Tìm một định nghĩa về quyền con người
Cho đến nay, chúng ta phải thừa nhận rằng khó có thể tìm thấy một định nghĩa triết học “kinh điển” nào về quyền con người.
Ngay cả những nhà tư tưởng lớn như Lôccơ,Rútxô… và sau này Mác, Engen, Lênin cũng không đưa ra một định nghĩa nào về khái niệm này giống như cách làm thông thường đối với các khái niệm triết học khác.
Chúng ta thường chỉ thấy các định nghĩa kiểu như “quyền cái người là quyền…“. Chẳng hạn, Lốccơ nói : “quyền tự nhiên của con người là quyền sống, quyền tự do, quyền tư hữu. Hiến pháp 1791 của Pháp viết : quyền con người – đó là “ quyền tự do, sở hữu, được an toàn và chống lại áp bức“. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ 1776 viết: quyền con người – đó là “các quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Cho đến nay, từ Đông sang Tây đã có rất nhiều định nghĩa về quyền con người. Có những định nghĩa liệt kê quyền con người bao gồm những quyền a, b, c… nào đó. Có những định nghĩa rất khái quát, chẳng hạn, học giả Trung Quốc Đồng Vân Hồ quan niệm: “có thể nói gọn lại, nhân quyền là quyền tồn tại, phát triển một cách tự do, bình đắng” (1).
Nhìn lại quá khứ và hiện tại, các quan điểm về quyền con người thưởng đi theo những khuynh hướng sau:
* Khuynh hướng “quyền tự nhiên”:
Những tư tưởng về quyền “tự nhiên”, “trời phú” cho con người ngay từ khi con người xuất hiện đã có từ thời cổ đại. Ở Trung Quốc, Mặc Tử (479-381 trước Công nguyên) đã cho rằng quyền bình đẳng tự nhiên của con người đó là “ý trời”. Theo đó, mỗi người đều có quyền tham gia công việc nhả nước tuỳ theo đạo đức và tài năng của họ, chứ không phải do dòng dõi quyết định. Cũng như vậy, mỗi người đều có các quyền giống nhau và đều bị trừng phạt nếu phạm tội. Ở Hy lạp cổ đại, các nhà triết học nguỵ biện như Ăngtiphôn, Ankiđan cũng có những tư tưởng tương tự. Ở châu Âu, kể từ thời Phục hưng trở đi, tư tưởng về quyền tự nhiên ngày càng trở nên phổ biến. Những đại biểu xuất sắc là Lôccơ (Anh), Rútxô (Pháp), Xpinôda (Hà lan), I. Can tơ, Pruphenđóocphơ (Đức), Jepphécxơn (Mỹ)… Những điều viết về quyền con người trong Hiến pháp 1791 của Pháp, Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ đều theo quan điểm quyền tự nhiên. Về mặt xã hội, thuyết quyền tự nhiên mang ý nghĩa phản kháng. Nó là tư tưởng của các lực lượng tiến bộ chống lại trật tự xã hội bất công, bất bình đẳng (xã hội chiếm hữu nô lệ và xã hội phong kiến sau này). Vì thế, không chỉ trong quá khứ, mà cả ngày nay thuyết này vẫn có ý nghĩa nhất định.
Thuyết quyền tự nhiên có điểm tích cực là đề cao con người với tư cách là sản phẩm cao nhất, tinh tuý nhất của sự phát triển tự nhiên. Nhưng nhược điểm của nó là ở chỗ, nó che lấp nguồn gốc xã hội của quyền con người và do đó, không thấy tính lịch sử, tính giai cấp, sự phát triển trong những đòi hỏi về quyền con người.
