Tư tưởng dân chủ của Jacques Rousseau


Triết lý dân chủ của Jean Jean Jacques Rousseau (1712-1778, triết gia Pháp) nhấn mạnh nguyên tắc cho rằng quyền tối thượng thuộc về người dân, rằng tất cả quyền lực khác đều phụ thuộc vào quyền tối thượng ấy.

Nhà nước được hình thành trên nền tảng của một khế ước xã hội có mục tiêu đảm bảo an sinh cho công dân, do vậy chủ quyền tồn tại nhằm mục đích bảo vệ cho mỗi cá nhân trong quốc gia. Khi chấp nhận tuân thủ luật pháp, các cá nhân chỉ đơn thuần uỷ thác quyền của họ vì mục đích đó. Chính phủ chỉ sở hữu quyền uỷ nhiệm, không phải là quyền lực tối thượng, xuất phát từ ý nguyện của tập hợp quần chúng thống nhất. Chính ý nguyện của khối quần chúng, một ý nguyện chung, là điều mà các viên chức nhà nước phải thực thi. Ý nguyện chung là ý nguyện hướng đến lợi ích của mọi người. Hơn nữa, bộ máy nhà nước không nên quá cồng kềnh, quốc gia cũng không nên quá lớn, gây khó khăn cho khả năng thích ứng của các công dân. Hình thức chính quyền lý tưởng nhất chỉ bao gồm một nhóm nhỏ các công chức do dân bầu ra.

Tự do và bình đẳng
Thời nguyên sơ, xã hội được tổ chức dựa theo trật tự gia đình, hình thức xã hội chân thật và gần gũi vời tự nhiên hơn cả. Theo đó, đúng ra các hình thức xã hội chính trị đương thời nên được xây dựng theo khuôn mẫu gia đình. Trong một gia đình, mỗi đứa trẻ được sinh ra với quyền tự do và bình đẳng; nguyên tắc tương tự cũng nên được sử dụng và phát huy trong những vấn đề chính trị xã hội của thời đại.

Chế độ nô lệ là ý tưởng đáng ghê tởm trong một xã hội tự do, bởi vì “sức mạnh không làm nên lẽ phải”, và về mặt tự nhiên, “không ai thống trị đồng loại của mình.” Vì thế, không thể tổ chức và thể chế hoá xã hội bằng vũ lực mà phải thông qua hình thức thoả ước, thông qua một khế ước xã hội.


Quyền tối thượng bất khả chuyển nhượng
Quyền tối thượng thuộc về công dân, hay nói đúng ra, thuộc về chính kiến của tập hợp quần chúng thống nhất; bởi lẽ chỉ có một tập hợp như thế mới sở hữu một ý nguyện bất khả chuyển nhượng. Ý nguyện của mỗi cá nhân chia sẻ với nhau trong ý nguyện chung, hướng đến ích lợi chung của cả cộng đồng. Mặc dù quyền hành có thể được ủy nhiệm, ý nguyện thì không. “Chủ quyền không là gì ngoài việc thể hiện ý nguyện chung, một ý nguyện chẳng thể nào chuyển nhượng được. “Chính vì lý do đó, chủ quyền là bất khả phân cấp, bất khả chuyển nhượng.”

Ý nguyện chung
Ý nguyện chung không đơn thuần là bản liệt kê ý nguyện riêng rẽ của mỗi cá nhân. Thực chất, nó được thể hiện trong hoạt động chính trị của mỗi công dân khi anh ta thành tâm và tự nguyện, không chịu bất kỳ một áp lực nào, đưa ra quyết định độc lập của mình bằng một lá phiếu.

Quá trình tổng hợp những lá phiếu có thể chỉ cho thấy khát vọng riêng của mỗi công dân; nhưng ý nguyện chung được phản ánh qua thái độ tự nguyện và thành tâm của mỗi cá nhân, tham gia bỏ phiếu vì những điều tốt đẹp cho mọi công dân. “Thông thường, có điều khác biệt rất lớn giữa ý nguyện toàn thể và ý nguyện chung. Ý nguyện chung chỉ liên quan đến lợi ích chung. Ý nguyện toàn thể có liên quan đến những lợi ích riêng, chỉ là một bản tổng kết những ý nguyện riêng rẽ…ý nguyện chung lúc nào cũng đúng cả “nếu được hướng dẫn chu đáo, tránh những xu hướng bè phái và các thủ đoạn thao túng chính trị, một cộng đồng dân cư sẽ thể hiện rõ ràng ý nguyện chung của họ.”

Khế ước xã hội
Rousseau nhận định rằng với xã hội được xây dựng trên cơ sở khế ước, vận dụng sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng để chăm lo vấn đề an sinh bảo vệ tài sản của mỗi cá nhân, mọi công dân đều có quyền tự do và độc lập, chẳng phải tuân theo mệnh lệnh của ai khác ngoài chính mình.Bởi lẽ khế ước xã hội tồn tại vì vấn đề an sinh của mỗi cá nhân trong cộng đồng, nếu một thành viên vi phạm các thoả ước, anh ta đã vi phạm luật lệ của chính mình . Cá nhân ấy sẽ phải nhận lãnh hình phạt, không phải chỉ vì mục đích duy trì sự ổn định của xã hội, mà còn vì lợi ích của chính anh ta.

Khế ước xã hội được xác lập trên nguyên tắc cơ bản là: Quyền tối thượng thuộc về dân chúng (sở hữu chủ của ý nguyện bất khả quyền nhượng); quyền hành có thể chuyển giao nhưng ý nguyện thì không. Do vậy, chính phủ chỉ là người đại diện của quần chúng, hoạt động và thực thi ý nguyện chung. Chính phủ chẳng bao giờ đạt được quyền thống trị tối thượng và tối hậu.

Về nhà nước lý tưởng, Rousseau chọn chính thể cộng hoà cai trị bằng luật pháp, viên chức chính phủ do dân bầu chọn và thi hành ý nguyện chung. Tin rằng cho cấu chính trị đặc thù chỉ có vai trò thứ yếu, ông đưa ra nhận sét chung như sau: chế độ dân chủ phù hợp với nước nhỏ; chế độ quý tộc với các nước cỡ trung bình; và chế độ quân chủ với các nước lớn. Ông kêt luận rằng “nếu có sự tồn tại của nòi giống thần thánh, hẳn là họ cũng tự trị theo thể chế dân chủ.”

S.T
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?