Hàn Phi với quan niệm định pháp
Hàn Phi là một trong những bộ óc lỗi lạc nhất của Trung Hoa và thế giới Cổ đại trên nhiều lĩnh vực, như văn học, triết học, chính trị,... Ông cũng là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên dám nhìn thẳng vào sự thật với tất cả sự tàn nhẫn của nó để tìm cách đem lại cuộc sống yên ổn cho người dân trong khuôn khổ của thời đại quân chủ.
Trên cơ sở kế thừa và kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố pháp, thuật, thế của các nhà triết học đi trước, Hàn Phi đã xây dựng nên đường lối trị nước và thổi vào đó một tinh thần mới, làm cho nó có sức sống với hi vọng giúp các bậc vua, chúa trị quốc. Trong đường lối chính trị của mình, Hàn Phi đã đưa ra những lý luận cơ bản về xây dựng và thi hành pháp luật, như vấn đề định pháp, vấn đề thi hành pháp luật phải công bằng, vấn đề giáo dục pháp luật cho dân hiểu..., trong đó, vấn đề định pháp (lập pháp) được ông quan tâm nhiều nhất.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Hàn Phi sinh năm 280, mất năm 233 trước CN. Ông xuất thân từ tầng lớp quý tộc, là công tử của nước Hàn, thích cái học hình danh, pháp, thuật. Vốn là người nói ngọng, không thành công trong việc lập ngôn, thuyết pháp, nên ông đã dốc hết tâm trí vào việc viết sách. Hàn Phi và Lý Tư (người sau này có công lớn đưa Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc) cùng theo học Tuân Khanh, nhưng chính Lý Tư cũng thừa nhận mình không bằng Hàn Phi. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên có chép: “Cùng với Lý Tư học ở Tuân Khanh. Tư tự coi không bằng Phi”(1).
Hàn Phi sinh ra ở nước Hàn và học thuyết của ông cũng hình thành ở đất nước đó, nhưng lại không được vua Hàn sử dụng, bởi vua Hàn không thấy được giá trị thiết thực của học thuyết này, mà chỉ thấy được sự khác biệt của nó với tất cả các học thuyết trước, như học thuyết của Khổng Tử dùng Nhân để trị nước, học thuyết của Tuân Tử dùng Lễ để trị nước, và cũng không thấy được Lễ và Pháp là rất gần nhau. Với học vấn uyên bác và cái nhìn tổng quát về tình hình chính trị - xã hội qua các thời đại, Hàn Phi thực sự hiểu được bối cảnh nước Hàn thời kỳ đó. Ông đã nhiều lần dâng thư lên vua Hàn, nhưng nhà vua không nghe. Vì thế, ông phẫn uất trong cảnh cô độc và viết những tư tưởng của mình thành học thuyết và tin là nó sẽ làm cho dân yên, nước mạnh, xã hội phát triển. Học thuyết của ông được trình bày trong bộ sách Hàn Phi Tử gồm 55 thiên, với 10 vạn chữ.
Khi tác phẩm của Hàn Phi được đưa đến nước Tần, Tần Thủy Hoàng đọc hai thiên của tác phẩm và thán phục vô cùng, coi đây là tác phẩm của bậc tiền nhân, hận nỗi không được gặp tác giả. Lý Tư cũng nói với Tần Thủy Hoàng rằng Hàn Phi là bạn học của mình. Tần Thủy Hoàng đã thốt lên rằng: “Ta được làm bạn với con người này, thì có chết cũng không uổng”(2).
Hàn Phi trở thành sứ giả của nước Hàn, sang nước Tần vừa để làm nhiệm vụ cứu nước Hàn, vừa để thực hiện những tư tưởng của mình. Khi sang nước Tần, Hàn Phi dâng vua Tần bài Bảo tồn nước Hàn và ra sức thuyết phục nước Tần đừng đánh nước Hàn. Lý Tư cho rằng, Hàn Phi chỉ mưu cầu lợi cho nước Hàn mà làm hại nước Tần. Khi bị bắt vào ngục, biết tình thế không thể cứu vãn được nước Hàn, Hàn Phi tiếp tục viết bài Lần đầu yết kiến vua Tần, khiến vua Tần hết sức thán phục. Lý Tư sợ vua Tần sẽ tin dùng Hàn Phi mà ảnh hưởng đến tiền đồ của mình, nên đã ép Hàn Phi uống thuốc độc mà chết.
