Ảnh hưởng của quan niệm triết học Trung Hoa trong điển cố

ẢNH HƯỞNG CỦA QUAN NIỆM TRIẾT HỌC TRUNG HOA TRONG ĐIỂN CỐ

ĐOÀN ÁNH LOAN*

Việc dùng điển cổ trong văn học phương đông (chủ yếu là văn học Trung Hoa và Việt Nam) cơ bản dựa trên nguyên tắc thể hiện bằng nguồn vay mượn ý, lời từ câu văn, câu thơ hoặc trong kinh, sử, truyện… của ngườI xưa. Trong những tác phẩm đầu tiên của văn học Trung Hoa như Kinh Thi hầu như chưa có điển cố. Nhưng sau khi được Khổng Tử san định và phổ biến thì chính nó trở thành kho tàng diển cố của những tác phẩm văn học sau đó. Trong thờI Chu Tần, văn học Trung hoa phát triển mạnh mẽ, nhất là tản văn triết học. Những tác phẩm của chư tử các giai đoạn này trở thành những mẫu mực cho thời đại nối tiếp, nhất là thờI Đường Tống, cả văn học lẫn triết học Trung Hoa đều rất phát triển. Những tác phẩm ưu tứ nhờ các phương tiện in ấn bổ biến rộng rãi, và đến lượt nó bổ sung thêm nguồn điển cố mới cho văn học Trung Hoa.
Điển cố trong văn học phương Đông nói chung và văn học Trung Hoa, Việt Nam nói riêng được xem như là chất liệu mang chức năng xây dựng hình tượng một cách sâu sắc, nhiều ý nghĩa. Sự hình thành và thể hiện điển cố văn học không đơn thuần là một biện pháp tu từ mà thực tế do quan niệm triết học chi phối.

I. Triết học Trung Hoa giai đoạn cổ trung đại xuất phát từ mối quan hệ giữa con người và thế giới làm thành vấn đề cơ bản để xây dựng hệ thống triết học của mình, lấy bản thân cuộc sống con người làm triết lý về nhân sinh, đạo đức. Chính vì vậy mà triết học Trung Hoa rất thực tiễn và sâu sắc. Các trường phái triết học có đề cập đến vũ trụ quan, nhưng chung qui điều đó nói đến con người và những quan hệ xung quanh. Dịch học và Đạo giáo quan niệm vũ trụ ban đầu là một khốI mờ mịt, hỗn độn, vô cùng, trong đó tiềm tàng cái vô lý hình rất linh diệu, cường kiện gọi là thái cực. Thái cực sinh lưỡng nghi, tức khí dương và khí âm. Hai thể này theo liền, điều hoà vớI nhau để biến hoá và sinh ra con ngườI, vạn vật. Âm dương trở thành lối cấu tạo hai mặt cơ bản của bất kỳ sự vật nào, sự việc nào.

Dù mỗi học thuyết có đôi chút khác nhau, nhưng cũng đều đi đến công nhận thế giới này là nhất thể. Con người là một phần tử, là tinh hoa của trời đất, vạn vật. Chính vì thế giới và con người là một nên con ngườI cảm thức thế giới trong tư thế của một chủ thể. Con người thấy mình là một bộ phận của tự nhiên, của vạn vật. Điều này thường thấy trong văn học thờI trung đại. Trong văn học thời kỳ này, người ta thường thể hiện cái chung của trời đất, trong đó tâm trạng biểu hiện được bao bọc bởi sự to lớn của tâm trạng chung trước cảnh, mỗi lòng hay tình yêu trước mối lo lớn của dân tộc. Bài thơ bi hùng Cảm hoài của Đặng Dung là một ví dụ:

Cảm hoài
Thế sự du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa thập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Sự khứ, anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo, đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.

