Triết học bắt đầu từ những câu hỏi của trẻ con

Mai K Đa (lược) dịch

Khách mời của tạp chí của chúng ta ngày hôm nay là Vladimir Vasilievich Mironov (tiếng Nga: Владимир Васильевич Миронов), tiến sĩ khoa học triết học, giáo sư, viện sĩ viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, chủ nhiệm bộ môn Bản thể luận và lý luận nhận thức, Chủ nhiệm khoa triết học, Đại học tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lômônôxốp. (MGU)

 - Thưa Vladimir Vasilievich, cơ duyên nào đã đưa ngài đến với triết học?
 Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ của tôi đến thủ đô Moscow để xây dựng tòa nhà Đại học Moscow. Những cái lều gỗ đầu tiên, nơi mà những người thợ xây từng ở hiện giờ chính là nơi mà tòa thư viện của trường vừa mới được xây lên. Sau đó, những lều này bị hư và chúng tôi chuyển dần ra xa hơn một chút, tới khu vực Rameka.

Vladimir Mironov

 Mọi việc diễn ra không hề dễ dàng chút nào: những người xây tòa MGU, nói một cách nhẹ nhàng, là những người đặc biệt - nhiều người trong số họ là những tù nhân. Chúng tôi như đi trên lưỡi của con dao cạo: có thể là vào trường đại học, hoặc có thể là phía bên kia của cuộc sống.

 Ở Moscow lúc đó còn chưa có những ngôi nhà cao tầng và MGU như được treo lơ lửng trên thành phố, dưới đó là những tòa nhà thấp hơn, có thể nói, nó đã trở thành trung tâm của thành phố.

 Chúng tôi sống ở đây (thời đó mọi thứ rất rẻ), và tại đây mọi người thường đến tổ chức những buổi tiệc năm mới, những buổi biểu diễn, những buổi thi đấu thể thao. Tôi chơi sambo và bơi lội, tất cả đều miễn phí. Bây giờ có lẽ những điều đó thật xa vời. Đối với nhiều người, tòa nhà trường đại học đã trở thành trung tâm của sự thu hút: chúng tôi tất cả đều đi xung quanh nó và mơ ước: ai sẽ học trong đó, ai sẽ làm việc trong tòa nhà đó.

 Bác của tôi từng dạy triết học. Bởi vì tôi không có cha, nên có thể nói, bác tôi là người cố vấn cho tôi đi đến với triết học.

Tòa nhà chính đại học MGU

 Tôi đã đọc rất nhiều. Thậm chí có một câu chuyện buồn cười thế này: Năm lớp tám, tôi đã bị đuổi ra khỏi lớp vì tội lén đọc Descartes dưới gầm bàn (bây giờ, có lẽ sẽ được lòng chứ không bị đuổi). Sau đó, tôi đã được cùng làm việc với giám đốc của ngôi trường đó trong đại học MGU, cô ấy dạy môn tiếng Đức.

 Và tôi đã đọc xong cuốn sách viết về Descartes được đóng trong tờ bìa màu xanh ấy. Ngày nay, trên biểu tượng của khoa triết học của đại học MGU có câu nói của Descartes «Cogito ergo sum» (Tôi tư duy, nghĩa là tôi tồn tại). Có lẽ không phải ngẫu nhiên… Đó thực sự là một câu chuyện lãng mạn.

 - Ngày nay, nhiều người quan tâm tới triết học theo những cách khác nhau. Theo giáo sư, con người hiện đại có cần triết học hay không?
 Đây là một câu hỏi hay và nó đã được đặt ra trong hơn 2500 năm triết học tồn tại. Một câu trả lời đơn giản là: nếu triết học tồn tại, thì có nghĩa là chúng ta cần triết học. Bởi vì ngay sau khi xuất hiện con người tư duy, con người đã bắt đầu nhận thức những thảm kịch, bi kịch về tình trạng của chính mình trong thế giới, nhận thức được những bất công: một mặt, con người tự nhận ra rằng con người có một cái gì đó khác với động vật, rằng trái đắt là hữu hạn, cuộc sống là hữu hạn, còn vũ trụ thì vô hạn. Đây là một bi kịch, khi con người hiểu biết nhiều thứ và đồng thời cũng biết về cái chết của chính mình. Điều này có thể là một trong những vấn đề trung tâm đầu tiên. Đây là một trong những câu hỏi mà con người luôn luôn tìm cách trả lời nó.