Mười hai năm sau khi Hàn Phi qua đời, Tần Thủy Hoàng đã vận dụng học thuyết của Hàn Phi để thống nhất Trung Quốc. Những tư tưởng của Hàn Phi đề ra rất phù hợp với hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ, phản ánh đúng xu thế phát triển của xã hội và có tác dụng làm chuyển biến xã hội, nên đã được nước Tần đón nhận và thực hiện. Nhờ đó, lịch sử Trung Quốc đã bước sang một giai đoạn mới.
Trong tác phẩm Hàn Phi Tử của mình, Hàn Phi đã đưa ra một cái nhìn hết sức thực tiễn. Ông thấy được vai trò quan trọng của pháp luật trong việc cai trị đất nước. Ông cho rằng, then chốt của việc xây dựng đất nước giàu mạnh là phải dựa vào pháp luật: “Không có nước nào luôn mạnh, cũng không có nước nào luôn yếu. Hễ những người thi hành pháp luật mà mạnh thì nước mạnh, còn hễ những người thi hành pháp luật mà yếu thì nước yếu”(3). Theo ông, “Pháp luật là mệnh lệnh ban bố ở nơi cửa công, hình phạt chắc chắn đối với lòng dân, thưởng cho những kẻ cẩn thận giữ pháp luật, nhưng phạt những kẻ làm trái lệnh. Đó là điều bầy tôi phải tuân theo”(4). Pháp luật, xét đến cùng, chính là quy chuẩn chung mà mọi người phải theo, là tiêu chuẩn chính xác nhất để phân định chính và tà, tốt và xấu. Kẻ thượng chí tuy làm việc đúng ngay, nhưng trước hết phải lấy phép tắc của thiên vương làm chuẩn.
Pháp luật có vai trò quan trọng như vậy nên cần phải xây dựng pháp luật sao cho tốt. Hàn Phi cho rằng, khi xây dựng pháp luật thì trước hết phải chú ý đến vấn đề định pháp và do vậy, ông đã dành thiên “Định pháp”(5), quyển số XVII - một trong những thiên quan trọng nhất của tác phẩm Hàn Phi Tử - để nói về vấn đề thiết lập hệ thống pháp luật. Theo ông, một hệ thống pháp luật tốt không phải được xây dựng dựa trên ý muốn chủ quan của cá nhân, mà cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc, như pháp luật phải minh bạch, được ghi thành văn bản và phổ biến rộng rãi; pháp luật cần phải có lý lẽ, dẫn chứng xác đáng, rõ ràng; pháp luật phải hợp với thời thế; pháp luật phải thống nhất và có tính ổn định...
Về nguyên tắc, pháp luật phải minh bạch, được ghi thành văn bản rõ ràng và được phổ biển rộng rãi. Trước và trong thời đại của Hàn Phi, đại đa số các trào lưu triết học và các bậc vua chúa Trung Quốc đều cho rằng, pháp luật cần giữ bí mật với dân, chỉ riêng quan lại được biết. Pháp luật không được phổ biến rộng rãi đã làm cho sự chuyên chế của giai cấp quý tộc ngày càng trở nên nặng nề, mâu thuẫn xã hội ngày một trầm trọng. Hàn Phi là người ủng hộ mạnh mẽ quan điểm phổ biến pháp luật cho dân. Ông cho rằng, pháp luật không chỉ là dùng hình, mà cần được thành văn, in ấn cẩn thận để quan phủ công bố rộng rãi cho dân chúng biết mà thi hành. Hàn Phi nói: “Luật là cái được biên chép vào sổ sách, đặt nơi quan lại để ban khắp trăm họ. Do luật pháp ấy mà trăm họ được báo cho biết những gì phải làm và những gì không được làm”(6). Rằng, khi “pháp luật rõ ràng thì người trên được tôn trọng mà không bị xâm lấn. Người trên được tôn trọng và không bị xâm lấn thì vua mạnh và nắm được cái chủ yếu...”(7). Pháp luật không được phổ biến sẽ làm cho dân chúng điều hay cũng không biết, mà phạm phải điều cấm cũng không hay. Người dân được phổ biến pháp luật thì mới hiểu được những điều được làm và không dám làm điều nghịch, nhà vua nhờ thế không phải nhọc nhằn mà mọi việc vẫn ổn định.
