Hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo”

Hội thảo do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 7.5.2013 nhân kỷ niệm 96 năm ngày sinh (26.9.1917-26.9.2013) và 20 năm ngày mất (24.4.1993-24.4.2013) của GS Trần Đức Thảo. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà giáo đã và đang nghiên cứu/giảng dạy về triết học; đại diện lãnh đạo địa phương, họ tộc của GS Trần Đức Thảo và một số nhà khoa học nghiên cứu về triết học ở nước ngoài.
 

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích: nghiên cứu, đánh giá những cống hiến của GS Trần Đức Thảo đối với đất nước, với khoa học Việt Nam và thế giới, ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tạo môi trường để các nhà khoa học trong nước, các giảng viên, học viên và nghiên cứu sinh khoa học xã hội và nhân văn tiếp xúc và giao lưu học thuật với các nhà nghiên cứu nước ngoài. Các tham luận tại Hội thảo tập trung vào 3 nội dung: con người và sự nghiệp Trần Đức Thảo, tư tưởng triết học Trần Đức Thảo, các lĩnh vực khoa học khác trong tư tưởng Trần Đức Thảo.

Dưới góc nhìn của GS Nguyễn Đình Chú - Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), một trong những học trò lớp đầu tiên của GS Trần Đức Thảo thì chân dung của ông được khắc họa với 5 điểm cơ bản: con người xuất chúng của Bắc Ninh - Kinh Bắc, cái nôi của người Việt, của văn hóa Việt; một người trọn đời yêu nước với nhiều biểu hiện, đặc biệt là sự từ giã Paris hoa lệ để về nước tham gia kháng chiến giữa những ngày gian khổ, ác liệt; một lưu học sinh làm vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam trên đất Pháp với bằng thủ khoa thạc sỹ triết học mà đến nay chưa có người thứ hai; vị triết gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế với những hành động, những tác phẩm nổi trội, có ý nghĩa phát triển chủ nghĩa Mác theo hướng “duy vật, biện chứng nhân bản”; người sáng lập bộ môn lịch sử triết học dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), một nhà giáo “phản sư phạm” mà thực chất là “siêu sư phạm”. Sự nghiệp triết học của GS Trần Đức Thảo để lại cho đất nước, thế giới khoảng gần 200 tác phẩm bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Đức với khoảng 15.000 trang, riêng danh mục về di sản triết học của ông dày hơn 500 trang. Có thể nói, GS Trần Đức Thảo thực sự là vị triết gia duy nhất, lỗi lạc của đất nước, nhà triết học lớn của thế kỷ, như nhiều học giả từng đánh giá về ông.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu, đặc biệt là các thế hệ học trò của GS Trần Đức Thảo bày tỏ mong muốn Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh có cách nào đó sớm thỏa mãn mong muốn của GS Trần Đức Thảo lúc sinh thời là sau khi qua đời được an giấc ngàn thu nơi quê cha đất tổ: làng Song Tháp, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tin và ảnh: Vũ Hưng
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?