Đặc điểm chung của triết học Tây Âu Cận đại

 1. Ngọn cờ lý luận của giai cấp tư sản
Được chuẩn bị từ phong trào văn hóa nhân văn Phục hưng (cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XVII), triết học thế kỷ XVII-XVIII đã trở thành ngọn cờ lý luận của giai cấp tư sản và các lực lượng xã hội tiến bộ khác trong cuộc đấu tranh chống ý thức hệ phong kiến lỗi thời. Cuộc đấu tranh này diễn ra ở nhiều bình diện: duy vật chống duy tâm thần bí, khoa học chống chủ nghĩa giáo điều và uy quyền tư tưởng, cải cách chính trị chống bảo thủ chính trị…Tính chất tiến bộ của triết học thời kỳ này được minh chứng bằng tinh thần hoài nghi và phê phán khoa học, bằng ưu thế của chủ nghĩa duy vật trước chủ nghĩa duy tâm. 

Nếu triết học thế kỷ XVII chú trọng đến phê phán tri thức, trước hết là tri thức kinh viện trung cổ, thì triết học thế kỷ XVIII, điển hình là triết học Khai sáng Pháp, kết hợp phê phán tri thức với phê phán xã hội, từ đó hình thành hai xu hướng vận động song song với nhau – cải tổ hoạt động tinh thần và cải tổ môi trường xã hội. So với thời Phục hưng, giai cấp tư sản thế kỷ XVII – XVII đóng vai trò lực lượng chính trị độc lập cách mạng, tập hợp xung quanh mình các nhân tố tích cực, tiến bộ, tấn công trực diện vào chế độ phong kiến và nền tảng tinh thần của nó, xác lập những chuẩn mực, giá trị mới, đon giản hóa các quan hệ xã hội, phù hợp với sự vận động lịch sử. Thời Phục hưng thể hiện quá trình chuyển tiếp từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản, còn thời đại mới đã là thời đại của các cuộc cách mạng tư sản và sự hình thành xã hội tư sản, với những đặc trưng mà xã hội trước đó chưa thể có được. 

Phục hưng về cơ bản gắn liền với sự trở về những giá trị bị lãng quên, để từ đó thực hiện sự nhận thức lại quá khứ và mở hướng cho tương lai. Thế kỷ XVII – XVIII tiếp thu tinh thần mở đó, và làm cho nó trở nên hiện thực thông qua cuộc cách mạng cơ cấu, nghĩa là cuộc cách mạng làm đảo lộn mọi quan hệ và cơ cấu xã hội, thay đổi hình thức và cơ chế quyền lực chính trị, phá vỡ các đặc quyền đẳng cấp, thay đổi quan hệ giữa nhà nước và nhà thờ v.v.. Cách mạng trong lý trí đi trước cách mạng trong lĩnh vực thực tiễn, các học thuyết triết học thực hiện quá trình phê phán cái cũ, cái lỗi thời, xác lập cái mới, cái tiến bộ, xem cái đang tồn tại, tức chế độ phong kiến và hệ tư tưởng của nó là cái phi lý, cũng đồng thời là phi nhân tính, đòi hỏi thay thế nó bằng cái hợp lý – hơp nhân tính, theo quan điểm phổ biến về sự thống nhất lý trí – nhân tính. Bacon, Descartes, Spinoza, Locke, Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Diderot, Holbach …đều bắt đầu học thuyết của mình bằng tinh thần hoài nghi và phê phán như thế. 


2. Liên minh giữa triết học và khoa học tự nhiên
 Sự phát triển của triết học gắn kết chặt chẽ, hữu cơ  với sự  phát triển của khoa học tự nhiên, thể hiện trình độ nhận thức chung của thời đại. Nhiều nhà triết học đồng thời là nhà khoa học (Descartes, Newton, Pascal , Leibniz …) hoặc có những am hiểu sâu sắc về khoa học, trở thành bộ óc bách khoa của thời đại (Diderot chẳng hạn). Nói khác đi, trong điều kiện khoa học phát triển như vũ bão, các nhà triết học, để có thể đứng vững trong cuộc luận chiến tư tưởng, không có nhu cầu nào khác hơn là phải am hiểu những thành quả của khoa học. Mà để đạt được điều đó họ cần tự mình tìm hiểu, nghiên cứu các lĩnh cực khoa học, cần mài sắc tư duy bằng sự hiểu biết về bức tranh khoa học tổng thể, hoặc chí ít cũng làm quen với môi trường khoa học ở những nét căn bản nhất. 