Về nguyên tắc, pháp luật cần phải có lý lẽ, dẫn chứng xác đáng, rõ ràng. Hàn Phi cho rằng, khi pháp luật đã được phổ biến rộng rãi, để cho mọi người tuân theo thì bản thân pháp luật phải được soạn thảo sao cho mỗi điều ngăn cấm hoặc thăng thưởng cần phải có lý lẽ, dẫn chứng xác đáng, rõ ràng. Pháp luật cần chỉ ra và ghi rõ bằng văn bản những tình huống liên quan, những nguyên tắc xét xử, phán quyết, các chứng cớ được trình bày, nhờ đó mà tránh được tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật hoặc trông chờ sự may mắn hay phán xử do ý muốn chủ quan của một cá nhân nào đó. Pháp luật nghiêm minh thì các quan thực thi pháp luật, giữ gìn trị an mới được dễ dàng, các bậc vua chúa mới nắm được những công việc quan trọng và người dân bình thường mới biết việc phải làm. Giữ gìn được trật tự thì triều đình và nhà vua không phải khó nhọc mà cai trị vẫn tốt.
Về nguyên tắc, pháp luật phải hợp với thời thế, Hàn Phi cho rằng, pháp luật là công cụ của giai cấp thống trị để bảo vệ lợi ích cho mình, do vậy để cai trị tốt, cần phải dựa vào xu thế vận động của xã hội mà đặt ra pháp luật. Nhìn nhận sự phát triển của xã hội theo hướng duy vật, ông cho rằng, pháp luật không phải là ý chí chủ quan của một ai đó đưa ra, mà pháp luật được định ra dựa trên những đòi hỏi khách quan từ thực tiễn cai trị. Và, khi phê phán gay gắt các quan điểm hoài cổ, chủ trương giữ nguyên cách cai trị đất nước theo truyền thống, không chịu nắm bắt sự thay đổi của lịch sử, đặc biệt là quan niệm của Nho gia, Hàn Phi cho rằng: “Thời thế thay đổi mà cách cai trị không thay đổi thì sinh loạn... Cho nên, bậc thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà đổi, sự ngăn cấm theo khả năng mà đổi”(8). Muốn vậy, theo ông, điều quan trọng là phải xây dựng được các điều luật kịp thời, phải dựa trên sự thay đổi của xã hội mà bổ sung thêm cho pháp luật và chỉ có như vậy, pháp luật mới có tác dụng, khi thực hiện mới có tính khả thi.
Về nguyên tắc, pháp luật phải thống nhất và có tính ổn định. Hàn Phi cho rằng, “pháp luật không gì bằng thống nhất và chắc chắn, khiến cho dân biết nó”(9). Pháp luật là công cụ đắc lực của nhà vua khi nó có tính thống nhất, chắc chắn. Pháp luật không được lẫn lộn, chồng chéo, mập mờ mà phải thống nhất. Một nước chỉ nên có một hệ thống luật pháp.
