Sự can đảm của Nietzsche

Nietzsche là con đẻ của Darwin và (là) anh em của Bismarck.

Nietzsche nhạo báng những người Anh chủ trương thuyết Tiến hoá và những người Đức theo chủ nghĩa quốc gia, song điều này không quan trọng; ông có thói quen tố cáo những người đã ảnh hưởng tới mình nhiều nhất; đó là cách ông che đậy -một cách vô thức- những món nợ của mình.

Triết học đạo đức của Spencer không phải là hệ luận tự nhiên nhất của thuyết tiến hoá. Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu để sống sót, thì sức mạnh khi ấy sẽ là tối hậu, và sự yếu kém là lỗi lầm duy nhất. Tốt là cái gì sống sót, ưu thắng; xấu là cái gì đầu hàng, thất bại. Chỉ có những người Anh theo thuyết Darwin vào thời đại Victoria, những người Pháp trưởng giả theo thuyết duy nghiệm và những người Đức theo xã hội chủ nghĩa mới có thể che dấu tính cách tất yếu của kết luận này. Những người ấy khá can đảm để chối bỏ thần học Ki-tô giáo, nhưng họ không dám tỏ ra hợp luận lý, không dám phủ nhận những ý tưởng đạo đức, sự tôn sùng tính hoà nhã lịch sự và vị tha, những yếu tố đã thoát thai từ nền thần học ấy. Họ không còn là những người theo giáo đường Anh cát lợi, hay theo Công giáo La Mã, hay theo thánh Luther; nhưng họ không dám thôi làm những người Ki-tô giáo - Friedrich Nietzsche đã lý luận như thế.


"Yếu tố kích thích những nhà tư tưởng tự do Pháp từ Voltaire cho đến Auguste Comte là không theo đuôi lý tưởng Ki-tô giáo, ... mà phải vượt hơn nó nếu có thể. Comte, với lý tưởng "Sống cho kẻ khác", đã có tính cách Ki-tô hơn cả chính Ki-tô giáo. Ở Đức quốc, Schopenhauer và ở Anh, John Stuart Mill, đã đem lại tiếng tăm lừng lẫy nhất cho lý thuyết về thiện cảm, về lòng trắc ẩn, và về sự lợi tha kể như nguyên tắc hành động ... Tất cả những hệ thống thuộc xã hội chủ nghĩa đã vô tình tự an vị trên một nền tảng chung đã kể" *) [(*) trích dẫn trong Faguet: On Reading Nietzsche, NY, 1918, tr. 71].

Vô tình Darwin đã hoàn tất công việc của những nhà làm Bách khoa tự điển: họ đã dẹp bỏ nên tảng thần học của đạo đức tân tiến, nhưng vẫn để nguyên vẹn nền đạo đức ấy không động tới.
Những người sáng suốt sẽ nhận thấy ngay những gì mà những bộ óc sâu sắc nhất của mọi thời đại đã biết: ấy là, trong trận đấu ta gọi là cuộc sống này, cái gì ta cần không phải là sự tốt lành mà sức mạnh, không phải tính khiêm cung mà niềm kiêu hãnh, không phải lòng vị tha mà trí thông minh cả quyết; bình đẳng và dân chủ là phản lại luật đào thải và sống còn; không phải là quần chúng mà chính thiên tài mới là cùng đích của tiến hoá; không phải "công bằng" mà chính quyền lực mới là trọng tài của mọi cuộc phân tranh và mọi số phận - Friedrich Nietzsche nghĩ thế.

Nếu tất cả điều trên là đúng, thì không gì hùng vĩ, đầy ý nghĩa hơn Bismarck. Đây là một con người đã hiểu biết những thực tại cuộc đời, người đã nói toạc rằng "không có lòng cao thượng vị tha giữa các quốc gia", rằng những vấn đề hiện nay phải được định đoạt không phải bằng đầu phiếu và tài hùng biện, mà bằng máu và sắt. Bismarck quả là một cơn lốc tẩy uế cho một Âu châu đã thối rữa vì những ảo tưởng dân chủ và những "lý tưởng" ! Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, ông đã khiến toàn thể nước Áo suy tàn phải nhận quyền lãnh đạo của ông; chỉ trong vài tháng ngắn ngủi ông đã triệt hạ một nước Pháp say sưa với huyền thoại Napoléon; và trong những tháng năm ngắn ngủi ấy ông đã đồng lúc bắt buộc tất cả những "tiểu quốc" của nước Đức , tất cả những vị vua chuyên chế, những lãnh chúa, những quyền lực nho nhỏ kia phải tan hoà vào trong một đế quốc hùng mạnh, biểu tượng chính cống của nền đạo đức mới về sức mạnh. Hùng lực kỹ nghệ và quân sự đang lên của nước Đức mới này cần một tiếng nói; chiến tranh cần một nền triết học làm trọng tài để biện minh cho nó. Ki-tô giáo sẽ không làm việc ấy, nhưng thuyết tiến hoá có thể làm. Chỉ cần một ít can đảm để hoàn tất công việc.

Nietzsche đã có cái can đảm ấy và trở thành tiếng nói của thời đại.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?