Nhờ biết bám sát vào những thành tựu của khoa học tự nhiên và trình độ nhận thức chung của xã hội, các nhà triết học đã xác lập bức tranh vật lý mới về thế giới, nắm bắt những tính quy luật khách quan của nó, đào sâu một số vấn đề bản thể luận mà trước đây chưa từng biết đến. Song ảnh hưởng của khoa học tự nhiên đến tư duy tríết học cũng làm nảy sinh những nan giải nhất định. Trước hết, sự thống trị của cơ học đã để lại dấu ấn trong triết học bằng quan điểm máy móc về thế giới, cả giới tự nhiên lẫn thế giới của chính con người. Tiếp theo, quá trình toán học hóa tư duy bên cạnh mặt tích cực của nó đã góp phần vào việc hình thành cách tiếp cận siêu hình đối với một số lĩnh vực tự nhiên, xã hội, chủ trương đưa khoa học chính xác vào môi trường nhân văn. Chẳng hạn, theo Hobbes, nếu chúng ta đã có vật lý học, nghiên cứu cụ thể về các vật thể tự nhiên, thì cần thiết phải xác lập “vật lý xã hội”, tìm hiểu các vật thể nhân tạo. 

Nếu trong tự nhiên có lực đẩy và lực hút, thì trong xã hội, hai lực ấy là chiến tranh và hoà bình! Hobbes cũng xem logic tính toán là khoa học nhập môn của các lĩnh vực khác. Rất nhiều nhà triết học không chỉ lệ thuộc vào các nguyên lý cơ học trong nghiên cứu, mà còn từ đó hình thành phương pháp tư duy theo kiểu tách rời và đem đối lập một cách tuyệt đối “đúng – sai”, “trắng – đen”, “khoa học – không khoa học”… Phương pháp tư duy của Siêu hình học thế kỷ XVII – XVIII có những mặt tích cực nhất định, nhất là trong điều kiện các nhà khoa học cần đến “những chứng cứ của lý trí” để chống các hình thức nguỵ tạo khoa học và triết học kinh viện. Song phương pháp ấy lại tỏ ra không thích  hợp  trong việc giải thích bản chất của thế giới đang biến đổi. Vấn đề là ở chỗ, trong khi tìm hiểu những mặt, những thuộc tính của sự vật, những lĩnh vực của đời sống, các nhà triết học và khoa học chưa vạch ra một cách thỏa đáng mối liên hệ và tác động lẫn nhau giữa chúng, hoặc tuyệt đối hóa mặt nào đó, đồng thời lý giải thiếu thuyết phục nguyên nhân, động lực của vận động và phát triển. Hình thức thứ hai của chủ nghĩa duy vật, tức chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII-XVIII cũng chịu sự quy định của tính chất máy móc, siêu hình ấy, và được gọi là chủ nghĩa duy vật máy móc – siêu hình, hay đơn giản là chủ nghĩa duy vật siêu hình.

3. Hình thành hai khuynh hướng chủ đạo trong nhận thức
Sự quan tâm đến nhận thức đáp ứng đòi hỏi của con người trong điều kiện bùng nổ các khám phá và phát minh khoa học, phát triển lực lượng sản xuất. Có thể xác định một số đặc trưng của lý luận nhật thức thế kỷ XVII – XVIII. Một là, cùng với việc các khoa học cụ thể về tự nhiên và xã hội tách dần khỏi triết học, đã diễn ra sự thay đổi tất yếu của đối tượng triết học: các nhà triết học ngày càng tập trung sự chú ý vào việc giải quyết cùng lúc hai mặt của một vấn đề lớn, mà thiếu một trong số chúng, triết học sẽ mất đi vai trò xã hội của mình – mặt bản thể luận và mặt nhận thức luận – lôgíc học. 

