Tương quan giữa triết học và thần học theo Duns Scotus (P.III)
III. Các nguyên tắc :
Triết học và thần học còn khác nhau ở các nguyên tắc của chúng: trong khi triết học đặt nền tảng lý luận trên các định đề (axioms) của nó, thần học lại dựa vào mạc khải thần linh. Bản tính của Thiên Chúa -vốn được xem như đối tượng của thần học,- là một đối tượng được trao ban (objectum voluntarium), nghĩa là Thiên Chúa tự ý mạc khải chính Người, trong khi đối tượng của tri thức triết học sở dĩ có được là qua các định đề cần thiết. “Chính vì thế mà thần học của chúng ta, trong thực tế, không là gì khác ngoài những gì được chứa đựng trong Kinh Thánh, và những gì được chọn lựa từ kho tàng mạc khải này.”[18]
Như đã nói ở trên, do bởi giới hạn của nó, lý trí chỉ có thể nắm bắt hữu thể như hữu thể, và vì thế, mạc khải của Thiên Chúa là điều cần thiết để con người có thể có một tri thức có giá trị về Thiên Chúa.[19] Tuy nhiên, không phải vì thế mà mạc khải thần linh làm khả năng tri thức của con người biến đổi, trái lại, việc hưởng kiến nhan thánh Chúa đưa khả năng này đạt đến mức độ thể hiện cao nhất của nó. Như thế, bản chất khoa học của thần học và của triết học thì không có gì khác nhau, chúng là những hoạt động của tri thức của con người, và chúng chỉ khác nhau ở các nguyên tắc, đối tượng và mục đích mà thôi. “Theo Scotus, nguyên tắc của mọi nguyên tắc là: Thiên Chúa luôn luôn hành động một cách hợp lý và hoàn toàn có lớp lang (sắp xếp trật tự)[20] (rationaliter et ordinatissime). Vậy nếu có những điều hợp lý ở nơi các triết gia, cần phải đón nhận chúng. Nếu có những điều gì chứa đựng mâu thuẫn với giáo huấn của mạc khải, cần phải vứt bỏ chúng và thay thế chúng bằng những gì hay hơn, phù hợp với các giáo huấn này.”[21]
Kết luận:
Vần đề tương quan giữa triết học và thần học phát sinh từ sự gặp nhau giữa nền triết học Hy-la và tín ngưỡng Kitô giáo. Và xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển đạo lý của Giáo hội, các tư tưởng gia Kitô hữu – đặc biệt là hai nhà triết học vĩ đại nhất của Kitô giáo: thánh Augustinô và thành Tôma- luôn tìm cách hội nhập giáo lý Kitô giáo vào nền văn hóa thế tục. Trong nỗ lực phối hợp này, nếu nhìn từ bề ngoài, người ta nhận thấy một xung đột giữa lý trí tự nhiên và mạc khải, giữa lý trí và đức tin, hoặc nói rộng hơn, giữa tôn giáo và khoa học. Đành rằng nhà triết học chỉ sử dụng lý trí con người, trong khi nhà thần học chấp nhận mạc khải như thẩm quyền, hai bộ môn triết học và thần học thì bổ túc cho nhau. Chắc hẳn chân lý chỉ là một, do đó lý trí không thể nói ngược lại đức tin; chính đức tin ấy sử dụng lý trí để chỉ ra những mục đích mà đức tin hướng tới. Nhưng lý trí phải hoàn toàn tự do phát triển nội dung theo sự chính xác của các yêu sách của lý trí. Và khi nào lý trí không thể chứng minh được các yêu cầu của đức tin, thì hãy để các nhà thần học làm công việc của họ, và hãy để khoảng không cho niềm tin cá nhân.[22]
Scotus đã góp phần vào khoảng không đó khi ngài cung cấp một nền siêu hình học làm chỗ dựa cho suy tư thần học. Theo ngài, siêu hình học là bộ môn có chủ thể là “Hữu thể xét như hữu thể, ens in quantum ens, being as being”, và đối tượng hoặc mục đích của nó là nhằm chỉ cho thấy một hữu thể vô cùng (=Thiên Chúa) hiện hữu,[23] trong khi thần học là bộ môn có chủ thể là Thiên Chúa của Mạc khải, đặc biệt bản tính Ba Ngôi của Thiên Chúa duy nhất. Học giả Vignaux xem khái niệm “hữu thể vô cùng” này như điểm giao tiếp giữa siêu hình học và thần học, [24] và do đó, siêu hình học của Scotus là một “thần học hữu thể” (onto-theology). Ngoài ra, nhờ mạc khải mà chúng ta biết được giá trị đích thực của chúng ta: Vì các triết học gia không ý thức đủ những khác biệt giữa các tình trạng khác nhau của bản tính của con người: tình trạng trước khi sa ngã, sau khi sa ngã (status iste) và lúc ở trên trời, do đó họ sai lầm khi mô tả bản tính của con người[25] Qua việc nhấn mạnh đến status iste [26], Scotus cho thấy cái nhìn của ngài về bản tính của con người thì rất lạc quan: bản tính này, trong căn bản, thì tốt mặc dù nó bị các hậu quả của sự sa ngã làm suy yếu. Chính sự sa ngã làm khả năng tri thức của con người bị giới hạn, do đó con người chỉ có thể biết Thiên Chúa nếu Người tự quyết định mạc khải chính Người. Sự tự do này của Thiên Chúa trở thành nền tảng cho mọi hoạt động tự do của con người. Nói cách khác, tự do của con người lệ thuộc vào một hành vi tự do đầu tiên của Thiên Chúa, Nguyên lý đầu tiên (x. “Tractatus de Primo Principio.”). Cách Scotus đan kết tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa mạc khải thần linh và trải nghiệm của con người về Thiên Chúa, và cách ngài phối hợp lý trí và con tim, còn là một trong những gợi ý hữu ích cho các tranh luận về sau của các nhà nghiên cứu.
Alexis Trần Đức Hải ofm
Đánh giá bài viết?