Cảm hoài
Sự thế mang mang .. tuổi tác rồI,
Hát vang trời đất, chén mềm môi.
Vận may, hèn mọn nên trò dễ,
Việc lỡ anh hùng nuốt giận thôi.
Phò chúa, những toan nâng trái đất, 
Rửa gươm, ai thể dốc sông trời.
Quốc thù chưa báo, đầu râu bạc,
Bao độ gươm mài… ánh nguyệt soi.
(Đông Xuyên dịch)

“Tẩy binh” rửa khí giới cất đi, ý nói chấm dứt chiến tranh. Đỗ Phủ có thơ: “An đắc tráng sĩ vãn thiên hà. Tĩnh tẩy giáp binh trường bất dụng” (= Sao có được tráng sĩ kéo sông trờI xuống. Rửa sạch binh giáp không dùng đến nữa).

Nếu muốn miêu tả tâm lý hay phẩm chất một con ngườI thì tác giả văn học thời kỳ này thường dùng nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, tượng trưng. Tìm lấy sự tương ứng giữa người với vật bằng cách nhìn thấy một phẩm chất nhất định của con người và sự tốt đẹp của vật có những điểm giống nhau, rồI gán phẩm chất ấy cho sự vật: dùng hoa sen để biểu thị sự thanh khiết, cao cả; cây tùng, cây bách được xem là tính thẳng ngay, kiên định của người quân tử; chim sẻ nhỏ bé để ví với kẻ tiểu nhân…). Nói chung, nguyên lý của văn học trung đại là dùng Tựợng và Từ (tức so sánh phẩm chất của con người với sự vật rồi sau đó mới nói ra ý tưởng), bắt chước theo khuôn mẫu chung để đi đến mục đích thể hiện Đạo. Theo mục đích ấy, sáng tác thơ ca không phải là việc của thánh nhân đế nói về Đạo. Vì vậy từ hiện tượng trong tự nhiên, người sáng tác chỉ tìm ý nghĩa đạo lý. Con người trong đó là những khuôn mẫu đạo đức. Vì vậy việc sáng tác đòi hỏi một nguyên tắc nhất định. Điển cố thực sự phú hợp với loại sáng tác này. Điển cố là một câu chuyện, là hình ảnh mà tác giả mượn của người trước để so sánh hoặc ám chỉ đến điều muốn nói. Nhưng nguyên tắc của điển cố không đơn thuần là sự so sánh, mà đằng sau sự so sánh ấy là hình tượng mang ý nghĩa sâu sắc hơn gấp nhiều lần hình ảnh ban đầu. Điển cố giúp nâng câu thơ thành tư tưởng với ý nghĩa phong phú hơn. Trần Danh Án (1) trong Tự thuật bày tỏ nỗi lòng đau đớn của người con yêu nước trước thảm trạng đất nước bị xâm lược:

Do hữu ky thần lệ ám lưu,
Quốc tình, gia tứ, lưỡng du du.
Tha hương khởi tất phùng thanh nhãn,
Nghịch cảnh thuỳ trung bất bạch đầu.
Hứa quốc cô trung Thục thừa tướng,
Báo cừu thốn thiệt Trương Lưu hầu.
Nam nhi bất tố oanh thiên sự,
Hư độ phù sinh, tử tiện hưu.
Nỗi nước, tình nhà, bận cả hai,
Khóc thầm đất khách một thân tôi.
Quê xa chắc gặp tròng xanh mấy,
Cảnh nghịch mà không tóc bạc ai.
Dâng nước, lòng trung ông Lượng sẵn,
Báo thù, khoa nói họ Trương tài.
Trai không làm việc vang trời được,
Sống kiếp sông suồng, để ...chết thôi.
(Đông Xuyên dịch)

Thục thừa tướng tức Gia cát Lượng, tài trí tuyệt vời, làm chức thừa tướng, giúp Lưu Bị nước Thục thời Tam quốc lập vương nghiệp. Trương Lưu hầu tức Trương Lương, giúp Hán Cao tổ thống nhất thiên hạ, lập nên nhà Tây Hán, được phong Lưu hầu. tác giả là kẻ có chí lớn, mong muốn được như Gia Cát Lượng và Trương Lương ra tay cứu nước, lập lại vương triều xưa.