Hai là, sự thay đổi căn bản trong quá trình phát triển của khoa học tự nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều các phương pháp chuyên biệt đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên và lịch sử đặt ra trước triết học nhiệm vụ khái quát các thành quả của chúng và xây dựng phương pháp triết học chung của nhận thức, cũng như làm sáng tỏ mối quan hệ giữa triết học với các khoa học chuyên biệt. Nhu cầu phân tích mang tính nhận thức luận đối với các kết quả nghiên cứu khoa học trở nên cấp bách, bởi lẽ các chất liệu tiềm tàng và đa dạng do khoa học đem đến cần được luận chứng và hệ thống hóa. Mặt khác, từ việc xử lý chất liệu cần vạch ra con đường nhận thức tiếp theo về thế giới. Chính vì thế các nhà tư tuởng đặt trọng tâm vào việc tìm kiếm phương pháp luận chung và làm sáng tỏ bản chất của tư duy. Ba là, những thành tựu trong nghiên cứu khoa học và những thay đổi trong phương pháp luận nghiên cứu cũng đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu bản chất của quá trình nhận thức và nguồn gốc tri thức.  

Việc hình thành các phương pháp nhận thức khác nhau nhằm đạt đến mục đích khẳng định quyền lực của con người trước tự nhiên, giúp con người làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Tuyên bố của Bacon “tri thức là sức mạnh” đã trở thành tuyên ngôn của thời đại. Từ thế kỷ XVII trở đi vấn đề phương pháp trở thành một ntrong những chủ đề chính của các cuộc tranh luận triết học, góp phần xác định giá trị của mỗi học thuyết trong đời sống xã hội. Thậm chí một số nhà triết học đã quy giản đối tượng của triết học về phương pháp. 

Trong quá trình tranh luận về phương pháp nhận thức đã hình thành nên hai khuynh hướng chủ đạo là kinh nghiệm (empiricism), do Francis Bacon khởi xướng, và duy lý (rationalism), do Réne Descartes đứng đầu. Khuynh hướng thứ nhất chú trọng vai trò của khoa học thực nghiệm, khuynh hướng thứ hai nhấn mạnh vai trò của toán học và xu thế toán học hóa tư duy. Sự khác nhau giữa hai khuynh hướng đó đề cập đến vấn đề nguồn gốc của tri thức, bản chất của nhận thức, phương pháp nhận thức cụ thể. Hạn chế của cả hai khuynh hướng trên thể hiện ở tính phiến diện, không thấy được biện chứng của quá trình nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, không biết kết hợp cả hai phương pháp – quy nạp và diễn dịch – trong quá trình nhận thức và nghiên cứu khoa học  

4. Triết học và tôn giáo, khoa học và thần học
Triết học và khoa học thế kỷ XVII-XVIII chưa chấm dứt hẳn những liên hệ với tôn giáo và thần học, thể hiện ở các phương án dung hòa giữa các quan điểm, các cách tiếp cận dường như đối lập nhau, đó là  quan niệm hai chân lý (chân lý khoa học và chân lý thần học, đức tin đều có chỗ đứng trong tâm hồn con người), phiếm thần, thần luận tự nhiên. Tuy nhiên so với thời đại trước, những liên hệ này không tỏ ra nặng nề, thậm chí mang ý nghĩa tích cực nhất định: 1) phù hợp với điều kiện lịch sử, xã hội hiện có; 2) các nhà triết học đôi khi sử dụng phiếm thần và thần luận tự nhiên trong cuộc đấu tranh vì tự do tín ngưỡng và tôn vinh những giá trị của con người. Điều này giải thích vì sao trong chủ nghĩa duy vật hiện diện đầy đủ các phương án vừa nêu, từ Bacon, Descartes đến Spinoza, Locke, phần lớn các nhà khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Hình ảnh Thượng đế trong nhiều trường hợp trở thành biểu tượng cao nhất của sự hoàn thiện lý trí. “Tự nhiên thần luận, ít ra là đối với nhà duy vật, chỉ là một phương pháp thuận tiện và dễ dàng để thoát khỏi tôn giáo” (C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, t.2, CTQG, HN, 1995, tr. 197).        

