Simone de Beauvoir: nhục cảm thân thể và đối thoại triết học (P. II)

3. Khước từ hôn nhân, hay là chính sự đối thoại với Nietzsche về luận thuyết đàn bà?
 Thiết nghĩ, sự say mê, điên khùng trong tình yêu, không có gì lạ. Giới nghệ sĩ Paris không thiếu những cuộc tình gây scandal. Khi người ta lâm vào ái tình, tất cả đều trở nên điên rồ. Những triết gia uyên bác, lại càng điên rồ hơn. Và đời người sẽ mất đi sự thú vị, nếu không có những khoảnh khắc điên rồ đó. Nó vô lý lẽ. Miễn luận bàn. Như Beauvoir viết trong một bài báo, có tựa đề: Vì sao người ta si tình? Điều đáng bất ngờ ở đây là: phản ứng của Beauvoir trước lời cầu hôn của Nelson. Khi Nelson đề xuất cùng nhau chung sống ở Chicago, Beauvoir đã lưỡng lự, và rồi từ chối. Rõ ràng, dù say mê đến đâu, nữ triết gia vẫn trung thành với lý thuyết hiện sinh của mình: tự do không hôn nhân. Ở điều này, có lẽ, Sartre hiểu tận cùng Beauvoir hơn người tình nước Mỹ.

Có thể nói, việc khước từ hôn nhân với Nelson Algren, cũng như "bản cam kết" với bạn đời Jean Paul Sartre, bộc lộ rõ thái độ hiện sinh của Beauvoir[6]. Khi phụ nữ xác lập một địa vị xã hội, và tự đứng trên đôi chân của mình, họ sẽ không là một "vật thể" phụ thuộc như kết luận của các triết gia. Đó cũng là một phương thức đối thoại với triết gia Nietzsche về luận thuyết đàn bà. Vấn đề này đã được Beauvoir luận giải rõ trong Giới thứ hai, qua chương Người phụ nữ si tình.

Nietzsche cho rằng, có sự khác biệt căn bản trong tình yêu giữa hai giới. Đàn bà tôn thờ tình yêu như một tín ngưỡng. Khi yêu, họ thường đồng nhất hóa nhân cách của mình với đàn ông: tôn thờ, phụng sự và lệ thuộc. Đàn ông là một chủ thể tối thượng, đàn bà là một yếu tố phụ thuộc vào chủ thể tối thượng đó. Nếu tách rời đàn ông, bản ngã của đàn bà không được thừa nhận. Nietzsche kết luận, đó là một qui luật tự nhiên, được rút ra từ đặc tính giới[7]. Quan điểm này của Nietzsche có cội nguồn từ chế độ nam quyền, và nó ảnh hưởng thâm căn cố đế vào đời sống tinh thần của người phụ nữ.


Chúng ta thừa nhận sự uyên bác của triết gia Nietzsche khi luận giải về tính siêu việt của con người. Nietzsche là người đầu tiên dám đặt con người đứng cao hơn thượng đế, với lời tuyên bố nổi tiếng: Thượng đế đã chết. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng, quan điểm của Nietzsche về phụ nữ rất cực đoan. Điều này, không loại trừ xuất phát từ căn nguyên: vì thất tình, nên Nietzsche rất căm hận đàn bà. Một số nhà nghiên cứu về Nietzsche cho rằng, cũng nhờ thất tình, triết gia này đã giam mình trong phòng để viết những kiệt tác nổi tiếng. Luận điểm về đàn bà của Nietzsche nảy sinh trong điều kiện đó. Chẳng khác nào Hitler, tuyệt vọng vì bị đánh trượt trong kỳ thi vào trường Mỹ thuật ở Áo, để rồi, dấn thân vào con đường binh nghiệp, và nương mình vào luận thuyết siêu nhân của Nietzsche, kích động sự điên khùng của dân tộc Đức, làm dấy lên vụ thảm sát Do Thái - một thảm họa kinh hoàng trong lịch sử loài người.

Simone de Beauvoir phản đối luận điểm trên của triết gia Nietzsche. Bà cho rằng, đó là một luận thuyết lừa mị đàn bà. Sự khác biệt mà Nietzsche đưa ra là do xã hội quan niệm và áp đặt lên người phụ nữ. Si tình là thuộc tính của con người. Ham mê khoái lạc hay thất tình, cũng là thuộc tính chung của cả hai giới đàn ông và đàn bà. Sự phụ thuộc của đàn bà đối với đàn ông trong tình yêu/hôn nhân, thậm chí ham muốn thân xác là do hệ lụy về kinh tế và địa vị xã hội. Một người phụ nữ có thể “bứt ra” sự ràng buộc đó, nếu có một địa vị xã hội đồng đẳng với nam giới.

