Trần Đức Thảo – trở về từ quên lãng


Trong cuộc toạ đàm về nhà triết học Trần Đức Thảo (diễn ra tại trung tâm văn hoá Pháp - L'Espace tại Hà Nội tuần qua), với tư cách chủ toạ, nhà phê bình văn học – sân khấu Jean-Pierre Han, tổng biên tập tạp chí Les Lettres Françaises (Văn chương Pháp, ra đời năm 1941) và nhà triết học Jean-François Poirier đã thông báo một quyết định khá bất ngờ: Les Lettres Françaises sẽ thực hiện một chuyên đề về Trần Đức Thảo, người được xem là nhà triết học của cả hai quốc gia Pháp và Việt Nam.

Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với hai diễn giả đang cố gắng làm hồi sinh tên tuổi của con người mà theo GS Trần Văn Giàu, là nhà triết học duy nhất của chúng ta.

Vì sao nhà triết học Trần Đức Thảo của Việt Nam lại trở thành nhân vật chính trong chuyên đề triết học trên tạp chí Les Lettres Françaises, thưa ông?

 Jean-Pierre Han: Đối với tôi, Trần Đức Thảo là một trong những triết gia Việt Nam xuất sắc nhất. Nếu tính đến quãng thời gian tu nghiệp tại Pháp và những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, được ấn hành tại Pháp của ông thì Trần Đức Thảo còn là một triết gia Pháp. Những phát kiến và tư tưởng của ông được các triết gia cùng thời như Jean-Paul Sartre, Louis Althusser, Jacques Derrida, Pierre Bourdieu… công nhận. Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyên đề về các nhà triết học này, vậy thì tại sao lại không có một chuyên đề về Trần Đức Thảo? Chuyên đề về nhà triết học Trần Đức Thảo sẽ ra mắt độc giả Pháp, không nhân một sự kiện nào cả, cũng hoàn toàn bỏ qua tiêu chí thương mại. Các bạn bảo chúng tôi táo bạo ư? Chúng tôi chấp nhận. Và thực sự hy vọng, đây sẽ là bước tạo đà cho một quá trình nghiên cứu sâu rộng về những đóng góp to lớn của Trần Đức Thảo.

Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện nằm ngoài khoa học. Đó là, dù xa Việt Nam nhiều năm, nhưng tôi vẫn nhớ, dù không rõ ràng lắm, thuở nhỏ, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện và nhiều trí thức khác thường xuyên ghé thăm nhà tôi, đôi khi một cách bí mật vì đó là thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Gợi lại tác phẩm của Trần Đức Thảo trên Les Lettres Françaises, cũng là một cách để hồi tưởng kỷ niệm ấu thơ, và tìm lại quê hương Việt Nam của tôi.

Những phát kiến và tư tưởng của ông được các triết gia cùng thời như Jean-Paul Sartre, Louis Althusser, Jacques Derrida, Pierre Bourdieu… công nhận. Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyên đề về các nhà triết học này, vậy thì tại sao lại không có một chuyên đề về Trần Đức Thảo?

JEAN-PIERRE HAN

Rất khó để chấm điểm các tư tưởng của một triết gia, hoặc so sánh triết gia này với triết gia kia. Tuy nhiên, độc giả Việt Nam đều muốn biết, phát kiến nào của Trần Đức Thảo đã làm “sửng sốt” giới triết học Pháp nói chung, và hai ông nói riêng?

Jean-François Poirier: Tư tưởng của Trần Đức Thảo được các đồng nghiệp cùng thế hệ khâm phục, điều đó không phải bàn cãi. Còn với riêng tôi, có hai điều ở Trần Đức Thảo gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Một là Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng, tác phẩm đánh dấu bước chuyển biến của ông từ hiện tượng luận sang chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chính từ đây, rất nhiều nhà triết học Pháp đã tiếp nối Trần Đức Thảo đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác và cổ suý cho những tư tưởng của chủ nghĩa Mác. Thứ hai, ông là nhà triết học duy nhất mạo hiểm công bố kết quả nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ, ngay trong thời điểm vấn đề này bị cho là không mang tính khoa học và nhiều thập kỷ bị giới nghiên cứu tẩy chay. Trong tác phẩm Cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, được NXB Xã Hội (Paris) ấn hành năm 1973, ông khẳng định, nguồn gốc của ngôn ngữ là cử chỉ. Kết luận này có thể không tuyệt đối chính xác, nhưng sự dũng cảm của ông thật đáng ngưỡng mộ.

