Nhân thức luận của John Locke

Đề cập đến mối quan hệ giữa Locke với Bacon và Hobbes, C. Mác viết: "Hốpxơ đã hệ thống hóa học thuyết của Bacon nhưng không đưa ra những bằng chứng tỉ mỉ, làm chỗ dựa cho nguyên lý cơ bản của Bacon cho rằng những hiểu biết và những quan niệm đều bắt nguồn từ thế giới cảm tính. Trong quyển bàn về nguồn gốc của lý tính con người, Locke đã chứng minh nguyên lý của Bacon và Hobbes” (C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, t.2, CTQG, HN, 1995, tr. 197). Điều đó có nghĩa là Locke, theo C. Mác, đã làm được điều mà lẽ ra Hobbes đã phải thực hiện, nhằm tạo nên dấu ấn của toàn bộ chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật Anh. Đúng vậy, Locke đã phát triển khuynh hướng kinh nghiệm trong nhận thức luận và đẩy nó về hướng duy cảm luận.

Duy cảm luận của Locke được cô đọng bằng tuyên bồ “không có cái gì trong trí tuệ, nếu không có trước hết trong cảm giác”. Hobbes cũng chủ trương quan điểm này, nhưng lại chịu ảnh hưởng đáng kể của tri thức toán học. Khác với Hobbes,  Locke tiếp tục làm sâu sắc đường lối duy cảm luận của Gassendi, nghĩa là triệt để hơn. Từ cách tiếp cận đó Locke phê phán học thuyết “ý niệm bẩm sinh” của Descartes và trường phái Descartes. Học thuyết ý niệm bẩm sinh dựa vào sự nhất trí phổ biến của con người như luận chứng cơ bản để khẳng định rằng dường như những ý niệm loại đó, cũng như những khả năng khác của con người, xuất hiện một cách tất yếu và hiện thực từ lúc mới sinh ra. Tuy nhiên, theo Locke, “luận chứng dựa trên sự nhất trí chung nhằm khẳng định sự tồn tại của các nguyên lý bẩm sinh hóa ra lại càng làm sáng tỏ một điều rằng chúng không hề có thực: bởi lẽ không hề có những nguyên lý được cả nhân loại  thừa nhận” (Locke, Khảo luận về lý trí con người, Tác phẩm, t.1, M, 1960, tr. 76). Nếu như, chẳng hạn, ta đưa ra nguyên lý “cái gì có thì có” và “không thể có một vật vừa có vừa không”, những nguyên lý được xem là những tiên đề phổ biến, thì chúng đáng được gọi là những nguyên lý bẩm sinh. Mặc dù vậy một phần đáng kể nhân loại hoàn toàn không biết về chúng: trẻ con, những kẻ ngu đần và những người khác không hề biết chúng, và do đó, “những luận điểm không được ghi dấu trong tâm hồn tự nhiên (phú bẩm)” (Sđd, tr. 77). Với cách đó Locke bác bỏ học thuyết về các nguyên lý bẩm sinh, những nguyên lý cần được chứng minh không bằng tính bẩm sinh, mà bằng tính hữu dụng của mình. Theo tinh thần vị lợi, Locke viết:"Người ta ủng hộ cái thiện phần nhiều không vì nó bẩm sinh, mà vì nó hữu dụng” (Sđd, tr. 96). Cũng như Gassendi, Locke cho rằng, ý niệm Thượng đế không phải là ý niệm bẩm sinh, bởi vì trong thế giới còn có những nhà vô thần bác bỏ sự tồn tại của Thượng đế, nhiều dân tộc không hề đặt ra ý niệm về Thượng đế và tôn giáo; một số khác lại phổ biến  và giải thích ý niệm này không bằng tính  bẩm sinh, mà thông qua giáo dục, học vấn, truyền giáo, từ đó hình thành nên mối quan tâm đến Thượng đế. Sự phê phán của Locke đối với  ý niệm, khái niệm và các nguyên lý bẩm sinh thông qua chất liệu phong phú và thuyết phục về thực chất là sự phê phán đối với chủ nghĩa duy tâm và bảo vệ chủ nghĩa duy vật trong lý luận nhận thức, thừa nhận sự tồn tại khách quan của sự vật, được phản ánh trong cảm giác. Theo Locke, không nên cho là bẩm sinh ngay cả các quy luật đồng nhất và mâu thuẫn của lôgíc học, những quy luật dường như được thừa nhận phổ biến. Chúng không hề được tiếp nhận một cách tự nhiên đối với tất cả. Tóm lại, “ý niệm và khái niệm, cũng như nghệ thuật và khoa học, ít khi sinh ra cùng với chúng ta” (Sđd, tr. 124).

