Nhận định chung về triết học Tây Âu trung cổ

Trung cổ là thời đại chiếm ưu thế của hình thức tư duy tôn giáo, mà đối với Tây Âu là Kytô giáo. Đó là thời đại thống trị của các tín điều nhà thờ, sự lọai trừ tự do tư tưởng, truy bức các nhà triết học và khoa học tiến bộ. Những tội ác do nhà thờ gây ra (Tòa án Giáo hội, các cuộc thập tự chinh…) vẫn còn để lại những dấu ấn nặng nề trong lịch sử nhân lọai. Triết học trở thành công cụ của thần học, chịu sự chi phối toàn diện của thần học Kytô giáo ở khía cạnh bản thể luận, nhận thức luận và đạo đức, nhân sinh – xã hội. Chức năng của triết học không phải là tìm kiếm và khám phá chân lý, mà chứng minh cho chân lý đã sẵn có. Quá trình chuyển biến từ hình thức tín ngưỡng đa thần sang nhất thần song hành với sự chuyển biến từ tinh thần đa nguyên triết lý của người Hy Lạp – La Mã sang độc quyền tư tưởng.  


 Bên cạnh đó cần thấy rằng chính trên cơ sở triết học tôn giáo thời trung cổ, với mục đích đưa những cái tản mạn, phân liệt về sự thống nhất, gắn với xu thế chuẩn hóa tư duy, dù đó là chuẩn hóa trong phạm vi tư tưởng Kytô giáo,  mà khủng hỏang chính trị – xã hội và tinh thần, vốn là nhân tố bên trong của sự sụp đổ nhà nước và văn hóa cổ đại, đã được khắc phục. Sự thống trị của ý thức hệ tôn giáo trong một thời gian nhất định góp phần tạo nên sự ổn định chính trị tại nhiều quốc gia. Lẽ cố nhiên việc duy trì quá lâu một môtíp tư duy, xem các tín điều là những chân lý bất biến, tuyệt đỉnh, đưa đến sự ngưng đọng, trì trệ trong hoạt động sáng tạo của con người, loại trừ nhân tố mới, tạo nên cả vùng cấm lẫn khoảng trống trong sinh hoạt tri thức.Triết học kinh viện Trung cổ từ nửa sau thế kỷ XIV rơi vào khủng hoảng, vì nó không còn đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn xã hội và nhu cầu nhận thức của con người. 

“Đêm trường trung cổ” là cách diễn đạt về sức ỳ của tư duy triết học, khoa học, song  trong một số lĩnh vực khác của văn hóa (kiến trúc, hội họa, văn chương…) thời đại này đã để lại nhiều công trình đáng trân trọng. Bên cạnh đó triết học Kytô giáo cũng thiết lập được những tiêu chí đạo đức xã hội căn bản, truyền bá những giá trị nhân loại chung (thông qua tôn giáo, giáo dục con người theo tinh thần vị tha, khoan dung, tính cách “hiệp sỹ”. Một số giá trị về sau trở nên lỗi thời, bị đào thải, song một số khác vẫn được duy trì trong điều kiện mới. Một số giá trị bị nhà thờ trung cổ xuyên tạc (chủ nghĩa thần quyền) đã trở về với diện mạo thật sự của mình, hoặc trải qua cách tân, cải biến. Thời Phục hưng làm cho quá trình này trở nên thiết thực.

Triết học+
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?