Mấy suy nghĩ về việc đổi mới ý thức pháp luật ở nước ta hiện nay (P.II)

Nguyễn Thúy Vân
 PGS. TS triết học, khoa Triết học
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
ĐH Quốc gia Hà Nội

2. Phải đổi mới cái gì trong ý thức pháp luật.
Sự đổi mới ý thức pháp luật có thể được xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nó có thể là những nhận thức, quan điểm, trạng thái tâm lý hoàn toàn mới, có liên quan đến những quá trình, đối tượng, hiện tượng mới xuất hiện trong hiện thực. Nó cũng có thể là sự chỉnh lý, bổ sung những nhận thức cũ ở những điểm chưa phù hợp hoặc không còn đúng nữa trong quá trình phản ánh hiện thực. Nó còn có thể là sự thay thế hoàn toàn những nhận thức cũ, sai lầm về hiện thực bằng những nhận thức mới, đúng đắn về chính hiện thực đó.

Như vậy, nội dung đổi mới ý thức pháp luật phụ thuộc trước hết vào khách thể đang vận động của quá trình nhận thức, đồng thời vào trình độ, khả năng trừu tượng hoá, khái quát hoá của chủ thể nhận thức. Điều đó là do con đường vận động của ý thức pháp luật trong đời sống pháp luật luôn diễn ra như sau:             

Khi xem xét, nghiên cứu ý thức pháp luật, người ta thường xem xét qua khâu trung gian thể hiện mà nó thể hiện. Một trong số đó là các quy phạm, chế định, ngành luật hay thậm chí cả hệ thống pháp luật. Như vậy, luật pháp chính là sự khái quát, tổng kết, mô hình hoá từ các nhu cầu, lợi ích, các quan hệ xã hội vô cùng phức tạp và hết sức đa dạng trong thực tiễn thành những quy định hay là những mô hình chung cho các hành vi xã hội. Những cái được coi là sự thể hiện ra của ý thức pháp luật, như quy phạm, chế định, hệ thống pháp luật có nguồn gốc sâu xa từ thực tiễn khách quan, là nhu cầu điều chỉnh hành vi của con người trong đời sống cộng đồng một cách khách quan, nhưng nguồn gốc trực tiếp của nó lại chính là từ ý thức pháp luật. Các quan hệ pháp lý đa dạng, phức tạp khi tồn tại trong xã hội, thông qua hành vi của con người, đã làm xuất hiện nhu cầu điều chỉnh hành vi ứng xử của con người để tạo lập và duy trì trật tự xã hội. Nhu cầu này tác động trực tiếp vào ý thức của các cá nhân trong xã hội, được ý thức của các nhà làm luật tiếp nhận, xử lý tuỳ theo tầng bậc và năng lực khái quát của các chủ thể ở tầm hệ tư tưởng hay ở mức độ xúc cảm, tình cảm. Ở giai đoạn này, vai trò của nhận thức là rất quan trọng. Luật pháp là cái được khái quát hoá từ thực tiễn, nhưng đó là thực tiễn được nhận thức qua lăng kính chủ quan của con người. Vì thế, luật pháp và thực tiễn không thể là một. Việc các quy định pháp luật có phù hợp, kịp thời và phát huy được hiệu quả trong hoạt động thực tiễn hay không lại còn phụ thuộc vào việc chủ thể nhận thức có nhận thức được và khái quát được những thay đổi quan trọng, mang tính bản chất của các quan hệ xã hội cần được pháp luật điều chỉnh hay không, mặc dù những biến động đó đã xuất hiện trong thực tiễn và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời của pháp luật. Đó là giai đoạn thứ nhất, khi ý thức pháp luật thể hiện mình dưới dạng các quy phạm pháp luật.Nói cách khác, pháp luật chẳng qua chỉ là sự thể hiện đã được vật chất hoá của ý thức pháp luật. Trong giai đoạn này, nếu nhận thức của con người không được xây dựng trên cơ sở của những nhu cầu và đòi hỏi xuất phát từ đời sống xã hội, từ “bản tính vật chất” của con người thì hệ thống pháp luật được xây dựng sẽ trở nên thần bí, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Đó sẽ là “kết quả trực tiếp của những pháp luật không do sự tôn trọng của con người đẻ ra. Khuyết điểm vốn có của những pháp luật này không được xoá bỏ do chỗ, từ sự coi khinh bản tính vật chất của con người, người ta chuyển sang coi khinh bản tính ý tưởng của nó, đòi hỏi con người phải phục tùng mù quáng quyền uy siêu đạo đức và siêu tự nhiên, thay cho việc phục tùng một cách có ý thức những lực lượng đạo đức tự nhiên”(5).