 Tôi thực sự không muốn đưa ra một định nghĩa về triết học. Tôi cho rằng, điều này thật sự không cần thiết, có hại và nói chung là nên cấm. Đối với tôi, triết học – đó là một không gian ngữ nghĩa, mà những ranh giới của nó chính là những câu hỏi triết học mang tính vĩnh cửu. Những câu trả lời cho nó có thể là khác nhau. Chủ nghĩa Mác trả lời như thế này, chủ nghĩa hiện sinh trả lời theo cách khác. Nhưng hệ vấn đề của nó là cụ thể. Những câu hỏi đó luôn còn mãi. Có hàng loạt các câu hỏi mang đặc tính vĩnh cửu đi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

 - Đó là những câu hỏi nào thưa giáo sư?
 Jaspers nói rằng, triết học bắt đầu những câu hỏi của trẻ con. Có nghĩa là đứa trẻ có khả năng đưa ra những câu hỏi triết học. Tôi trước đây không hề quan tâm đến vấn đề này, nó giống như một câu nói đẹp đẽ bình thường. Nhưng sau đó tôi đã hiểu rằng, đằng sau nó là một chân lý vô cùng sâu sắc. Tại sao?  Bởi vì người lớn bị khống chế bởi một lượng lớn những khuôn mẫu văn hóa: họ biết cái gì được phép hỏi và cái gì không. Còn đối với trẻ con, mọi thứ đều thoải mái. Trẻ con có thể đặt một câu hỏi tùy tiện, bề ngoài có vẻ đơn giản, nhưng khi ta cố gắng trả lời nó, ta mới thấy nó phức tạp đến nhường nào. Thế trẻ con là gì? Đó là khởi điểm của nền văn minh, là điểm khởi đầu của nhân loại. Tại sao nói rằng, triết học được bắt đầu từ sự ham hiểu biết. Con người bắt đầu đưa ra những câu hỏi giản đơn. Nếu ai đó nghĩ rằng, triết học bắt nguồn từ những câu hỏi phức tạp, thì điều này hoàn toàn không chính xác. Những câu hỏi phức tạp là có, nhưng nó lại được bắt nguồn từ những câu hỏi đơn giản.

 Một vấn đề khác – nhà triết học phải trả lời tương đối đơn giản trên những câu hỏi phức tạp. Bởi vì, nếu chúng ta đàm thoại về triết học trong một hội nghị bàn tròn của các nhà triết học, và chúng ta nói về những tiêu chuẩn của đạo đức, chúng ta “sẽ đi đến một thống nhất với nhau”. Nhưng sau đó chúng ta sẽ giải thích điều này như thế nào với mọi người? Và chính vì thế cho nên con người thường hay nói triết học thật là khó hiểu. “Triết học làm sáng tỏ những thứ mơ hồ trong thần thoại”, Hegel hoặc là Kant đã nói như thế. Bây giờ họ có thể đã sai lầm. Có nghĩa là, triết học, về nguyên tắc, phải được làm sáng tỏ. Không được “làm mờ” bộ não, mà phải làm cho nó sáng tỏ. Và một người, khi nói không hiểu gì, thì rõ ràng anh ta không thể xem bản thân là một nhà triết học được. Đây là quan điểm của tôi. Do vậy, triết học luôn luôn là một nhu cầu của con người.

 - Theo giáo sư, điều gì là quan trọng nhất để trở thành một nhà triết học?
 Tốt nghiệp khoa triết học không đảm bảo rằng một người sẽ trở thành một nhà triết học. Jakob Böhme đã từng là một người thợ đóng giày, Spinoza đã từng là một người thợ lắp kính. Việc học tập tại khoa triết học – đó là một trường học cho phép bạn bừng tỉnh dậy trong triết học. Nhưng mỗi người tự mình sẽ trở thành một nhà triết học.

