ XVII tại các nước Tây Âu triết học phát triển trong mối liên hệ phức tạp với cả tri thức khoa học lẫn thần học – tôn giáo. Sự tồn tại của học thuyết “Hai chân lý” đã phản ánh thực trạng này (theo học thuyết “Hai chân lý” có hai con đường dẫn đến chân lý – con đường thứ nhất dẫn đến việc nhận thức Cái thiêng liêng, thể hiện ở nội dung Kinh Thánh; con đường thứ hai được mở ra trong quá trình tìm hiểu thế giới bằng sức mạnh của trí tuệ con người). Sự khác nhau giữa Hobbes và Bacon cũng biểu hiện ở thái độ đối với thần học nói chung, học thuyết “Hai chân lý” nói riêng. Hobbes khẳng định: "Triết học loại trừ thần học, tức học thuyết về bản tính và các đặc điểm của Thượng đế vĩnh viễn, không được sáng tạo và bất khả tri” (T. Hobbes, Tác phẩm chọn lọc, T.1, Nxb Tư tưởng, M, 1964, tr. 58). Triết học là hệ thống hoạt động duy lý của trí tuệ đang nhận thức, thứ trí tuệ, một mặt, từ các nguyên nhân đã biết đi đến giải thích các hành vi và các hiện tượng, mặt khác, xuất phát từ các hiện tượng này hay hiện tượng khác, hướng đến cơ sở tạo nên chúng. Xét thực chất, khái niệm chân lý chỉ vận dụng vào triết học, đồng nhất với khoa học. Lẽ cố nhiên Hobbes không bác bỏ thần học, mà chỉ mong muốn đặt nó vào vị trí xác đáng, để nó thực hiện đúng chức năng của mình. Hobbes xem tôn giáo như nhân tố đảm bảo tính toàn vẹn của quốc gia, mà tính toàn vẹn, theo ông, là cơ sở của những cơ sở văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, khác với Bacon, Hobbes không thừa nhận cái gọi là thần học tự nhiên với tính cách là bộ phận cấu thành của triết học. Đối với Hobbes thần học là thứ “tri thức” mặc khải thần thánh, không chịu sự phân tích duy lý nào, và cũng không cần đến nó. Như vậy, Thượng đế là khái niệm của thần học, chứ không phải của triết học. “Thần học tự nhiên” là một khái niệm trống rỗng, vô nghĩa.
Từ thái độ đối với thần học, Hobbes tỏ ra quyết liệt hơn so với Bacon trong cách phê phán triết học kinh viện. Nếu Bacon gọi triết học kinh viện là hình thức tri thức trung cổ, thứ tri thức được hình thành nhờ các nhà “bác học phòng giấy”, thì Hobbes quy triết học kinh viện về “thuật chiêm tinh mới”, làm lệch lạc nhận thức con người. Hobbes né tránh cả thuật ngữ “siêu hình học”, vì theo ông, nó được các nhà thần học và triết học kinh viện sử dụng nhằm biện minh cho thần học mặc khải. Khái niệm “vật chất” bị Hobbes thay bằng khái niệm vật thể, hay cơ thể, với mục đích làm sáng tỏ hơn đối tượng nghiên cứu. Cách tiếp cận này thể hiện ngay trong việc phân tích con người, vấn đề nổi bật của hệ thống triết học Hobbes. Con người được đề cập trong phần 2 của “Về những nguyên lý…” và phần 1 của “Leviathan”. Con người một mặt là “vật thể giữa vô số các vật thể tự nhiên”, mặt khác, là thực thể đạo đức, tinh thần. Với tính cách đó, nó là người sáng tạo nên các vật thể nhân tạo, tạo dựng nền văn hóa. Nhà nước là vật thể nhân tạo quan trọng và phức tạp nhất.
Là người hệ thống hóa triết học Bacon, Hobbes cố gắng giảm bớt tính cực đoan ở phương pháp luận kinh nghiệm – quy nạp do Bacon khởi xướng. Trong lời bạt “Cùng bạn đọc”, tác phẩm “Về vật thể" Hobbes nhấn mạnh rằng khi bắt đầu phần 1 của công trình này với tên gọi “Lôgíc học” ông đã “thắp lên một ngọn đuốc của lý trí". Cách hiểu triết học ở đây hoàn toàn theo tinh thần Descartes, dù Hobbes không hề đã động gì đến nhà triết học Pháp cùng thời. Triết học được xác định là “lý trí tự nhiên của con người” (ratio naturalis), còn sự nhận thức được thực hiện thông qua “tư duy chuẩn xác”, hay “luận giải đúng” (per rectam ratiocinationem), lý giải hành vi (hoạt động) từ các nguyên nhân đã được nhận thức hay “những cơ sở phát sinh”, và ngược lại. Các phần của “Vật thể” cho thấy tính chất “trung hòa” của triết học Hobbes so với bậc tiền bối trực tiếp là Bacon.
Phần thứ nhất được Hobbes đặt tên là “Logíc học”, hay “Phép tính”, đề cập đến vị trí của triết học trong đời sống xã hội, quan hệ giữa triết học với các lĩnh vực tri thức khác. Cách đặt tên cũng cho thấy thiên hướng nghiên cứu của Hobbes đã khác với Bacon. Trong phần 2 - “Triết học thứ nhất” Hobbes trình bày các phạm trù chủ yếu của bản thể luận (học thuyết về tồn tại) như không gian, thời gian, các thuộc tính của vật thể, ngẫu nhiên và tất nhiên, nguyên nhân và kết quả. Các quy luật vận động gắn với vấn đề đại lượng được phân tích trong phần 3. Phần 4 làm sáng tỏ các vấn đề của vật lý học với tính cách là khoa học về các hiện tượng tự nhiên.
