Dấu ấn Platon trong tư tưởng chính trị trung - cận đại Tây Âu

Để làm rõ ảnh hưởng chính trị của Platôn trong tư tưởng chính trị Trung – Cận đại Tây Âu, trong bài viết này, tác giả đã chỉ ra và phân tích một số tư tưởng chính trị của Platôn được các nhà triết học Tây Âu thời kỳ Trung – Cận đại tiếp thu, kế thừa, phê phán và phát triển, đặc biệt là tư tưởng của Platôn về “nhà nước lý tưởng”.

THS. NGUYỄN THỊ THANH THỦY (*)

Trong thời kỳ Trung cổ, người ta thường phân chia dân chúng thành 3 giai cấp: cần lao, quân nhân và giáo sĩ. Giai cấp giáo sĩ, mặc dù chỉ là một thiểu số, đã nắm trong tay tất cả quyền hành và cai trị gần như tuyệt đối một phần nửa lãnh thổ châu Âu. Giai cấp này chiếm được vị trí cầm quyền không phải do sự tấn phong của dân chúng, mà là do các công trình nghiên cứu, sự học hỏi, nếp sống đạo đức và lối sống giản dị. Giai cấp này cũng không bị ràng buộc bởi nếp sống gia đình và trong nhiều trường hợp, còn được hưởng nhiều tự do trong luyến ái mà Platôn chủ trương dành cho giai cấp lãnh đạo. Nếp sống độc thân của nó là yếu tố tâm lý thuận lợi: phần thì họ không bị cản trở bởi sự ích kỷ dành cho gia đình, phần thì dân chúng coi họ như những con người đặc biệt, đứng trên những đòi hỏi của thân xác. Sự phân chia các giai cấp (đẳng cấp) như thế đã cho thấy dấu ấn của tư tưởng Platôn, chỉ có điều do đặc điểm xã hội Trung cổ mà triết gia được thay bằng giáo sĩ.

Phương án Platôn hóa Kitô giáo đã được thể hiện không chỉ trong bản thể luận, nhận thức luận, mà cả trong chính trị.(*)Chủ nghĩa điển mẫu - xác lập các chuẩn mực chính trị được áp dụng trong việc đánh giá và phán xét các hành vi của con người đã chứng tỏ quan niệm của Platôn về ý niệm đã phát huy tác dụng. Triết học chính trị của St.Augustine là sự kế thừa tinh thần Platôn trong điều kiện Trung cổ Kitô giáo. Ý niệm về thiên đàng, địa ngục có mối liên hệ mật thiết với quan điểm của Platôn trong Nhà nước hay Nền Cộng hòa. Chúng ta thấy rõ hơn chủ nghĩa điển mẫu về chính trị thể hiện trong Thành phố của Chúa (tiếng Latinh: De Civitate Dei) của St.Augustine. Tác phẩm này, với 22 cuốn, đã trình bày lịch sử nhân loại như sự đồng tồn tại của hai cộng đồng, hay hai vương quốc – vương quốc của Chúa và vương quốc trần thế. St.Augustine lấy các chuẩn mực và hình tượng Kinh thánh Kitô giáo để phân biệt hai thế giới. Đương nhiên, do sống trong thời đại Trung cổ, nên St.Augustine đi xa hơn Platôn. Xét từ góc độ chính trị – xã hội, Thành phố của Chúa có ý nghĩa phản kháng nhất định. St.Augustine sống trong thời đại suy tàn của chế độ nô lệ, nhìn thấy tận mắt nỗi đau, sự bất ổn, sự khủng hoảng lòng tin của con người do chiến tranh gây ra. Biểu tượng của thế giới trần tục trong con mắt ông là Babylon quá khứ và đế chế La Mã hiện tại. Biểu tượng thế giới của Chúa là Jerusalem và những nơi linh thiêng khác. Theo ông, thế giới trần tục cần được thay thế bằng một trật tự xã hội mới, hợp ý Chúa – Vương quốc nước Chúa – nhà nước của sự hợp quần toàn nhân loại. Vào thời Trung cổ, xung đột giữa hai thực thể nêu trên mang ý nghĩa của cuộc đấu tranh giữa nhà thờ Kitô – Thiên Chúa giáo La Mã với chính quyền thế tục, giữa Giáo hoàng với nhà vua trong từng quốc gia riêng biệt. Người chiến thắng trong những cuộc xung đột này thường là Giáo hoàng, mà sự thể chế hóa nhà thờ phổ biến khắp Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Ba Lan,...