Việc mượn ý, lời của người trước mặc nhiên được chấp nhận và nên làm, vì đó là khuôn mẫu, là qui phạm.

Vì chú ý đến mục đích sáng tác là nói về Đạo, nên nội dung được quan tâm hơn là hình thức trau chuốt. Từ hình thức một sự vật, người ta nhìn thấy và nói tới ngụ ý bên trong. Từ hiện tượng đi vào bản chất bên trong, thể hiện bản tính, phẩm chất con người. Điển cố chứng minh rất rõ điều này. Đọc câu thơ có điển cố, người đọc không thể lướt qua theo lối hiểu thông thường. Bởi vì điển cố luôn luôn là thành phần mang hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng, như cấu tạo hai mặt âm dương của vũ trụ. Xuyên qua lớp nghĩa đen, đến lớp nghĩa bên trong mới thực sự tìm thấy bản chất của vấn đề. Nguyễn Du khi mô tả tâm trạng Kiều nhớ nhà đã dùng nhiều điển cố. nếu hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của những điển cố trong đoạn thơ ấy, người đọc chắn chắn sẽ cảm nhận sâu sắc hơn nỗi nhớ thương gia đình luôn ở trong lòng Kiều, và qua đó thấy được tấm lòng hiếu thảo, thuỷ chung của nàng:

Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son (1) gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai, (2)
Quạt nồng ấm lạnh (3), những ai đó giờ?
Sân lai (4) cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử (5) đã vừa người ôm.

(1) Tấm son do chữ “đan tâm”, chỉ tấm lòng trung trinh; (2) chỉ người mẹ. Chiến quốc sánh chép rằng: Vương Tôn Giả, người thời Chiến Quốc thờ vua Tề Mân Vương. Thấy tướng nước Sở giết vua, Tôn Giả sợ bỏ chạy về nhà. Người mẹ thấy vậy mắng con rằng: “Buổi sớm con về muộn thì mẹ tựa cửa đứng trông. Buổi tối con chưa về thì mẹ tựa cổng mà mong. Nay, con thờ vua, vua chạy trốn mà không biết vua ở đâu thi còn về đây làm gì? “; (3) do chữ trong Kinh Lễ: “Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh” (= theo lễ làm con, quạt khi nồng ấp khi lạnh); (4) chỉ sân nhà cha mẹ. Cao sĩ truyện chép tích Lão lai, người đời nhà Chu, đã 70 tuổi vẫn thờ cha mẹ hiếu thảo. Có khi ông giả mặc áo ra sân múa hát, đóng tuồng như trẻ con cho cha mẹ vui; (5) Tử là tên một thứ cây, chỉ quê hương xứ sở. Do câu trong Kinh Thi: “Duy tang dữ tử. Tất cung kính chỉ” (Cây dâu, cây tử ắt phải kính trọng).

