Triết lý của Ngôn ngữ và Tư tưởng

Triết lý của Ngôn ngữ và Tư tưởng

Gerald Vision
Đại học Temple
Bản dịch của Ngô Thanh Nhàn


Các triết lý[1] của ngôn ngữ và tinh thần, cùng với lý thuyết về tri thức, vẫn luôn luôn nằm gọn trong trung tâm điểm của triết học phương Tây suốt thế kỷ này và thế kỷ trước. Kết quả của cả hai, và kỹ thuật chúng sử dụng, đã được thu nhận vào mọi ngành khác của triết học.  Bài viết này tập trung vào triết lý của ngôn ngữ.  Phần sau của bài chúng ta sẽ thấy điều này kết nối với tư tưởng như thế nào, một chủ đề cơ bản trong triết lý của tinh thần.

Triết lý của ngôn ngữ có thể tiến hành theo một trong hai cách.  Một, nó là cách tiếp cận các vấn đề chuẩn mực trong triết học qua nghiên cứu những thành ngữ ngôn ngữ học[2] trọng yếu mà trong đó chúng được nêu lên.  Cách xử lý các vấn đề cổ điển có định hướng ngôn ngữ học này cũng có thể được gọi là "triết lý ngôn ngữ học".  Ví dụ, chúng ta có thể tiếp cận triết lý đạo đức bằng cách xem xét hàm ý của các tình huống tiền-triết lý trong đó việc đặt cụm vị "là tốt" cho một người, hay "là đúng" cho một hành động, là phù hợp.  Hai, triết lý của ngôn ngữ có thể được lý giải là một nghiên cứu có hệ thống về chính ngôn ngữ—ngôn ngữ là một đề tài triết học xứng đáng tự nó.  Những ứng dụng này đan xen lẫn nhau, nhưng vì mục tiêu của chúng ta [trong bài này] tôi sẽ mô tả chúng riêng rẽ.

Tìm hiểu về Mỹ, Chân, Nhân Quả, Vật chất, Thiện và Quyền uy là các đeo đuổi triết học điển hình.  Nhưng những đề tài này là giống loại gì?  Câu trả lời cổ điển, chúng là các khái niệm, nhưng khái niệm là gì?  Lý tưởng ra, một khái niệm có nghĩa và có tham chiếu, nó bao hàm và được bao hàm bởi các khái niệm khác.  Các triết gia đã từng gặp nhau trong quan điểm rằng khái niệm từa tựa như những mảnh nhỏ của ngôn ngữ.  Do đó, làm chính xác phần tương ứng trên bình diện ngôn ngữ học của các khái niệm sẽ là một tiến bộ về hướng làm rõ các dữ kiện triết học.  Có hai điều răn.  Thứ nhất, đây chưa nhất thiết là kết cục của vấn đề.  Làm chính xác phía ngôn ngữ trong đó vấn đề của chúng ta được đưa ra có thể chỉ cho phép chúng ta đặt các câu hỏi hay hơn; nhưng trong vài trường hợp có thể sẽ gặp phải những vấn đề sâu xa hơn vượt ra ngoài dữ kiện ngôn ngữ học.  Tuy nhiên, mù mờ không phải là bạn tốt của tiến bộ, nên điều cấp bách là ít nhất chúng ta làm rõ phần ngôn ngữ trong đó chúng ta nghiền ngẫm những câu hỏi này cái đã.  Thứ hai, tuy nhiều khái niệm có thể tóm lược lại thành các từ đơn hay các nhóm từ, nhưng sẽ bị sai khi giả định rằng việc tập trung vào ngôn ngữ là tập trung vào một từ tiếng Anh hay tiếng Việt.  Thành ngữ, về chân chẳng hạn (ví dụ, cụm vị "là thật") xảy ra trong nhiều, có lẽ tất cả, các ngôn ngữ tự nhiên.  Và chúng ta chỉ quan tâm về cái chung giữa những ngôn ngữ hàm chứa khái niệm này.  Tôi xin minh hoạ bằng một vài ví dụ nổi bật [dưới đây].