Với một lý thuyết như trên, dân chúng châu Âu đã được cai trị mà không cần dùng đến vũ lực; họ sẵn sàng chấp nhận sự cai trị ấy và không bao giờ đòi hỏi tham gia trực tiếp vào bộ máy chính quyền. Những người làm nghề buôn bán và quân nhân, những nhóm lẻ tẻ ở địa phương, tất cả đều một lòng phục tùng La Mã. Giai cấp lãnh đạo thời ấy đã xây dựng nên một tổ chức cai trị vững mạnh và lâu dài nhất thế giới. Thời kỳ ấy, đời sống chính trị cũng như đời sống tinh thần của cả châu Âu được coi là đêm trường Trung cổ.

Platôn đã so sánh chính trị ở Ai Cập với chính trị tại thành Athens và cảm thấy Athens còn nhiều khiếm khuyết. Tại Italia, ông có dịp quan sát một nhóm lãnh đạo đúng theo chế độ cộng sản và ăn chay trường. Nhóm này cầm quyền khá lâu và khá vững. Ở Xpáctơ, ông cũng quan sát được những điều kiện tương tự: nhóm lãnh đạo ở đây sống một cuộc đời khắc khổ tập thể, họ rất chú trọng đến việc cải thiện nòi giống, chỉ những người khoẻ mạnh, can đảm, thông minh mới được quyền lập gia đình và sinh con đẻ cái. Quan điểm sở hữu xã hội đối với phụ nữ, giảm thiểu nhu cầu ở các chiến binh không hẳn là một chương trình hão huyền, xa rời thực tế, vì nó được vận dụng ngay cả trong thời Trung cổ và còn in đậm dấu ấn ở mô hình chủ nghĩa xã hội quan liêu, cửa quyền (đương nhiên là không còn tình trạng “sở hữu xã hội” đối với phụ nữ).

Những lời phê phán của Arixtốt, người học trò xuất sắc nhất của Platôn, được nhiều triết gia hưởng ứng. Platôn coi thường sức mạnh của tập tục đã được xây dựng lâu đời, như phong tục độc thê. Ông không tiên liệu được tính ghen tuông tự nhiên của người đàn ông, tình mẫu tử của người đàn bà. Khi chủ trương loại bỏ đời sống gia đình, ông đã bác bỏ những điều kiện cho một nếp sống đạo đức. Mô hình chủ nghĩa cộng sản bình quân, thô lỗ mà C.Mác đã đề cập trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 chẳng qua cũng chỉ là một chế độ gia đình được nới rộng cho toàn dân. Khi chủ trương loại bỏ gia đình, Platôn không biết rằng, ông đã phá vỡ nền móng của một xã hội lý tưởng mà ông chủ trương xây dựng.

Platôn cho rằng, chỉ một thiểu số giác ngộ mới đủ đức tính, tinh thần để sống một cuộc đời lãnh đạo và chỉ những người lãnh đạo mới xem nhau như anh em, mới từ bỏ quyền tư hữu. Đa số dân chúng còn lại được quyền sống theo các tập tục cổ xưa; họ được phép có của cải riêng, được sống xa hoa, và cạnh tranh; họ có thể sống với gia đình, chồng đâu vợ đó, mẹ đâu con đó, v.v.. Đối với giai cấp lãnh đạo thì phải có tinh thần danh dự và sự hãnh diện giai cấp, chính những yếu tố này cho phép họ sống cuộc đời khắc khổ tập thể.