Trong thiên Định pháp, Hàn Phi đã lấy ví dụ về trường hợp sử dụng luật pháp của Thân Bất Hại rằng, “pháp luật cũ của nước Tấn chưa chấm dứt, mà pháp luật mới của nước Hàn đã ra đời. Mệnh lệnh của tiên quân chưa thu lại mà mệnh lệnh của ông vua sau đã ban ra. Thân Bất Hại nếu không chuyên lo về pháp luật của nó, nếu không làm cho mệnh lệnh thống nhất thì bọn gian sinh lắm việc”(10). Khi vận dụng tư tưởng của Lão Tử để lý giải vấn đề này, ông cho rằng, pháp luật phải tuỳ thời mà thay đổi, nhưng không phải vì thế mà tuỳ tiện sửa đổi, bởi pháp luật là chuẩn mực của xã hội để phân định tà ác - chính nghĩa, tốt - xấu, đúng - sai. Cho nên, “người thợ khéo tuy dùng ý và mắt cũng đúng dây mực nhưng trước đó phải lấy cái quy cái củ để đo(11). Kẻ thượng trí tuy làm việc đúng ngay nhưng trước đó phải lấy phép tắc tiên vương làm chuẩn. Cho nên nhờ dây dọi thẳng mà cây cong bị đẽo. Nhờ cái mực nước bằng mà chỗ cao, chỗ nghiêng bị gọt”(12).
Theo Hàn Phi, pháp luật phải thống nhất và ổn định mới có sức mạnh răn đe kẻ ác và tạo lòng tin tưởng nơi dân chúng: “Nói chung, pháp lệnh mà thay đổi thì việc lợi và hại cũng khác đi. Việc lợi và hại khác đi thì việc làm của dân thay đổi... cho nên, nếu lấy lý mà xét thì cứ việc lớn và nhiều mà hay thay đổi thì ít thành công”(13).
Về nguyên tắc, pháp luật phải dễ hiểu, có khả năng thi hành và gắn với lợi ích của con người. Trước Hàn Phi, Quản Trọng cho rằng, chính lệnh cần phải không cao xa mà dễ thi hành. Theo quan điểm của Hàn Phi, trong thiên hạ, ngoài một số ít là thánh nhân, còn đại đa số nhân dân đều khó có thể hiểu được những đạo lý sâu xa. Với quan điểm này, ông cho rằng, một trong những nguyên tắc hết sức quan trọng của việc định pháp là làm sao cho pháp luật phải thật dễ hiểu, dễ thi hành. Tránh việc pháp luật quá cao xa, khiến người dân hiểu sai, dẫn đến thi hành sai. Nếu pháp luật khó hiểu khiến người dân thực hiện sai và bị phạt thì sẽ dẫn đến việc kiện tụng rắc rối. Hàn Phi nói: “Pháp chế gọn thì việc kiện tụng của dân ít đi. Thế cho nên sách của thánh nhân thế nào cũng diễn giải rõ ràng, pháp luật của minh quân bao giờ cũng xét đoán mọi việc rõ ràng”(14).
Về nguyên tắc, pháp luật phải công bằng, phải thể hiện sự bênh vực kẻ yếu, số ít. Đây là tư tưởng thể hiện sự thương dân giống như Mạnh Tử của Hàn Phi. Nhìn chung, trước đây, các nhà cầm quyền chỉ muốn công bằng mà không muốn tình thương. Chẳng hạn, nếu quý tộc mà bị hình phạt thì không xử như hình phạt của thường dân, mà xử theo lễ, tức là “lệ” riêng của quý tộc. Hàn Phi muốn dùng luật để xóa bỏ cái đặc quyền đó của quý tộc, bắt quý tộc cũng phải thực hiện pháp luật như người dân. Ông cho rằng, “kẻ làm vua là kẻ phải giữ pháp luật, căn cứ vào kết quả để mà xét để lập công lao. Chỉ nghe có quan lại tuy làm loạn nhưng dân vẫn cứ tốt, nhưng không nghe có dân làm loạn nhưng quan lại vẫn cứ trị an một mình. Cho nên bậc vua sáng trị quan lại chứ không trị dân...”(15).
Pháp luật là cái chuẩn mực để mọi người tuân theo và thực hiện công bằng. Khi lệnh được ban ra thì mọi người dân bắt buộc phải thi hành. Những điều khoản đó vừa phải công khai, vừa phải công bằng. Ranh giới giữa công và tư đôi khi rất khó xác định, nhưng bậc quân vương anh minh thì phải loại bỏ được những ân nghĩa cá nhân để xác định rõ ranh giới công - tư đó. Người làm vua phải thấy được cái đúng, cái sai để thưởng, phạt một cách khách quan, chứ không thể dùng sự chủ quan của riêng mình hoặc nể nang ai cả. Quan lại mà làm sai thì cũng phải bị xử phạt như dân thường. Cho nên, “pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu...”(16).
