Nền tảng triết lý của Mohandas Gandhi

Rất nhiều lời dạy và mẩu chuyện về cuộc đời của Gandhi có thể ứng dụng và đem lại cho ta ý nghĩa cũng như sức mạnh trong cuộc sống.

Gandhi, được nhân dân Ấn Độ tôn sùng là thánh nhân, nhà cải cách chính trị và tôn giáo, đã đi vào lịch sử nhân loại bằng phong trào đấu tranh bất bạo động chống lại chính phủ Anh đối với thuộc địa Nam Phi và vai trò lãnh tụ của người trong cuộc đấu tranh đòi độc lập cho Ấn Độ.

Ba triết lý nền tảng của người là bất bạo động (còn được hiều là tính bất hại), đạo hay chân lý, và sức mạnh của lòng thương yêu, sức mạnh của tâm linh. Sức mạnh được sinh ra bởi Chân lý và Tình yêu thương hoặc Bất bạo động.
Rất nhiều lời dạy và mẩu chuyện về cuộc đời của Gandhi có thể ứng dụng và đem lại cho ta ý nghĩa cũng như sức mạnh trong cuộc sống. Sau đây xin giới thiệu với các bạn tám bài học cơ bản rút ra từ lời dạy của Gandhi. Thực hành những điều này có thể giúp ta cảm thấy tâm bình, ý vững, và trí sáng, giúp đạt được an bình nội tâm và hạnh phúc.

1. Phạm sai lầm:
“Tự do chẳng có giá trị gì nếu không bao gồm quyền tự do có thể phạm sai lầm.”
“Freedom is not worth having if it does not include the freedom to make mistakes.” – Gandhi

Trong cuộc sống gia đình, ngoài xã hội, hay ở nơi làm việc, chúng ta luôn có thể phạm sai lầm. Chẳng phải ngạn ngữ vẫn dạy ta rằng: “Nhân vô thập toàn”, và “Sai lầm là thuộc tính của con người” ? Trong lịch sử, có vĩ nhân nào đạt đến thành tựu lớn mà không phạm sai lầm và chưa từng thất bại? Chúng ta không nên băn khoăn lo sợ về việc phạm sai lầm, kẻo lại tạo thêm cho ta lắm phiền muộn và stress, thay vì tĩnh tâm và nhìn lại mình, nhận ra sai trái, và tìm hiểu nguyên nhân. Vấn đề đặt ra là chúng ta có biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm đã qua không? Những bài học nào ta học được từ các sai lầm ấy có giúp ta sửa mình, tránh vết xe đổ, cải thiện, và làm tốt hơn.

2. Hiểu biết:
“ Ghét tội lỗi, nhưng yêu người phạm lỗi”
. “Hate the sin, love the sinner.” – Gandhi

Một trong những bài học quan trọng nhất của Gandhi là sự hiểu biết và lòng khoan dung. Trong cuộc đời của chúng ta, từ tuổi 16, 17 đến khi trưởng thành và có tuổi, ở học đường, nơi làm việc hay trong giao tiếp xã hội, ta gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều người, trong đó có người ta không hợp tính, và thực sự không thích họ. Ta hay họ có thể phạm lỗi và bất đồng- là chuyện thường tình, rồi từ đó có thể tranh cãi.

Gandhi khuyên chúng ta hãy nhìn vào lầm lỗi chứ đừng nhìn vào con người phạm lỗi. Hãy tìm hiểu xem nguyên nhân và động cơ của sai lầm, biết nhận ra sự yếu đuối nơi người và ở mình, để rồi tha thứ với lòng khoan dung như đối với anh em, với chính mình. Như thế là phát triển tình yêu thương thay vì ghét bỏ và thù địch. Nhớ rằng người nào la mắng, sân hận với mình cũng rất bất hạnh và đau khổ, chỉ vì vô minh, thiếu hiểu biết khiến người ấy phải la hét.



3. Tự phụ và kiêu ngạo:
“ Thực thiếu khôn ngoan khi quá chắc chắn về sự thông thái của bản thân. Tốt hơn hãy nhớ rằng người mạnh mẽ nhất có thể yếu đuối, và người khôn ngoan nhất vẫn có thể sai lầm”
“It is unwise to be too sure of one’s own wisdom. It is healthy to be reminded that the strongest might weaken and the wisest might err.” – Gandhi

Không ai thích người tự phụ bên mình. Nếu phải giao tiếp hay làm việc suốt ngày với người tự phụ có thể khiến ta phiền lòng. Tưởng tượng xem trong một nhóm làm việc cùng nhau trong một dự án hay kế hoạch, người kiêu ngạo có tôn trọng ý kiến người khác chăng, hay chỉ áp đặt ý kiến của mình và đặt cái tôi của mình lên trước. Nếu bạn thấy khó chịu trong những trường hợp như thế, bạn càng phải thực hành tính khiêm nhường. Bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều ở cơ quan nếu bạn có một nhân cách khiêm tốn và biết thông cảm cho điểm yếu của người khác. Bạn sẽ được nhiều người yêu mến, được lắng nghe, và bạn sẽ có cơ hội học hỏi để biết về mình nhiều hơn.

HUỲNH HUỆ (DOTCHUOINON.COM)
Còn nữa...
 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?