Tương quan giữa triết học và thần học theo Duns Scotus (P. II)

II. Mục đích :
 Như vừa nói ở trên, cả triết học lẫn thần học đều là những bộ môn khoa học, tuy nhiên, chúng không được tiến hành theo cùng một cách kiểu. Trong khi triết học đối phó với những suy tư mang tính phổ quát, hợp với lối định nghĩa cổ điển về “khoa học”[10], thần học lại bàn đến những gì ngẫu nhiên và cá biệt. Do đó, thần học là một môn khoa học “đặc chủng” (sui generis): “Mục đích của khoa thần học không phải là một mục đích mang tính phổ quát, nhưng mang tính cá biệt, bởi mục đích phổ quát thì thuộc về khoa siêu hình.”[11] Theo Scotus, thần học là một khoa học không những chỉ bàn về bản tính của Thiên Chúa xét như là một hữu thể tất yếu, nhưng còn bàn đến các hoạt động của Thiên Chúa được thuật lại trong Kinh Thánh, như tạo dựng, nhập thể và cứu chuộc, nghĩa là các hành vi ngẫu nhiên (= không bắt buộc phải thực hiện) của lòng quảng đại của Thiên Chúa và sự tự do của Người bên trong lịch sử của nhân loại. Ngài gọi loại thứ nhất là “thần học tất yếu” (theologia necessaria) và loại thứ hai là thần học ngẫu nhiên (theologia contingentia):

“…Tôi nói rằng thần học bao gồm không chỉ cái tất yếu, nhưng còn bao gồm cả cái ngẫu nhiên. Điều này thì rõ ràng bởi vì tất cả các chân lý về Thiên Chúa, hoặc như ba Ngôi Vị hoặc về bất cứ Ngôi Vị thần linh nào, trong đó các hành động nhằm hướng ra bên ngoài (ad extra), thì ngẫu nhiên, chẳng hạn như Thiên Chúa tạo dựng, như Ngôi Con nhập thể và v.v.; tuy nhiên tất cả các chân lý về Thiên Chúa như Ba Ngôi hoặc như một Ngôi vị cụ thể nào đó, thì mang tính thần học, bởi vì chúng không liên can gì đến khoa học tự nhiên; do đó, có hai phần đầu tiên cốt yếu của thần học, đó là các chân lý tất yếu và các chân lý ngẫu nhiên.”[12]


 Như thế, khi mở rộng phạm vi của thần học bao gồm cả bản tính của Thiên Chúa lẫn các hành động của Người (nghĩa là tạo dựng, lịch sử cứu độ), Scotus giải thích nó trong ánh sáng của cả lý thuyết lẫn thực hành. Thần học không phải là một khoa học mang tính lý luận, nhưng là một khoa học mang tính thực hành (a practical science); nó nhằm giải quyết, hoặc đối phó với sự suy tư của con người trên sự kiện mạc khải, được hiểu như là những hành vi ngẫu nhiên của Thiên Chúa tự do và quảng đại.[13] Chính tính chất thực hành này làm thần học khác với triết học. Mục đích của thần học là giúp mỗi một người sống một cuộc sống ngày càng phù hợp với bản chất của Thiên Chúa hơn. Nói cụ thể hơn, nó tìm cách giúp mỗi người đạt đến một hành vi chọn lựa trong ánh sáng của ơn cứu rỗi, là sự thực hành các phương thế cụ thể mà mỗi người sở hữu trong đời sống hiện tại[14], để đạt đến cùng đích là đời sống vĩnh cữu, là tình yêu dành cho Thiên Chúa.[15] Đây là điều mà triết học không thể thực hiện được, nghĩa là triết học không thể cung cấp cho con người mục đích cuối cùng của nó, và các phương thế để đạt được cùng đích này, trong khi thần học là một bộ môn nói về mục đích và những gì liên quan đến mục đích này.[16] Việc nhấn mạnh đến tính thực hành này của khoa thần học sẽ ảnh hưởng rất nhiều trên cách suy nghĩ của Scotus về vai trò và vị thế của khoa luân lý[17] , và đưa Scotus đến chỗ từ chối xem sự suy ngẫm, chiêm niệm (speculation, contemplation) như hoạt động cao nhất của con người theo như quan điểm của trào lưu thịnh hành lúc bấy giờ là trào lưu của học thuyết của Aristôte, nhấn mạnh quá nhiều đến khả năng của lý trí.
Còn nữa...
 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?