Triết học Giáo phụ


Triết học trung cổ trải qua hai thời kỳ chính, gắn liền với quá trình hình thành, củng cố, phát triển và suy vong của chế độ phong kiến. Thời kỳ Các giáo phụ (thế kỷ I – VIII) bắt đầu dường như đồng thời với sự xuất hiện  một số tác phẩm Tân ước, đạt đến cực thịnh  tại phương Tây vào thế kỷ  IV - V, và thế kỷ VII – VIII tại phương Đông (J. Liebaert, Giáo phụ,  tập 1. Bản dịch tiếng Việt từ nguyên tác tiếng Pháp Les Pères de L’église, Vol.1, Paris, 1986. Tủ sách Trở về nguồn, tr. 6). Tư tưởng của các Giáo phu được nghiên cứu bởi Giáo phụ học (Patrology) và Khoa học về tư tưởng các Giáo phụ (Patristics). Thời kỳ thứ hai thống nhất với quá trình chuẩn hóa tri thức, diễn ra ra khi chế độ phong kiến dần dần đi vào ổn định – đó là triết học Kinh viện (thế kỷ IX – XIV), thứ triết học chính thống trong các trường học trung cổ, được giảng dạy theo một chương trình thống nhất từ trên xuống, lấy Kinh Thánh làm nền tảng tư tưởng. Thuật ngữ Scholastics đã nói lên điều đó (Scholastica, gốc tiếng Hy Lạp , phiên âm ra tiếng Latinh Scholastikos, nghĩa là tính chất học đường, trường học.    

Giáo phụ học (Patrologie, Patrology, Patristics) là môn học nghiên cứu  tư tưởng các giáo phụ, tức những nhà tư tưởng Kytô giáo khởi thủy, người tiên phong trong việc bảo vệ, truyền bá, phổ biến Kytô giáo trong nhiều thế kỷ, đặc biệt vào những thời kỳ khó khăn nhất, về sau được nhà thờ chuẩn nhận, xem như những bậc cha chú của mình, còn tư tưởng của họ được đưa vào hệ thống quan điểm có ý nghĩa giáo huấn đối với tín đồ, nghĩa là những uy quyền tinh thần. Các giáo phụ trước thế kỷ IV thiên về yếu tố thuần túy tôn giáo hơn là triết học. Con đường của các giáo phụ bắt đầu từ chiết trung, hay dung hòa với triết học cổ đại, được gọi là những nhà Hộ giáo, đến củng cố và khẳng định ưu thế của Kitô giáo, xác lập bước đầu các nguyên lý triết học Kytô giáo. Vì lẽ đó ngay cả các nhà triết học kinh viện sau này cũng đáng được xem là các giáo phụ.

Yếu tố dung hoà bắt đầu từ Philon (26 TCN – 50), một người Do Thái giáo. Theo Philon sở dĩ triết học Hy Lạp và Kinh Thánh gặp nhau vì chúng thừa nhận một sức mạnh nền tảng là Lời thiêng, hay Logos, trong đó Kinh Thánh là Lời Chúa, còn triết học Hy Lạp là Lời Chúa đã được nhận thức và cải biến ở con người. Thông qua trực giác huyền bí, hay mặc khải, con người linh cảm về Chúa như cái bất biến, vô hạn, bất phân và siêu việt, siêu thời gian. Khác với tinh thần Hy Lạp, Philon xem Logos vừa là lý trí của Chúa, vừa là ý chí sáng tạo, “khuôn mẫu” của tồn tại. Con người, với tính cách là khâu trung gian giữa Chúa và vũ trụ, thừa hưởng sức mạnh từ cả hai, song chỉ nhờ sức mạnh lý trí của Chúa – Logos -  con người mới có khả năng không chỉ tồn tại trong thế giới, mà vượt lên trên cả thế giới hữu hình.  Tư tưởng đạo đức của Philon mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa khắc kỷ và phái Platon. Theo ông, con người được đặt ở vị trí cao nhất trong đẳng cấp các sự vật. Nhị phân linh hồn – thân xác được Philon giải thích theo quan điểm của phái Platon, nghĩa là linh hồn – phần ưu việt của con người, xuất phát từ Chúa – đẩy con người đi lên, hướng về Chúa, nhưng thân xác lại kéo nó đi xuống, hướng đến tội lỗi. Sám hối và tiết chế dục vọng là điều kiện  vươn đến cái thiện và hồng phúc của Chúa. 

Philon không thuộc về hàng ngũ giáo phụ Kitô giáo, mà chỉ là triết gia Do Thái – Hy Lạp hóa, nhưng được các giáo phụ nhắc đến như hình ảnh tiêu biểu trong quá trình xây dựng thế giới quan nhất thần. Sau Philon các học thuyết bảo vệ nhất thần giáo lần lượt ra đời, được biết đến dưới tên gọi Hộ giáo, hay đơn giản là Biện hộ (Apologetics), với các tên tuổi như Justin, Tatian, Athenagoras, Teofilo, Irenaus.

 Theo Justin (? - ?), tư tưởng của Kinh Thánh có ưu thế hơn so với triết học “dị giáo” ở tính phổ biến, tính đơn giản, tính thống nhất, tính bền vững và uy quyền. Đối lập với phong cách tư duy Hy Lạp, Justin cho rằng nhiệm vụ của triết học là bảo vệ chân lý, chứ không phải tìm kiếm chân lý. Justin có thiện cảm đặc biệt với Socrate, xem ông như Kitô hữu mẫu mực, dù chưa biết đến Kitô.