II. Dựa trên nguyên lý hình thành vạn vật của thái cực hay của Đạo, Khổng Tử cho rằng Đạo khởi đầu rất giản dị. Từ giản dị mà thành phức tạp như quá trình trời đất biến thiên: thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh sáu mươi bốn hào... từ đó sinh ra vạn vật, con người. Hiểu được điều đó sẽ hiểu được lẽ âm dương, “Biết được lẽ giản dị, tức là biết được cái lý của thiên hạ” (Dịch giản nhi thiên hạ chi lý đắc hỉ). Trong Luận ngữ, chương Vi chính, Tử Trương hỏi Khổng Tử thấu triệt được cái lẽ đơn giản của sự biến hoá trong trời đất. Từ việc xảy ra trước có thể suy từ tiền nhân để đoán biết về sau, có thể rõ cái đã qua để biết cái sắp tới. Từ đó hình thành nguyên lý ôn cố tri tân, góp phần hình thành nguyên lý sáng tác tượng trưng của điển cố trong văn học. Thoán từ truyện có nói: “Thánh nhân thấy sự phức tạp ở thiên hạ mà sanh ra hình dung, hoạ giống y thực trạng của nó, nên gọi là Tượng. Thánh nhân thấy sự động ở thiên hạ mà xem xét lẽ hội thông để hành điển lễ... So sánh rồi sau đó mới nói, theo khuôn mẫu rồi sau mới động, “sánh và theo” để thành sự biến hoá vậy” (2). Dựa theo nguyên tắc “giản đơn là nguồn gốc của mọi biến hoá” được ứng dụng từ việc vay mượn một nội dung tích chuyên, lời thơ, câu văn của người trước, sau đo diễn lại thật ngắn gọn, đơn giản để so sánh hay ngụ ý đến nội dung có liên qua. Thay vì trực tiếp nói ra vấn đề, người ta dùng tích chuyện hay câu văn, lời thơ của người trước để suy diễn ra ý nghĩa. Từ hình tượng điển cố, tư tưởng người đọc cũng sinh sinh hoá hoá theo diễn tiến của điển để đến cái đích cuối cùng, tìm đến ý nghĩa thâm diệu nhất cho ngữ cảnh câu văn.

III. Điển cố còn ảnh hưởng nguyên lý “một đầu mối” mà Khổng Tử đã nhiều lần đề cập đến trong Luận ngữ, chương Lý Nhân và Vệ Linh Công. Khổng Tử nói sở dĩ ông thông hiểu được cái lẽ trời đất, vạn vật là do biết được lẽ “một mối mà bao gồm tất cả” (nhất dĩ quán chi). “Người ta bắt từ chỗ gần mà xét tới chỗ xa, từ chỗ hiển mà đạt tới chỗ mật, người học đạo cần phải có tâm bình đẳng, đạt mức trung dung, do một mối mà phăng lần ra, thì có thể bắt từ ngọn mà đi đến gốc. Nhờ quan sát như vậy, người học đạo hiểu tâm tánh người đời, nguyên do của mỗi hành vi, hiện tượng. Cao hơn nữa biết ra bí mật trong vũ trụ”. Điển cố hoàn toàn đáp ứng được nguyên tắc sáng tác văn chương dựa trên lý lẽ ấy. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long có nói: “Có khi ý nghĩa cách chỉ độ thước tấc mà suy nghĩ ra ngoài núi sông”. Câu thơ có điển cố đòi hỏi người đọc phải suy niệm thật sâu sắc mới thông hiểu ý nghĩa toàn câu thơ. Trong giáo dục, Khổng Tử áp dụng một nguyên tắc khắt khe đòi hỏi học trò sự độc lập tư duy (Lễ ký, chương Học ký) bởi vì Khổng Tử quan niệm Đạo là lý lẽ tự suy gẫm mà biết nên đôi khi ông “không muốn nói nữa”.