Ngay cả việc quy định và thực hiện thưởng, phạt cũng phải theo đúng phép tắc. Vì vậy, “nếu có ông vua biết bỏ điều riêng tư, cong queo mà theo phép công thì dân sẽ được yên mà nước sẽ được trị. Nếu có ông vua mà bỏ được điều riêng tư, thi hành phép công thì quân đội mạnh mà kẻ địch yếu. Nhờ vậy, ông vua biết rõ được việc nên, việc không nên, có quy định theo phép tắc”(17). Khi nói về sự công bằng trong việc xây dựng pháp luật, Hàn Phi đã lấy ví dụ từ câu nói của Chiêu Vương rằng: “Phép tắc của nước Tần ta, khiến dân có công thì được thưởng, có tội thì bị phạt. Nay rau cỏ năm vườn, khiến cho những người dân có công hay không có công đều được thưởng. Nói chung, việc khiến cho dân chúng có công hay không có công đều được thưởng đó là đường sinh loạn. Phát của cải năm vườn mà nước loạn không bằng vứt bỏ rau quả mà nước trị”(18).
Nói tóm lại, bên cạnh những hạn chế, như quá nhấn mạnh đến vai trò của pháp luật, đến biến pháp mà không chú ý đến nhân nghĩa, đạo đức, kiêm ái trong việc trị nước, an dân..., quan niệm về định pháp của Hàn Phi đã nêu ra cơ sở lý luận về lập pháp mà phong kiến phương Đông ít nhiều được thừa hưởng. Những yêu cầu, như sự minh bạch, rõ ràng, tính phổ biến, tính công bằng... của pháp luật trong quan niệm của ông đều có ý nghĩa thiết thực sâu sắc. Ngày nay, ở mức độ nhất định, một số nội dung trong quan niệm định pháp, như sự minh bạch, rõ ràng, tính nghiêm minh, công bằng, tính phổ thông của pháp luật... do Hàn Phi đề ra vẫn còn có giá trị gợi mở đối với công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước mà Đảng và nhân dân ta đang tiến hành. Tuy nhiên, sự đề cao quá mức những đóng góp của tư tưởng pháp trị Hàn Phi cũng như sự phủ nhận những giá trị của tư tưởng đó đều là sai lầm và không đúng với phương pháp tiếp cận khi nghiên cứu lịch sử tư tưởng nhân loại.
(BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN TC TRIẾT HỌC, SỐ 5 (252), THÁNG 5-2012)
NGUYỄN THỊ HẢO (*)
(*) Nghiên cứu viên, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Tư Mã Thiên. Sử ký (Phan Ngọc dịch). Nxb Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 1999, tr.165.
(2) Hàn Phi. Hàn Phi Tử (Phan Ngọc dịch). Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.8.
(3) Hàn Phi. Sđd., tr.55.
(4) Hàn Phi. Sđd., tr.478-479.
(5) Hàn Phi. Sđd., tr.478.
(6) Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử triết học phương Đông, t.2. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997, tr.173.
(7) Hàn Phi. Sđd., tr.62.
(8) Dẫn theo: Vũ Kim Dung. Tư tưởng Hàn Phi (Luận án Tiến sĩ Triết học), bảo vệ tại Viện Triết học năm 2003, tr.106.
(9) Hàn Phi. Sđd., tr.547.
(10) Hàn Phi. Sđd., tr.479.
(11) “Cái quy” là cái compa, “cái củ” là cái êke.
(12) Hàn Phi. Sđd., tr.62.
(13) Hàn Phi. Sđd., tr.187.
(14) Hàn Phi. Sđd., tr.552.
(15) Hàn Phi. Sđd., tr.394.
(16) Hàn Phi. Sđd., tr.62.
(17) Hàn Phi. Sđd., tr.56.
(18) Hàn Phi. Sđd., tr.401.
Theo Viện Triết học
Đánh giá bài viết?