5. Tư tưởng nhân văn, khai sáng
Tư tưởng nhân văn, khai sáng làm nên một trong những nội dung cốt lõi của triết học Cận đại. Quan điểm của Bacon về xã hội lý tưởng, được xây dựng trên cơ sở “quyền lực của tri thức” cho đến nay vẫn còn ý nghĩa thời sự. Nếu Bacon tuyên bố “tri thức là sức mạnh”, thì Hobbes nhấn mạnh rằng quyền lực cần phải hàm chứa yếu tố tri thức, nghĩa là được xác lập trên sự hiểu biết bản chất con người, hướng đến mục tiêu ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia và thống nhất ý chí toàn dân. Locke trở thành người đặt nền móng cho quan điểm nhà nước pháp quyền, được các nhà khai sáng Pháp thế kỷ XVIII phát triển và hoàn thiện ở đêm trước của cách mạng tư sản. Hình ảnh “con người lý trí” và “nhà nước hợp lý tính”, quan niệm về tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ … không chỉ gợi mở con đường đi tới một trật tự xã hội khác với chế độ phong kiến “phi lý” và phi nhân tính, ngự trị suốt hàng ngàn năm, mà còn là mục tiêu phấn đấu của nhiều dân tộc. Một số phác thảo của các nhà khai sáng về mô hình xã hội tương lai cho đến nay vẫn còn là mục tiêu phấn đấu của nhiều dân tộc. Với những đặc trưng vừa nêu, có thể nói rằng, thế kỷ XVII – XVIII là một trong những thời đại sôi động nhất trong lịch sử loài người.

         Với bước ngoặt cách mạng do C.Mác và Ph.Ăngghen thực hiện vào những năm 40 của thế kỷ XIX , lịch sử tư tưởng, theo Benxaiđơ, đã sang trang mới với cách  viết mới, nghĩa là nó không còn được thi vị hóa bởi những nhà duy linh chủ nghĩa, hay không còn bị xem xét như những lát cắt rời rạc bởi những đại diện của chủ nghĩa máy móc (Đanien Benxaiđo, Mác người vượt trước thời đại, bản dịch của Phạm Thành, Nguyễn Văn Hiến, Lê Xuân Tiêm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 20 – 21). Cơ sở thế giới quan của “cách viết mới về lịch sử” là chủ nghĩa duy vật, hay quan niệm duy vật về lịch sử, dựa vào đó mà chúng ta đánh giá lịch sử tư tưởng nhân loại một cách đúng đắn. Tuy nhiên, đánh giá lịch sử không có nghĩa là áp đặt cho lịch sử những suy nghĩ của thời hiện đại, gán cho nó cái mà nó không thể có được trong điều kiện của mình. Đánh giá đúng đắn về lịch sử trước hết là xác định những đóng góp của quá khứ, rút ra những giá trị và những bài học cho hôm nay theo quy luật kế thừa và phát triển, làm sống lại mặt tích cực của quá khứ để nó tiếp tục gia nhập vào cái toàn thể đang vận động tiến về phía trước. John Locke, Voltairee, Montesquieu và các nhà tư tưởng thế kỷ XVII – XVIII khác đã thuộc về quá khứ, nhưng những quan niệm mang tính gợi mở tích cực của các ông xứng đáng được tìm hiểu, học hỏi, hiện thực hóa trong cuộc sống hiện tại. Nói khác đi, lý tưởng chính trị mà các ông nêu ra trong cuộc đấu tranh vì các quyền cơ bản của con người và công dân, vì sự chiến thắng của “con người lý trí” và “nhà nước hợp lý tính”, vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của nhiều dân tộc. 

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của sân, do dân và vì dân mà chúng ta xây dựng, chính là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển các giá trị và kinh nghiệm lịch sử của nhân loại, được tích luỹ qua hàng trăm năm. Chúng tiếp tục chịu sự thẩm định, hay sự phản biện, của thực tiễn luôn biến đổi. Song, có những giá trị bền vững đã vượt ra khỏi khuôn khổ của mỗi thời đại để trở thành tài sản vô giá, thành thông điệp thiêng liêng, gắn kết các dân tộc trong một thế giới mở, một thế giới mà tinh thần khoan dung văn hóa thay cho sự thù địch và định kiến, hội nhập thay cho tình trạng cô lập, đối thoại thay cho đối đầu, như  quan điểm phát triển của Nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong tiến trình đổi mới hiện nay.   

Triết học+
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?