Cũng phê phán tinh thần Hy Lạp, nhưng ngoài yếu tố bản thể luận và nhận thức luận Tatian  (120 - ?), học trò của Justin,  kết án các triết gia Hy Lạp ở phương diện đạo đức. Athenagoras (thế kỷ II) thì được biết đến qua 5 luận chứng minh oan cho Kitô giáo, đó là: 1) Kitô giáo không phải là tà giáo, vì nó hướng con người đến điều thiện, với sự tôn thờ biểu tượng cao nhất của điều thiện – Chúa Trời; 2) Kitô giáo mang tính đại chúng, được các tầng lớp ủng hộ, tin theo; 3) Kitô giáo thể hiện ước muốn đưa mọi cái tản mác về sự thống nhất, nghĩa là có tính đoàn kết; 4) Kitô giáo là tôn giáo nhất thần, phù hợp với xu hướng nhất thần trong tư tưởng của các triết gia Hy Lạp vĩ đại, như  Platon và Aristote; 5) Kitô giáo là tôn giáo của sự khoan dung, xa lạ với sự thù địch và đố kỵ. Athenagoras bác bỏ vai trò của mặc khải trong sự chiêm nghiệm Chúa Trời, và là người đầu tiên sử dụng các phương pháp khoa học (quy nạp, diễn dịch) nhằm chứng minh các vấn đề tôn giáo như Đấng sáng thế, phục sinh, Chúa ba ngôi… Đi xa hơn Athenagoras, Teofilo, sống vào cuối thế kỷ II, nhấn mạnh vai trò của niềm tin trong  đời sống con người, báo hiệu một thời kỳ mới trong quan hệ giữa niềm tin và lý trí. Theo ông, cuộc sống bắt đầu từ niềm tin. Tin là cơ sở của thành công; lý trí là phương tiện thực hiện niềm tin: tin có nghĩa là gửi gắm, gửi gắm tức là hy vọng; để hy vọng biến thành  hiện thực cần có lý trí sáng suốt. Teofilo phản đối sự dung hòa nhất thần với đa thần, Kitô giáo với triết học Hy lạp, vì theo ông không thể đồng nhất chân lý với sai lầm, mật ong với thuốc độc. 

Cùng với các nhà Hộ giáo, trong thời kỳ hình thành  và truyền bá Kitô giáo đã xuất hiện những nhà triết học chủ trương xu hướng triết lý hóa Kinh Thánh dựa trên nguyên tắc chiết trung tư tưởng, nhưng vẫn nhấn mạnh ưu thế của thần học so với triết học. Chẳng hạn, nhằm chống lại cả phái sùng tín lẫn phái Ngộ đạo, Clement (150 – 215) đưa ra 5 luận cứ về sự liên kết  triết học và thần học:1) Triết học là nô lệ của thần học, nhưng là chúa tể của các khoa học “hạ đẳng”. Nhiệm vụ của triết học là chứng minh các chân lý thần học, còn các khoa học “hạ đẳng” (vật lý, thiên văn, lịch sử…) là công cụ của triết học; 2) Con đường của triết học tất yếu dẫn đến Kitô giáo, như từ những chân lý tản mác đến sự thống nhất tuyệt đối; 3) Thần học cần đến triết học để củng cố niềm tin; 4) Tri thức và niềm tin thống nhất với nhau, nhưng trong sự thống nhất đó ưu thế nghiêng về niềm tin; niềm tin là tri thức giản ước, tri thức là niềm tin cần chứng minh, tóm lại, không có niềm tin sẽ không có tri thức, nhưng niềm tin mà không cần tri thức chẳng khác nào một nền móng mà không có nhà xây trên đó; 5) Niềm tin thiêng liêng nhất là niềm tin vào Chúa, giá trị của Kinh Thánh là dẫn dắt con người vào cõi tin bằng sự linh cảm thiêng liêng về ánh sáng từ Chúa truyền xuống cho con người.

Triết học tư biện Kitô giáo tiếp tục được Origen (185 – 245), học trò của Clement, làm sáng tỏ trong học thuyết về đẳng cấp vũ trụ, trong đó Logos  chỉ chiếm vị trí thứ hai, sau Thiên Chúa; các thực thể có lý trí chiếm vị trí thứ ba. Origen đồng nhất Logos – khâu trung gian giữa Chúa và con người – với Jesus Christ, tức Chúa Con. Bác bỏ quan niệm của người Hy Lạp về Hóa công vũ trụ như  vị kiến trúc sư toàn năng nhào nặn thế giới từ hỗn mang, hay vật chất thô sơ ban đầu, Origen cho rằng Thiên Chúa sáng tạo ra thế giới từ hư vô, bởi lẽ vật chất không thể tồn tại cùng với Chúa, không thể xuất hiện  mà không có nguyên nhân. Chúa, theo Origen, sáng tạo nên thế giới nhiều lần, vì nếu chấm dứt sáng tạo thì Chúa không còn là Đấng sáng tạo nữa. Trong trật tự thế giới, Chúa tạo ra trước tiên những bản thể tinh thần tự do. Christ do Chúa sinh ra, thực hiện chức năng nối liền Chúa với thế giới, và cai quản thế giới ấy. Những người Kitô giáo vừa đồng tình, vừa phản đối Ơrighen do tính chất chiết trung và dung hòa của nó với triết học Hy lạp, song từ thế kỷ VIII phương pháp  ấy lại được sử dụng, nhất là trong những chứng lý lôgíc của Thomas Aquinas.