 Ở đó, anh ta nhận thức được một cấp độ nhất định rằng anh ta có một quan điểm xác định về thế giới, hoàn toàn khác so với những gì mà người không nghiên cứu triết học có. Luôn luôn có những phần chúng ta không thể nào hiểu được, chúng ta đang cắt từ tồn tại một mảng lớn, và cố gắng ôm trọn toàn bộ tồn tại này, nhưng không giờ ôm trọn được nó – luôn có những phần chúng ta không thể nào hiểu được. Và ở đây, triết học cũng vô cùng quan trọng. Có một cách nói như thế này: Triết học như là những giàn giáo trong khoa học. Có lẽ các giàn giáo này không còn cần thiết nữa khi tòa nhà đã được xây xong, được sơn xong, nhưng để tạo được tòa nhà đó, chúng ta cần phải xây dựng hệ thống giàn giáo cho phép tòa nhà được hoàn thiện – một chức năng khác của triết học. Cho nên, tôi nghĩ rằng, triết học luôn luôn tồn tại.

 Mặc khác, xuất hiện một vấn đề, triết học giống như vị vua Lear, người đã cho trẻ em tất cả đất đai của mình và không giữ lại bất cứ một thứ gì cả. Nhưng ở đây không phải vậy, từ triết học, các nguyên lý được nảy mầm, mang tính tự thân, đồng thời các đối tượng của triết học được thanh lọc. Cho nên, triết học nghiên cứu cái phổ quát, nghiên cứu tồn tại. Triết học là siêu hình học. Đây là những môn học mà chỉ có thể nghiên cứu với sự giúp đỡ của lý tính. Bằng bộ não của mình, tôi có thể tranh luận được bao nhiêu về bản chất và kỳ vọng bao nhiêu trong việc đạt tới chân lý? Triết học đã được bắt đầu như thế này: không có vật lý học, không có cái gì tồn tại, và con người đã trả lời cho những vấn đề về cấu trúc của thế giới. Và ở con người luôn luôn tồn tại cố hữu một nhu cầu: nhu cầu giải thích.

 - Có một lần Lev Tonxtoi tại điền trang của ông ở Yasnaya Polyana đã đề nghị những vị khách đến chơi nhà viết ra danh sách mười nhà triết học yêu thích nhất. Tôi cũng từng thử viết. Nếu giáo sư được đề nghị viết một danh sách như thế, giáo sư sẽ chọn những nhà triết học nào?
 Trước tiên là Kant. Đây là nhà triết học yêu thích của tôi. Thông qua bốn câu hỏi nổi tiếng của mình: “Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? Con người là gì?” – ông đã đưa ra tất cả các vấn đề triết học.

 Nhà triết học thứ hai - một người cùng thời với chúng ta – Jaspers (1). Đặc biệt là những tư tưởng của ông sau chiến tranh, gắn liền với đánh giá về các sự kiện đang diễn ra, những tác phẩm của ông nằm ở ranh giới giữa triết học và tâm lý học, những bài nói chuyện sâu sắc của ông về thế giới tiên nghiệm mà con người có thể đắm mình vào trong đó. Đối với ông, triết học không chỉ là nhận thức hợp lý, triết học còn là kinh nghiệm tồn tại của cuộc sống của mình với những người khác và với chính mình.

 Một nhà triết học nữa khá gần gũi với tôi – Gadamer (2). Lúc ở Đức tôi đã có một bài phỏng vấn với ông. Đó là một ấn tượng khó phai! Ở Đức tôi đã được đề nghị bán cho họ bài phỏng vấn này. Tôi đã từ chối và giữ nó cho nước Nga, nhưng ở đây không một ai, không một kênh truyền hình nào quan tâm cả. Bây giờ tôi trình bày nó cho học sinh của tôi nghe. Gadamer nói rằng, nếu chúng ta thấu hiểu lẫn nhau để tham gia vào cuộc đối thoại, thì chúng ta không cần thiết phải nói ra điều gì đó. Chúng ta, có lẽ tất cả cũng sẽ rơi vào những tình huống như thế. Tôi đã thực sự bị lôi cuốn bởi nhà triết học này: chỉ cần nhìn vào bàn tay của ông ấy, bàn tay mà đã đi kèm với tư tưởng của ông và tạo ra cảm giác rằng, bạn đang hiểu tiếng Đức. Một ký thức thật sống động!  Ông ấy lúc đấy đã nhiều tuổi và lập tức hỏi chúng ta uống gì nhỉ? Chúng tôi chọn rượu vang dưới tầng hầm của nhà ông ấy, và sau đó ông nói: “Tôi có một người vợ trẻ” (Bà ấy lúc đó 76 tuổi). Ông nói mỉa mai theo cách nói của Heidegger, người thầy của ông.