Giả dụ chúng ta hỏi, "Tri thức là gì?"  Các triết gia đã tiếp cận câu hỏi này bằng cách chọn một ví dụ về cách dùng từ "biết"[3] như nó xuất hiện trong câu nói hàng ngày.  Xin chọn một mẩu thí nghiệm, xác định trong câu "Sam biết rằng Việt Nam nằm trong châu Á".  Chúng ta hãy đặt tiếp câu hỏi, "Trong những điều kiện nào mà xác định này là đúng?"  Câu trả lời truyền thống (gợi nhớ lại thời xưa nhất trong quyển Theaetetus của Platon) là, đầu tiên nhất, mệnh đề—"Việt Nam nằm trong châu Á"—phải đúng (không ai có thể thực biết điều gì sai [ở đây]), thứ đến, là Sam phải chấp nhận điều ấy, và thứ ba, là Sam có lý do gì đó để biện minh cho việc Sam chấp nhận điều ấy.  Diễn trình này đã bị phản bác, đại thể về đòi hỏi là Sam phải có lý lẽ biện minh.  Nhiều ví dụ ngược lại đã được đưa ra, và điều này đã dẫn đến bàn cãi sôi nổi.  Chi tiết ở đây không quan trọng lắm.  Điều quan trọng là mỗi bên, đề và bác đề, đều tìm cách hiểu chúng ta dùng câu quy gán cho tri thức trong ngôn ngữ hàng ngày như thế nào.  Đây là những tìm hiểu sâu vào dữ kiện ngôn ngữ học.

Tiếp theo, một truyền thống triết học, khởi điểm ít ra là từ thời Réné Descartes (1596–1650), cho rằng tri thức một cá nhân có được từ các cảm giác và suy nghĩ của mình là chuẩn mực cho mọi tri thức, vì nó cho ra biên độ sai nhỏ nhất.  Tuy những người hoài nghi còn ngờ chúng ta làm gì có khả năng đạt sự chắc chắn về thế giới bên ngoài, ít ra chúng ta cũng biết cách sự vật ra vẻ với chúng ta như thế nào và chúng ta đang nghĩ gì.  Vì vậy có giả định, mọi cố gắng xây dựng tri thức về thế giới phải bắt đầu từ nội dung tinh thần của tự mỗi người và xây lên thành tri thức về thế giới bên ngoài.  Trong một tác phẩm phát hành năm 1953, Ludwig Wiggenstein cho rằng điều này hàm ý rằng mỗi cá thể có một ngôn ngữ riêng tư.  Trong ngôn ngữ ấy cá thể có thể đặt tên cho những cảm giác và những nội dung tinh thần khác của mình, nhưng ngôn ngữ ấy, về nguyên tắc, không thể hiểu được bởi bất cứ ai khác mà người ấy không trực tiếp truy cập được các kinh nghiệm ấy.  Wittgenstein biện luận rằng ngôn ngữ riêng tư ấy không thể có: ngôn ngữ tự nó phải bị điều tiết bằng luật, và sự hiện hữu của luật đòi hỏi khả năng lỗi, và từ đó sửa lỗi, phải nhận biết được.  Trong một ngôn ngữ riêng tư, cái có vẻ đúng phải đúng; sự nhập một của cái thật sự đúng thành cái có vẻ đúng đơn sơ có nghĩa là không có luật nào để hướng dẫn tập tính ngôn ngữ học của một người.  Wittgenstein kết luận rằng ngôn ngữ chỉ có thể là phổ cập cộng đồng; để kiểm tra/rà soát phổ cập cộng đồng của tập tính ngôn ngữ học cần có sự hiện hữu của luật.  Do đó, lấy điểm khởi đầu nghiên cứu tri thức xuất phát từ cõi riêng tư là cách tiếp cận sai.  Nếu đúng, thì nó đã lật ngược các giả định truyền thống hàng thế kỷ mà nhiều nhà nhận thức luận đã chia sẻ.  Về ví dụ trước đó, kết luận của Wittgenstein đã được đem ra tranh luận kịch liệt, nhưng tình hình trên minh hoạ một điều là cách tiếp cận ngôn ngữ học cơ bản các đề tài truyền thống đã ảnh hưởng lên triết học ngày nay như thế nào.

