Triết lý ‘hoa hồng và túi rác’ qua phim ‘Vẻ đẹp Mỹ’

Nặng nề và duy mỹ, ‘American Beauty’ được giới phê bình công nhận như một tác phẩm kinh điển của mọi thời đại khi ra mắt năm 1999 và giành 5 giải Oscar.

 Sự đổ vỡ của “cuộc sống ngoại ô hoàn hảo”
American Beauty xoay quanh cuộc sống của Lester Burnham, một gã ngoại tứ tuần làm nhân viên quảng cáo ở một tạp chí. Bề ngoài, Lester có cuộc sống đáng mơ ước - một người vợ thành đạt, một đứa con xinh đẹp và một ngôi nhà tử tế ở vùng ngoại ô.

Nhưng Lester Burnham cảm thấy mình đang ở địa ngục. Ông bị sếp coi thường, bị vợ khinh và con gái ghét bỏ. Mọi người cư xử với ông như thể ông không tồn tại. Chính Lester từ đầu phim cũng tự nhận rằng theo một cách nào đó, ông đã chết từ lâu. Lester là một “ca điển hình” của midlife crisis (khủng hoảng tuổi trung niên) - thời điểm mà một người bỗng mất hết niềm vui trong cuộc sống.


Một hình ảnh đẹp và mang tính trừu tượng của "Vẻ đẹp Mỹ".

Vợ của Lester là Carolyn, làm nghề môi giới nhà đất. Bà giống như một nạn nhân của các khẩu hiệu và những cuốn sách dạy thành công vẫn nhan nhản trên kệ sách - những thứ nhảm nhí vẫn khiến người ta ngộ nhận làm giàu là tất cả những gì đáng kể trên đời. Carolyn sống giả tạo, cay nghiệt với chồng con và tự làm khổ mình. Con gái họ, Jane, là một thiếu nữ tuổi teen điển hình - cau có, mất phương hướng và căm ghét bản thân. Cô thấy xấu hổ và nhục nhã về bố mẹ mình.

Trong gia đình Burnham không có ai xấu xa hay độc ác. Họ chỉ là những kẻ bị tổn thương nặng nề đến mức trở nên ích kỷ. Thay vì tìm đến nhau để chia sẻ thì họ đổ lỗi và làm khổ nhau như một cách để khiến mình cảm thấy dễ chịu hơn. Bi kịch trong American Beauty cũng chính là những điều vẫn xảy ra hàng ngày trong cuộc sống đời thường.

Tập hợp những kẻ lập dị và thất bại
 Trong American Beauty, mỗi nhân vật đều có vấn đề, đều bất thường ở điểm này hay điểm khác nhưng cách cư xử của họ không giống nhau.

Một số kẻ chối bỏ đến cùng bản chất thật của mình và cả đời đóng kịch. Đó là Carolyn, là Frank Fitts - viên đại tá về hưu mới chuyển đến, là Angela - “nàng Lolita” bé bỏng của Lester. Họ lúc nào cũng lo lắng thiên hạ nghĩ về mình như thế nào và cố gắng tạo một vỏ bọc bên ngoài đúng như những gì xã hội trông chờ ở họ. Họ không hạnh phúc, lúc nào cũng mệt mỏi, bất an và cô độc.

Chiếc túi rác bay phấp phới trên đường phố là hình ảnh đắt giá nhất trong "Vẻ đẹp Mỹ".
 
Một số khác thì căm ghét chính bản thân mình, xấu hổ về bản chất thật sự như Lester và con gái ông. Họ là những kẻ thua cuộc và thất bại trong con mắt xã hội. Chỉ một số ít nhân vật trong phim là chấp nhận con người thật của mình. Trong mắt người khác, họ là những kẻ điên khùng, lập dị nhưng cũng là những kẻ tỉnh táo và hạnh phúc nhất.

Ricky Fitts là một gã như vậy. Gia đình cậu mới chuyển đến sát gia đình nhà Burnham. Cậu không có bạn và cũng chẳng cần bạn. Trên tay cậu lúc nào cũng có chiếc máy quay cầm tay ghi lại những gì đẹp đẽ của cuộc sống. Chính cậu là người giúp Lester và Jane tìm lại được con người thật của mình.

American Beauty truyền tải thông điệp rằng chúng ta phải học cách yêu thương bản thân, chấp nhận cả những ưu - khuyết điểm và những điều dị hợm ở chính mình. Chỉ khi trung thực và sòng phẳng với bản thân, chúng ta mới đạt được sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.

Triết lý về cái Đẹp

American Beauty có hai biểu tượng lớn xuyên suốt bộ phim là hoa hồng và túi rác. Hoa hồng xuất hiện trong bàn tay thiếu nữ đặt hờ trên tấm poster, hoa hồng mọc xung quanh hàng rào nhà Burnham, hoa hồng khoe sắc tỏa hương trong những cảnh khi Lester mơ về Angela.

