Chủ nghĩa nhân văn: Cuộc cách mạng tư tưởng thời kỳ Phục hưng

Vào khoảng trước sau thế kỷ XIV, lịch sử văn hóa nhân loại đã chứng kiến một cách mạng tư tưởng rất vĩ đại. Cuộc vận động bắt đầu ở Ý, rồi từ cuối thế kỷ X, đến giữa thế kỷ XVI, sẽ tràn lan dần dần khắp miền Tây Âu.
 Đặng Thai Mai - Tác phẩm, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1978, tr. 326-355.

Trên quá trình phát triển, trào lưu mới này đã át hẳn thế lực của nền học thuật Trung cổ và gây dựng cho các dân tộc phương Tây một đời sống tinh thần mới mẻ, bạo dạn, chưa bao giờ thấy trong lịch sử. Dưới ảnh hưởng của sự cải tạo tư tưởng, con người phương Tây đã thoát ly khỏi hẳn “cái bầu trời ảm đạm của đêm trường Trung Cổ” mà bước vào một đời sống mới. Như được một luồng sinh khí mầu nhiệm vừa thổi vào trong mạch máu, một mặt Châu Âu từ đấy ngày càng càng tiến bộ và đã có nguy cơ vượt hẳn các dân tộc khác suốt mấy thế kỷ ròng về tất cả các phương diện kinh tế, chính trị và văn hóa.

Trong lúc say sưa với những kết quả vừa thâu lượm được trên đường tranh đấu cho tư tưởng mới, các nhà trung kiên cuộc vận động đã đặt cho thời kỳ đó một cái tên khá lừng lẫy là thời kỳ “Văn hóa tái sinh” hay thời kỳ “Văn hóa sống lại”[1]. Lịch sử văn hóa ngày sau sẽ thể theo nhiệt tình của họ mà giữ cho cuộc vận động cái danh từ vinh diệu đó.

Tư tưởng trung tâm, tư tưởng lãnh đạo cuộc vận động Văn hóa phục hưng là chủ nghĩa nhân văn.

Nói một cách sơ lược, thì chủ nghĩa nhân văn là một hệ thống tư tưởng lấy cõi người, lấy con người làm trọng. Các nhà nhân văn chủ trương rằng: công cuộc kiến thiết văn hóa là một công cuộc của người và lấy con người, lấy cõi đời làm bản vị.

Nếu chỉ có thế thôi, thì chủ nghĩa nhân văn có gì là lạ, là cao sâu, là vĩ đại?

Sự thực thì mọi chân lý khi đã được phát minh bao giờ cũng có vẻ tầm thường. Đặc tính của chân lý trước hết là giản dị. Nhưng nếu ta nghĩ kỹ lại thì sự phát minh chân lý không phải là việc dễ dàng; và chân lý cũng không đơn giản như những khối óc nông nổi vẫn tưởng. Đối với những người ngày nay, có gì dễ dàng bằng những tri thức như là sự chuyển vận của quả đất xung quanh mặt trời, hoặc một khối nặng bao giờ cũng rơi xuống đất theo sức hút của trọng tâm. Nhưng xưa nay tư tưởng loài người đã sản xuất được mấy Copernic, hay Galilée, mấy Newton?

Câu chuyện con người là một câu chuyện khá phức tạp. Đối với bản thân mình, con người xưa nay vẫn là một hiện tượng bí mật, khó hiểu. Sống, thác, rủi, may, cực khổ hay sung sướng là những vấn đề đặt ra có mấy ngàn năm nay mà giờ đây vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát. Sự sống đã nêu ra bao nhiêu câu hỏi về nguồn gốc, về cứu cánh, về ý nghĩa, về mục đích, về vận mệnh, ai là người giải quyết được bấy nhiêu điều thắc mắc của tâm hồn? Sinh lý, tâm lý con người là những khoa học thiết tha nhất đối với đời sống, nhưng hai ngành khoa học này thành lập đến nay đã được bao lâu? Và trình độ trí thức chúng ta về hai ngành học đó hiện nay đã có gì đáng cho nhân loại tự hào? Hơn hai nghìn năm nay, Socrate đã đề nghị với chúng ta: “Hẵng tự biết lấy mình”. Nhưng từ bấy đến nay, ai đã thỏa mãn được lời dặn của nhà đại triết học Hy Lạp?

Ngay trong các công trình kiến thiết của nhân loại, xưa nay, đối với con người, với khả năng và giá trị của con người, từ tình cảm cho đến nghị lực, từ tâm tư cho đến hành động, con người vẫn bị hoài nghi, khinh rẻ. Tình cảm trí tuệ, nghị lực của ta, ta thấy là quá chật hẹp, quá bạc nhược! Và quá ngắn ngủi, qua bấp bênh là đời sống của con người, là tác dụng của việc người. Vận mệnh của con người, con người cũng đã vui lòng đem “phó cho Ông Xanh”. Thành bại trong công việc hằng ngày là tùy sự định đoạt của Trời, Phật, Thánh thần. Mọi phát kiến về khoa học, về tư tưởng về nghệ thuật là câu chuyện “thần linh phù hộ”... Nói rằng mấy ngàn năm nay, một bầu “âm khí nặng nề” đã phủ kín cả gầm trời tư tưởng của con người, tưởng cũng chẳng phải quá lời.

Nhận con người làm bản vị cho mọi công việc kiến thiết, trước hết là thừa nhận năng lực của con người trong sự nghiệp kiến thiết. Cũng là thừa nhận tính cách người – trái với tính cách thần linh của mọi hệ thống tôn giáo. Cũng là chủ trương rằng: văn hóa phải thích ứng với cõi người, phải có tính cách nhân đạo, phải chống lại những lực lượng trái với quyền lợi của sự sống, bất kỳ là lực lượng nào, từ đâu mà đến. Và cũng nói rằng: mọi công cuộc kiến thiết của con người cũng chỉ có giá trị trong một thời kỳ, một xã hội. Với tính cách có điều kiện tương đối ấy, văn hóa loài người cần phải luôn luôn đổi mới để cho thích hợp với đời sống.

Bao nhiêu nhận định về tư tưởng, về hành động của con người, ngày nay có vẻ quá thông thường. Nhưng trước đây năm thế kỷ, tai con người Trung Cổ nghe ra có khác nào những tiếng nổ rung trời chuyển đất của một kho đạn đang bùng cháy! Tính cách “phá hoại” của chủ nghĩa nhân văn là ở chỗ đó. Năng lực kiến thiết của chủ nghĩa nhân văn là ở đó. Năng lực kiến thiết của chủ nghĩa nhân văn cũng là ở chỗ đó: con người là bản vị của mọi sự trạng trong cõi người.

Trong nhận định của một số người, dường như xưa nay chỉ có một tư trào nhân văn chủ nghĩa: ấy là chủ nghĩa nhân văn của thời kỳ Văn hóa phục hưng.

Sự thực thì đó không phải là tư trào nhân văn đầu tiên, và cũng chưa phải là tư trào cuối cùng.

Tuy vậy, chủ nghĩa nhân văn của thời kỳ Văn hóa phục hưng vẫn là một tư trào mạnh mẽ, dồi dào nhất trong các tư trào nhân văn từ xưa cho đến đầu thế kỷ XX này.

Bởi vậy, trước khi nói đến lịch sử nhân văn chủ nghĩa, cũng nên hiểu qua chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ Văn hóa phục hưng.

*               * 
Còn nữa...
 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?