Khía cạnh xã hội của sự phê phán ý niệm và tri thức bẩm sinh do Locke thực hiện là ở việc làm sáng tỏ chủ nghĩa cực quyền (authoritarianism), theo đó những người nào đã đạt được những tri thức nhất định và khiến nhiều người khác tin rằng những tri thức của họ là bẩm sinh, sẽ nắm lấy quyền hành. "Ở đây, - V.V. Xôcôlốp viết,- với tính cách nhà tư tưởng của xã hội tư sản sơ kỳ mong muốn phá vỡ những định chế của xã hội phong kiến truyền thống, vẫn còn tồn tại ở Anh (và ở những nước châu Âu khác), mà cơ sở triết học là chủ nghĩa kinh viện” (V.V.Xôcôlốp. Triết học châu Âu thế kỷ XV – XVII. M, 1984, tr. 409). 

Vấn đề nguồn gốc tri thức con người, quá trình hình thành và cơ cấu của nó, được Locke xem xét trong quyền 2 của “Khảo luận về lý trí con người”. Sự nghiên cứu này bắt đầu từ luận điểm cho rằng kinh nghiệm là nguồn gốc duy nhất của mọi tri thức. Locke viết:"Toàn bộ tri thức của chúng ta đều hình thành từ kinh nghiệm. Sự quan sát của chúng ta, hướng đến hoặc các sự vật cảm tính bên ngoài, hoặc hoạt động bên trong của linh hồn, được chúng ta tri giác và phản tỉnh, đem đến cho lý trí của chúng ta toàn bộ chất liệu tư duy” (Sđd, 128). Nói khác đi, cảm giác và phản tỉnh, hay suy tưởng (reflexion) là hai nguồn gốc của tri thức, từ đó xuất hiện mọi ý niệm. Kết luận rút ra từ quan niệm của Locke về nguồn gốc cảm tính của tri thức: nhận thức là một quá trình triển khai theo thời gian. Ông thường nói về sự hình thành và phát triển tâm lý của con người, từ lúc là một đứa trẻ đến khi trưởng thành, phụ thuộc trực tiếp vào quá trình tích luỹ kinh nghiệm cá nhân và làm giàu nó bằng những chất liệu ngày càng mới. Tâm hồn của đứa trẻ mới sinh, theo Locke, tựa như  “tờ giấy trắng (tabula rasa) không hề có dấu hiệu hay ý niệm nào” (Sđd, tr. 128).  Nhờ tiếp xúc với thế giới cảm tính mà tờ giấy ấy ngày mỗi ngày lại đầy thêm ý niệm, khái niệm, kinh nghiệm sống. Tâm hồn con người càng nỗ lực nhận thức thế giới, thì càng đem đến nhiều chất liệu cho tư duy (Sđd, tr. 128).  


Locke phân biệt hai dạng kinh nghiệm: kinh nghiệm bên ngoài, được cấu thành từ tổ hợp các cảm giác; kinh nghiệm bên trong, được hình thành từ những quan sát của trí tuệ đối với hoạt động nội tại của mình. Thực chất đó là thế giới nhận thức của con người. Do đó Locke còn gọi kinh nghiệm bên trong là cảm tính bên trong, hay  phản tỉnh, suy tưởng (reflexion). Nguồn gốc của kinh nghiệm bên ngoài là thế giới vật chất khách quan, tác động đến các cơ quan cảm giác của con người và gây ra cảm giác. Không có kinh nghiệm bên ngoài thật khó hình dung về cuộc sống bình thường của con người, bởi lẽ ở tuổi thiếu niên chính kinh nghiệm bên ngoài chiếm vị trí áp đảo, tác động đến sự hình thành tâm lý con người. 