Như đã nói trên, đối tượng của triết học được Hobbes quy về vật thể (cơ thể), và do đó phần mở đầu của “Về những nguyên lý triết học” là “Học thuyết về vật thể" (De corpore). Hobbes viết: "Đối tượng của triết học, hay vật chất mà nó lý giải, là mọi vật thể, mà chúng ta biết được sự xuất hiện của chúng thông qua những xét đoán, và có thể, trong những quan hệ nhất đinh, chúng ta so sánh chúng với những vật thể khác, nói khác đi, mọi vật thể mà ở đó diễn ra sự liên kết và phân giải, nghĩa là, mọi vật thể mà sự hình thành và các thuộc tính của chúng có thể được chúng ta nhận thức” (Sđd, t.1, 1989, tr. 79). Việc xem vật thể là khái niệm nền tảng, gắn với cách lý giải các vấn đề bản thể luận và nhân sinh – xã hội, hàm chứa cả mặt tích cực lẫn hạn chế về thế giới quan và phương pháp luận của triết học Hobbes. Hạn chế rõ ràng nhất là chủ nghĩa máy móc. Hobbes xem xét con người chủ yếu như vật thể (hay cơ thể) tự nhiên, vật lý, còn học thuyết về con người thì bị quy về cái gọi là vật lý xã hội, với lập luận như sau: nếu vật lý theo nghĩa trực tiếp của từ đó nghiên cứu các hiện tượng, các quy luật của giới tự nhiên, thì vật lý xã hội tìm hiểu các quy luật, các hiện tương trong thế giới của chính con người, nếu trong tự nhiên có lực hút và lực đẩy, thì trong quan hệ giữa người với người đó là hòa bình và chiến tranh! Ở phần Dẫn nhập của Leviathan có đoạn:"Nghệ thuật của con người, nghệ thuật mà nhờ đó Thượng đế sáng tạo nên thế giới và điều khiển nó, là sự mô phỏng thiên nhiên…Thế nào là quả tim, nếu không phải là một lò xo? Thế nào là những dây thần kinh, nếu không phải là những sợi dây thiều, còn các khớp xương – nếu không phải là những bánh xe, truyền sự vận động sang khắp cơ thể, như người thợ mong muốn? Chắc hẳn nghệ thuật còn phát triển hơn nữa, khi nó mô phỏng tác phẩm ưu tú của tự nhiên – đó là con người. Leviathan vĩ đại…cũng chỉ là con người nhân tạo…Trong Leviathan này quyền lưc tối cao, cái quyền lực đã đem lại cho toàn bộ cơ thể cuộc sống và vận động, là linh hồn nhân tạo, những nhân vật trọng yếu và những đại diện của quyền tư pháp và quyền hành pháp là những khớp xương nhân tạo; sự ban thưởng và trừng phạt…là những dây thần kinh, cũng thực hiện chừng ấy chức năng như trong vật thể tự nhiên; phúc lợi và sự giàu có của tất cả các thành viên là lực của nó; salus populi, an ninh của nhân dân, những vị tư vấn mong biết mọi thứ, là ký ức; công bằng và luật lệ là lý trí nhân tạo và ý chí; thế giới công dân – sức khỏe; sự nổi loạn – bệnh tật; và nội chiến – cái chết. Cuối cùng, khế ước và sự đồng thuận mà nhờ đó các bộ phận của cơ thể chính trị lần đầu tiên được tạo ra, liên kết lại, giống như cái “fiat”, hay “con người được sáng tạo ra” (Sđd, tr. 8). Đoạn trích vừa nêu giúp chúng ta hiểu tính chất máy móc của triết học Hobbes theo nghĩa trực tiếp lẫn nghĩa rộng. Tính chất này sẽ được tìm hiểu cụ thể.
Trong khi xem xét con người như vật thể đặc biệt, Hobbes đồng thời vạch ra sự khác biệt giữa con người với các vật thể tự nhiên. Con người, theo Hobbes, là một vật thể tự thân vận động, với đời sống tâm lý và hoạt động nhận thức phức tạp, với ngôn ngữ – phương tiện giao tiếp và dấu hiệu của tính ưu việt của tồn tại người, mà thiếu nó sẽ không có xã hội, không có nhà nước. Đây chính là điểm xuất phát để Hobbes đi đến lĩnh vực các “vật thể nhân tạo”, bao gồm toàn bộ nền văn hóa, các thiết chế chính trị – xã hội, nhất là nhà nước. Hobbes tỏ ra tâm đắc và tự hào về triết học nhà nước, hay triết học xã hội, hay như cách ông gọi – triết học đạo đức, triết học công dân (philosophia moralis, philosophia civilis), được phân tích ở phần ba của “Về những nguyên lý triết học” và “Leviathan”. Hobbes cho rằng công lao của Galileio, Kepler, Gassendi, Harvey và các nhà khoa học tự nhiên khác là đã xác lập nên khoa học về giới tự nhiên và về con người như bộ phận của nó, song chỉ có ông mới tiến lên phía trước so với các triết gia cổ đại (Aristote chẳng hạn) trong khoa học về xã hội và nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế triết học chính trị của Hobbes còn quá nhiều mâu thuẫn và bất cập, phản ánh tính phức tạp của đời sống chính trị tại Anh thời kỳ cách mạng và nội chiến, cũng như trình độ nhận thức chung của thế kỷ XVII.
triethoc.info
Triết học+
Đánh giá bài viết?