Mai K Đa: Skovorođa – Nhà triết học đúng nghĩa đầu tiên của nước Nga

Mai K Đa
Học viên cao học. Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga, LB Nga
Tạp chí Giáo dục lý luận, số 191 (1/2013), trang 30-34

Triết học Nga xuất hiện ở nước Nga Kiev (Киев) cổ và liên quan chặt chẽ tới quá trình Kitô giáo hóa, mà điểm khởi đầu đã được đánh dấu bởi một sự kiện lịch sử văn hóa quan trọng - sự công nhận Kitô giáo vào năm 988 là quốc giáo của công tước Vladimir I (Владимир Святославич) (958 – 1015) (1). Đây chính là cơ sở cho sự ra đời và phát triển của nhà thờ Chính thống giáo ở nước Nga mà về sau nó trở thành một dòng tôn giáo phát triển độc lập. Trong nguồn gốc của nó, triết học ở nước Nga cổ, một mặt tiếp thu những đặc điểm của nền văn hóa đa thần Slavơ, mặt khác, nó tiếp nhận từ nội dung giáo lý Kitô giáo, sự tiếp nhận này đã diễn ra sự tiếp xúc giữa nước Nga cổ với Đế chế Byzantine, qua đó nước Nga đã thu nhận được rất nhiều tư tưởng, quan niệm của triết học Hy Lạp – La Mã cổ đại – Trung tâm khởi nguồn của triết học châu Âu phương Tây. Có thể nói, giai đoạn hình thành từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, triết học Nga thiếu tính độc lập và mang đậm thế giới quan tôn giáo. Trung tâm của đời sống tinh thần giai đoạn này là các tu viện. Giai đoạn phát triển lớn thứ hai của triết học Nga bắt đầu từ thế kỷ thứ XVIII. Nó trùng hợp với giai đoạn chuyển đổi trong lịch sử Nga Moscow sang nước Nga Saint-Petersburg. Hai yếu tố quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của triết học mà của cả đời sống văn hóa tinh thần thời kỳ này là: quá trình châu Âu hóa của nước Nga gắn kết với các cải cách của Peter đại đế và quá trình thế tục hóa của đời sống xã hội (2).

Bên cạnh khuynh hướng triết học duy vật thế tục được phát triển mạnh mẽ với những tên tuổi nổi bật như: Mikhail Lomonosov, Alexnder Radishchev, ở nước Nga thế kỷ XVIII, khuynh hướng tư tưởng tôn giáo cũng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa – tinh thần của dân tộc.  Tư tưởng tôn giáo trong thời kỳ này ngày càng mang tính triết học hơn, tri thức triết học đã đi vào chương trình giáo dục thần học một lượng đáng kể. Triết học được giảng dạy trong các học viện thần học của nhà thờ mà tiêu biểu như học viện Slavơ – Hy Lạp – Latin ở Moscow. Như vậy, trong sâu thẳm ý thức của giáo hội, khả năng phát triển tư tưởng triết học phải dựa vào những nguyên tắc Kitô giáo. Quá trình này đặc biệt thể hiện rõ trong triết học của Xkovorođa , người được xem là nhà triết học đúng nghĩa đầu tiên của nước Nga (3).

Skovorođa (1722 - 1794) (4) là một người có niềm tin sâu sắc vào Chúa, nhưng đồng thời ông cũng là một con người tự do khác thường trong ý nghĩ. Sự can đảm và những tư tưởng táo bạo của ông đôi khi đứng đối lập với giáo lý truyền thống của nhà thờ. Trong việc chú giải kinh thánh, Skovorođa thưởng sử dụng các phương pháp ẩn dụ để chú giải kinh thánh.

Sau khi tốt nghiệp tại học viện Kiev – Mohyla, ông đã đi chu du nhiều nước như: Hungari, Áo, Đức, Ba Lan, Ý… Bất cứ nơi nào có thể, ông đều rất chăm chú xem xét đời sống của người bản xứ, tham dự vào các bài giảng trong các trường đại học. Ông thành thạo tiếng Latin và tiếng Đức, biết tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái, là một người được giáo dục kỹ càng, ông biết rất nhiều về các triết gia cổ đại. Các tác phẩm triết học của Skovorođa thường được viết dưới dạng đối thoại triết học.

Thế giới quan và hoạt động sáng tạo của ông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn văn học (1750 – 1760) và giai đoạn triết học (1770 – 1780). Di sản nghệ thuật của ông bao gồm 50 bài hát và những bài thơ. Skovorođa đã sáng tạo ra một loạt các truyện ngụ ngôn dưới một tiêu đề chung “Những câu chuyện hoang đường của Kharkov”. Trong sáng tác thơ ca, có thể tìm thấy mũi tên của ông chĩa vào các vấn đề triết học, những hiện tượng được miêu tả đi đôi với các đánh giá mang tính đạo đức.