Locke phân loại các ý niệm, với tính cách là chất liệu trực tiếp của tri thức, thành ý niệm đơn giản và ý niệm phức hợp. Các ý niệm đơn giản là những yếu tố rõ ràng nhất của tri thức. Nếu ý niệm của Platon mang ý nghĩa nhận thức luận sâu sắc, đề cập đến những khái niệm chung, những cái tuyệt đối, bền vững, thì ý niệm của Locke, theo Sôcôlốp, dưới tác động của tri thức khoa học cận đại, đặc biệt là khoa học tự nhiên thực nghiệm, chứa đựng nội dung nhận thức luận cụ thể và linh hoạt hơn. Thậm chí Locke còn tuyện bố: "ý niệm dùng để chỉ tất cả những gì là đối tượng của tư duy” (Sđd, tr. 75). Như vậy là nhà duy cảm luận hiểu ý niệm không chỉ là những khái niệm trừu tượng, mà còn là cảm giác và cả những hình ảnh tưởng tượng.  

Tuy nhiên con người không chỉ có ý niệm về các thuộc tính của sự vật tồn tại khách quan, bên ngoài con người, mà cả các ý niệm về hoạt động tự thân bên trong của mình, đặc biệt về các trạng thái tâm lý. Kinh nghiệm bên trong là tổng thể các phương thức thể hiện của hoạt động trí tuệ đa dạng, đem đến cho lý trí chúng ta những ý niệm mà chúng ta không thể nhận được từ các sự vật bên ngoài. Kinh nghiệm bên trong về cơ bản phụ thuộc vào kinh nghiệm bên ngoài, song trong nhiều trường hợp nó mang tính độc lập tương đối. Kinh nghiệm bên trong là môi trường bền vững, thậm chí tự thân, có thể vận  hành mà không cần đến sự liên kết với kinh nghiệm bên ngoài. Lẽ cố nhiên, nếu tuyệt đối hóa khía cạnh độc lập này sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy tâm trong lý luận nhận thức. Các đặc trưng của kinh nghiệm bên trong càng làm sáng tỏ thuộc tính của ý thức con người, trong đó có những năng khiếu, tư chất không hẳn lệ thuộc vào kinh nghiệm bên ngoài. Trong việc xác định bản tính của kinh nghiệm bên trong, hay reflexion, vẫn còn đôi điều chưa rõ ràng, nêu không nói là mang tính nước đôi. Chẳng han, Locke thường nói đến tri giác bên trong của hoạt động trí tuệ như nguồn reflexio, rằng nguồn gốc ấy của ý niệm mỗi người đều có ngay trong bản thân mình, không liên quan gì đến các đối tượng bên ngoài, và mặc dù nguồn gốc ấy không phải là cảm tính, song hết sức trùng hợp với nó, đáng được gọi là “cảm tính bên trong”. Hoá ra reflexion một mặt hàm chứa các ý niệm về hoạt động của trí tuệ, những hoạt động hướng đến ý niệm của kinh nghiệm bên ngoài, mặt khác, reflexion lại được hiểu là nguồn gốc độc lập của tri thức, xuất phát từ xung lực bên trong, cố hữu ở linh hồn. Tính nước đôi, không rõ ràng cho thấy sự do dự của Locke khi giải quyết một vấn đề nhận thức quan trọng trong bối cảnh diễn ra cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng chủ đạo – kinh nghiệm, duy cảm và duy lý. Xét chung cuộc, duy cảm luận của Locke là duy cảm luận duy vật, còn tính nước đôi trong cách giải thích reflexion phản ánh thực trạng của lý luận nhận thức vào cuối thế kỷ XVII tại Anh và Tây Âu nói chung. Locke luôn khẳng định rằng hoạt động của trí tuệ, cái trở thành đối tượng của reflexion, diễn ra chỉ trên cơ sở các chất liệu cảm tính, hình thành ở con người trước các ý niệm reflexion, linh hồn không thể tư duy trước khi các cảm giác cung cấp cho nó các ý niệm cần cho tư duy. 