Các Giáo phụ Latinh, tức sử dụng ngôn ngữ Latinh trong việc truyền bá tư tưởng Kytôgiáo, từ thế kỷ II đến thế kỷ V, chiếm vị trí đặc biệt trong tư tưởng các Giáo phụ; nó ra đời trong bối cảnh khủng hoảng của chế độ chiếm hữu nô lệ và cuộc đấu tranh chống phái Ngộ đạo (Gnosticism) và thế giới quan đa thần giáo. Đi tiên phong trong cuộc đấu tranh ấy là Tertullien (160 – 230), một nhà thần học mạnh mẽ và độc đáo trong Giáo hội Latinh, hay một nhà thần học “dấn thân” theo đánh giá của giới nghiên cứu lịch sử tôn giáo. Chủ nghĩa sùng tín của Tertullien đối lập niềm tin và lý trí, thể hiện qua tuyên bố cô đọng:“tôi tin, vì đó là điều trái với lý trí”. Kết án triết học Hy Lạp là thứ  đặc quyền dành cho một số ít nhà thông thái, nhưng xa rời đại chúng, Tertullien cũng chống lại các nhà Ngộ đạo vì đã sử dụng triết học Hy Lạp để chú giải Kinh Thánh, biến nó thành sản phẩm pha tạp. Không chỉ khẳng định Thiên Chúa như  bản thể hữu vị, Tertullien còn là người đầu tiên sử dụng cấu trúc ba ngôi thống nhất (trinitas) để diễn đạt các nấc thang tồn tại của Chúa. Thứ bậc ấy như sau: trước tiên là Chúa – đấng sáng thế; tiếp đó Chúa nhân hóa Logos, đem đến cho nó tồn tại hữu vị; sau cùng là thánh thần. Chúa là gốc, Chúa Con là thân, thánh thần là quả. Mặc khải, hiểu như linh cảm thiêng liêng về Thiên Chúa, xuất phát từ niềm tin về cái nhiệm mầu, cái mà lý trí không thể đạt đến, được Tertullien lý giải theo quan điểm của chủ nghĩa sùng tín. Tin là tin vào cái không thể đối với người bình thường, nhưng đối với Chúa và những người có đừc tin mọi thứ đều có thể. “Tôi tin, vì đó là điều phi lý!” (prorsus credibile est quia ineptum est). Trong quan điểm chính trị – xã hội Tertullien chia các đẳng cấp xã hội thành hai phe – phe “quỷ” và phe “thần”, tương ứng với hai thế giới, hai hạng người đối lập nhau – vô đạo, hay tà giáo và cộng đồng Kitô giáo. Việc phân chia xã hội thành hai phe mang đậm dấu ấn của  xã hội La Mã thời kỳ chuyển tiếp, khi quyền uy của Nhà thờ chưa được khẳng định, tín đồ Kytô giáo buộc phải sống chung với tín đồ đa thần giáo, nhưng vẫn thể hiện bản sắc của mình. Tertullien sửa chữa quan niệm về tự do phù hợp với Kinh Thánh, theo đó con người tự do hay không tự do tuỳ thuộc vào ý chí của Chúa, mọi tham vọng tự do là biểu hiện của tội tổ tông. Tự do thống nhất với tính tất yếu, nghĩa là Chúa tạo ra luật, luật ấy ban cho con người quyền tự do. Vượt qua quyền lực của Chúa đồng nghĩa với đánh mất tự do. Tertullien nhìn thấy nguyên nhân xuất hiện cái ác  từ sự bất bình đẳng xã hội, sự phân cực giàu nghèo. Chỉ khi nào bình đẳng được khôi phục, thay sự thống trị của phe “quỷ” bằng sự thống trị của phe “thần”, thì cái ác mới bị loại trừ.  

Lactantius (nửa sau thế kỷ III – thế kỷ IV), một Giáo phụ Latinh khác, tỏ ra ôn hòa hơn Tertullien trong việc lý giải quan hệ giữa niềm tin và lý trí. Luận điểm xuất phát của Lactantius là: không một tôn giáo nào được thừa nhận mà không có triết lý, và không một triết lý nào được khẳng định mà thiếu yếu tố niềm tin tôn giáo. Hạn chế của triết học Hy Lạp, theo Lactantius, là tìm kiếm chân lý bên ngoài tôn giáo. Ông phê phán cách hiểu về triết học của người Hy Lạp như yêu mến sự thông thái, từ đó đưa ra nguyên tắc thống nhất lý trí với niềm tin tôn giáo, đức tin. Triết học không thể phát triển “đúng hướng”, nếu không dựa vào nền tảng vững chắc là mặc khải (revelation) – chân lý được phát lộ từ Chúa cho con người. Tuy vậy, theo Lactantius, trong liên minh đức tin – lý trí, ưu thế nghiên về đức tin chỉ  xét ở tính định hướng. Một lý trí lành mạnh vẫn hơn một ý chí mù quáng, một đầu óc sáng suốt vẫn hơn một niềm tin mê muội, người có học vấn giải quyết công việc sáng suốt hơn người vô học, và cuối cùng, người uyên bác nhất định uyên bác trong cả đức tin. Con người là khâu trung gian giữa hai thái cực – thần và thú, vì thế cần phải quàng vào lý trí một cái ách để nó không đi quá xa quyền hạn cho phép. Là nhà Hộ giáo, Lactantius phê phán quan điểm đa thần, nhấn mạnh tính duy nhất của Thiên Chúa như cơ sở giải thích tính hợp lý của thế giới. Bên cạnh đó, ông nêu ra tư tưởng về sự tồn tại của các mặt đối lập trong đời sống đạo đức của con người, mặt đối lập này là điều kiện tồn tại của mặt đối lập kia, chẳng hạn linh hồn – thân xác, thiện – ác, tốt – xấu …nhưng lưu ý rằng, thân xác phụng sự linh hồn, chứ không ngược lại. Lactantius bảo vệ quan điểm về sự bất tử của linh hồn bằng các luận chứng cụ thể, song vẫn mang tính suy đoán, liên tưởng, thiếu lôgíc.