Theo Skovorođa, tính nhị nguyên luận là đặc tính vốn có của nhận thức về thế giới: có nhận thức lướt nhẹ trên bề mặt của tồn tại, và có nhận thức về “Chúa trời”. Ông cho rằng, nhận thức cảm giác là điểm xuất phát, mà từ đó để cần thiết để mọc lên nhận thức tinh thần (tâm linh). “Nếu bạn muốn biết một cái gì đó có phải là chân thật hay không, đầu tiên hãy tìm kiếm nó trong thể xác, có nghĩa là trong vẻ bề ngoài và bạn sẽ nhìn thấy trên nó những dấu vết của Thiên Chúa, những dấu vết mà ở đó phơi bày sự thông thái bí ẩn và ít người biết” (5). Nhận thức ở bậc cao hơn, sự nhìn thấy “các dấu vết của Thiên chúa” sẽ được đưa ra trong linh cảm của tinh thần, nhưng nó có thể đến được tất cả mọi người, những người có khả năng thoát khỏi ách nô lệ của nhục dục. Con đường đi đến sự suy tưởng về tồn tại một cách sâu sắc như vậy, phải được tìm kiếm trước hết trong mối quan hệ với chính bản thân mình. Sự tự nhận thức mở ra trong con người hai “lớp” của tồn tại, có nghĩa là kinh nghiệm tâm lý - thể xác và kinh nghiệm mở ra đời sống tinh thần, cho phép nhìn thấy rõ tính nhị nguyên của tồn tại. Theo quan niệm của ông, sự tự nhận thức là cái khởi nguyên của sự thông thái.

Ông đã xây dựng học thuyết về đạo đức, trung tâm của học thuyết này là tư tưởng về hạnh phúc, về sự thống nhất của con người và tự nhiên, về “lao động họ hàng”. Cơ sở triết học trong học thuyết của ông là quan niệm về “hai bản chất”, nó được trình bày một cách rõ ràng và cụ thể trong bài luận “Bức tượng thánh Alkiviadxkaia”. Theo ông, tất cả những vấn đề triết học đều được biểu thị một cách rõ ràng trong con người và con người được giải quyết nó. Tất cả những tồn tại, đều sở hữu “hai bản chất”: bản chất có thể nhìn thấy, tiếp thụ được bằng các cảm giác và bản chất không thể nhìn thấy , bản chất bên trong, tiếp thụ được bởi suy niệm trí năng (suy niệm tinh thần). Skovorođa dành sự quan tâm nhiều cho đặc trưng của “bản chất nhìn thấy được”, hay là vật chất, với các biểu hiện và tính chất đa dạng của nó. Và cái cuối cùng chính là “bản chất không thể nhìn thấy được”. Nói một cách khác, vật chất (bản chất bên ngoài, nhìn thấy được) đối lập với hình dạng (bản chất vô hình, không nhìn thấy được).

Hình dạng, hay là ý tưởng, theo Skovorođa, là nguyên lý cơ bản của vật chất, nó xác định sự phát triển của vật chất: hình thành, phát triển, chết, sự quá độ từ tình trạng này sang tình trạng khác. Hình thức tinh thần (Chúa) là vĩnh viễn xét về bản chất của nó, nó quy định tính vĩnh cữu và vững chắc của vật chất. Nhà triết học đã xem chúa trời như một đấng siêu nhiên, điều khiển thế giới. Thuộc tính cơ bản của Chúa trời là sự phù hợp bản chất của nó với bản thể của tự nhiên, với các quy luật được phát triển bởi tự nhiên. Do đó, Skovorođa đã đi đến việc phủ nhận sự màu nhiệm, như chúng ta biết, đóng một vai trò rất lớn trong lý thuyết Kitô giáo… Sự hiểu biết về Chúa trời như thể đồng nhất hóa với tự nhiên, điều này được biết đến trong triết học với tên gọi là chủ nghĩa phiếm thần phiếm thần luận.

Trong triết học của mình, Skovorođa cũng đã đưa ra và luận giải về tư tưởng “ba thế giới”. Tư tưởng này được thể hiện rõ ràng nhất trong tác phẩm “Trận đại hồng thủy Zmiin”. Thế giới đầu tiên và quan trọng nhất trong triết học của ông là thế giới vĩ mô – nơi mà mọi sự sinh thành đang cư ngụ, nó đối lập với hai thế giới thành phần là thế giới vi mô (hay thế giới nhỏ bé – con người) và thế giới biểu tượng (Chúa).


Nằm ở vị trí trung tâm trong tư tưởng của Skovorođa là vấn đề con người, vấn đề ý nghĩa của cuộc sống và số phận của con người. Khái niệm cơ bản mà Skovorođa đã phân tích trong học thuyết của mình về con người là khái niệm trái tim. “Mỗi một con người đều có một trái tim nào đó trong nó, trong con người, trái tim là người thủ lĩnh; và trái tim là một con người thực sự” (6). Skovorođa cho rằng, “có cơ thể phàm tục và cơ thể tinh thần (cơ thể tâm linh, thiêng liêng) bí ẩn, kín đáo, vĩnh cửu”, và một cách tương thích, có hai trái tim. Skovorođa cho rằng, trái tim tinh thần là “vực sâu, mà ở đó nó chứa đựng và bao trùm tất cả”, không có cái gì có thể chứa đựng được nó. “Trái tim là gì, nếu nó không phải là linh hồn? Linh hồn là gì, nếu nó không phải là vực thẳm không đáy của các tư tưởng? Tư tưởng là gì nếu nó không phải là gốc rễ, hạt giống, mầm mống của tất cả máu thịt của chúng ta và của các tồn tại khác?” (7). Ông quan niệm, tư tưởng là cái lò xo bí mật của tất cả bộ máy thân thể của chúng ta.