Trên nền chung của cách hiểu về ý niệm, Locke phân biệt ý niệm về chất có trước và ý niệm về chất có sau. Học thuyết này có nguồn gốc sâu xa từ Démocrite, đến thế kỷ XVII được Gassendi, Hobbes và Bayle phục hồi và làm sâu sắc thêm. Locke hiểu chất có trước và chất có sau như thế nào? Những chất có trước là những thuộc tính cố hữu, không tách rời, của các vật thể như quảng tính, hình thức, vận động hay đứng yên, các con số, và cả tính không xuyên thấu (độ nén chặt). Đó là hững thuộc tính khách quan của các vật thể. Việc thừa nhận các thuộc tính đó của các vật thể là điểm chung của phần lớn các nhà triết học cận đại, cả khuynh hướng kinh nghiệm – duy cảm lẫn khuynh hướng duy lý. Những chất có sau là những thuộc tính luôn biến đổi, phụ thuộc vào các cơ quan cảm giác, như màu sắc, âm thanh, mùi, vị, trong đó vai trò của các cơ quan cảm giác  được nhấn mạnh, chẳng hạn thị giác (mắt nhìn), khứu giác (mũi ngửi), vị giác (lưỡi nếm), thính giác (tai nghe)…Locke trình bày mối quan hệ giữa hai chất này: "Ý niệm của những chất có trước là những sự đồng nhất, của những chất có sau thì không” (Sđd, tr. 157). Giữa cái hiện diện ngay trong bản thân sự vật và cái do người ta cảm giác khác nhau ở chỗ, cái thứ nhất là một hiện thực hiển nhiên, còn cái thứ hai thì chỉ thể hiện một phần, bởi lẽ nó phụ thuộc vào chủ thể ý thức, xuất hiện trong con người, mang tính chủ quan. Tuy nhiên Locke không tách rời cái chủ quan ra khỏi cái khách quan, mà nhấn mạnh mối liên hệ giữa chúng với nhau. Cách tiếp cận này đến gần với quan điểm về hình thức chủ quan và nội dung khách quan của tri thức.