Nhiều quan điểm phê phán khác dựa trên yếu tố kinh tế. Người ta cho rằng, Platôn quá chú trọng đến sự phân chia giai cấp. Sự thật thì nguyên do của sự phân chia là những mâu thuẫn kinh tế trong xã hội. Trong tư tưởng chính trị của Platôn, giai cấp lãnh đạo được tự ý từ bỏ sự cạnh tranh để vơ vét của cải. Với ông, giai cấp này là giai cấp có quyền mà không có trách nhiệm. Song, trên thực tế lại không phải như vậy, họ có quyền chính trị và quyền điều khiển, nhưng lại không có quyền lực kinh tế. Những người có của cải có thể từ chối cấp dưỡng, nếu họ bất bình với giai cấp lãnh đạo. Một số người khác đặt câu hỏi làm sao giai cấp lãnh đạo có thể giữ vững được quyền hành, nếu không kiểm soát được những lực lượng kinh tế. C.Mác cho rằng, quyền lực chính trị chỉ là hình ảnh của kinh tế và nó sẽ không còn là gì, một khi quyền lực kinh tế đã rơi vào tay một nhóm khác như đã xảy ra tại châu Âu trong thế kỷ XVIII.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, quyền lực của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã đã có một thời giữ vị trí thống trị trong đời sống – xã hội châu Âu không phải nhờ thế lực kinh tế, mà nhờ vào tín ngưỡng của dân chúng. Quyền lực của Giáo hội Trung cổ một phần là do nền kinh tế nông nghiệp: những người nông dân thường tin vào Thượng đế, thần thánh, bởi điều kiện sản xuất lúc bấy giờ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Khi các điều kiện kinh tế thay đổi, khi nền kinh tế công nghiệp bắt đầu thay thế cho nền kinh tế nông nghiệp, thì quyền lực của Giáo hội bắt đầu sút giảm. Quyền lực chính trị phải luôn được điều chỉnh để ăn khớp với tình trạng kinh tế. Giai cấp thống trị, theo Platôn, cũng bị lệ thuộc vào những người sản xuất đã nuôi dưỡng nó. Dù giai cấp cầm quyền nắm trong tay tất cả quân đội cũng không thoát khỏi sự lệ thuộc ấy. Quan niệm chính trị của Platôn muốn chứng minh rằng, dù cho các lực lượng kinh tế quyết định chính sách quốc gia, những người thi hành chính sách này phải là những nhà triết học, chứ không thể là những thương gia, vì họ chưa được huấn luyện trong lĩnh vực này.

Có những quan điểm phê phán Platôn chưa ý thức được sự đổi thay, thăng trầm của tất cả các chế độ kinh tế, văn hóa cũng như chính trị. Bản thân Platôn đã phân loại dân chúng thành những giai cấp không khác gì nhà côn trùng học phân loại các côn trùng. Ông còn tạo ra các huyền thoại để bắt buộc dân chúng tin vào sự phân loại ấy. Quốc gia của Platôn là một quốc gia thủ cựu, thuật chính trị của Platôn thiếu sự tế nhị, mềm dẻo; nó chỉ đề cao trật tự mà không đề cao sự tự do; nó đề cao cái đẹp nhưng lại không biết nuôi dưỡng các nghệ sĩ.

Platôn chủ trương những nhà cai trị phải là những người ưu tú nhất và phải được huấn luyện chu đáo. Đó là hai ý kiến đã được đem ra bàn cãi và cũng đã được áp dụng nhiều lần trong lịch sử. Sau cùng, cần phải nói thêm rằng, quốc gia lý tưởng của Platôn không nhất thiết phải là một quốc gia trên thực tế; nó chỉ ấn định đường hướng cho các quốc gia khác noi theo.