Thế giới của con người (thế giới vĩ mô) được ông mô tả như sau: “Thế giới là một bữa đại tiệc điên rồ, là một khu chợ lắc lư, là biển nổi đầy song, là địa ngục bị đày đọa” (8). Skovorođa cho rằng, khả năng khắc phục những tệ nạn, khuyết tật đạo đức của con người không phải gắn liền với những hoàn cảnh bên ngoài mà gắn liền với những phẩm chất bên trong của con người. Skovorođa cho rằng, khoa học về con người là khoa học của mọi khoa học. Ông đánh giá hạnh phúc của con người thông qua bản chất bên trong của con người. Từ triết học của Skovorođa, chúng ta thấy rằng, bản chất bên trong, cuối cùng cũng được thể hiện thông qua hoạt động lao động của con người. Chủ đề “lao động họ hàng” là một trong những chủ đề quan trọng nhất được phát triển bởi Skovorođa. Chủ đề này có giá trị xác định hạnh phúc của con người và ý nghĩa của tồn tại người. Skovorođa cho rằng, chỉ thông qua hoạt động lao động, con người mới đạt đến hạnh phúc thực sự, đó là một cuộc sống lương thiện, chân thật với một “lương tâm trong sang”. Song ông cũng lưu ý rằng, không phải mọi lao động đều dẫn tới cuộc sống lương thiện và lương tâm trong sang. Lao động mang tới hạnh phúc là lao động thể hiện lòng say mê mang tính tự do của con người, chứ không phải là lao động mang tính trách nhiệm, bổn phận, lao động trong sự ép buộc. Sự phân công lao động thành lao động “họ hàng” và “không họ hàng” của Skovorođa có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Có loại lao động mang tới tự do và hạnh phúc, nhưng cũng có loại lao động mang tới  cảm giác đau khổ và sự khốn cùng cho con người. Lao động “không họ hàng” đó là nguồn gốc suy thoái của con người và xã hội loài người. Bởi vậy, nhân dân cần phải thấy tầm quan trọng của lao đọng “họ hàng” – lao động không chỉ vì lợi ích của xã hội mà còn vì cả hạnh phúc cho mỗi cá nhân.

Có thể thấy triết học của Skovorođa có tính độc lập, toàn vẹn và hệ thống, là sự tổng kết các tư tưởng của nhiều nhà tư tưởng khác. Tầm quan trọng của di sản triết học của ông là ở chỗ, chúng ta có thể dựa vào nó để xem xét thời đại chúng ta đang sống, khi con người đã và đang phải gánh chịu những nguy hiểm do chính con người tạo ra, khi lao động đánh mất sức hấp dẫn của nó, khi đời sống với nhiều người đã trở nên vô nghĩa, trống rỗng, và sự giai tang mạnh mẽ số lượng các thành đường không làm giảm đi sự tăng trưởng của tội ác.

Skovorođa là một nhà triết học đúng nghĩa theo nghĩa nguyên bản của từ này, không chỉ rao giảng học thuyết của mình, ông còn đưa nó vào trong cuộc sống. Khi qua đời, trên bia mộ, người ta tạc lên dòng chữ nổi tiếng được trích ra từ chính di chúc của ông: “Thế giới đã săn lùng tôi, nhưng đã không bắt được tôi”. Ngày nay, ở nước Nga hậu Xô Viết, với xu hướng tìm về và đề cao nền tảng tinh thần Chính thống giáo, lịch sử triết học dân tộc Nga được đẩy mạnh nghiên cứu hơn bao giờ hết, trong đó “Skovorođa” là một trong những cái tên luôn thu hút được sự quan tâm sâu sắc. 

1. М. Н. Зуев: История России. Изд. Оникс 21 век, Москва, 2005, с. 18.
2. Xem: Lê Thị Tuyết, Mai K Đa, Dương Quốc Quân. Lược sử triết học Nga từ khởi nguồn đến cuối thế kỷ XVIII. Tạp chí Triết học, số 10, tr77-86
3. А. Ф. Лосев. Г. С. Сковорода в истории русской культуры// Лосевские Чтения: Материалы научной теоретической конференции: «Цивиоизация и человек: проблемы развития», Май 2003
4. Xem М. А. Маслин. Русская философия: Словарь. Изд «Республика», Москва 1999, стр. 444
5. П. С. Таранов. Симферополь: Реноме, 1997. Т.2, стр. 26
6. Сковорода Г. Соч. Т.1. Москва, 1912. Стр. 171
7. В. В. Зенковский. История русской философии. Собор. Соч. Л. 1991. Стр.72
8. Ф. П. Пубяновский. Воспоминания. Т.1. Киев. 1872. Стр.101
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?