* Khuynh hướng ‘thực định”:
Trái với khuynh hướng quyền tự nhiên, – khuynh hướng không đề ý đến mặt pháp luật và nhà nước của quyền con người, khuynh hướng thực định lại coi quyền con người là tất cả những gì mà nhà nước thông qua pháp luật để quy định cho cá nhân. Chỉ những gì pháp luật cho phép tự do làm hay không làm thì mới là quyền con người, và chỉ được coi là quyền con người khi một hành vi hay một yêu cầu của cá nhân là hợp pháp.
Khuynh hướng thực định có điểm hợp lý là đã gắn quyền con người với pháp luật, với ý chí mà nhà nước (mà điều này thì không thể bỏ qua được, vì quyển con người tất nhiên phải tồn tại dưới hình thức pháp luật).
Nhưng, nó cũng có nhược điểm ở chỗ, chỉ coi ý chí nhà nước là nguồn gốc của quyền con người , coi trọng tính hợp pháp của quyền, song lại không để ý đến tính hợp lý của nó, – cái mà nhờ đó, ngay cả những đòi hỏi, những nhu cầu hợp lý cho cuộc sống (nhưng chưa được pháp luật ghi nhận) cũng phải được coi là quyền con người. Do đó, không thể coi quyền con người chỉ là cái được phép làm, được hưởng theo pháp luật, mà còn cả cái đáng được làm, đáng được hưởng (những cái chưa được pháp luật khẳng định, nhưng sẽ phải khẳng định).
* Khuynh hướng “kinh tế”:
coi quyền con người là những quyền nảy sinh từ nhu cầu của sản xuất, kinh doanh. Nói cách khác, khuynh hướng này coi nguồn gốc của quyền con người là kinh tế. Không phải “trời phú” tự nhiên, cũng không phải do nhà nước ban phát, mà chính đời sống kinh tế của con người trao cho con người các quyền. Tác giả người Trung Quốc- Từ Sùng Ôn viết: “nhân quyền, suy cho cùng bắt nguồn từ điều kiện kinh tế-xã hội, phản ánh lợi ích cơ bản của một giai cấp nhất định”(2).
Khuynh hướng kinh tế có điểm hợp lý ở chỗ, nó cho thấy nguồn gốc của quyền con người là bản thân đời sống xã hội của con người. Nó tước bỏ cái vỏ “thần thánh”, “tự nhiên”, không giải thích được của quyền con người, trả quyền con người về với đời sống thực tại của con người. Theo khuynh hướng này, có thể đi đến quan điểm duy vật lịch sử về vấn đề quyền con người. Nó cũng cho thấy tính giai cấp trong những đòi hỏi về quyền con người.
Song, sẽ là không đầy đủ nếu coi quyền con người chỉ có nguồn gốc kinh tế. Quyền con người còn bao hàm những yêu cầu về danh dự, nhân phẩm, về đời sống tinh thần, tình cảm của con người…, nghĩa là những điều nằm ngoài phạm trù kinh tế.
* Khuynh hướng “quan niệm”:
cho rằng quyền con người là tất cả những gì mà con người cho là cần thiết và có giá trị đối với cuộc sống con người, như thế quyền lợi, nhu cầu, lợi ích và những giá trị tinh thần đều có thể trở thành quyền con người nếu như người ta quan niệm như vậy.
Đề cập tới mặt chủ quan, khía cạnh giá trị của quyền con người là điều cần thiết. Bởi, khác với các quan hệ xã hội hiện thực luôn hiện ra trước nhận thức con người như cái gì đó độc lập, khách quan không tuỳ thuộc vào quan niệm có trước, quyền con người trước khi trở thành hiện thực, thành nguyên tắc mà quan hệ giữa người với người, giữa nhà nước và cá nhân phải tuân theo, phải trở thành quan niệm của chính con người, nghĩa là được con người coi là cái thiết yếu, cái cần phải như vậy – cần cho sự tồn tại, sự phát triển toàn diện của con người không chỉ về đời sống vật chất và cả về đời sống tinh thần nữa. Trong thực tế, quyền con người luôn gắn với quan niệm chủ quan, với các giá tự như vậy, cho nên, một mặt, chúng ta phải thừa nhận những quan niệm mang tính dân tộc về quyền con người, và mặt khác , nhiều khi chúng ta phải đối mặt với tình trạng là đôi khi nhân danh quyền con người, các cá nhân, các nhóm người, vì lợi ích riêng của mình đã đưa ra những đòi hỏi vô lý, trái với lợi ích chung của cả cộng đồng người. Do đó, vấn đề quyền con người thường trở thành vấn đề gây tranh cãi trên trường quốc tế, nhất là khi nó được lồng vào một động cơ chính trị nào đó.