Tôn giáo thời Trung cổ, cụ thể là Kitô – Thiên Chúa giáo, đã trở thành hạt nhân, thước đo văn hóa và thế giới quan của xã hội phong kiến. Chính trị, luật pháp nằm trong tay tầng lớp tăng lữ và được xác định như lĩnh vực ứng dụng của thần học. Thế giới là tạo hóa của Chúa, là cuốn sách do Chúa viết lên và ban cho ý nghĩa đối với từng tạo vật. Hoa hồng, chim bồ câu, sư tử, con bê, phượng hoàng, ngọc châu... biến thành những biểu tượng tôn giáo thiêng liêng và được quy về sự tượng trưng cho Đức Kitô trong bốn thời điểm mang tính bước ngoặt trong cuộc sống của ngài: Kitô sinh ra như một con người, chết đi như một con bê, phục sinh như con sư tử, bay lên trời như chim phượng hoàng.

Vào thời cực thịnh của triết học kinh viện đã nổi lên Tômát xứ Aquinô (Thomas Aquinas, 1225 – 1274). Ông là nhà thần học, nhà triết học và là một  trong những đại diện lớn của tư tưởng khoa học Trung cổ, người sáng lập ra chủ nghĩa Thomas. Cơ sở học thuyết chính trị của Thomas Aquinas là chủ nghĩa Arixtốt, được trình bày trong lời bình chú cho tác phẩm Chính trị của triết gia này, cũng như trong Tổng luận thần học. Thomas được biết đến như người bảo vệ thuyết sáng tạo và sự tồn tại bản thể luận của Thượng đế căn cứ vào các dữ kiện vật lý học và các quy tắc lôgíc học của Arixtốt. Ở lĩnh vực chính trị và liên quan đến chính trị, sau Arixtốt, Thomas khẳng định rằng, nhà nước là thiết chế tự nhiên, chứ không phải là thiết chế truyền thống và là nấc thang hoàn thiện của sự phát triển xã hội, là xã hội đạt đến sự thể chế hóa, lý tưởng hóa. Nhà nước mang tính tự nhiên, vì con người là sinh vật xã hội. Con người cần liên kết với nhau để tồn tại, đảm bảo điều kiện sống tốt đẹp và xác lập nền văn hóa của mình. Động vật tồn tại và hành động theo bản năng, còn con  người dựa vào lý trí. Nhà nước mang tính lý tưởng, vì nó có khả năng đảm bảo cho con người đạt được mục đích sống của mình, giảm dần sự lệ thuộc vào tự nhiên. Nhưng tính lý tưởng và lý trí tối thượng lại xuất phát từ Thượng đế. Mọi quyền lực, trong đó có quyền lực chính trị, mọi quyền con người, trong đó có quyền sống và quyền tự do, đều xuất phát từ Thượng đế, được Thượng đế định trước.

Thomas phân biệt 5 hình thức cai trị của nhà nước: dân chủ, quý tộc, hoạt đầu (tập đoàn thống trị), quân chủ, độc tài. Nếu hoạt đầu và quý tộc là những biến thái lịch sử, không đáng quan tâm, thì ba hình thức còn lại: dân chủ, quân chủ, độc tài đã được trải nghiệm phổ biến, để lại những dấu ấn khác nhau. Dân chủ chẳng khác gì độc tài, chỉ khác ở chỗ, một đằng là độc tài của số đông, đằng khác là độc tài của một cá nhân. Kẻ độc tài thực ra là kẻ đáng thương nhất, vì hắn không biết tin ai ngoài bản thân. Chỉ có quân chủ mới là hình thức cai trị tự nhiên và hoàn thiện nhất. Hãy liên tưởng: nếu Thượng đế chỉ có một trong thế giới, linh hồn chỉ có một trong cơ thể, đàn ong chỉ có một ong chúa, con tàu chỉ có một  người cầm lái chính, thì con tàu nhà nước, tương tự như vậy, cũng sẽ vận hành tốt hơn, nếu giao cho một người cầm lái - nhà vua. Sự phân biệt các hình thức nhà nước như thế, dù theo phương án Arixtốt, song vẫn có mối liên hệ sâu xa với Platôn vì thái độ thù địch với nền dân chủ và sự chú trọng đến các chuẩn mực tinh thần trong nhà nước.