Có thể nói các giáo phụ Latinh là những người tiêu biểu trong quá trình truyền bá Kytô giáo. Khi Kytô giáo được thừa nhận và thay thế dần đa thần giáo trong đời sống tinh thần của xã hội, nó cần đến một hệ chuẩn thế giới quan để củng cố vị trí độc tôn của mình. Các giáo phụ tiếp theo đảm nhận công việc đó. Trong lịch sử Kytô giáo còn lưu danh bảy người thầy của nhà thờ là Aphanaxơ Basilơ, Gơrêgoa xứ Nigiăng, Gơrêgoa xứ Nítsa, Thánh Ambơrôsơ, Thánh Giêrôme, Thánh Oguýtxtanh. Trong số đó ba nhà tư tưởng đầu tiên thuộc Trường phái Cappađốc, lấy tên một vùng ven Tiểu Á, chủ trương “phương án Hy Lạp” của các giáo phụ, lấy sự dung hợp tư tưởng Kytô giáo với chủ nghĩa Platon mới làm điểm xuất phát. Có thể gọi họ là những giáo phụ bản thể luận, vì họ quan tâm nhiều đến đẳng cấp vũ trụ.

Thánh Basilơ (Basile, 331 – 379) được biết đến như tác giả học thuyết Tam vị nhất thể, theo đó Chúa là Đấng sáng thế duy nhất, nhưng thể hiện ở ba diện mạo (hypostases): Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh thần.

Chúa sáng tạo nên tất cả từ hư vô, chứ không phải từ vật chất thô sơ sẵn có như quan điểm của chủ nghĩa Platon mới. Sáng tạo là hành vi ngoài thời gian, cái chỉ đáng được xem là phương thức tồn tại của các sự vật được sáng tạo – thế giới các sự vật khả giác, khả biến, bị giới hạn bởi vòm cứng, hay vùng trời thứ nhất. Vượt qua vòm cứng ấy là một thế giới được sáng tạo khác, hay vùng trời thứ hai, thế giới ngoài thời gian, tiếp giáp với tồn tại tinh thần thuần túy. Khoảng giữa hai thế giới ấy là những thực thể vật chất siêu cảm giác, vô hình, không chịu sự chi phối của các quy luật thời gian, gọi là vùng ánh sáng vật chất ngoài thời gian, từ đó hình thành những thực thể tạo hóa bậc cao – những thiên thần và linh hồn ngoan đạo. Vai trò của khâu trung gian này rất lớn, vì nó vừa là hình ảnh và sự thể hiện ánh sáng Thiên Chúa, vừa là khuôn mẫu của ánh sáng cõi trần. Cũng tại đây con người hy vọng được thanh tẩy, chuộc lỗi, trở về với sự an bằng đời đời. Quan điểm ba thế giới thực chất là sự cải biến học thuyết của trường phái Platon mới với cấu trúc Đơn nhất – Lý trí – Linh hồn, chứa đựng những yếu tố biện chứng tự phát, nhưng mang nặng màu sắc thần bí. 

Gơrêgoa xứ Nigiăng (Gregoire de Nizianze, 330 – 389) là bạn của Basile. Dù nhấn mạnh ưu thế của đức tin trước lý trí, song, tương tự  Basile, Gregoire đánh giá cao văn hóa Hy Lạp, xem nó như nguồn suối vô tận của sự uyên bác Kytô giáo.

