Tìm hiểu về thông diễn học


Tên gọi “Thông diễn học” hay còn gọi là “Chú giải học” (Herméneutique) bắt nguồn từ tên của Thần Hermes, vị thần được coi như là một sứ giả, người thông ngôn, người dịch nghĩa, người diễn giải, người giải thích những “thần ý” của các vị thần với dân chúng đủ mọi thành phần, tầng lớp ở cõi trần và ngược lại.

Có thể nói công việc thông diễn, giải thích, chú giải đã xuất hiện ngay sau khi loài người biết sử dụng tiếng nói, sử dụng ngôn ngữ và đã phát triển mạnh mẽ cùng với sự phát triển văn hóa, văn minh của nhân loại. Đặc biệt vào thời Trung cổ đến thời tiền hiện đại, khi các tôn giáo phát triển thành những thế lực quan trọng nhất nắm quyền cai trị chi phối xã hội, nhà nước thì công việc giải thích thông diễn, chú giải những huyền thoại, những tư tưởng, những quan niệm, những giáo lý của các tôn giáo với các tín đồ đã trở thành những công việc quan trọng thường xuyên của các vị thánh, các vị huyền sư, các giáo sĩ, các giáo chủ trong đời sống của nhiều xã hội.

Trước hết ở phương Tây, chúng ta thấy các vị thánh, các giáo sĩ, mục sư… lấy việc giải thích thông diễn, chú giải Thánh kinh như những trọng trách và niềm say mê linh thiêng. Khi tiến hành các cuộc “Thập tự chinh”, nhiều vị giáo sĩ, linh mục với tinh thần “tử vì đạo” đã không quản ngại mọi gian khổ, hiểm nguy dấn thân vào những xứ sở xa lạ để giải thích, thông diễn Thánh kinh cho những tín đồ của vùng đất mới.

Cố đạo Alexandre de Rohdes đến Việt Nam không chỉ làm nhiệm vụ giải thích, chú giải, thông diễn Thánh kinh với việc góp công sức trí tuệ lớn lao sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, ông còn là người làm công việc giải thích, chú giải, thông diễn văn hóa giữa thế giới phương Tây và Việt Nam, và ngược lại.

Đạo Phật ở Ấn Độ muốn truyền bá vào Trung Hoa và các nước châu Á phải có nhiều vị huyền sư, tăng sư… làm công việc giải thích, chú giải, thông diễn đạo Phật với các tín đồ ở các xứ sở mới. Đạo Nho của Trung Hoa vào Việt Nam cũng là nhờ vào việc giải thích, chú giải, thông diễn của nhiều bậc trí giả, học giả… Đạo Hồi muốn phát triển, gìn giữ cũng cần có nhiều vị giáo sĩ, giáo chủ làm công việc giải thích, thông diễn kinh Coran để truyền bá cho những tín đồ cũ cũng như mới của mình…

Tuy nhiên công việc giải thích, chú giải, thông diễn trở thành một môn học thì chỉ mới thấy xuất hiện lần đầu tiên vào đầu thế kỷ XIX ở phương Tây, cụ thể ở nước Đức với vị mục sư Friedrich Schleiermacher, khi ông đưa môn này vào giảng ở Đại học Berlin. Môn này nội dung chủ yếu hạn chế ở công việc giải thích Thánh kinh, luật pháp và lịch sử.

Đến cuối thế kỷ XIX, nhà triết học Đức Wilhelm Dilthey mới đưa môn “Giải thích học” - “Thông diễn học” - Herméneutique thành một khoa học thực sự. Tên vị thần Hermes lấy để đặt tên cho môn khoa học này. Herméneutique đã không còn thu hẹp trong việc giải thích Thánh kinh, luật pháp, lịch sử mà đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Riêng đối với triết học còn có thêm một lĩnh vực “Chú giải học triết học”.

Thực chất thì mọi triết gia đều làm công việc chú giải, giải thích, thông diễn (Herméneutique) với các lý thuyết, tư tưởng, quan niệm của các triết gia trong quá khứ hay đồng nghiệp có liên quan đến lĩnh vực mình tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu, để đào sâu, mở rộng, phản biện rồi phát triển, sáng tạo ra những lý thuyết mới – tất cả các triết gia vĩ đại như Platon, R.Descartes, E.Kant, G.Hégel, K.Marx… đều làm như vậy. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp của V.Lénine là giải thích, chú giải, thông diễn những tư tưởng triết học của chủ nghĩa Marx, tác phẩm Bút ký triết học là một điển hình…

Để giải thích, thông diễn, chú giải hợp thức, hợp thời, những nhà triết học về Herméneutique từ lâu đã thấy cần phải chống lại những tư tưởng duy lý, duy khoa học ngự trị hàng nhiều thế kỷ và đã trở thành “chân lý ngàn đời” để nhận thức, đánh giá mọi điều. Nhận thức chỉ tuân thủ, tôn thờ theo tinh thần đó đã đặt sự nhận thức theo lập trình của chủ nghĩa quy giản (Reductionisme) nên đã gạt bỏ, loại thải, đã không tính đến những gì là đặc thù, khác biệt, không đúng với khuôn mẫu, thước đo đã định đặt ra.

M.Heidegger được coi như người đặt nền cho môn “Chú giải học”, “Thông diễn học” của triết học hậu hiện đại đã tuyên bố rằng: Chân lý không bất biến. Những nhà triết học hậu hiện đại đã phát triển với những lý thuyết khác nhau, nhưng đều dựa trên tinh thần chung, cơ sở chung của tư tưởng nổi tiếng của ông: Hiện thể tự mở ra cho mọi sự hiểu biết khác nhau, chứ không phải là một sự hiểu biết duy nhất và những sự hiểu biết khác nhau đó không có cái nào sai, cái nào cũng có chân lý.