Lão tử khi phát biểu luận điểm học thuyết của mình cũng có lối lập luận ít lời, nhưng chặt chẽ, diễn đạt thường vắn tắt bằng hình ảnh, châm ngôn hay ẩn dụ để người đọc tự hiểu. Mở đầu Đạo đức kinh, Lão tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo” (=Đạo mà có thể nói ra được không phải là đạo vĩnh cửu). Có thể nhận thức được đạo bằng sự cảm nhận và quan sát cái thể hiện bên trong, cái bản chất của vật thể. Cách nói của điển cố là cách nói có vẻ thu hẹp, nhưng đằng sau cái bề mặt ấy là sự mở rộng một tầng ý nghĩa sâu xa hơn. Trong đó là cả thế giới hình tượng sinh động, phong phú về ý tưởng, sâu sắc về ý nghĩa. Cách nói điển cố là cách nói thâm thuý, chỉ gợi ý để người đọc tự mình liên tưởng, cảm nhận và tìm đến ý nghĩa đúng đắn nhất, xác thực nhất. Điển cố với khả năng khơi dậy óc liên tưởng và suy ngẫm của người đọc sẽ tạo một sức mạnh đưa họ đến ngọn nguồn chân lý của vấn đề, dẫn đến kết quả thú vị hơn. Kinh Dịch có nói: “Dịch là cái mà thánh nhân dùng để đến chỗ cùng sâu mà nghiên cứu động cơ. Chỉ có sâu mới làm được cái chí của thiên hạ, chỉ có động cơ mới làm được việc trong thiên hạ”. Sự thâm ý của điển cố được biểu hiện qua nhiều tầng bậc tựa như đường biểu diễn của sóng âm thanh từ một điểm mà phát ra thành nhiều vòng, càng lớn càng lan toả, để rồi dội lại với một ý nghĩa nâng cao, cô đọng, sâu sắc. Qúa trình này được kết thúc bằng sự chọn lựa tất yếu. Đó là quá trình chọn lựa ý nghĩa duy nhất thích hợp cho văn cảnh khi người đọc phải trải qua những tầng bậc của liên tưởng và suy niệm nội dung điển cố. Một nội dung của điển cố có thể mang nhiều ý nghĩa, sự chọn lựa một ý nghĩa thiết thực nhất, gần gũi nhất, đúng nhất cho văn cảnh là điều mà người đọc tự vận động để có sự thông đạt cuối cùng và duy nhất về câu thơ. Chúng ta xem bài thơ Ngẫu thư công quán bích của Nguyễn Du sẽ thấy cụ thể hơn:

Triêu xan nhất vu phạm
Mộc dục nhất bồn thuỷ
Bế môn tạ tri giao
Khai song kiến kinh kỷ
Song ngoại kinh kỷ man thả trường
Mỹ nhân du du cách ca tường
Đỗ vũ thanh khí hỉ
Hồn hề qui lai qui cố hương
Buổi sáng ăn một bát cơm
Buổi chiều tắm một nhậu nước
Đóng cửa từ biệt không tiếp bạn
Mở cửa thấy cây kinh, cây kỷ
Bên ngoài cây kinh kỷ mọc đầy và dài
Người đẹp vời vợi cách bức tường cao
Tiếng quốc kêu mùa xuân đã qua
Hồn ơi về đi, thương cố hương

“Mỹ nhân” ở đây có nhiều nghĩa: (1) chỉ người đẹp; (2) chỉ vua. Vương Dật trong Ly tao tự có câu: “Linh tu mỹ nhân dĩ bể ư quân. Mật phi dật nữ dĩ tị hiền thần, cầu long loan phụng dĩ thác quân tử (=vua, người đẹp được cho là sánh ngang với vua. Người đẹp Mật Phi là kẻ hiền thần. Rồng loan phụng để chỉ người quân tử); (3) chỉ kẻ bề tôi, người quân tử. Tô Thức trong Tiền Xích Bích phú có câu: “Vọng mỹ nữ hề thiên nhất phương (= Trông người hiền một phương trời). Trường hợp bài thơ trên, các nhà chú giải có ý kiến khác nhau, người cho “mỹ nhân” chỉ người đẹp, người khẳng định chỉ vua Lê, chúa Trịnh. Đến đây, sự quyết định của người đọc được đòi hỏi. Người đọc lựa chọn một ý nghĩa thích hợp với văn cảnh nhất để cảm thụ đúng nhất tâm trạng của tác giả.