Simone de Beauvoir đặt ra vấn đề: vì sao sau mỗi cuộc tình, người đàn bà vẫn không thể dứt khỏi sự cám dỗ thân xác của đàn ông? Theo bà, một mặt, là do đặc tính giới: khi đàn bà bắt đầu, là lúc đàn ông kết thúc. Trong giao hoan, khi người đàn bà còn đắm chìm vào niềm khoái cảm thân xác, thì đàn ông lại không còn ham muốn nữa, vì đã được thỏa mãn. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thất vọng tràn trề của những người đàn bà si tình: huyễn tưởng tìm một người tình tuyệt đối. Tuy nhiên, sâu xa hơn, cám dỗ ham muốn đó đã buộc chặt họ vào người đàn ông, là do, họ phải lệ thuộc thân phận của mình. Sau mỗi cuộc tình, họ cảm thấy tuyệt vọng, và gần như chấm dứt sự sống, khi bị người đàn ông "phế truất". Sự đảm bảo hạnh phúc lớn nhất của kết cục tình yêu, đó chính là hôn nhân. Dù hôn nhân là địa ngục, hay thiên đường, thì đó vẫn là sự bảo kê về mặt danh dự và địa vị xã hội cho một người phụ nữ.

Simone de Beauvoir cho rằng, đó vừa là thế yếu, vừa là sự "ngu dốt" của phụ nữ. Thân xác của đàn bà, phải thuộc về đàn bà. Một người đàn bà thông minh, tự chủ, họ có thể vượt lên bản thân để quyết định cuộc sống riêng của mình. Sự bình đẳng giới là con đường giải phóng phụ nữ, thoát khỏi sự lệ thuộc đàn ông (Xem phần: Tiến tới giải phóng phụ nữ, tập II).

Bản thân của Beauvoir là một minh chứng thuyết phục cho luận thuyết của bà về nữ giới. Nếu Nietzsche chứng kiến được cuộc sống tự do, với tất cả sự sinh động trong tình yêu, sự say mê trong nghệ thuật, sự uyên bác trong khoa học của Beauvoir, triết gia này hiển nhiên phải thừa nhận sự sai lầm của mình về luận thuyết đàn bà. Bằng chính cuộc đời, với cái nhân vị tự do của người phụ nữ, Beauvoir đã khẳng định trên ba phương diện:

Thứ nhất, về văn học, một người phụ nữ, có thể tự do cầm bút để thực hiện những đam mê sáng tạo nghệ thuật. Các tác phẩm L’ Invitée (1943), Tous les hommes sont mortels (1946), Les Mandaris (1954), Les Belles images (1966), La Femmes rompue (1967), Quand prime le spirituel (1979)... đã cho thấy năng lực nghệ thuật của Beavoir. Giải thưởng Goncourt đã thuộc về Beauvoir - một giải thưởng danh giá nhất ở Pháp, và càng danh giá hơn đối với phụ nữ vào thời điểm bấy giờ - 1954.

Thứ hai, về triết học, Beauvoir là phụ nữ đầu tiên, cho đàn ông thấy rõ rằng, họ đã lầm trong nhận định: triết học là lĩnh vực độc tôn của đàn ông. Rằng, đó là một loại hình khoa học thiên về tư duy logic, không phù hợp với tư duy cảm tính của phụ nữ. Và như chúng ta biết, để "lật tẩy" cách nhìn cực đoan này, Simon de Beauvoir đã tham gia kỳ thi và đỗ nhì tại đại học Sorbonne, chỉ đứng sau Jean Paul Sartre. Vào thời điểm đó, năm 1929, Beauvoir là người phụ nữ nhận học vị thạc sĩ đầu tiên ở Pháp. Sau sự kiện này, đàn ông Paris, mà trước hết nhà triết học hiện sinh Sartre rất nể phục. Sartre luôn xem Beauvoir là một nhà triết học ngang bằng, hiểu và có khả năng đối thoại với mình trên mọi phương diện.

Thứ ba, về phương diện chính trị, Beauvoir là một trí thức dấn thân và đấu tranh hết mình cho tinh thần tự do của nhân loại. Beauvoir hoạt động sôi nổi trong phong trào chính trị - xã hội thập niên 60. Bà đã từng cùng sinh viên xuống đường, tham gia biểu tình chống chiến tranh ở Algérie và Việt Nam. Hoạt động của họ đã tác động căn bản đến chính quyền Pháp vào thời bấy giờ. Không phải đơn giản mà tên Beauvoir được đặt cho một chiếc cầu trên sông Seine. Vinh dự này chỉ dành cho những vĩ nhân của nước Pháp.

Những viện dẫn trên của tôi, không chỉ chứng minh là triết gia Nietzsche đã lầm trong luận thuyết đàn bà, mà còn - ở một mức độ nhất định - bộc lộ một cách tiếp cận tư tưởng hiện sinh của Beauvoir. Hình như, ở Việt Nam, chúng ta chỉ nhìn nhận cái nhân vị đàn bà của Beauvoir trên phương diện tình yêu, tự do, mà chưa thấy hết được con người xã hội - đa diện của nữ triết gia đặc biệt này?

Tư tưởng hiện sinh của Simone de Beauvoir dù mặt này, mặt khác, còn phải đặt lại vấn đề. Nhưng, một khi, nữ quyền là nhân quyền con người, thì Beauvoir luôn đúng ở mọi nền văn hóa, mọi thời đại. Ở vào thời điểm hôm nay, có thể khẳng định rằng, Beauvoir là người đặt ra các giả thiết về sự tồn tại của loài người. Khi mà những giá trị hôn nhân bị lung lay, biến động, thì Simone de Beauvoir là một hiện tượng có tính tiên tri.

Nguồn: http://tapchinhavan.vn
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?