Tôi xin chuyển sang nghiên cứu có tính hệ thống của chính ngôn ngữ.  Các nhà thiên văn Babylon gọi sao mai là "Phosphorus" và sao hôm là "Hesperus", để sau đó khám phá ra rằng chúng là một—thật ra, chúng hoàn toàn không phải là sao, mà là hành tinh Kim.  Đó là một khám phá thiên văn quan trọng rằng sao hôm là sao mai [Hesperus là Phosphorus].  Tuy nhiên, điều này chỉ nói lên rằng có một thiên thể nào đó tự đồng nhất với chính nó, và có thể diễn đạt một cách sơ đẳng là "sao mai là sao mai" [Phosphorus là Phosphorus].  Vì sao một bên mang thông tin mà bên kia thì nhàm?  Khoảng cuối thế kỷ 19 một nhà tư tưởng  Đức, Gottlob Frege, thử trả lời câu hỏi này bằng cách phân biệt giữa nghĩa (hay ý [sense]) và tham chiếu của một mệnh đề.  Tuy hai từ "sao hôm" [Phosphorus] và "sao mai" [Hesperus] chỉ [tham chiếu vào] cùng một vật, chúng trình ra cái mà chúng tham chiếu vào dưới các phương thức khác nhau (chẳng hạn như sao hôm và sao mai) và do đó có nghĩa khác nhau.  Sự khác biệt đó giải thích cho điều khám phá quan trọng và điều tầm thường.  Thật thế, độc lập với vấn đề này, nghĩa là cái mà chúng ta mong đợi ở bất cứ từ, nhóm từ, hay câu thật phải có.  Nó phân biệt âm hay dấu thuộc về một ngôn ngữ và tiếng ồn hay những nét nguệch ngoạc.  Đối với Frege, và hậu duệ của ông, nghĩa là cái mà mỗi người sử dụng ngôn ngữ có thể mang sẵn trong đầu theo người.  Nó là kho của tri thức về một từ làm cho người nói có khả năng dùng nó.  Ví dụ, nếu tôi biết từ "voi" nghĩa là gì, nó cho tôi cái khả năng nhận ra voi và phân biệt chúng với hươu cao cổ chẳng hạn.  Điều quyết định của cái nhìn này là nghĩa chúng ta mang trong đầu định ra tham chiếu của các thuật ngữ ấy.  Tuy có vài triết gia còn tiếp tục tin rằng nghĩa chính là tham chiếu không hơn không kém, sự phân biệt của Frege dẫn đến sự phát triển của nhiều lý thuyết về nghĩa và tham chiếu, và một kho tàng tác phẩm nghiêm túc về từng thuyết một.

Sự phân biệt của Frege và ứng dụng của ông, có tính lôi cuốn tự nhiên một cách trực giác.  Nhưng cả hai đã bị phản bác trong những năm gần đây bởi các thí nghiệm tư duy—tức là, có nhiều kịch bản tưởng tượng, dù rất xa vời, trong đó chúng ta tha hồ nghĩ ra các tình huống làm lung lay các giả định của chúng ta.  Vậy là, ngày nay chúng ta biết rằng nước là một hợp chất hoá học của hyđrô và ốcxy, H2O.  Dĩ nhiên, chúng ta có thể bị sai, nhưng để tiếp tục biện luận, chúng ta hãy cứ [tạm] giả định nó là đúng.  Bây giờ hãy tưởng tượng có một hành tinh đôi, Quả đất Đôi, giống Quả đất ta như đúc trên gần hết mọi mặt, và có người ở đó nói những ngôn ngữ nghe giống như các ngôn ngữ của chúng ta trên gần hết mọi mặt.  Cũng như chúng ta có thuật ngữ "nước" trong tiếng Việt [hay "water" trong tiếng Anh], họ có một thuật ngữ trong tiếng Việt Đôi dành cho một chất lỏng chứa đầy hồ ao, sông ngòi, và biển cả của họ nghe giống hệt [nước].  Nhưng họ có cấu tạo hoá học hoàn toàn khác hẳn chúng ta, và cái họ gọi "nước" có hợp chất hoá học khác hẳn, mà chúng ta có thể viết tắt thành XYZ.  Do đó, cái họ chỉ [tham chiếu] "nước" không phải là cái mà chúng ta chỉ bằng thuật ngữ có âm tương tự.  Đáo cùng là những thứ trong ngôn ngữ của chúng ta được coi là nước phải là H2O, tìm thấy ở bất cứ đâu trong vũ trụ.  Chẳng lạ gì, họ cũng sẽ nói những điều y như thế về chúng ta.  Nhưng điều này không tuỳ thuộc vào những gì có trong đầu chúng ta hay của họ.  Nước là H2O là một khám phá khoa học thực nghiệm, không phải là điều định nghĩa trong từ điển: có lẽ phần đông trong thế giới của chúng ta ngày nay người sử dụng thuật ngữ này có bản năng [ngôn ngữ] hoàn hảo cũng không biết nước là H2O.  Chắc chắn tiền nhân của chúng ta sống trước thời hoá học hiện đại cũng không biết điều ấy, tuy chúng ta vẫn giả định họ cũng dùng các thuật ngữ này như chúng ta.  (Chúng ta làm giả định này về cách họ sử dụng tương tự những từ [như chúng ta] mỗi khi chúng ta đọc các tác phẩm lịch sử.) Do đó, cái mà chúng ta và người trên Quả đất Đôi chỉ vào khi chúng ta dùng cùng một thuật ngữ "nước" không phụ thuộc vào những gì chứa trong đầu chúng ta, mà một phần còn dựa vào môi trường chúng ta đang tự tại.  Và nếu những gì trong đầu chúng ta không xác định tham chiếu, nó cũng không đóng vai trò làm cho chúng thành nghĩa (ngôn ngữ học).