 Theo tôi, đây là ba nhân vật chủ chốt trong triết học. Bên cạnh đó, tôi thực sự thích Spengler (3), đây là giao điểm giữa triết học và triết học văn hóa. Triết học cổ đại, tất nhiên là Platon.

 - Còn các nhà triết học Nga thì sao thưa giáo sư?
 Trong triết học Nga, sự ưa thích đặc biệt của tôi thực sự không có. Tôi thường xuyên bị chỉ trích và bị xúc phạm bởi điều này. Ở Na Uy, có lẽ sẽ không bị xúc phạm nếu bạn nói rằng ở Na Uy không có một triết gia nổi bật nào. Cần phải thừa nhận rằng, triết học chuyên nghiệp ở Nga bắt đầu khá muộn, từ Vladimir Solovyov (4) và đó chính là sự chuyển giao triết học Đức vào thổ nhưỡng Nga. Ở đây không có một điều gì sai cả. Triết học cũng có trong những tác phẩm của Dostoevsky và Tolstoy.

 Hãy nhớ về chương trình học phổ thông. Belinsky phân tích câu: “Tất cả những gì tồn tại là hợp lý, tất cả những gì hợp lý - tồn tại”. Đây là câu nói của Hegel nhưng nó không làm giảm giá trị của triết học Nga. Chúng ta có những độ tuổi khác nhau, chúng ta trẻ hơn châu Âu và không có gì phải xấu hổ cả. Chúng ta không thể đổ lỗi cho cậu thiếu niên vì cậu không biết về những điều mà người lớn biết.

 Nhưng tôi sẽ gọi một cái tên. Mặc dù ông không phải là một triết gia, nhưng ông có cách tiếp cận triết học rất sâu sắc, đó là  Lev Gumilev (5) (tiếng Nga: Лев Гумилев). Tôi biết rằng, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về Lev Gumilev, nhưng tôi cho rằng ông là một hình tượng triết học lớn.

 - Trong cuộc trò chuyện với một chàng trai trẻ lạ mặt, Socrat hỏi chàng trai: “Đi đâu có thể tìm thấy bột mỳ và dầu ăn?” Chàng trai trả lời một cách nhanh nhạy: “Ra chợ!” – “Thế đi đâu để tìm thấy trí tuệ (sự thông thái) và đức hạnh?” – Chàng trai trẻ lúng túng. – “Đi theo tôi, tôi sẽ chỉ cho cậu thấy”, Socrat hứa với chàng trai. Nếu là giáo sư, giáo sư sẽ khuyên chàng trai đi đâu để tìm kiếm sự thông thái?
 Socrat - một hình tượng triết học đầy ngạc nhiên và nghịch lý. Tiện thể xin nói, thật thú vị là Hegel vừa tán thành vừa kết tội Socrat. Một câu nói nổi tiếng của Socrat: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” – đây không phải là sự can đảm triết học, đây là lập trường của một nhà triết học luôn nằm trong tình huống bi thảm. Bởi vì một mặt, Socrat là người lưu giữ truyền thống, ông dựa vào nền văn hóa trước đó, mặc khác, ông phá hủy truyền thống khi tìm kiếm những cái mới. Bạn có nhớ, Socrat bị kết tội làm phân rã tinh thần của tuổi trẻ. Ông bị kết án tử hình và từ chối trốn thoát. Ông bị kết án một cách dân chủ và ông nói: “Tôi tôn trọng dân chủ, điều này không có nghĩa là dân chủ này là chân lý.” Ý kiến của số đông không có một quan hệ nào với chân lý cả. Chân lý có thể được biết bởi một trong số hàng ngàn người. Hitler, bằng cách này đã lên nắm quyền bằng con đường dân chủ. Mọi người có thể là sai. Và rất thường xuyên sai.