IV. Từ nguyên lý “nhất dĩ quán chi”, các đệ tử của Khổng Tử diễn giải thành nguyên tắc “trung thứ”: “Tâm biết suy độ sự vật gọi là thứ. Vòng quanh để quan sát gọi là trung. Cho nên nghe một để biết mười, đưa ra một góc mà biết ba góc kia, đó là việc của thứ vậy. Vòng quanh để quan sát vật, đưa ra dấu hiệu để biến cái lý bên trong xương cốt, đó là việc của trung vậy... Tự mình thấy là trung, không bị ngăn cách là thứ” (Hồ Thích, Trung Quốc triết học sử, s. đ.d). Từ nguyên tắc này, có thể thấy yêu cầu hiểu biết điển cố dựa trên phương pháp luận về tư duy, từ giản đơn mà suy diễn rộng ra, đưa tâm thức từ một điểm đi đến sự hiểu biết xa hơn, sâu hơn. Nguyên tắc của điển cố là “ý tại ngôn ngoại”, dựa trên cơ sở gợi mở. Qua lớp vỏ từ ngữ ngắn gọn, người đọc bị thu hút vào một thế giới khác đầy vẻ biến hoá của câu chuyện hay hình tượng. Khi bị thu hút vào thế giới đó, người đọc hoà nhập vào trong và cảm nhận như là một bộ phận trong đó, lại còn có thể nối tiếp tư tưởng, đồng thời sáng tạo thêm một hình tượng hoặc ý tưởng đặc sắc nhất, rồi đặt vào câu thơ có điển ấy. Qúa trình đặt để hình tượng hoặc ý tưởng hoá để hoà nhập vào bối cảnh chung rộng lớn hơn. Cơ cấu của quá trình này tựa như bức tranh mộc mạc, màu sắc, đường nét giản đơn nhưng bên trong chứa đựng tất cả những gì đang biến động khôn lường. Truyện Kiều có câu:

Thưa rằng: “Lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây hồng có phen.

Điển “Tấn Dương” khiến người đọc hiểu rằng Kiều tin tưởng Từ Hải sẽ làm nên được nghiệp đế như Đường Cao Tổ lập nghiệp đế từ đất Tấn Dương.

Trong tuồng San hậu, Nguyệt Hạo nói với chị mình là hoàng hậu Ngọc Dung:

Đức hạnh nàng Khương tu vẹn,
Nhân từ ả Mạnh khá dày.
Nếu âm mưu người Lã một phen
Ắt có thuở để nhơ tộc phái.

Nàng Khương tức Khương Thị đời nhà Hán nổi tiếng hiếu thảo với mẹ chồng. Ả Mạnh tức Mạnh Khương, người phụ nữ tiết hạnh, nhân từ đời Đông Chu. Lã tức Hậu, kẻ làm nghiên ngửa triều đình nhà Hán. Nguyệt Hạo muốn khuyên chị mình nên sống theo nếp người đạo đức mẫu mực, không nên nhúngta vào tội ác tiến ngôi vua.

Tóm lại, theo quan niệm xưa, tâm là cội nguồn sáng tác, là giao điểm của ba con đường: đường từ tác giả, đường thông với vũ trụ, đường ra quá trình biểu hiện. Tất cả những sự vật được diễn đạt qua tâm đều là sự phản chiếu của Đạo, tựa như tấm gương treo giữa vũ trụ, mọi thứ đều soi rọi vào đo. Nhưng để thể hiện được Đạo, con người chỉ dừng lại ở ranh giới của sự tiếp cận nó. Vì vậy sự thể hiện qua thơ tất yếu là những gì ẩn kín, là bản chất được biểu hiện ra ngoài cái bó buộc của hình thức. Thế giới nội tại đó được cấu tạo bởi nhiều mảnh hình tượng. Chúng được ráp nối với nhau bằng những mắt xích tình tiết và logic. Sự kết nối của bản thân thế giới nội tại cũng như sự kết nối nó với hình thức của từ ngữ và sự tương tác tất yếu đưa đến một cái nhìn cao hơn được cô đúc sâu sắc. Cơ chế của điển cố là sự hô ứng và kết nối quan hệ giữa bên ngoài và bên trong nhiều tầng bậc. Với cấu trúc bên ngoài được chọn lọc, cân nhắc, khẳng định, điển cố khích thích người đọc hướng tới cái bên trong, vào bản chất. Với tính chất này, điển cố kích thích người đọc cảm thụ thơ bằng hình tượng đạt được hiệu quả, hấp dẫn hơn rất nhiều lần. Điển cố làm người đọc phát sinh sự kích thích muốn tìm kiếm, phát hiện một ý nghĩa tiềm ẩn bên trong và niềm hứng thú khi hiểu được ý nghĩa đứng sau lớp ngôn từ tưởng chừng thật đơn giản. Và vì vậy, điển cố không chỉ là một thủ pháp văn học mà là một thế giới ain, nhân sinh quan sâu xa.