Như vậy, chúng ta chỉ có được những quy phạm hay hệ thống pháp luật có tính hệ thống, hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khi chủ thể của hoạt động xây dựng pháp luật nhận thức được một cách đúng đắn và chuẩn xác những nhu cầu và đòi hỏi của hiện thực khách quan. Kết thúc giai đoạn thứ nhất là sự ra đời của pháp luật với tư cách cái biểu hiện ý thức pháp luật.

Ở giai đoạn thứ hai, khi đã ra đời, luật pháp lại gia nhập vào đời sống pháp luật như một bộ phận cấu thành và thể hiện sự tác động của nó trong đời sống pháp luật. Đây chính là giai đoạn thực hiện pháp luật. Lúc này, pháp luật thể hiện “đời sống thứ hai của mình, pháp luật trong thực tiễn”(6).  Khi được thực hiện trong đời sống xã hội, pháp luật, một mặt, cho thấy nhận thức của chủ thể về nhu cầu điều chỉnh hành vi trong các quan hệ xã hội ở giai đoạn trước có phù hợp và phát huy được tác dụng không? Mặt khác, với tư cách là cái tồn tại, pháp luật tác động vào ý thức của các chủ thể hành vi để thông qua đó, thực hiện pháp luật. Hiệu quả của việc thực hiện pháp luật đến đâu phụ thuộc trước hết vào chủ thể của quá trình thực hiện, vào trình độ tư duy pháp lý, vào thái độ và tình cảm của chủ thể trong quá trình lĩnh hội pháp luật. Đây chính là giai đoạn nhận thức đang thấy lại chính mình trong tính sinh động, phong phú của hiện thực cụ thể, khi mà cái “cụ thể tinh thần” hiện hình ra trong hoạt động thực tiễn với đối tượng.  Ở đây, ý thức pháp luật đóng vai trò là cái cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống.

Ở giai đoạn thứ ba, từ thực tiễn thực hiện và áp dụng pháp luật, các vấn đề, quan hệ xã hội mới lại phát sinh, biến đổi và phát triển cùng với sự biến động của các yếu tố trong đời sống pháp luật để tiếp tục đưa ra những đòi hỏi mới về nhận thức, tư tưởng, quan điểm và trạng thái tâm lý. Và, cứ như vậy, ý thức pháp luật vận động, biến đổi và phát triển không ngừng theo một chu trình liên tục, khép kín, khó có thể xác định điểm khởi đầu, điểm kết thúc của quá trình. Tuy nhiên, bất cứ giai đoạn nào của quá trình này cũng đều thể hiện tính bị quy định và tính quy định những nội dung của ý thức pháp luật trong mối quan hệ với hiện thực mà nó phản ánh, nhận thức.  

3. Một số xu hướng đổi mới ý thức pháp luật ở nước ta hiện nay.
Trong bối cảnh đổi mới toàn diện các mặt của đời sống xã hội ở nước ta hiện nay, xu hướng đổi mới của ý thức pháp luật, theo chúng tôi, đang và sẽ diễn ra theo 3 xu hướng sau:

Thứ nhất, sự xuất hiện của những quan điểm, tri thức, nhận thức, thái độ và tình cảm hoàn toàn mới đối với pháp luật do sự phát triển của thực tiễn.

Chúng ta đều biết rằng, trong hoạt động nhận thức, tri thức luôn biến đổi một cách chậm chạp hơn và thường là lạc hậu hơn so với sự biến đổi của hiện thực. Tuy nhiên, khi thực tiễn đã đạt tới những trạng thái mới về chất mà ở đó, những khái niệm cũ không còn khả năng dung nạp vào nó để nhận thức và làm xuất hiện mâu thuẫn giữa những tri thức cũ với những hiện thực mới, thì khi đó, tất có sự nảy sinh nhu cầu phải khắc phục mâu thuẫn đó bằng cách tạo ra những khái niệm mới, hoặc thay đổi nội dung của những khái niệm đã có cho phù hợp với những nhận thức đúng đắn về hiện thực đã thay đổi. Khi đó những tri thức mới xuất hiện.

Trong thực tiễn pháp lý, qua quá trình xây dựng và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiều thực tiễn mới mẻ của hiện thực đã xuất hiện và được nhận thức đòi hỏi phải có sự thay đổi (có những nhận thức mới) trong ý thức pháp luật. Xu hướng này đã được thể hiện một phần trong thực tiễn và sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Điều này phụ thuộc vào những đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra và vào khả năng đáp ứng của ý thức pháp luật.

Thứ hai, sự thay đổi những quan điểm, nhận thức, trạng thái tâm lý và tình cảm không đúng đắn, thiếu tích cực của ý thức pháp luật đối với thực tiễn pháp lý luôn biến động.