Việc phân tích ý niệm về chất có trước và ý niệm về chất có sau giúp Locke đào sâu hơn nữa vấn đề này. Theo Locke, ý niệm đơn giản, hình thành cả ở kinh nghiệm bên ngoài lẫn ở kinh nghiệm bên trong, tạo nên nền tảng của quá trình nhận thức tiếp theo. Phù hợp với kinh nghiệm bên ngoài có ý niệm quảng tính, hình thái, vận động, đứng yên, nóng, lạnh, sáng, tối, rắng, đen…Liên quan đến kinh nghiệm bên trong, hay reflexion, có ý niệm tư duy và ý niệm ham muốn, tương ứng với lý trí và ý chí. Ý niệm phức hợp là sự hợp thành của các ý niệm đơn giản, chẳng hạn ý niệm “người bạn”là tổng thể các ý niệm về con người, tình yêu, hành động v.v..Tính tích cực của trí tuệ bắt đầu khi nó tổng hợp các ý niệm đơn giản thành ý niệm phức hợp. Locke nêu ra ba phương thức liên kết các ý niệm đơn giản nhằm đạt đến ý niệm phức hợp, đó là, hợp nhất một số ý niệm đơn giản thành một ý niệm phức hợp; dẫn ra cùng lúc hai ý niệm  - đơn giản hay phức hợp bất kỳ – đối chiếu chúng với nhau, để ngay lập tức xem xét chúng, nhưng không liên kết vào một ý niệm; tách một số ý niệm ra khỏi tất cả những ý niệm khác, những ý niệm kèm theo chúng trong tồn tại hiện thực của chúng. Locke gọi thao tác này là “trừu tượng hóa”, nhờ đó tất cả những ý niệm phổ biến được xác lập. Trên cơ sở phân biệt các phương thức tạo thành ý niệm phức hợp Locke nêu ra ba dạng ý niệm phức hợp:1) ý niệm tình thái (trạng thái, modus), những ý niệm hoặc lệ thuộc vào các thực thể, hoặc là thuộc tính của chúng, như hình tam giác, sự tri ân, sự giết người. Locke đặc biệt chú ý đến các ý niệm không gian, thời gian, con số, trong đó không gian xuất phát từ kinh nghiệm bên ngoài, còn thời gian xuất phát từ kinh nghiệm bên trong; 2) Ý niệm thực thể, cấu thành từ sự liên kết các ý niệm đơn giản, thể hiện các sự vật tồn tại độc lập, đơn lẻ, như con người, con bò, con cừu v.v.. và ý niệm về một số thực thể, được liên kết cùng nhau và tạo ra, chẳng hạn, ý niệm về quân đội, về đàn cừu… nghĩa là ý niệm về những thực thể hợp thành, hay ý niệm của thao tác tổng hợp. Ở đây mỗi một thực thể (substantia, substance) là sự tập hợp những dấu hiệu nhất định của các ý niệm đơn giản. Chẳng hạn, mặt trời là sự tổng hợp ý niệm ánh sáng, nhiệt, hình cầu, sự vận động theo quy tắc thường xuyên. Lẽ cố nhiên đây chỉ là những dấu hiệu bên ngoài, được tri giác nhận biết. Cách tiếp cận kinh nghiệm – duy cảm ấy không tránh khỏi tính phiến diện. Để nhận thức đầy đủ đối tượng cần có cách nhìn tổng hợp, mang tính khái quát cao, đi sâu vào bản chất sự vật; 3) Ý niệm quan hệ cấu thành từ sự xem xét và đối chiếu ý niệm này với ý niệm khác, dẫn đến ý niệm quan hệ, nhân quả, đồng nhất và khác biệt, các quan hệ tự nhiên, các quan hệ xã hội. Như vậy là Locke đã dần dần phát triển quan điểm khái quát hóa, trừu tượng hóa trong khuôn khổ của duy cảm luận, quan điểm khái niệm luận (conceptualism) và duy danh luận (nominalism) ôn hòa. Locke đã hoàn tất quá trình phát triển lâu dài của quan điểm này, xuất phát từ Aristote, các nhà khắc kỷ cổ đại và các đại diện thời Trung cổ. Theo Locke, mọi cái đang tồn tại cụ thể đều là những cái đơn nhất; khái niệm là kết quả hoạt động của trí tuệ, khái quát các ý niệm nhờ quá trình tách biệt chúng khỏi những thực tại khác còn lại và khỏi những điều kiện tồn tại hiện thực như  thời gain, vị trí. 

Trong học thuyết về ý niệm đơn giản và ý niệm phức hợp của Locke còn một số hạn chế, thể hiện rõ nhất ở tính phiến diện, siêu hình về mặt phương pháp luận, vốn là hạn chế chung của chủ nghĩa duy danh. Locke không thừa nhận sự tồn tại hiện thực của cái chung. Theo ông, cái chung chỉ tồn tại trong lý trí, chỉ có những cái đơn nhất mới tồn tại hiện thực trong thế giới. Ông nhấn mạnh:"'Cái chung và cái phổ quát không gắn với tồn tại hiện thực của các sự vật, mà chỉ được lý trí  tạo nên để sử dụng cho mình, và chỉ đề cập đến các dấu hiệu – ngôn ngữ hay ý niệm” (Sđd, tr. 413). 

Phân tích ý niệm đơn giản và ý niệm phức hợp tất yếu đưa đến việc làm sáng tỏ vai trò của ngôn ngữ. Cũng như  Hobbes, Locke đề cao vai trò của ngôn ngữ trong quá trình củng cố và hoàn thiện tư duy con người. Locke phân biệt chức năng công dân và chức năng triết học của ngôn ngữ. Chức năng công dân phản ánh khía cạnh xã hội của ngôn ngữ như phương tiện cần thiết của giao tiếp. Chức năng triết học thể hiện ở khả năng phát triển ngôn ngữ đến trình độ ngôn ngữ bác học, khoa học, là sự phản ánh  những khía cạnh, những mặt, những yếu tố bản chất của ngôn ngữ phổ biến. Tuy nhiên việc biến ngôn ngữ khoa học thành những câu chữ trống rỗng, thiếu nội dung, hay lạm dụng ngôn ngữ, sẽ làm cho ngôn ngữ xa rời chính cuộc sống hiện thực của con người, trở thành toà tháp chỉ để chiêm ngưỡng, chứ không sử dụng vì mục đích thiết thân của con người. Chủ nghĩa sính chữ , hay hư từ thuyết (verbalism) thời Trung cổ là minh chứng cho sự lạm dụng đó. 