Chủ nghĩa cực đoan của Tertullien hoàn toàn bị loại trừ khỏi tư tưởng Gregoire. Ông sửa luận điểm “tôi tin, vì đó là điều phi lý!” bằng luận điểm “tôi tin, vì nhờ đó những phán quyết của lý trí thêm vững chắc”. Lý trí dựa vào đức tin, đức tin định hướng cho lý trí. Nhà thờ là quyền uy tối thượng đối với tín đồ. Nếu Origen xem Kinh Thánh là “mái vòm thông thái toàn thế giới”, thì Gregoire so sánh Kinh Thánh với kim chỉ nam của nhận thức. Thiên Chúa “ở bên ngoài mọi danh xưng”, ngôn ngữ con người không thể diễn đạt trọn vẹn sự tồn tại của Thiên Chúa, nhưng cũng đủ để con người tin rằng có một sức mạnh dẫn dắt họ trong suy nghĩ và trong hành động. Gregoire tiếp thu quan điểm của Plotin về phân loại đẳng cấp vũ tru theo thứ bậc đơn nhất – lý trí – linh hồn, nhưng cải biến nó theo tinh thần Kytô giáo. Thứ nhất, nếu Plotin xem đơn nhất vừa là cơ sở của hiện thực, vừa là toàn bộ hiện thức, thì Gregoire đặt đơn nhất cao hơn mọi hiện thực. Thứ hai, đối với trường phái Platon mới, trong mối quan hệ cùng chiều giữa đơn nhất và lý trí, cái sau cùng này không thể thiếu trong hoạt động của con người, thì đối với Gregoire lý trí không phải là tất cả, vì còn có đức tin, và chính đức tin mới làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa. Thứ ba, nếu Plotin tin vào sự tự giải thoát của con người, thì Gregoire nhấn mạnh sự  giải thoát thông qua đức tin. 

Cách lý giải tam vị nhất thể của Gregoire khá đặc biệt, theo đó Chúa Cha không được sinh ra, sự sinh ra vĩnh hằng của Chúa Con, sự nhiệm xuất của thánh thần; ba đặc tính thuộc bình diện trí tuệ, hoàn hảo, tồn hữu, phân biệt theo số chứ không theo thần tính (M. Spannent : Giáo phụ; Tủ sách Trở về nguồn, t.2, 69, 73 – 74). Cách lý giải tam vị nhất thể của Gregoire có thể trở thành nền tảng của Giáo hội phương Đông Chính thống giáo (Orthodoxe) sau này, ngôi Cha là nguyên ủy, hai ngôi còn lại là “do nguyên ủy”: ngôi Con là một, thánh thần được dẫn xuất bởi ngôi Cha qua ngôi Con.    

Sự dung hòa giữa tư tưởng Kytô giáo với chủ nghĩa Platon mới được tiếp tục bởi Gơrêgoa xứ Nítsa (? -?), em trai của Basile. Ông thay khái niệm “ý niệm” của Platon thành Chúa, bởi lẽ “Ý niệm” chưa thể hiện được quan điểm tạo hóa. Theo ông, Chúa sáng tạo ra thế giới và truyền năng lượng vào đó, vì thế ta không tri giác được về Chúa, nhưng có thể nhận biết năng lượng vô tận từ Chúa. Toàn bộ cái đang tồn tại là sự thống nhất bản chất, tiềm thể và năng lượng. Trong thế giới tạo hóa, con người là khâu trung gian giữa Chúa và vũ trụ, chiếc cầu nối để qua đó các sự vật trở về hội nhập cùng đơn nhất. Cũng như Basile, Gơrêgoa xứ Nítsa xem thanh tẩy linh hồn là phương thức căn bản để khắc phục nguyên tội tổ tông.

Về Giáo phụ phương Tây, trước tiên phải kể đến Hilairê (315 – 366) và Víctôrinút (? – 363). Việc dùng các phương pháp triết học để chứng minh hình ảnh Chúa Ba ngôi đã đưa Hilairê đến với chủ nghĩa Platon mới. Cấu trúc ousia – dynamis – energeia của chủ nghĩa Platon mới được cải biến qua tiếng Latinh thành substantia – potestas – operatio (thực thể – sinh lực – năng lượng) để chỉ tính thống nhất của tồn tại, xuất phát từ Chúa. 

Phức tạp hơn cả chủ nghĩa Platon mới trong quan niệm về tồn tại là cấu trúc thứ bậc tồn tại của Victôrinút. Đó là một cấu trúc mang ý nghĩa triết học, theo đó tồn tại có trước mọi tồn tại là siêu tồn tại, sau đó lần lượt là thế giới siêu nghiệm, thế giới tâm linh, thế giới các sự vật khả giác, thể chất của chúng, cuối cùng là hư vô tuyệt đối. Siêu tồn tại có thể hiểu như  Thiên Chúa, hay Chúa Cha trong Cựu ước, nhưng được lý giải theo môtíp của chủ nghĩa Platon mới. Chúa không phải là tồn tại, mà là cội nguồn vĩnh cửu của mọi tồn tại, sự sống và lý trí, còn tồn tại đích thực, sự sống và lý trí đích thực, sự hoàn thiện đích thực, là Chúa Con. Chúa con được ví như Logos, biểu hiện bước chuyển từ potentia sang actus. Xem Chúa Con là hình ảnh của Chúa Cha, Víctôrinút đã bảo vệ quan niệm của Hilairê về tính đồng chủng của cái không được sinh ra và cái được sinh ra. Con người được sáng tạo theo hình ảnh Chúa. 

Thủ lĩnh có uy tín của Giáo phụ phương Tây là Thánh Ambroise (340 – 397), Giám mục địa phận Milan, được xem là “vị hoàng tử của Giáo hội”. Ông chủ trương dung nạp các yếu tố của Đông và Tây vào Kytô giáo thống nhất, liên minh nhà thờ với nhà nước, sinh hoạt tôn giáo với sinh hoạt chính trị, nhưng đồng thời đòi hỏi tính độc lập của nhà thờ trong những phán quyết về tín đồ, không phân biệt hoàng đế hay thứ dân. Ambroise không quan tâm nhiều đến bản thể luận, mà tập trung vào vấn đề đạo đức. Ngoài những nội dung truyền thống của đạo đức Kytô giáo, Ambroise nhấn mạnh sự  khôn ngoan, công bằng và mực thước như những chuẩn mực hàng đầu trong giao tiếp.

