Triết học như là một Lối Sống

Ngày nay triết học Tây phương, phần lớn, là một ngành nghiên cứu biệt lập, hàn lâm, chuyên nghiệp, có mục tiêu mơ hồ là thăng tiến tri thức trong một số lĩnh vực giới hạn (nổi bật nhất là đạo đức học, nhận thức luận, và siêu hình học). Mặc dù cá nhân triết gia hay tiểu ngành triết học có thể mang mục đích đạo đức hay chính trị, nhưng đại thể triết học rõ rệt không có ý nghĩa chính trị hay tâm lý trị liệu. Ví dụ, một nhà nhận thức luận thành danh nổi bật có thể không có ảnh hưởng gì trong chính trị, là một công dân trùm chăn, và là một người không hạnh phúc. Dĩ nhiên, triết gia thường thích việc mình làm. Nhưng những ý tưởng triết học họ thu được thường không đem lại một lời thanh minh về lý thuyết vì sao họ hoạt động hay yêu thích triết học.


Đối lại, triết học Tây phương cổ đại, nhất là kể từ khi hoạt động triết học đạo đức của Socrates bắt đầu, ngày càng tự xác định là sự vun trồng một lối sống mà đối tượng của nó là đạt được an khang hay hạnh phúc (eudaimonia)[8]. Hoạt động triết học, từ đó, có nghĩa chính trị chỉ trong phạm vi một ý niệm nào đó về an khang phù hợp hay đi ngược với các giá trị xã hội và chính trị ước lệ. Thực thế, thường thì, triết học cổ đại nghiên vể hướng phản động. Trong khi triết gia thường không từ bỏ thế giới, nhưng họ thường từ bỏ xã hội hay ít nhất các giá trị của xã hội của họ. Đúng kiểu phản ứng như thế, Socrates bị xử tử vì cố gắng cải tổ xã hội và chính trị. Platon phê phán dân chủ, trong khi ông sống gần như cả đời trong thành phố dân chủ Athens. Các triết gia Epicurus vun trồng một cuộc sống cộng đồng, cố tình tách biệt với chính trường, mà họ cho là quấy nhiễu tâm thần. Triết gia Cynici mạnh dạn bác bỏ các giá trị công ước, và người cha danh nghĩa Diogenes từ Sinope là người đầu tiên tự gọi mình là cosmopolitês, nghĩa là, một công dân của thế giới, chính vì ông bác bỏ giềng mối sắc tộc và trách nhiệm công dân.

Trong khi triết học sau Socrates được tái quan niệm thành đạo đức tự căn đễ và là một lối sống, những triết gia và trường phái sau đó nhập vật lý vào triết học. Sự tái nhập này được thúc đẩy bằng quan điểm cho rằng để hiểu được an khang và nhân thiện cần phải hiểu bản chất con người, và để hiểu bản chất con người cần phải hiểu thiên nhiên và vũ trụ. Do đó, khái niệm về an khang sở dĩ có khác nhau giữa các triết gia và các trường phái là do quan điểm riêng về thiên nhiên và vũ trụ của họ.

Sâu xa hơn nữa, trong bối cảnh Parmenides trên cơ sở nhận thức luận phê phán sự quá bận tâm của tiền bối mình về thiên nhiên và vũ trụ học, nghiên cứu về thiên nhiên tự nó phải được lý thuyết nhận thức luận chống đỡ. Do đó, sự tái nhập vật lý học vào triết học cũng song song với sự tái nhập nhận thức luận một cách tổng quát [vào triết học], và không chỉ là nhận thức luận về đạo đức.

Trong thời kỳ văn hoá Hy lạp, khái niệm về triết học gồm có ba phần, ethika [đạo đức học], physika [vật lý học], và logikê [luận lý học], kết tinh lại. Vật lý cổ đại, khái niệm có phạm vi rộng hơn vật lý học ngày nay, gồm nhiều phần mà thời kỳ Sơ Hiện đại gọi là triết tự nhiên. Thật vậy, từ Hy lạp physika nghĩa hẹp là "vật trong tự nhiên". Luận lý (logikê) gồm nhận thức luận và ngữ nghĩa và cái chúng ta gọi là lô-gíc. Sau cùng, đạo đức học (ethika) gồm chính trị học và nhiều nét của tâm lý học cũng như đạo đức học. Tóm lại, các trường phái triết học cổ đại và các luận điểm tổng quát của chúng có thể làm sáng tỏ và đối lập nhau theo giải đáp của chúng cho ba câu hỏi: "Làm sao chúng ta biết được vũ trụ?", "Bản chất của vũ trụ là gì?" và "Làm sao chúng ta đạt được an khang trong vũ trụ?"

Trích: Lịch sử Triết học Tây phương cổ đại

David Wolfsdorf
Đại học Temple

Translated by Ngô Thanh Nhàn
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?