Điều trên đây cũng lại gây ra thảo luận sôi nổi giữa những nhà nội nghĩa [semantic internalists], những người tin rằng tham chiếu được định bằng những gì trong đầu người sử dụng một ngôn ngữ, và những nhà ngoại nghĩa [externalists], những người tin rằng môi trường [bối cảnh] xã hội và tự nhiên định ra phương cách các từ liên hệ với thế giới.

Trường hợp trên minh hoạ việc nghiên cứu ngôn ngữ liên hệ đến nghiên cứu tư tưởng như thế nào.  Tư tưởng một cách điển hình là tư tưởng về, của cái gì hay cái gì đó.  (Ngoại lệ hiểu được gồm các cảm giác ý thức được, như đau đớn hay ngứa ngáy).  Franz Brentano gọi đó là "chủ cảm"[4] và tin rằng đó là yếu tố quyết định của trí [mental].  Ví dụ, không thể tin mà không tin vào điều gì, mong mà không mong điều gì, và muốn mà không muốn điều gì, và vân vân.  Gọi những gì mà tư tưởng nghĩ về là đối tượng của nó.  Một số đối tượng ấy, như trong niềm tin hay mong đợi, sẽ mang cấu trúc của câu.  Nhưng cũng giống như câu "Việt Nam nằm trong châu Á" có nghĩa, thì niềm tin rằng Việt Nam nằm trong châu Á cũng có nghĩa (hay cái người ta thường gọi là "nội dung" [nội hàm]), và là cái khác với lòng tin rằng Hà Nội ở phía đông của Philadelphia.  Nếu nghĩa học là môn học về nghĩa (hay nội dung) và tham chiếu của từ, nhóm từ, và câu, thì chúng ta có thể gọi môn học về đối tượng tinh thần là tâm nghĩa học.  Dùng niềm tin là mô hình của chúng ta, các triết gia một cách điển hình gọi điều ta tin là một ý tưởng hay một mệnh đề.  Cũng như câu là tổ hợp của từ, thì ý tưởng là tổ hợp, và cấu phần của nó thường được gọi là khái niệm [niệm][5].  Bằng cách như thế, nhà ngoại nghĩa có thể chẳng những nói cư dân của Quả đất Đôi có ý khác khi họ phát âm từ "nước", mà còn nói niệm của họ cũng khác [niệm của ta].  (Dĩ nhiên, một nhà nội nghĩa sẽ bác cả hai.)

Do đó, nhiều vấn đề tương tự, được đem ra thảo luận trong ngành triết lý của ngôn ngữ, diễn dịch suông sẻ sang các vấn đề về nghĩa học của tư tưởng, chính là đề tài trung tâm của triết học về tinh thần.  Thật thế, một số triết gia cho rằng nghĩa ngôn ngữ học và tham chiếu là thứ yếu, đáo cùng tuỳ thuộc vào nội dung ban đầu chưa-diễn dẫn của đối tượng của ý tưởng.  Điều này, cũng như mọi thứ trong triết học, là một vấn đề mà nhiều triết gia khác ý kiến nhau.  Và nó dẫn tới hàng loạt câu hỏi quyến rũ thích thú—như loài vật, khác với loài người, có niềm tin, niệm, và những thứ tương tự hay không, dù chúng không có ngôn ngữ.

Tôi đã nói nhiều lần những tranh luận của các bên về các khẳng định trên.  Chúng không nên được coi là dấu hiệu của sự vô ích trong tìm cầu triết học.  Mà ngược lại, chúng chứng tỏ sức khoẻ cường tráng.  Bất đồng ý kiến trên đại thể đều thuần lý và  điều độ; chúng dẫn đến sự sáng sủa có hiệu quả và tính chính xác cao hơn về điều gì là vấn đề [cốt yếu].  Và tiếp theo, chúng đưa đến nhiều suy nghĩ sâu sắc thuộc loại mà các lý thuyết gia đối chọi nhau đều có thể công nhận và sử dụng để làm sắc bén quan điểm của mình.

Footnotes by Translator
[1] Từ "philosophy" ở đây, và một số nơi khác trong bài, được dịch là "triết lý". Khi từ "philosophy" được dịch là "triết học" để chỉ cả truyền thống và ngành học.
[2]Ở đây, ta phân biệt "ngôn ngữ", hay tiếng nói (language), và "ngôn ngữ học" (linguistics) là ngành khoa học về ngôn ngữ (hay tiếng nói) của con người.
[3] Hay "tri" 知 trong từ "tri thức".
[4] Tiếng Anh, intentionality, chủ định, chủ ý.
[5] Xem từ "niệm" 念 trong quyển Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn, ví dụ: nhứt niệm, một tư tưởng (Quyển 2, 1997, trang 327).

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?