Tóm lại, quyền con người là vấn đề phức tạp đa nghĩa, chứa đựng những mặt đối lập, mâu thuẫn, nhưng không loại trừ nhau. Đó là các mặt khách quan và chủ quan, tự nhiên và xã hội, kinh tế và tinh thần, văn hoá và chính trị, đạo lý và luật pháp. Nó cũng là sự kết hợp giữa các yếu tố quốc tế và dân tộc, giai cấp và nhân loại, v.v… Khi xem xét quyền con người, chúng ta phải phân biệt rõ bản chất và hiện tượng nội dung và hình thức, nguồn gốc và sự phát triển của nó.
Xuất phát từ tất cả những khía cạnh đó, có thể nói rằng quyền con người chẳng qua là sự tự ý thức của con người về những giá trị, những nhu cầu sống cơ bản, phù hợp với trình độ phát triển mang tính thời đại của xã hội loài người.
Nói về quyền con người cần phải đề cập đến hai vấn đề cơ bản sau đây:
- Vấn đề tự do. Người ta thường đồng nhất quyền con người với tự do cá nhân và ngược lại. Một nhà lý luận hiện đại người Pháp, ông Morangie khẳng định: về một số mặt, hai từ này là hai từ đồng nghĩa”. Nani Palkhivala, luật sư cao cấp, người Ấn Độ cũng khẳng định: “Nhân quyền có thể tóm gọn trong một từ – TỰ DO” (3).
Trên thực tế, khi người ta đấu tranh vì quyền con người cũng tức là đấu tranh cho tự do của con người. Và ngược lại khi đấu tranh cho tự do cũng chính là đấu tranh cho quyền con người. Tất nhiên, cần phải hiểu tự do ở đây là tự do chân chính. Song, thế nào là tự do chân chính? Để trả lời câu hỏi đó phải xem xét vấn đề một cách cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể. Trước hết, đó là sự tự do trong xã hội, gắn với một xã hội cụ thể mà người ta đang sống. Do đó, những hành vi chạy theo dục vọng và nhu cầu bản năng, động vật, bất chấp nội quy tắc xã hội, không thể là tự do chân chính. Sau nữa, chỉ là tự do khi tự do của người này không xâm phạm đến tự do của người khác. Điều 4 trong Hiến pháp 1791 của Cộng hoà Pháp có ghi : “Tự do là có thể làm mọi cái không hại cho người khác. Cho nên, việc thực hiện các quyền tự nhiên của mỗi người chỉ có giới hạn là việc bảo đảm cho những thành viên khác của xã hội cũng được hưởng chính những quyền ấy”.
Trong bất kỳ xã hội nào cũng vậy, muốn có tự do chân chính cho mỗi cá nhân, nghĩa là bảo đảm quyền con người cho mỗi con người, cần phải có hai tiền đề.
Thứ nhất, pháp luật, các quy tắc chung của xã hội phải là sản phẩm, là sự thể hiện ý chí chung của xã hội. Chỉ có như thế nó mới xứng đáng là “Kinh thánh của tự do của nhân dân”(4).
Thứ hai, mỗi cá nhân phải nhận thức được pháp luật hay nói cách khác là nhận thức được những “tất yếu xã hội” quy định trong luật pháp, và điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với những quy định đó.