 Nói đến thông thái, triết học chỉ là tình yêu đối với sự thông thái. Đây vẫn là một quá trình chưa hoàn thành. Ở đó, ai bước trên con đường triết học đều phải hiểu rằng, ta đắm chìm bản thân vào sự màu nhiệm của tình yêu, nhưng sự thông thái không bao giờ đạt được. Bởi vì, nếu đạt đến sự thông thái, triết học sẽ biến mất. Nếu bạn muốn một câu trả lời sẵn sàng cho một vấn đề nào đó, hãy đi đến gặp nhà tiên tri – ông ấy sẽ nói cho bạn biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai, và dựa vào đó để thực hiện. Nhà triết học không trả lời cho câu hỏi mà đặt ra những câu hỏi. Câu hỏi được đặt ra một cách khôn ngoan quan trọng hơn những câu trả lời sơ sài. Nhà triết học, một mặc đi trước tri thức, mặc khác, đi sau nó.

 Vì vậy, có thể trả lời một cách đơn giản cho câu hỏi của bạn như thế này: Con người phải đối diện với chính mình, chỉ phải đối diện với chính mình. Chỉ có trong bản thân, con người mới có thể tìm thấy sự thông thái. Tất nhiên, cần phải dựa vào tri thức, nhưng cần nhớ về câu nói cổ xưa: “Kiến thức nhiều không dạy được trí khôn”. Một người có thể biết rất nhiều, nhưng cũng có thể trở thành người ngu ngốc. Một người uyên bác thường không bắt buộc là người rất thông minh, nhưng là người đầy am hiểu và có thể trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trong bất kỳ tình huống nào?

 - Nói như vậy thì người uyên bác là “tuyển tập” những công thức có sẵn những câu trả lời “đúng”?
 Đúng như vậy. Sự uyên bác đòi hỏi những kiến thức bề ngoài. Có một cách nghiên cứu triết học như thế này: không đọc bất cứ tác phẩm triết học trong bất cứ trường hợp nào. Bạn cần phải mở cuốn sách ra, đọc mục lục, tóm tắt của nó, đọc xem Hegel nói gì trong đó, bạn cần phải đi theo những người hiểu biết.

 Hiện tại, có rất nhiều người thường xuyên tranh luận nhưng không đọc cuốn sách nào. Đây là điểm khác biệt giữa ngày nay và thời kỳ Xô Viết, khi đó sách rất hiếm nhưng được đọc rất nhiều. Ngày nay, tất cả đều nói về triết học nhưng không phải tất cả đều hiểu nó.

 - Khi chúng tôi phỏng vấn Igor Moiseyev (6), ông tự hào nói rằng, cuốn sách gối đầu giường của ông là “Đối mặt với chính mình” của Marcus Aurelius (7). Ông ngưỡng mộ ý nghĩa sâu sắc của cuốn sách này và một cách thông thạo trích dẫn nó. Điều này thật ngạc nhiên! Giáo sư có thể chia sẻ về cuốn sách gối đầu giường mình? Có hay không một cuốn sách có thể giúp đỡ bất cứ người nào, thưa giáo sư?
 Marcus Aurelius - một người tuyệt vời. Đây là một trường hợp hiếm hoi khi mà một triết gia cai quản đất nước, và các quy tắc của tốt. Ước mơ của Plato…

 Những cuốn sách gối đầu giường của tôi thường xuyên thay đổi. Hiện tại tôi đang đọc nhiều về Umberto Eco (8). Chúng ta một lúc nào đó đã từng đánh mất những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện mà ngày nay chúng ta dùng để kể, khi chúng mất đi thì con người bắt đầu tìm đọc. Nhưng đọc những câu chuyện cổ tích thật là nhàm chán. Bạn có nhớ những câu nói lặp lại của Puskin: “Ngang qua đảo Buyan…” Điều gì trong đó mà Puskin đã lặp lại ba lần? Đây là sự tiếp nhận cổ tích.