Sau thời Trung cổ, tư tưởng chính trị của Platôn được tiếp tục quan tâm. Có thể nhận thấy điều này ở T.More, F.Bacon và nhiều nhà tư tưởng theo thuyết không tưởng khác. Nhìn từ góc độ phản biện quan điểm của Platôn, chúng ta có thể nhận ra bước ngoặt quan trọng trong tư tưởng chính trị thế kỷ XVII – XVIII với Locke, Montesquieu, Rútxô... Tuy nhiên, quan điểm của Platôn về một nhà nước có trật tự, kỷ cương, có quyền lực tập trung mạnh vẫn in dấu ấn trong những tác phẩm chính trị của Machiavelli, Hốpxơ và một số nhà tư tưởng khác. Trong Quân vương, Machiavelli đã nói đến vai trò của người đứng đầu nhà nước là phải có tầm nhìn xa(1), phải biết làm cho “dân vừa yêu mến, vừa sợ uy quyền”(2). Tương tự như vậy, Hốpxơ, trong Lêviatan (Leviathan), dù không đưa ra hình mẫu nhà vua – triết gia, nhưng đã nhấn mạnh tính thống nhất của quyền lực nhằm đảm bảo ổn định và trật tự. Quyền lực tối cao, theo Hốpxơ, do chỗ được xác lập trên cơ sở đảm bảo an ninh chung và trấn áp bạo loạn, nên cũng là một tất yếu. Hốpxơ viết: “Vậy là, do chỗ nhằm đảm bảo an ninh cho mỗi cá thể riêng biệt và hòa bình phổ biến mà quyền cần thiết sử dụng thanh kiếm công lý để trừng phạt được trao cho một hay một nhóm người nào đó; người ấy hay tập hợp người ấy lẽ cố nhiên được xem là có quyền chiếm hữu quyền lực tối cao trong nhà nước”(3).  

Tư tưởng “một nền hòa bình tồi vẫn tốt hơn chiến tranh” đã nói lên khát vọng của Hốpxơ về một xã hội an ninh và ổn định. Hốpxơ không thủ tiêu tự do, nhưng đã nhìn thấy cái giá phải trả cho tự do vô hạn - thứ tự do vượt qua cả các định chế luật pháp, thứ tự do biến con người thành kẻ vị kỷ đáng thương, và dẫn tới kết cục bi thảm là cái chết ở bình diện nhân loại. Khác với Machiavelli - người chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, Hốpxơ đòi hỏi nhà cầm quyền phải luôn ý thức rằng, quyền lực của mình thể hiện ý chí của dân chúng và do vậy, không thể hy sinh con người chỉ vì sự bền vững của quốc gia. Theo ông, lợi ích thiết thân nhất, đồng thời là mục tiêu phấn đấu của mọi thành viên xã hội, là hòa bình, ổn định, chủ quyền quốc gia, an ninh cá nhân và an ninh xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tìm thấy mối liên hệ lịch sử giữa Platôn và chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Thời kỳ đầu, Rútxô đã đối lập trạng thái thuần phác, tự nhiên của loài người với nền văn minh vật chất và rơi vào chủ nghĩa bình quân, khi chủ trương giảm thiểu nhu cầu vật chất để chống lại tình trạng bất công và bất bình đẳng xã hội(4). Chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Xanh Ximông,  Phuriê, Ôoen với ước mơ về một xã hội không còn tình trạng bất bình đẳng, một xã hội được xây dựng trên chế độ công hữu đối với tư liệu sản xuất cũng có nét tương đồng với quan điểm của Platôn về sở hữu, mặc dù họ không đi đến quan điểm thủ tiêu gia đình truyền thống và lối tổ chức đời sống theo kiểu trại lính của Platôn.