Trong số các giáo phụ Thánh Augustin (354-430) là đại diện tiêu biểu nhất, đặt nền móng cho triết học Kytô giáo cổ điển. Những vấn đề cốt lõi của triết học này được ông trình bày trong một hệ thống chặt chẽ, đồ sộ, bao gồm nhận thức luận, bản thể luận, đạo đức học, tư tưởng chính trị – xã hội. 

Augustin sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại thành phố Tagát, Bắc Phi, mất ngày 28 tháng 8 năm 430. Xuất thân trong gia đình Kytô hữu, nhưng bản thân ông lúc đầu theo dị giáo, từ phái Mani (Manicheism) đến chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa Platon mới, mãi đến năm 386 mới chuyển sang Kytô giáo, năm 387 làm lễ thụ phong. Quá trình cuộc sống từ chỗ phóng đãng, lầm lạc đến khi tỉnh ngộ, tiếp thu giáo lý Kytô, đã được Augustin trình bày cặn kẽ trong tác phẩm “Tự thú” (Confessions). Augustin để lại cho kho tàng tư tưởng Trung cổ nhiều tác phẩm quan trọng, trong đó đáng kể nhất là Chống lại phái Hàn lâm viện, Về sự bất tử của linh hồn, Về khoa học Kytô giáo, Tự thú, Vương quốc của Chúa (hay Thành đô Thiên Chúa), Chúa Ba ngôi.

Về nhận thức luận, cũng như các nhà tư tưởng Kytô giáo khác, Augustin nhấn mạnh ưu thế của đức tin trước lý trí. Nhiệm vụ mà Augustin đặt ra cho mình là chứng minh rằng những giá trị văn hóa, khoa học, triết học Hy Lạp – La Mã cổ đại không còn thích hợp nữa trong hoàn cảnh lịch sử mới. Giờ đây mọi nẻo đường của tư duy triết học đều hướng đến một chân lý duy nhất, mà việc nhận thức nó đòi hỏi kết hợp lý trí và đức tin, trong đó đức tin đóng vai trò dẫn dắt, định hướng. Luận điểm “tin để hiểu”, “đức tin đi trước nhận thức” do Augustin khởi xướng trở thành nền tảng tư tưởng của nhà thờ. Đức tin là điều kiện tiên quyết, nhưng chưa phải là điều kiện đủ của nhận thức. Con người không chỉ tin, mà còn suy nghĩ về những gì mình tin. Đức tin có trước lý trí xét về thời gian, lý trí cần hơn đức tin xét về thực chất công việc. 

Augustin đưa ra hai nhận định về tính phổ biến và tất yếu của đức tin: thứ nhất, con gnười là thực thể có lý trí, nhưng không phải ai và khi nào cũng giải quyết công việc bằng lý trí; các nhà khoa học dựa vào lý trí, đại chúng dựa vào đức tin; thứ hai, phạm vi thể hiện của lý trí hẹp hơn đức tin; cái gì tôi hiểu thì tôi mới tin, nhưng không phải cái gì tôi tin thì tôi đều hiểu; lý trí không kiểm soát hành vi của ý chí. Theo Augustin, tri thức con người xuất phát từ hai nguồn: kinh nghiệm sống và niềm tin, cao hơn là đức tin tôn giáo. Nguồn thứ nhất tỏ ra phân tán, phiến diện, hạn chế; nguồn thứ hai phong phú và chân thực. Do đó tin vào Thiên Chúa cần đi trước nhận thức. Niềm  tin giúp con người hiểu biết sâu sắc hơn; không có niềm tin không đi đến tri thức một cách vững chắc. Chân lý khoa học cũng là một kiểu niềm tin đặc biệt, nhưng ở đó niềm tin không kiểm soát lý trí, mà ngược lại, lý trí kiểm soát niềm tin. Tuy nhiên, xét đến cùng, lý trí phụng sự niềm tin, khoa học phụng sự tôn giáo, tri thức là tri thức về thần, triết học chân chính là triết học dạy ta biết yêu Thiên Chúa. Nhận thức, theo Augustin, trải qua hai nấc thang là cảm tính và lý tính. Nhận thức cảm tính, với năm giác quan phổ biến và một giác quan đặc biệt – cảm giác tâm linh, hướng đến thế giới khả giác, nhận thức lý tính khám phá thế giới khả niệm (intelligible). Nhận thức cảm tính chỉ bao quát một phần thực tại, còn nhận thức lý tính đem đến tri thức chân thực, tuyệt đối về cả hai thế giới. Lý tính có năng lực ấy, bởi vì trong bản thân nó luôn hiện diện trực giác thần bí, siêu việt, được soi rọi bởi ánh sáng Thiên Chúa. Quan điểm nhận thức “hướng nội” là tiền đề của học thuyết thần khải – một trong những đặc trưng của tư tưởng Augustin. Đó là sự kết hợp trường phái Platon, chủ nghĩa Platon mới với thế giới quan Kytô giáo, khoa học với thần học. Tự trong sâu thẳm linh hồn con người cảm nhận ánh sáng chân lý không chịu sự quy định của tương quan không – thời gian. Augustin gọi Chúa là “cha của ánh sáng trí tuệ” và “cha của sự soi sáng chúng ta”. Ông xem linh hồn như nguồn sống điều khiển cơ thể trong mọi hoạt động, xem tự nhận thức như khởi điểm của quá trình vươn tới chân lý tối cao.