Tuy nhiên, những người làm vườn biết sự thật về giống hoa hồng có vẻ đẹp hoàn hảo ấy lại là loài hoa thường bị thối ở rễ và cành. Nó giống như cuộc sống gia đình mẫu mực của Burnham nếu nhìn từ bề ngoài nhưng thật bệnh hoạn ở bên trong. Nó giống như cô bé Angela xinh đẹp nhưng rỗng tuếch, giống như cách từng nhân vật trong phim cố sống khác đi, tạo vỏ bọc trong mắt thiên hạ để che đi sự lập dị của chính bản thân mình.

Một trong những thông điệp lớn nhất của American Beauty là  “…look closer” (Hãy nhìn gần hơn). Chỉ cần nhìn gần hơn, bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra mọi thứ đều không như vẻ bề ngoài. Cái tưởng là tốt chưa chắc đã tốt, cái tưởng là xấu chưa chắc đã xấu. Những điều tồi tệ thường ẩn sau những gì tưởng như hoàn hảo nhất và vẻ đẹp thường được tìm ra ở những nơi ít ngờ nhất.

Khoảng đầu những năm 1990, khi đang đứng thơ thẩn ở Trung tâm Thương mại Thế giới, Alan Ball nhìn thấy một túi rác bay phất phơ trước gió. Ông ngắm nhìn chiếc túi trong gần mười phút và cảm thấy rất xúc động. Chính chiếc túi bóng vô danh đó - một vật hoàn toàn tầm thường và vặt vãnh - đã truyền cảm hứng cho ông viết kịch bản American Beauty.

Hình ảnh chiếc túi bóng ấy lại xuất hiện một lần nữa ở một trong những trường đoạn xúc động nhất của bộ phim khi Ricky cho Jane xem đoạn băng ghi lại “thứ đẹp nhất mà anh từng thấy”. Hình ảnh chiếc túi nilon chập chờn bay trong gió như đang nhảy múa, như một đứa bé cầu xin người khác hãy chơi với nó. Đó là ngày Ricky nhận thấy có cả một đời sống đằng sau mọi vật và nhận ra thế giới xung quanh anh tràn ngập điều đẹp đẽ như thế nào.

Chiếc túi nilon ấy có thể là sản phẩm của một sự vô ý thức từ con người, cũng giống như sự khép kín và tính hay cáu giận của Jane là hậu quả của cuộc hôn nhân bất hạnh giữa cha mẹ cô. Nhưng mặc lòng, chiếc túi nilon ấy không có lỗi, Jane không có lỗi, họ vẫn đẹp theo cách của riêng họ.

Một trong những tấm poster đẹp nhất của lịch sử điện ảnh thế giới.

Trên đời này, không có gì là hoàn hảo, mọi thứ đều có vết. Chúng ta phải học cách nhìn thấy và trân trọng vẻ đẹp trong sự không hoàn thiện. Thật dễ dàng để khen một bông hồng đỏ là đẹp - thứ mà ai cũng thấy. Nhưng cần có một trái tim rộng mở, một khối óc minh triết và không thành kiến để nhìn thấy vẻ đẹp trong mọi sự vật của thế giới. Kẻ khôn ngoan sẽ thấy vẻ đẹp cả trong nụ hồng hé nở lẫn chiếc túi nilon đang tung bay trong gió.

American Beauty vừa ghê tởm vừa đẹp đẽ, vừa có nét hài hước mỉa mai, vừa thật dữ dội và căng thẳng. Bộ phim có những cảnh đẹp đến mức người xem gần như nín thở như thể chỉ cần một hơi thở mạnh cũng đủ để phá hỏng bầu không khí duy mỹ hoàn hảo trên màn ảnh.

Những cảnh đẹp nhất của bộ phim là những hình ảnh ân ái tưởng tượng của Lester về Angela, bạn thân con gái ông. Tiếng đàn chậm rãi sâu lắng cùng lối quay chậm, lặp đi lặp lại ở nhiều góc độ khiến những cảnh đó trở nên mê hoặc, gợi cảm và tinh tế như thể ta đang luồn tay tách khẽ từng cánh hoa hồng.

American Beauty sở hữu một trong những tấm poster đẹp nhất của lịch sử điện ảnh. Đó là làn da bụng mượt như nhung của thiếu nữ, khẽ hõm vào ở phần rốn tạo hình dấu hỏi, đôi tay nhỏ nhắn mịn màng chạm hờ vào một nhành hồng.

Bộ phim có dàn diễn viên tài năng, kịch bản thông minh, âm nhạc tuyệt vời và những góc quay sáng tạo. Tất cả khiến American Beauty giành được 5 giải Oscar trong đó có “Phim hay nhất” và trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế kỷ 20.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?