 Vì vậy, khi tôi thấy những cuốn sách nói của Thánh Augustine được bày bán, tôi hỏi: “Lẽ nào có ai đấy sẽ mua và ngồi nghe suốt 22 tiếng đồng hồ”. Những người ta vẫn mua. Mặc dù Augustine, Thomas Aquinas - đọc những chuyên đề như thế đòi hỏi phải có một phông văn hóa cao.

 Thật sự rất khó đề nghị đưa ra một cái gì đó phổ quát để có thể đi đến từng người. Mỗi người phải tự tìm đến cuốn sách của chính mình. Làm thế nào để điều này diễn ra? Hầu hết những cuốn sách đều tìm đến mỗi người. Chúng ta có thể đột nhiên tìm thấy triết học trong một dòng, một câu nào đó, trong một tác phẩm nào đó mà chúng không hề liên quan gì tới triết học. Một câu nào đó – và đột nhiên tâm trí sáng ra.

 - Triết học trong mọi thời kỳ đều là công cụ của sự hiểu biết lẫn nhau. Ngày hôm nay, làm thế nào để những con người đại diện cho những nền văn hóa, dân tộc khác nhau có thể hiểu biết lẫn nhau, tìm ra ngôn ngữ chung?
 Chúng ta cần phải giao tiếp nhiều hơn nữa. Giống như hiện tại tôi với bạn đang giao tiếp với nhau lúc này đây. Ngôn ngữ nói của con người được xây dựng theo những quy luật xác định. Nhưng khi bạn ghi chép nó, thì tất cả những giao tiếp sống động (trực tiếp) trong cuộc trò chuyện sẽ biến mất. Khi ngôn ngữ viết xuất hiện, nó phá hủy tính tự nhiên của giao tiếp người. Trong thời kỳ Trung cổ, các thầy tu không được đọc thầm, phải đọc lẩm bẩm. Sau đó, cái này biến đi khi văn hóa tuyến tính xuất hiện. Tất cả những gì được ghi lại phải được sắp xếp theo một trật tự nhất định, trong những quy định ngữ pháp, sau đó ngữ pháp này được dung nạp vào trong cuộc sống. Và trẻ em ngày hôm nay trải nghiệm thế giới thông qua văn hóa tuyến tính mặc dù nó hoàn toàn không tự nhiên đối với việc tiếp thụ cuộc sống.

 Kết quả là, khi biện luận tuyến tính, chúng ta phải đối mặt với một số khó khăn. Ví dụ, trong văn học, nếu chúng ta muốn truyền đạt tiếng kêu cọt kẹt của cánh cửa, chúng ta có thể viết “cánh cửa kêu cọt kẹt”, nhưng cách này sẽ không mang lại một hình ảnh nào cả. Và có thể viết "Vzhrmrzhr" (như một số nhà văn đã làm) - bạn phải cố gắng để đọc to cụm từ này lên - bạn chắc sẽ không thể đọc được. Hiện tại có sự quay lại độc đáo của trạng thái tiền-in ấn nhờ vào các phương tiện của kỹ thuật nghe nhìn. Điều này có nhược điểm của nó, nhưng nó mang lại cho chúng ta những hình ảnh trực quan.

 Chính văn phẩm in ấn, ở một mức độ lớn, đã sinh ra chủ nghĩa dân tộc và mối quan hệ tuyến tính giữa các quốc gia với nhau và tạo ra sự cô lập giữa các quốc gia. Trong mỗi một nền văn hóa đều sinh ra một hệ thống ngữ pháp cho riêng mình, và cứ như thế.

