Chủ nghĩa toàn thế giới và chủ nghĩa Mác (P. II)
PETER KEMP (*)
3. Dấu ấn của chủ nghĩa toàn thế giới trong chủ nghĩa Mác
Tuy nhiên, ở I.Cantơ, luật pháp toàn thế giới này không tự biểu hiện mình thành cái gì đó nhiều hơn “quyền đến thăm” và rốt cuộc, nó không phải là một khái niệm có thể thịnh hành khi mà khái niệm về một dân tộc hình thành trên những trải nghiệm lịch sử và văn hoá xuất hiện vào thế kỷ XIX. Sau Phíchtơ, tất cả những triết gia có ảnh hưởng lớn, như Hêghen chẳng hạn, đều không có câu hỏi nào về chủ nghĩa toàn thế giới. M.Vêbe, người sáng lập ra xã hội học hiện đại, còn muốn có một khoa học xã hội mang tính dân tộc, một xã hội học kiểu Đức và ông đã bác bỏ chủ nghĩa toàn thế giới.
Chỉ có một ngoại lệ quan trọng - đó là trường hợp của C.Mác và Ph.Ăngghen. Trong khi bảo vệ phong trào cộng sản, các ông đã cùng nhau viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, xuất bản vào tháng 2 năm 1848. Đây là lần đầu tiên một phong trào lao động tuyên bố có mặt toàn cầu và thực hiện chủ nghĩa toàn thế giới. C.Mác và Ph.Ăngghen đã giới thiệu bản tuyên ngôn này như một lời kháng cáo “đối diện với toàn thế giới” và kêu gọi “vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Các ông tuyên bố rằng, chính cái “tính chất toàn thế giới” của sản xuất và tiêu dùng do giai cấp tư sản tạo nên khi bóp nặn thị trường thế giới giờ đây đang đem lại cho giai cấp công nhân hay “toàn thể giai cấp vô sản” một khả năng thay đổi thế giới. Giai cấp vô sản này “độc lập với tất cả các dân tộc”, bởi vì “công nhân không có Tổ quốc”. Họ “chẳng có gì để mất ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”(6).
Sự thay đổi từ I.Cantơ đến C.Mác và Ph.Ăngghen là sự thay đổi triệt để. Chủ nghĩa toàn thế giới không còn là một tư tưởng yếu đuối về quyền thăm thú, mà là quyền và ý chí đoạt lấy sự sở hữu đối với tư liệu sản xuất. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xoá bỏ sở hữu nói chung mà là xoá bỏ sở hữu tư sản.
Tuy nhiên, có một điểm quan trọng mà C.Mác và Ph.Ăngghen không khác với I.Cantơ - đó là họ đều hình dung về một thế giới không có chiến tranh giữa các dân tộc. Các ông tuyên bố rằng, khi mà tình trạng người bóc lột người bị xoá bỏ thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xoá bỏ và khi sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo.
4. Sự phục hồi của chủ nghĩa toàn thế giới
Không nghi ngờ gì nữa, cách nhìn như vậy về hoà bình giữa các dân tộc là hạt nhân của chủ nghĩa toàn thế giới. Song, hai cuộc chiến trong thế kỷ XX đã cho thấy rằng, nếu các công dân của các dân tộc khác nhau từ chối tham chiến chống lại dân tộc khác thì đó không chỉ là vấn đề thủ tiêu sở hữu tư sản hay vấn đề quốc gia dân tộc. Có lẽ, đó không phải là vấn đề phá vỡ các dân tộc - như C.Mác và Ph.Ăngghen nghĩ - mà là việc hoà hợp tất cả các dân tộc với những trải nghiệm riêng biệt của họ trong một cộng đồng toàn cầu. Cộng đồng ấy sẽ bảo tồn những gì tốt đẹp nhất của mỗi dân tộc.