Cũng như Hobbes, Locke không thể không thừa nhận ảnh hưởng của xu thế toán học hoá tư duy, vai trò của tư duy chính xác, tri thức xác thực đối với nhận thức luận, trong đó có nhận thức luận kinh nghiệm - duy cảm. Dưới ảnh hưởng của Descartes, Locke phân loại tri thức theo mức độ của tính chính xác. Tri thức chính xác nhất là tri thức trực giác (intuition), cấu thành từ những chân lý phân minh rõ ràng nhất. Tuy nhiên nếu như  Descartes xem tri thức trực giác là “ánh sáng của trí tuệ con người”, khẳng định tiêu chí “phân minh”, “rõ ràng”, thì Locke lại thay thế nó bằng từ “được xác định”. Dạng thứ hai của tri thức là tri thức chứng minh (demonstration). Cả tri thức trực giác và tri thức chứng minh có thể kết hợp lại để dẫn đến cái gọi là tri thức tư biện, tri thức thuần tuý trí tuệ. Là nhà duy cảm luận, Locke không quan tâm nhiều đến thứ tri thức này, bởi lẽ nội dung của nó, dù tuyệt đối chính xác, song vẫn tỏ ra hạn chế về mặt hàm lượng phản ánh thực tại. Dạng thứ ba của tri thức là tri thức tổng hợp,  nghĩa là tri thức đề cập đến trước hết các đối tượng bên ngoài, được chúng ta nhận biết thông qua các cảm giác, mà thiếu nó sẽ không có cuộc sống bình thường. Vậy là cuối cùng Locke lại trở về với duy cảm luận của mình. 

Những gì cần rút ra từ nhận thức luận của Locke? Duy cảm luận của Locke về cơ bản đựợc xác lập trên cơ sở thế giới quan duy vật, bởi lẽ, khác với duy cảm luận duy tâm, Locke thừa nhận thế giới khách quan tồn tại bên ngoài và không lệ thuộc vào cảm giác. Tuy nhiên trong nhận thức luận của Locke còn không ít những điểm phiến diện, thậm chí dao động. Bàn về các loại ý niệm, Locke giải thích chưa hợp lý vai trò của tư duy trừu tượng. Locke xem xét cái trừu tượng cao nhất như cái gì đó thiếu nội dung và không thâm nhập vào bản chất của sự vật. Vì thế ông phân biệt bản chất hiện thực, được hiểu như sự tồn tại tự thân của các sự vật, và bản chất danh nghĩa, như ý niệm trừu tượng hóa, biểu thị tên gọi theo tiểu loại. Trong sự phân biệt này đã hàm chứa mầm mống của cách hiểu về tính không đồng nhất bản chất và hiện tượng, song hạn chế của Locke chính là ở đây: ông chưa nhận thấy được biện chứng giữa bản chất và hiện tượng, đem đối lập chúng với nhau như cái bên trong đối lập với cái bên ngoài, cho rằng sự nhận thức bản chất hiện thực của các khách thể trong nội hàm đầy đủ của nó là không thể.