 Giao tiếp cực kỳ quan trọng đối với con người. Cuộc phỏng vấn hôm nay mang lại cho tôi niềm vui. Chúng ta có thể quan tâm nói chuyện với nhau, nhìn nhau. Và chúng ta không cần bất cứ điều gì, không ai có thể làm phiền chúng ta tìm kiếm thời gian cho buổi nói chuyện. Những giao tiếp trực tiếp như thế ngày hôm nay rất ít. Đây là một vấn đề lớn. Con người tự đóng kín mình lại. Như thế này có vẻ dễ dàng hơn: đeo tai nghe và nghe bất kỳ cuốn sách nào, không cần bước ra khỏi căn phòng nhỏ. Và giao tiếp sẽ đánh mất ý nghĩa của nó. Như bạn thấy, internet tạo ra những cơ hội tuyệt vời. Tôi có thể nói chuyện với bất kỳ ai tôi muốn. Nhưng làm thế nào để lấp đầy giao tiếp đó?

 Để đánh giá và hiểu biết lẫn nhau, chúng ta cần đắm mình vào nền văn hóa khác. Và ngày hôm nay, điều gì đang diễn ra? Văn hóa đang bị rơi vào trong không gian thông tin liên lạc và nó bị biến đồi từ phương tiện sang mục đích. Một hình thức giao tiếp được áp đặt nhưng lại không đặc trưng cho một nền văn hóa. Ví dụ, ngôn ngữ chung là tiếng Anh rút gọn. Những đứa trẻ của chúng ta biết chuột Mickey là gì, nhưng không hề biết Baba Yaga (9) là ai? Giao tiếp, thông tin nhiều hơn, nhưng ý nghĩa lại ít hơn. Ý nghĩa của giao tiếp sẽ nhiều hơn khi có hai, ba người tham gia vào đàm thoại - sự nung nóng, tiềm lực ngữ nghĩa sẽ cao hơn nhiều so với thời gian đọc và tích góp thông tin trên internet.

 Cho nên tôi ủng hộ giao tiếp, trong một giao tiếp tốt, không giới hạn về thời gian, bạn có thể thư giản và biểu lộ những phẩm chất con người được chúa ban tặng, mà không cần phải trả lời bằng nụ cười của ngôi sao điện ảnh Hollywood: “Tất cả thật tuyệt vời!”

 - Và trong phần kết, giáo sư có mong ước gì muốn gửi tới độc giả?
 Có một câu nói thế này, câu này của C.Mác. Tôi cũng yêu C.Mác từ trước, chứ không phải yêu cái mà đã trở thành chủ nghĩa Mác–Lênin. Mác thích nhắc lại những từ của Dante Alighieri (10): “Hãy đi theo cách của bạn, hãy để cho mọi người nói những gì họ muốn”. Tư tưởng này có thể nâng lên đến quan điểm của chủ nghĩa vô chính phủ, nhưng những người biết suy nghĩ hiểu được những gì đứng sau câu nói đó. Tôi cho rằng, điều này vô cùng quan trọng. Hãy đi theo cách của bạn và hãy để cho mọi người nói những gì họ muốn.

       Người đặt câu hỏi: Andrei Bukin, Elena Belega

Mai K Đa (lược) dịch
Nguồn bài dịch: tại đây

---------------------
[1] Karl Jaspers (1883-1969): nhà triết học, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần người Đức, một trong những đại biểu của chủ nghĩa hiện sinh

[2] Hans-Georg Gadamer (1900 -2002):  triết gia Đức, một trong những nhà tư tưởng nổi bật nhất nửa sau thế kỷ XX, được thừa nhận là người đặt nền móng cho “Thông diễn học triết học”