Trong triết học, không có thầy, cũng không có trò, chỉ có sự đối thoại

TRẦN ĐỨC THẢO

Đã khi nào các ông thử tìm cách lý giải, vì sao một hiện tượng như Trần Đức Thảo lại ít được biết đến, sớm bị lãng quên, tại Pháp và thậm chí ngay ở chính quê hương Việt Nam? Phải chăng là vì những tư tưởng của ông đã trở nên lỗi thời?

Jean-Francois Poirier: Theo quan điểm của tôi, tư tưởng của những triết gia lớn không bao giờ lỗi thời. Tại Pháp, có một số nguyên nhân khách quan khiến cái tên Trần Đức Thảo dần bị quên lãng, chủ yếu do cuộc tranh luận về nguồn gốc của ngôn ngữ nhiều năm nay vẫn bị đóng băng. Và những tác phẩm của Trần Đức Thảo về vấn đề này, vì thế, không còn được chú ý. Tại thành phố Huế của Việt Nam, chúng tôi từng tiến hành một nghiên cứu về Trần Đức Thảo, với rất nhiều giáo sư trong lĩnh vực triết học tham dự. Tôi nhận thấy, khá nhiều người ở tuổi trung niên biết về Trần Đức Thảo. Nhưng tư tưởng và các công trình nghiên cứu của ông đúng là không phổ biến. Hay bởi như người Việt thường nói: Bụt chùa nhà không thiêng!

Jean-Pierre Han: Tôi phải ngại ngùng thừa nhận, nước Pháp có khả năng quên lãng những gì không liên quan đến di sản của chính mình. Còn về phía Việt Nam thì chính các bạn phải tự trả lời câu hỏi này.

Đến đây với mong muốn vừa chia sẻ, vừa tìm kiếm các tư liệu về Trần Đức Thảo. Qua buổi toạ đàm này, các ông có thêm những khám phá thú vị nào về nhà triết học của hai quốc gia Pháp, Việt?


Nhà nghiên cứu triết học Jean-François Poirier (trái) và nhà phê bình văn học Jean-Pierre Han tại toạ đàm về triết gia Trần Đức Thảo (8.11, Hà Nội). Ảnh: Hương Lan

 Jean-Francois Poirier: Tôi cực kỳ ấn tượng với một chiêm nghiệm của Trần Đức Thảo mà nhà văn Nguyễn Đình Chính vừa kể lại tại toạ đàm: trong triết học, không có thầy, cũng không có trò, chỉ có sự đối thoại. Đó là lời nói của một hiền triết.

 Jean-Pierre Han: Tôi nghĩ đến việc xuất bản chuyên đề sắp tới về Trần Đức Thảo trên Les Lettres Françaises bằng tiếng Việt. Và các bạn sẽ hiểu được vì sao và bằng cách nào, Trần Đức Thảo lại được các triết gia nổi tiếng của Pháp ngưỡng mộ.

Sau khi trở về Pháp, các ông sẽ có những hành động nào nhằm khơi dậy mối quan tâm về Trần Đức Thảo và các công trình nghiên cứu của ông?

Jean – Francois Poirier: Hiện tại ở Pháp, các tác phẩm của Trần Đức Thảo không còn hiện diện trên các kệ sách nữa. Ngoài chuyên đề về Trần Đức Thảo trên tờ Les Lettres Françaises, tới đây, chúng tôi sẽ tìm cách tái bản cuốn sách Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Trần Đức Thảo. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiến hành thu thập, tập hợp tất cả các tác phẩm của Trần Đức Thảo, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, để làm thành một bộ sưu tập.

Hy vọng, những nỗ lực trên sẽ có kết quả.

THỰC HIỆN: HƯƠNG LAN
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: TRỊNH CUNG
Nguồn: SGTT 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?