- Nhu cầu của cuộc sống cần được đáp ứng.
Tự do là một nhu cầu thiết yếu, đặc trưng của con người. Song, con người không chỉ có nhu cầu duy nhất là tự do, mà còn có các nhu cầu vật chất và tinh thần khác nữa.
Người ta thường nói thế hệ thứ nhất của quyền con người là các quyền trước cá nhân, tức là các quyền dân sự, chính trị. Điều này là đúng, bởi các câu khẩu hiệu về quyền con người trong giai đoạn đầu gắn liền với thời đại cách mạng tư sản. Trong cuộc cách mạng tư sản đó, giai cấp tư sản khi giương cao ngọn cờ quyền con người trước giai cấp phong kiến đang thống trị, đã kế thừa những tư tưởng tiến bộ về quyền con người của các thời đại trước và luôn đề cao chính những đòi hỏi về tự do xuất phát từ địa vị kinh tế và chính trị của nó. Đó là những quyền tự do cá nhân, đặc biệt là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, biểu tình, quyền bầu cử, ứng cử, v.v… Đó là những quyền hợp thành vũ khí sắc bén của giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh quyền lực với giai cấp phong kiến.
Vì thế, ngày nay, khi nói đến quyền con người, nhiều người đã chỉ nói đến các quyền này, coi chúng là tất cả. Điều đó chưa thật đầy đủ. Cần phải thấy rằng giai cấp tư sản khi nêu lên ngọn cờ quyền con người đã là chủ sở hữu lực lượng sản xuất của xã hội, đã là người có sức mạnh kinh tế thực sự, đối với nó, các nhu cầu vật chất và tinh thần của cuộc sống đã được thoả mãn, và do đó nó chỉ còn thiếu quyền lực chính trị. Song, theo quan điểm duy vật về lịch sử, thì trước khi làm chính trị, tôn giáo nghệ thuật, khoa học, người ta phải ăn, mặc, ở…, nghĩa là phải tồn tại đã, phải được thoả mãn những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Mà điều này lại chính là vấn đề quan tâm của đa số thành viên trong xã hội. Bởi vậy, cần phải khẳng định rằng việc thoả mãn các nhu cầu của cuộc sống không chỉ thuộc quyền chủ động của mỗi cá nhân, nghĩa là thuộc phạm vi các quyền tự do cá nhân, mà còn thuộc phạm vi nghĩa vụ của xã hội, của nhà nước đối với mỗi người. Do đó, có thể nói rằng quyền con người chính là sự đáp ứng các nhu cầu của cuộc sông con người. Với quan niệm này, các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá cũng là những quyền con người. Chúng hợp thành nội dung không thể bỏ qua được của quyền con người và có tầm quan trọng không kém các quyền dân sự, chính trị. Tiếc rằng, trong cuộc đấu tranh tư tưởng về quyền con người trên phạm vi quốc tế hiện nay, không phải ai cũng nhận thức rõ điều này.
Tóm lại, xuất phát từ góc độ triết học và căn cứ vào những vấn đề cơ bản của quyền con người, có thể định nghĩa: quyền con người là những đòi hỏi chính đáng về tự do và những nhu cầu cuộc sống cơ bản cần được đáp ứng của con người.
______________________________
(1) Đồng Vân Hồ. Nguồn gốc của khái niệm nhân quyền và diễn biến lịch sử của nó. Tạp chí “Thế giới tri thức” (Trung Quốc), số 13-1992.
(2) Từ Sùng Ôn. Về phương pháp luận nghiên cứu vấn đề nhân quyền. Tạp chí “Nghiên cứu triết học (Trung Quốc), số 12-1992.
(3) Quyền con người trong thế giới hiện đại. Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.284.
(4) C.Mác, F. Engen. Toàn tập, t.I. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1978, tr.85
Theo TẠP CHÍ TRIẾT HỌC
Đánh giá bài viết?