Cách lý giải của Locke về chân lý có ý nghĩa tích cực trong quá trình khắc phục triết học kinh viện Trung cổ. Theo Locke, chân lý “theo nghĩa riêng của từ đó chỉ có nghĩa là sự liên kết hay phân giải các dấu hiệu tương ứng với sự phù hợp hay không phù hợp của các sự vật được chúng cắt nghĩa” (Sđd, tr. 558). Tuy nhiên do chỗ chân lý theo cách hiểu của Locke chỉ là thuộc tính của các mệnh đề, với hai dạng thức là mệnh đề tư duy và mệnh đề phát ngôn, nên cuối cùng ông tách chân lý của tư duy (mà ông gọi là chân lý danh nghĩa) khỏi chân lý của ngôn từ. Đó là một thao tác rối rắm và mang tính hình thức. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng, đưa ra cách tiếp cận đó, Locke mong muốn khắc phục chủ nghĩa sính chữ và “tri thức bác học” Trung cổ. Đối với Locke, chân lý hiện thực đề cập đến các ý niệm nào “phù hợp với các sự vật” (Sđd, tr. 561). Duy cảm luận duy vật của Locke bác bỏ chủ nghĩa tiên nghiệm (apriorism), phê phán học thuyết “ý niệm bẩm sinh”, nhấn mạnh vai trò của kinh nghiệm thực tiễn, của giáo dục trong quá trình hình thành tính cách và lối sống con người. Duy cảm luận của Locke cũng mở ra khả năng giải thích nguồn gốc của các khái niệm và thuật ngữ khoa học, được hình thành trên cơ sở xử lý các chất liệu cảm tính thông qua phương pháp trừu tượng hóa, đi từ cái đơn nhất đến cái chung mang tính khái quát cao hơn. Lẽ cố nhiên do những bất cập như đã nêu, nhất là cách đặt vấn đề về “chất có trước”, “chất có sau” và quan niệm về tư duy trừu tượng. 

Dù nhận thức luận làm nên nội dung cơ bản của triết học Locke, nhưng không phải là chủ dề duy nhất.

Trong quan niệm về thế giới Locke tiếp tục đường lối thần luận tự nhiên và chủ nghĩa máy móc của triết học thế kỷ XVII. Khác với Hobbes, Locke không quy đối tượng nghiên cứu về các vật thể, từ vật thể tự nhiên, đến vật thể nhân tạo, mà tiếp tục làm sáng tỏ khái niệm thực thể theo tinh thần của duy cảm luận, song chính ở đây bộc lộ cả mặt tích cực lẫn hạn chế thế giới quan của ông. Theo ông, thực thể, với tính cách là khái niệm triết học, không thể được nhận thức. Vật chất được ông hình dung như một khối chết cứng, thụ động. Vận động không phải là thuộc tính cố hữu của vật chất; nguồn gốc của nó ở bên ngoài vật chất, ở Thượng đế. Thần luận đối với thế kỷ XVII – XVIII vẫn là hình thức thích hợp nhất để các nhà triết học trình bày tư tưởng của mình. C. Mác viết: "Tự nhiên thần luận, ít ra là đối với nhà duy vật, chỉ là một phương pháp thuận tiện và dễ dàng để thoát khỏi tôn giáo” (C. Mác và Ph. Angghen, Toàn tập, t.2, CTQG, HN, 1995, tr. 197). Vấn đề là ở chỗ, nếu các quy luật của Thượng đế được đem đến cho tự nhiên và xã hội loài người, thì luật (cùng với quyền) trở thành thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Sự truyền dẫn ý chí Thượng đế đến con người được ngụ ý về những chuẩn mực của con người được thần thánh hóa. Theo ông, không có gì mâu thuẫn khi thực thể đầu tiên, vĩnh cửu mong muốn đem đến cho các hệ thống nhất định của vật chất được tạo hóa, phi cảm tính vài mức độ của cảm giác, tri giác và tư duy. Có thể nói Locke trở thành một trong những nhà thần luận chủ trương giảm dần tính chất thần bí hóa trong việc giải thích khái niệm Thượng đế. Cũng như Galileio, Locke cho rằng khái niệm Thượng đế chỉ  dùng để giải thích nguồn gốc của vận động, nhưng sau thời điểm đó bản thân vận động diễn ra theo các quy luật vật lý. Bản chất của Thượng đế, tương tự bản chất thực thể của sự vật, là không thể nhận thức được bằng những khả năng bình thường, phổ biến của con người.    

Tư tưởng duy vật dưới hình thức thần luận về thế giới và lý luận nhận thức của Locke tác động theo hai chiều hướng khác nhau đến triết học Anh thế kỷ XVIII: chủ nghĩa duy vật Toland, Colins, Priestley, nhận thức luận duy cảm – duy tâm Berkeley và Hume. Nhưng còn một hình ảnh khác của Locke, hình ảnh của nhà khai sáng, tác động mạnh mẽ đến phong trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, mà Montesquieu) và Voltaire là những người mở đầu.

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?