Về bản thể luận, Augustin quan tâm trước tiên đến vấn đề tồn tại và thời gian. Chịu ảnh hưởng của Platon, Augustin nhấn mạnh tồn tại tuyệt đối, không pha tạp. Tồn tại bao gồm các đặc tính và các cấp độ cơ bản:1) tính vĩnh cửu, bất biến, không chịu sự chi phối của thời gian, không bị hủy diệt; 2) tính đơn giản, không phân chia; 3) mô thức thuần túy. Thiên Chúa là tồn tại hoàn hảo nhất – tồn tại tối cao, thực thể tối cao, mô thức tối cao, điều lợi tối cao. Tồn tại của Thiên Chúa là tồn tại siêu nhiên, siêu thời gian, siêu không gian, phi vật chất, vĩnh cửu, được Augustin quy về cái thiện và điều lợi, còn  cái không tồn tại, sự diệt vong, cái chết, sự thối rửa, khả hủy (destructio) bị quy về cái ác. Đối lập với Aristote, người lý giải sự xuất hiện của thời gian cùng vũ trụ, Augustin cho rằng thời gian cùng toàn bộ thế giới có khởi điểm từ tồn tại bất biến, vĩnh cửu, nghĩa là trong khi sáng tạo ra các sự vật, Chúa xác lập thời gian như thước đo sự thay đổi của chúng. Về dòng thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai), thuyết tương đối của Augustin chỉ rõ, cả quá khứ và tương lai trên thực tế đều không hiện diện, không được trực giác, nên không thể đo lường được. Hơn nữa, do tính nhanh chóng của dòng chảy thời gian mà ngay cả hiện tại cũng khó chặng đứng để đo lường. Khắc phục nan giải đó, Augustin hướng đến chủ quan tính của thời gian, theo đó sự đo lường thời gian lệ thuộc vào sự cảm nghiệm tinh thần về thời gian; nội dung tinh thần (ấn tượng, ký ức) là thước đo thời gian đối với con gnười, bản chất của thời gian là vấn đề còn bỏ ngõ. Nét độc đáo trong cách lý giải thời gian của Augustin chính là “thời tính” của đời sống tâm linh.

Trong thuyết sáng tạo (Creationism) Augustin nhất trí với trường phái Platon mới về sự tồn tại của một bản chất tối cao vượt lên trên thế giới hữu hình, nhưng sửa chữa nó ở ba điểm: thứ nhất, không thể chấp nhận cách nhìn đen tối về thế giới như một “cái xác” cần được làm sống lại, bởi vì cách nhì ấy trái với thuyết sáng tạo; thứ hai, thời gian và thế giới khả giác không thể có đặc tính vĩnh cửu, vô hạn, như Plotin nhận định, vì chúng không thuộc về thế giới của tồn tại đích thực, bất biến; thứ ba, chủ nghĩa Platon mới xem đơn nhất như bản thể hư vị, còn Augustin lý giải Thiên Chúa như bản thể hữu vị. Chúa trong quan niệm của Augustin khác với Hóa công trong quan niệm của Platon và trường phái Platon. Chúa là Đấng sáng tạo tối cao. Augustin hình dung đẳng cấp vũ trụ sau Chúa từ trên xuống lần lượt là thiên thần, con người, loài vật, cỏ cây, khoáng vật. Chúa tạo ra tất cả những thứ ấy không theo tính tất yếu, mà theo ý chí tự do. Mọi thứ diễn ra hoặc từ Chúa (Chúa Con), hoặc do Chúa (thế giới). Trước khi thế giới được sáng tạo ra không có cái gì tồn tại cả, trừ Chúa.