Có thể nói, tư tưởng chính trị của Platôn có ý nghĩa lịch sử to lớn. Dù những vấn đề chính trị, những cải cách dân chủ đã diễn ra từ thế kỷ VII - VI trước CN (cải cách dân chủ gắn với tên tuổi của Sôlông), song chính Platôn là một trong những nhà triết học hàng đầu đã dành cho chính trị một sự quan tâm đặc biệt, thông qua các tác phẩm tiêu biểu, nhất là Nền cộng hòa, Luật pháp, Chính trị,...

Sự phê phán của Platôn đối với nền dân chủ chủ nô thể hiện thái độ của một bộ phận công dân tự do của Aten, chứ không chỉ của tầng lớp quý tộc chủ nô. Điều này là hợp lý, bởi với cách điều hành tùy tiện của giới cầm quyền, sự đối xử bất công của chính quyền đối với một bộ phận dân cư, trước hết là dân nhập cư, loại bỏ tư tưởng chống đối đã tạo ra tình trạng “hai nhà nước trong một nhà nước” (nhà nước của người nghèo và nhà nước của người giàu, nhà nước của người Hy Lạp chân chính và nhà nước của những kẻ tha hương).

Thông qua sự phê phán của Platôn đối với dân chủ, các chính thể dân chủ cần xem lại chính mình để không rơi vào sự ngưng đọng, sự trì trệ và cực đoan, không dẫn tới khủng hoảng và suy vong. Với sự gợi mở về lý tưởng chính trị (Nền cộng hòa, Timaeus, Critias,...), về nghệ thuật quyền lực (Luật pháp, Chính trị), và về các lĩnh vực hoạt động gắn kết với chính trị, Platôn đã tạo được ảnh hưởng nhất định trong lịch sử tư tưởng chính trị. Triết lý chính trị Platôn thể hiện lập trường của giới quý tộc chủ nô, khinh miệt dân chủ, nhưng thứ triết lý chính trị đó cũng gợi mở khả năng lựa chọn hình thức nhà nước hợp đối với mỗi quốc gia trong những điều kiện cụ thể. Cái mà Platôn mong ước trong mô hình nhà nước lý tưởng là công bằng và đồng thuận xã hội. Hai giá trị cần thiết đó hôm nay đã trở thành mục tiêu của xã hội dân sự, của các quốc gia trên con đường phát triển.(4)

Mang nét tương đồng với Platôn trong tư tưởng chính trị, nhất là thái độ ác cảm, song Arixtốt đã phê phán quan điểm của Platôn trên nhiều phương diện, từ vấn đề gia đình, tổ chức đời sống, sở hữu đến hình thức nhà nước. Tư tưởng chính trị của Platôn đã để lại dấu ấn trong các thời đại sau, được nhắc đến trong các nhà tư tưởng thời Trung cổ (Ôguýtxtanh, Tômát Aquinát),  thời Phục hưng (trường phái Platôn tại Phơlôrenxơ), thời Cận đại (triết học chính trị từ Ph.Bêcơn đến Lốccơ, các nhà Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII) và triết học cổ điển Đức nửa sau thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX.

Dù không trực tiếp nhắc đến Platôn, nhưng C.Mác trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, đã phê phán mô hình chủ nghĩa xã hội bình quân thô lỗ và nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chủ nghĩa cộng sản “nhất trí với chủ nghĩa nhân đạo”. 

(Bài đã đăng trên TC Triết học số 3 (250), Tháng 3-2012)

(*) Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
([1]) N.Machiavel. Quân vương (Phan Huy Chiêm dịch). Tủ sách Quán Văn, Sài Gòn, 1971, tr.33.
(2) N.Machiavel. Sđd., tr.70.
(3) T.Hobbes. Tác phẩm gồm 2 tập, t.1, Mátxcơva, 1989, tr.336-337.
(4) B.Ji.Bohzuh. Развитие общесттвенной мысли во Франции в XVIII веке, Mockâa, 1977, crp.183.

Theo Tạp chí Triết học - Viện Triết học
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?