Từ Voltaire đến Kant


Con đường ở đây là từ lý trí không đức tin đến đức tin không lý trí. Voltaire có nghĩa là tôn sùng lý trí, Bách Khoa, Thời Đại của lý tính. Sự hăng hái nồng nhiệt của Francis Bacon đã khởi hứng cho toàn thể Âu châu (trừ Rousseau) với niềm tin tất nhiên vào năng lực của tri thức và luận lý trong việc giải quyết rốt ráo mọi vấn đề, và minh chứng "tính cách hoàn hảo vô hạn" của con người. Condorcet ở trong lao tù viết cuốn "Biểu đồ sử học về sự tiến triển của tâm thức con người (1793)", nói lên niềm tin cao cả của thế kỷ 18 vào tri thức và lý trí, và không đòi hỏi chìa khoá nào khác hơn là Giáo dục phổ thông để đi đến xã hội lý tưởng. Ngay những người Đức cứng cỏi nhất cũng có thời đại Aufklaerung (Ánh sáng Lý trí) với Christian Wolff duy lý và Lessing đầy hy vọng. Và những người Paris nhạy cảm của thời Cách mạng đã kịch nghệ hoá sự phong thánh này của tri thức trong việc thờ phụng "Nữ thần lý trí", dưới hình tượng một phụ nữ duyên dáng. Nơi Spinoza niềm tin ở lý trí này đã làm phát sinh một cơ cấu đồ sộ của hình học và luận lý : Vũ trụ là một hệ thống toán học, và có thể được mô tả tiên nghiệm , bằng cách diễn dịch từ những định đề đã được chấp nhận. Ở Hobbes, thuyết duy lý của Bacon đã trở thành một thuyết vô thần và duy vật; không có gì cả ngoài "nguyên tử và khoảng trống". 

Từ Spinoza đến Diderot, đức tin tan rã nhường chỗ cho lý trí tiến lên: lần lượt những giáo điều cũ biến mất; giáo đường Gô-tích của tín ngưỡng Trung cổ - với những chi tiết và vẻ lố bịch thú vị của nó - đã sụp đổ; Thượng đế cũ té khỏi ngai vàng cùng với dòng họ Bourbons, thiên đường tàn tạ thành bầu trời trống rỗng, và địa ngục chỉ còn là một biểu tượng cảm xúc. Helvétius và Holbach đã làm cho vô thần luận thịnh hành trong các buổi thù tiếp của Pháp; ngay cả giới tu sĩ cũng bắt đầu mon men bàn thuyết vô thần, và La Mettrie qua Đức để rêu rao thuyết ấy dưới sự bảo trợ của cua Phổ. Khi, vào năm 1874, Lessing làm Jacobi kinh ngạc với lời tự xưng là môn đệ của Spinoza, thì đấy là một dấu hiệu đức tin đã bị hạ bệ, và Lý trí đang ca khúc khải hoàn.

David Hume, người đóng một vai trò dữ dội trong việc đả kích niềm tin siêu nhiên của phái Tôn sùng Lý trí, đã bảo rằng khi lý tính chống lại con người, con người sẽ lập tức chống lại lý tính. Đức tin và hy vọng tôn giáo, được phát ngôn trong hằng trăm ngàn tháp chuông vươn từ khắp miền đất Âu châu, đã ăn rễ quá sâu vào những định chế xã hội và trong tim người, khiến họ không thể sẵn sàng nhượng bộ bản cáo trạng cừu nghịch của lý trí. Điều không thể trách là khi đã bị lên án như thế, đức tin ấy và hy vọng ấy sẽ chất vấn về thẩm quyền của quan toà, và sẽ đòi một cuộc xét lại lý trí cũng như tôn giáo. Cái tri thức kia là gì mà dám lăm le phá huỷ bằng một tam đoạn luận những niềm tin của hằng ngàn năm và hằng triệu người ? Nó có phải là vô-quá chăng ?. Hay nó chỉ là một cơ năng trong người như bất cứ cơ năng nào khác, mà nhiệm vụ cùng năng lực đều bị giới hạn gắt gao ? Đã đến lúc nên xử xét quan toà này, nên xét lại cái Toà án Cách mạng tàn nhẫn đã thẳng tay tung ra những bản án tử cho mọi niềm tin hy vọng cũ này. Đã đến lúc phải phê phán lý trí.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?