Trong đạo đức học, Augustin nhấn mạnh tính hai mặt của con người, do chỗ con người được sáng tạo từ “không tồn tại”, nên luôn bị đe dọa đi vào cõi tịch diệt. Con người mắc tội tổ tông, bởi vì phần thân xác đè nén phần linh hồn. Nhờ xưng tội và chuộc lỗi mà mọi thứ trở về vị trí ban đầu. Linh hồn là cái cốt lõi trong con người, đóng vai trò quyết định, vì nó là sự sống và lý trí. Con người là linh hồn lý tính, điều khiển thân xác. Ba phạm trù cơ bản trong đạo đức học của Augustin là tự do ý chí, tình yêu và lương tri. Chúa ban cho con người tự do ý chí, quyền lựa chọn cái tốt nhất từ những cái tác động lên linh hồn. Tự do ý chí không mâu thuẫn với ân sủng của Chúa. Trong hoạt  động của Chúa tự do thể hiện tuyệt đối, còn trong hoạt động của con người nó được Chúa giới hạn. Tình yêu thống nhất với ý chí, là sức mạnh thu hút, cảm hóa, hướng sự vật về vị trí tự nhiên của nó. Tình yêu dành cho Chúa trước tiên, vì Chúa là Đấng sáng tạo quy luật đạo đức muôn đời, cội nguồn của những chuẩn mực và giá trị. Kết quả của tình yêu là hạnh phúc, khoái lạc, điều lợi. Augustin hình dung thang bậc tình yêu từ trên xuống như sau: trong tự nhiên và con người yêu cái gần Chúa hơn cái xa Chúa, yêu sự sống hơn cái chết, yêu linh hồn hơn thân xác, trong linh hồn yêu phần lý trí hơn phần dục vọng, trong lý trí yêu phần chiêm nghiệm hơn phần hành động. Như vậy thang bậc tình yêu phản ánh trật tự vũ trụ do Chúa sáng tạo. Khâu trung gian đóng vai trò hòa giải ý chí, tình yêu và lý trí là lương tri. Khi nào ý chí và tình yêu mâu thuẫn với lý trí, thì lương tri xuất hiện như tiếng gọi thức tỉnh đối với cả hai. Lương tri, tức quy luật đạo đức, trong trường hợp này mạnh hơn lý trí, bởi xét về nguồn gốc thì nó là minh chứng của lý trí Thiên Chúa, chuẩn mực của mọi chuẩn mực; xét về ý nghĩa nó gợi lên lòng chân thành, và từ lòng chân thành đi tới giác ngộ. Lương tri và công bằng là hai đức hạnh phổ biến trong con người. Mục đích cao cả nhất của đạo đức là cứu rỗi con người. Trong Tự thú Augustin chỉ ra hai cách lý giải thiện – ác. Từ góc độ bản thể luận tồn tại là điều lợi, cái thiện, còn khiếm khuyết tồn tại bị quy về cái ác. Cái ác sinh ra là do cái thiện bị suy yếu. Từ góc độ đạo đức cái ác xuất hiện do ý chí bị lung lạc, chệch hướng, không chịu sự kiểm soát của lý trí. 

Đạo đức học của Augustin là sự triết lý hóa tư tưởng Kinh Thánh về những chuẩn mực và giá trị đạo đức, về giải thoát, cứu rỗi…Mọi vấn đề được đặt ra và giải quyết một cách thần bí, duy tâm.   

Quan điểm lịch sử – xã hội mang dấu ấn của đế quốc La Mã thời kỳ suy tàn. Lịch sử loài người được quy định bởi cuộc đấu tranh giữa hai thiết chế – Vương quốc (hay Đô thành) của Chúa (Civitas Dei) và Vương quốc trần gian (Civitas terrena). Những đặc tính đối lập nhau được trình bày khá rõ ràng: một đằng sống theo ý chí Thiên Chúa, đằng khác là sống theo chuẩn mực con nguời; một đằng bao gồm những người mộ đạo, nhân từ, đề cao sức mạnh tinh thần, đằng khác là những kẻ ích kỷ, đề cao lạc thú vật chất; một đằng yêu kính Chúa quên thân mình, đằng khác là yêu bản thân quên cả Chúa; một đằng chủ trương sống hôm nay kỳ vọng vào ngày mai, đằng khác chỉ biết sống hôm nay, biết hôm nay; một đằng luôn đề cao sự đồng cảm giữa các thành viên, đằng khác là sự thù địch và đố kỵ giữa các thành viên. Trong thế giới khả nghiệm, hay tồn tại trần gian, hai vương quốc ấy đan xen nhau, không ai biết trước mình sẽ thuộc về vương quốc nào. Một số người được Chúa chọn lựa sẽ gia nhập vào vương quốc của Chúa, một số khác, đông hơn, bị cuốn hút vào lãnh địa của những thiên thần sa ngã. Nêu ra ý tưởng này Augustin muốn lưu ý rằng một mặt Chúa định trước số phận loài người, mặt khác đòi hỏi mỗi cá nhân phấn đấu, tu dưỡng để hướng đến vương quốc của hạnh phúc. Bên cạnh đó sự phân chia hai vương quốc có ý nghĩa chính trị nhất định. Biểu tượng của vương quốc trần gian trong con mắt của Augustin là Babilon quá khứ và đế quốc La Mã hiện tại. Biểu tượng vương quốc của Chúa là Jerusalem và những nơi thiêng liêng khác. Vương quốc của Chúa biểu thị ước nguyện chính trị của Augustin về một nhà nước hợp quần toàn nhân loại. Trong nhà nước ấy không còn ông chủ và nô lệ, tất cả mọi người đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. 

Lịch sử nhân loại được Augustin xem xét qua lăng kính thần trí học (Theosophy), liên tưởng đến sáu ngày Sáng thế trong Cựu ước. Tất cả các thời đại lịch sử đều được lý giải trong khuôn khổ của thuyết tiền định và quan niệm ngày tận thế, chấm dứt một chu kỳ và mở ra một chu kỳ phát triển mới. Thực chất phép biện chứng thần bí của Augustin là đằng sau lớp vỏ hoang đường đã ẩn chứa số phận con người và lịch sử loài người trong những thời đại hiện thực. Trong lịch sử ấy mọi thứ không ngừng biến đổi, cái cũ mất đi, cái mới ra đời, đỉnh cao của sự phát triển lại báo hiệu sự thoái hóa không cưỡng được. Việc nhấn mạnh tính quy luật, tính định hướng trong hoạt động của con người làm cho quan điểm lịch sử – xã hội của Augustin mang ý nghĩa tích cực. Ngay hình ảnh Tòa án khủng khiếp và ngày tận thế cũng gợi nên suy nghĩ về tội ác và ngày tàn của đế quốc La Mã.  


Triết học+
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?