[3] Oswald Arnold Gottfried Spengler (29 tháng 5 năm 1880 – 8 tháng 5 1936) là một nhà sử học và triết gia lịch sử người Đức, đồng thời quan tâm tới toán học, khoa học và nghệ thuật. Ông được biết đến nhiều nhất với cuốn Sự suy tàn của phương Tây (Der Untergang des Abendlandes), xuất bản các năm 1918 và 1922, bao phủ toàn bộ lịch sử thế giới. Ông đề xuất một lý thuyết mới về văn minh nhân loại, theo đó tuổi đời của các nền văn minh là hữu hạn và chúng nhất định rồi sẽ tiêu vong. Ông thường được xem là một trong hai triết gia lớn nhất về lịch sử của thế kỉ 20 (cùng với Arnold J. Toynbee. Trong khi Toynbee đại diện cho khuynh hướng lạc quan, Spengler tiêu biểu cho chủ nghĩa bi quan về lịch sử văn minh. Ông biện hộ cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa độc đoán với cuốn Nhà nước Phổ và Chủ nghĩa xã hội (Preußentum und Sozialismus) năm 1920, đồng thời cổ vũ cho quyền bá chủ của Đức ở châu Âu. Do vậy chính quyền Quốc xã Đức đề cao ông, nhưng ông sớm bị tẩy chay do phản đối tư tưởng thuyết ưu việt giống nòi và đề cập tới kết cục mạt vận tương lai của Đế chế thứ ba.

[4] Vladimir Solovyov (1853-1900): nhà triết học Nga, nhà thần học, nhà tư tưởng tôn giáo, nhà thơ, nhà chính luận, nhà phê bình văn học, viện sĩ danh dự viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Nga.

[5] Lev Nikolayevich Gumilev (1912-1992): Sử gia dân tộc học Xô Viết và Nga, nhà Đông phương học, tiến sĩ lịch sử và địa lý.

[6] Igor Moiseyev (1906-2007) – tên tiếng Nga: И́горь Алекса́ндрович Моисе́ев – Nhà biên đạo múa Xô Viết và Liên bang Nga, Nhà biên kịch balet, vũ công balet, giáo viên dạy balet. Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô (1953), Anh hùng lao động xã hội (1976), Nhận giải thưởng Lênin (1967), Ba lần được giải thưởng Stalin (1942, 1947, 1957) và Giải thưởng Nhà nước Liên Xô (1985).

[7] Marcus Aurelius (121 – 180) là một Hoàng đế La Mã, trị quốc từ năm 161 đến khi ông mất vào năm 180. Ông từ là Tổng tài của đế quốc La Mã vào năm 140. Kể từ thiếu thời, ông đã được học kỹ về triết học, và sau này, ông được vị minh quân Antoninus Pius chọn làm con nuôi để thừa kế ngai vàng.

[8] Umberto Eco OMRI (phát âm tiếng Ý: [umˈbɛrto ˈɛko]; sinh ngày 5 tháng 1 năm 1932) là một triết gia, nhà văn, nhà phê bình và một nhà ký hiệu họcngười Ý. Tên tuổi ông được biết đến nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Tên của đóa hồng (1980). Những cuốn tiểu thuyết khác của ông còn có thể kể đến Quả lắc của Foucault, Hòn đảo ngày xưa, Baudolino (2000), Ngọn lửa bí ẩn của nữ hoàng Loana (2004) và Nghĩa địa Praha (2010). Ngoài ra, ông còn viết sách cho trẻ em cùng nhiều văn bản học thuật và bài luận khác. Ông là người sáng lập ra Dipartimento di Comunicazione ở Đại học Cộng hoà San Marino, trưởng khoa Scuola Superiore di Studi Umanistici, Đại học Bologna, thành viên của Accademia dei Lincei (từ tháng 11 năm 2010) và là thành viên danh dự của Kellogg College, đại học Oxford.

[9] Baba-Yaga (tiếng Nga: Баба-Яга) là một nhân vật trong văn học dân gian các dân tộc Slav. Baba-Yaga được mô tả là một mụ phù thủy có khuôn mặt gớm ghiếc, đặc biệt là cái mũi dài và dáng lưng còng. Nhân vật này ưa sống ở những nơi ẩm thấp như đầm lầy, rừng sâu, hay thậm chí là núi cao khuất bóng cây... Nơi ở là một túp lều chân gà, phương diện di chuyển là cái cối biết bay và cây chổi thần.

[10] Durante degli Alighieri hay Dante Alighieri hay, đơn giản hơn, Dante (1265-1321) là một nhà thơ, nhà thần học người Ý, tác giả của hai kiệt tác La Divina Commedia (Thần khúc) và La Vita Nuova (Cuộc đời mới).
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?