THE INFLUENCE OF CHINESE PHILOSOPHY CONCEPTION IN HISTORICAL  REFERENCE

DOAN ANH LOAN

Historical reference in literature of Vietnam and China in the Middle ages is not purely a rhetoric method, in fact it is ruled by philosophy conception.
1. Historical reference is formed on Tuong and Tu principale of Mutations, imitating the commen pattern to express The Tao. The principle of historical reference is compasion and metaphor under special forms.
2. Historical reference expressing the symbolization and the study the old to know the new one is due to the influence of principle “Knowing the simplicity is kowing the reason of people” of Confucius.
3. The principle a “clue” of Confucius rules much to the principle of historical reference: a clue and deep sense.
4. The principle “Trung thu” is expounded from the principle “A clue”, consolidating historical reference with a theoretical method of thought from simplicity to deeper inference and the arousing of creative ability from readers.
CHÚ THÍCH
(1) Trần Danh Án, người phủ Thuận An, Giang Bắc, đỗ tiến sĩ đời Lê Chiêu Thống, làm quan ở Hàn lâm viện Hiệu lý. Khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh chống lại Tây Sơn, ông chạy không kịp phải trốn tránh. Ông còn để lại tác phẩm Liễu Am thi tập.
(2) Hồ Thích, Trung Quốc triết học sử, bản dịch của Huỳnh Minh Đức, Khai Trí, Sài Gòn xuất bản, 1969.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
A. Tài liệu tiếng Việt:
1. Doãn Chính..., Lịch sử triết học Trung Quốc, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội, 1992.
2. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Đào Duy Anh chú giải, Nhà xuất bản Văn học, Hà nội, 1979.
3. Nguyễn Duy Hinh, Chu Dịch phổ thông, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1995.
4.Hoàng Châu Ký, Tuồng cổ, Nhà xuất bản Văn hoá, Hà nội, 1978.
5. Khổng Tử, Tứ thơ Luận ngữ, Phật học thơ xã, 1950.
6. Hồ Thích, Trung Quốc triết học sử, bản dịch của Huỳnh Minh Đức, Khai Trí, Sài Gòn xuất bản, 1969.
7. Nguyễn Đức Tiếu, Quan niệm Dịch hoá trong cổ học phương Đông, Tạp chí Văn hoá số 68,69.
8. Đông xuyên, Tuyển tập thơ Hán Viêt, Nhà sách Cảo thơm, Sài Gòn, 1973.
9. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học Hà nội, 1978.
B. Tài liệu tiếng nước ngoài:
1. Dương Thụ Đạt, Chu Dịch cổ nghĩa, Lão Tử cổ nghĩa, Thượng Hải cổ tịch xuất bản, 1991.
2. Fung Yu Lan, A Short History of Chinese Philosophy, New York, The MacMiuan Company, 1948.
3. F. Raymond Iredell. Philosophical Problems presented by Taoism, Tạp chí Văn hoá, thàng 7-1963.
4. Hoàng Khản, văn tâm điêu long, Bắc Kinh Văn hoá xã ấn hành, năm Dân quốc 16.
5. La Tá Tài, Khổng Tử giáo dục tư tưởng thể hiện nghiên cứu, Hồ Nam giáo dục xuất bản xã, 1989.
6. Trung Quốc nhân dân Đại học Triết học hệ, Triết học sử giáo nghiên thất biên (tập một), Trung Quốc triết học sử tham khảo tư liệu, Trung Quốc đại học xuất bản xã, 1957.
7. Trung Quốc triết học sử chủ biên, Trung Quốc triết học sử tư liệu tuyển tập, Trung Hoa thư cục, 1959




Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?