Đúng là việc chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang ngăn chặn bất cứ thiết chế xuyên quốc gia nào đã nói lên rằng, bản thân nó rất nguy hiểm đối với thế giới. Nhưng, chúng ta đã từng phải chịu đựng rất nhiều cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ XX trước khi nhân dân và những nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới thừa nhận điều đó. Vì thế, mãi cho đến cuối thế kỷ XX, họ mới nhận ra rằng, nếu muốn có hoà bình trên trái đất thì loài người phải phối hợp để giải quyết những vấn đề chủ yếu của thời đại mình, như toàn cầu hoá tài chính, phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai, chống lại tội phạm xuyên quốc gia và những vấn đề chung có liên quan(7). Lẽ ra, họ còn phải học cách làm thế nào để thừa nhận tính tự trị, phẩm giá, tính toàn vẹn của nhân dân ở các dân tộc và các nền văn hoá khác.
Trong suốt thế kỷ XX, hình mẫu con người toàn thế giới hoàn toàn biến mất và chỉ xuất hiện trở lại vào những năm 90. Các triết gia như J.Derrida ở Pháp, J.Habermas ở Đức và M.Nussbaum ở Hoa Kỳ đã bắt đầu bảo vệ chủ nghĩa toàn thế giới. Các nhà xã hội học, như David Held ở Luân Đôn và Ulrich Beck ở Muynich, đã đưa ra những phân tích về các xã hội và cho thấy rằng, tư tưởng về chủ nghĩa toàn thế giới là tư tưởng duy nhất có thể hướng dẫn con người trong thời đại chúng ta phát triển dân chủ trên quy mô toàn cầu.
Vậy, điều gì đã xẩy ra khi chủ nghĩa toàn thế giới lại lên tiếng sau nhiều năm im lặng? Quả thực đã có một sự kiện chính trị vĩ đại: sự đối lập giữa Đông và Tây đã tan rã mà tiêu biểu là sự sụp đổ của bức tường Béclin năm 1989. Trước thời điểm này, gần như không thể tiến đến điểm chung trong cuộc chiến giữa cái gọi là thế giới tự do ở phương Tây và thế giới cộng sản ở phương Đông. Sau khi bức tường Béclin sụp đổ, người ta mới phát hiện ra rằng, vấn đề lớn thực sự không phải là sự đối lập giữa hai miền siêu cường, mà thật ra là ở rất nhiều những xung đột vắt qua nhiều biên giới. Ở châu Âu, chúng ta thấy những xung đột ở vùng Bancăng, ở Trung Đông là xung đột giữa người Palétxtin và người Ixraen, ở Irắc là xung đột giữa người Cuốc và người Irắc và v.v.. Hơn nữa, những xung đột này không chỉ là xung đột vũ trang. Chúng còn là những xung đột về kinh tế và văn hoá. Phong trào chống toàn cầu hoá cuối những năm 90 của thế kỷ trước chính là một cuộc nổi dậy chống lại sự áp bức về mặt tài chính toàn cầu. Gần đây, những cuộc biểu tình chống lại 12 bức biếm họa đăng trên một tờ báo cánh hữu ở Đan Mạch cho thấy một hố sâu giữa thường dân trong thế giới Hồi giáo với thường dân trong thế giới Cơ đốc giáo.
Bối cảnh thế giới ở đầu thế kỷ XXI đang cần nhiều hơn chủ nghĩa toàn thế giới từ thế kỷ XVIII và XIX. Tuy nhiên, cả I.Cantơ và C.Mác đã góp phần đáng kể giúp chúng ta có thể nắm bắt được tư tưởng về công dân thế giới như một hy vọng trong một thế giới bị chia cắt. Ngày nay, nhiệm vụ của triết học là giải thích việc chúng ta có thể phát triển và hiện thực hoá chủ nghĩa toàn thế giới mang tính toàn cầu như thế nào để giải quyết những vấn đề lớn của toàn cầu một cách nghiêm túc. Nhận thức lại vai trò của triết học hôm nay trong bối cảnh toàn cầu chính là thực hiện nhiệm vụ ấy(8)./.
Người dịch
Người dịch
KHUẤT DUY DŨNG (Viện Triết học)
(*) Giáo sư Đại học Giáo dục Đan Mạch, Chủ tịch Liên đoàn các hội triết học quốc tế.
(1) Francis Cheneval. Philosophie in weltbỹrgerlicher Bedeutung. Schwabe & Co AG Verlag, Basel, 2002, p.403ff.