Như đã phân tích ở trên, các đặc điểm của ý thức pháp luật, mặc dù có nguồn gốc sâu xa và bị quy định bởi chính những điều kiện lịch sử – cụ thể sinh ra nó, nhưng một khi đã ra đời và tồn tại, sự tác động của nó lên hiện thực đã biến đổi, đặc biệt là sự trì trệ, bảo thủ của nó, đã làm cho hoạt động thực tiễn đôi khi mắc phải sai lầm mà hậu quả là nó kìm hãm, hạn chế sự phát triển của hiện thực thực tiễn. Ví dụ, thái độ coi thường pháp luật, chống đối pháp luật trong giai đoạn lịch sử mà đất nước buộc phải chịu sự cai trị bằng pháp luật của kẻ xâm lăng thì đó là thái độ tích cực, thể hiện lòng yêu nước. Nhưng khi đất nước đã độc lập, chúng ta quản lý xã hội thông qua pháp luật mà nhà nước ban hành thì sự tồn tại của thái độ này đối với pháp luật là lực cản, là hạn chế, đòi hỏi phải thay đổi.

Ở nước ta hiện nay đang xuất hiện những nhận thức pháp luật mà theo chúng tôi, đi theo khuynh hướng sai lầm. Chẳng hạn, chúng ta quan niệm nhà nước pháp quyền là nhà nước cai trị xã hội bằng pháp luật và để xây dựng nhà nước đó, cái mà chúng ta thiếu nhất là pháp luật, do vậy, cái cần quan tâm nhất hiện nay là lấp đầy các “lỗ hổng” trong luật pháp bằng cách ban hành “rầm rộ” các văn bản pháp luật và khi nào hệ thống pháp luật hoàn thiện, đầy đủ tức là ta đã có nhà nước pháp quyền. Thế nhưng, bản chất của vấn đề không phải là như vậy. Sự vận động của ý thức pháp luật theo xu hướng này chính là sự đổi mới ý thức pháp luật thông qua việc loại bỏ, khắc phục những nhận thức, thái độ và tình cảm không đúng đắn hay không còn phù hợp với thực tiễn để thay vào đó là những quan điểm, tri thức, tâm lý, tình cảm đúng đắn, tích cực. Đây đang là một xu hướng biến đổi tích cực và rõ nét trong quá trình đổi mới ý thức pháp luật ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, quá trình chỉnh lý, bổ sung, điều chỉnh những quan điểm, tư tưởng, tình cảm, thái độ về thực tiễn pháp lý tuy vẫn đúng, nhưng cần phải có sự thay đổi về nội dung cho phù hợp với những điều kiện mới đã xuất hiện và đang biến đổi.

Trong thực tiễn pháp luật, có những nhận thức, khái niệm, tình cảm mặc dù được đưa ra ở giai đoạn phát triển tương đối sớm của hiện thực, nhưng do chúng là những sự khái quát, thể hiện được bản chất, tính quy luật của đối tượng hay những tình cảm đúng đắn về pháp luật, nên ở chúng, có tính ổn định, bền vững; chẳng hạn như, những quan điểm về định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển bền vững, quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện dân chủ, ý thức và lối sống theo pháp luật, v.v.. Tuy nhiên, cho dù có ổn định đến đâu chăng nữa thì những ý thức này cũng cần phải được thay đổi, đổi mới. Sự đổi mới ở đây không theo nghĩa làm thay đổi nhận thức bản chất về đối tượng, mà theo nghĩa nội dung của nó cần được chỉnh lý, bổ sung để làm cho ý thức trở nên sâu sắc hơn, toàn diện hơn, phản ánh đúng đắn hiện thực hơn. Theo đó, sự đổi mới ý thức pháp luật cần phải theo hướng tiến tới sự phản ánh ngày càng sâu sắc hơn, bản chất hơn về đối tượng, thể hiện sự vận động của nhận thức từ chân lý tương đối đến chân lý tuyệt đối. Trong bối cảnh đòi hỏi trình độ tư duy pháp lý hiện đại, xu hướng này đang dần chuyển thành xu hướng cơ bản, thể hiện trình độ ý thức pháp luật của chúng ta.

Trên đây là một vài suy nghĩ bước đầu về quá trình đổi mới ý thức pháp luật ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi coi đây mới chỉ là cách đặt vấn đề từ phương diện lý luận và do vậy, để có được những nhận thức sâu sắc hơn, cần phải có những dữ liệu và khái quát cụ thể từ khoa học pháp lý.

Chú thích:
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.232.

(2) Viện Nhà nước và Pháp luật. Xã hội và pháp luật. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tr.31.

(3) Viện Nhà nước và Pháp luật. Sđd., tr.32.

(4) Viện Nhà nước và Pháp luật. Sđd., tr.33.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.235.

(6) Đào Trí Úc. Xã hội học thực hiện pháp luật: những khía cạnh nhận thức cơ bản. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2, 2005, tr.5.
TẠP CHÍ TRIẾT HỌC SỐ 10 (185) NĂM 2006
 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?