(2) Immanuel Kant. Die Metaphysik der Sitten (1797-98). Felix Meiner, Hamburg, 1974; Tham khảo thêm: Kant’s gesammelte Schriften, Akademic Ausgabe, Band V, Berlin, 1908, Đ 43; Bản tiếng Anh: The Metaphysic of Morals. Trans. Mary Gregor, Cambridge University Press, Glasgow, 1996.
(3) Immanuel Kant. Zum ewigen Frieden. En Phiosophischer Entwurf. Kửnigsberg, 1795, dritter Definitivartikel zum ewigen Frieden, p. 103; Perpeptual Peace in On History, Macmillan/Library of Liberal Arts, p. 85 – 136, Third definitive Article for a perpeptual peace, p. 102ff.
(4) J.G.Fichte: “Grundriss des Vửlker- un Weltbỹrgerrechts” (1797) in Grundlage des Naturrechts, Zweiter Anhang, Fichtes Werke, Band III, Walter de Gruyter & Co., Berlin, 1971, 22, p. 384.
(5) Immanuel Kant. Ideen zu einer allgemeinen Geschichte in weltbỹrgerlicher Absicht, Werke in sechs Bọnden, Im Insel Verlag, Band VI, 1964, cf. Kants gesammelte Schriften, Akademie Ausgabe, Band VIII, Berlin, 1912; Idea for a Universal History from a Cosmopolitan Point of View, in On History, Macmillan/Library of Liberal Arts, p. 11-26.
(6) Karl Marx and Frierich Engels. The Communist Manifesto (1848), second edition 1872, translated by Samuel Moor (1888). Penguin Books, London, 1967, pp. 218, 241, 258.
(7) Peter Kemp. “The citizen of the word as a figure in a critical vision” in Nordisk Pedagogik, special issue: Education as a critical force – myth or reality? Nr. I – 2004, Vol 24, p. 11-18.
(8) Cf. Peter Kemp’s last book in Danish: Verdensborgeren som pœdagogisk ideal (The World Citizen as Ideal of Education). Hans Reitzel, Copenhagen, 2005.
(1) Francis Cheneval. Philosophie in weltbỹrgerlicher Bedeutung. Schwabe & Co AG Verlag, Basel, 2002, p.403ff.
(2) Immanuel Kant. Die Metaphysik der Sitten (1797-98). Felix Meiner, Hamburg, 1974; Tham khảo thêm: Kant’s gesammelte Schriften, Akademic Ausgabe, Band V, Berlin, 1908, Đ 43; Bản tiếng Anh: The Metaphysic of Morals. Trans. Mary Gregor, Cambridge University Press, Glasgow, 1996.
(3) Immanuel Kant. Zum ewigen Frieden. En Phiosophischer Entwurf. Kửnigsberg, 1795, dritter Definitivartikel zum ewigen Frieden, p. 103; Perpeptual Peace in On History, Macmillan/Library of Liberal Arts, p. 85 – 136, Third definitive Article for a perpeptual peace, p. 102ff.
(4) J.G.Fichte: “Grundriss des Vửlker- un Weltbỹrgerrechts” (1797) in Grundlage des Naturrechts, Zweiter Anhang, Fichtes Werke, Band III, Walter de Gruyter & Co., Berlin, 1971, 22, p. 384.
(5) Immanuel Kant. Ideen zu einer allgemeinen Geschichte in weltbỹrgerlicher Absicht, Werke in sechs Bọnden, Im Insel Verlag, Band VI, 1964, cf. Kants gesammelte Schriften, Akademie Ausgabe, Band VIII, Berlin, 1912; Idea for a Universal History from a Cosmopolitan Point of View, in On History, Macmillan/Library of Liberal Arts, p. 11-26.
(6) Karl Marx and Frierich Engels. The Communist Manifesto (1848), second edition 1872, translated by Samuel Moor (1888). Penguin Books, London, 1967, pp. 218, 241, 258.
(7) Peter Kemp. “The citizen of the word as a figure in a critical vision” in Nordisk Pedagogik, special issue: Education as a critical force – myth or reality? Nr. I – 2004, Vol 24, p. 11-18.
(8) Cf. Peter Kemp’s last book in Danish: Verdensborgeren som pœdagogisk ideal (The World Citizen as Ideal of Education). Hans Reitzel, Copenhagen, 2005.
Đánh giá bài viết?