Một trong những quan điểm quan trọng nhất của Herméneutique (Giải thích học - Thông diễn học - Chú giải học) của triết học hậu hiện đại là: cần phải phân biệt rõ chân lý của khoa học tự nhiên và chân lý của khoa học nhân văn. Chân lý của khoa học tự nhiên ít biển đổi hơn, trái lại chân lý của khoa học nhân văn không cố định, chúng sẽ biến đổi theo sự phát triển của xã hội, của thời đại. Sự thật, chân lý của xã hội nhân văn không bao giờ mãi mãi phù hợp với quan niệm đã từng đóng mác gắn biển cho nó.

Đến thời đại ngày nay - thời đại tin học, thời đại của thế giới phẳng, thế giới mở, thời đại của giao lưu, hội nhập, thời đại của toàn cầu hóa thì các nhà triết học về Herméneutique không chỉ chống lại chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa duy khoa học mà còn chống lại mạnh mẽ những tư tưởng, những quan điểm của chủ nghĩa duy ý chí, chủ nghĩa đế quốc (chủ nghĩa nước lớn), chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, méo mó, chủ nghĩa thực dụng và tất cả những tư tưởng, quan điểm tiêu cực, phản động khác trong việc giải thích, thông diễn, chú giải trong mọi vấn đề của mọi lĩnh vực: Văn hóa, chính trị, kinh tế, luật pháp… đang diễn ra hiện nay trên thế giới.

Lý thuyết “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã lấy làm sự thật, làm chân lý để đưa ra giải quyết vấn đề biển Đông với các nước ASEAN là điển hình cho việc lấy những tư tưởng của chủ nghĩa nước lớn, chủ nghĩa thực dụng để giải thích, thông diễn về chân lý, về sự thật.

Trong tiến trình toàn cầu hóa, vấn đề đáng quan tâm nhất là mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái thành phần, và mối quan hệ giữa các nước lớn và các nước nhỏ. Toàn cầu hóa không phải là sự cắt gọt, giản lược những cái thành phần để nhập vào cái toàn thể, cũng không phải là sự đơn giản hóa cái toàn thể để đưa vào cái thành phần. Toàn cầu hóa cũng không phải là cứ lấy những tiêu chí, chuẩn mực, luật lệ, cách hiểu của các nước lớn làm mục tiêu, chân lý để giải thích, thông diễn rồi áp đặt cho những nước nhỏ phải đồng thuận tuân theo cho đồng nhất, thống nhất. Và cũng không phải các nước nhỏ cứ đưa ra những cái khác lạ, đặc thù, dị biệt để làm rào cản cho tiến trình toàn cầu hóa theo hướng tích cực.

H.G.Gadamer là một nhà triết học thời danh của nước Đức, học trò của M.Heidegger, trong lý luận về Herméneutique đã đưa ra thuyết: “L’unification des Horizon” (Sự hợp nhất, sự hòa hợp của các chân trời, các giới hạn) lấy làm cơ sở nhận thức, giải quyết những vấn đề của tồn tại.

Theo tinh thần này thì vấn đề cốt lõi nhất của tiến trình toàn cầu hóa là chúng ta phải xây dựng được những phương pháp, cách thức tích cực, khả thi để có thể giải quyết được một cách đúng đắn, hợp lý những mối quan hệ, những mối tương quan, những sự liên đới giữa các xã hội, giữa các quốc gia, giữa các dân tộc trong mọi lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế… để cộng tồn, cộng sinh trong một mái nhà chung của thế giới.

J.F.Lyotard nhà triết học rất nổi tiếng của triết học hậu hiện đại Pháp đã khẳng định như đinh đóng cột “Sự đồng thuận chỉ là một chân trời”, ông bảo “đấy là sự đời”, nhưng không vì thế mà chúng ta không tìm ra những cách thức chung tay để làm ra những điều tốt đẹp. Cách thức mà ông đưa ra là: Cần phải xây dựng được những “Hiệp ước tạm thời” (Contrat provisoire).

Để làm được điều đó các bên, các đối tác phải từ bỏ hay hạn chế, hoặc “triển hạn” lại việc thực hiện những chân lý những mục đích rất riêng, rất khác lạ, rất dị biệt để cùng nhau ký một “Hiệp ước tạm thời” trong những điều kiện, hoàn cảnh giai đoạn cụ thể để giải quyết theo hướng tích cực, có lợi cho công việc, cho những vấn đề đang diễn ra. Như vậy chân lý được thực hiện theo một tiêu chí khác: không phải là “sự đồng thuận” mà là sự “công bằng”.

Giải thích, chú thích, thông diễn lĩnh vực văn hóa, triết học, văn học nghệ thuật là lĩnh vực sở trường có lịch sử lâu đời nhất của khoa học Herméneutique. Đến thời nay đã có nhiều thay đổi trong quan niệm về giải thích, chú giải, thông diễn.

M.Foucault một tên tuổi lớn của triết học hậu hiện đại Pháp trong công trình đồ sộ Khảo cổ học về trí thức (L’Archéologie du savoir) đã đưa ra nhiều tài liệu khác nhau để nói: Mỗi một dân tộc có một lịch sử riêng, có một nền văn hóa riêng… với nhiều đặc thù, dị biệt; mỗi con người có một tâm tính riêng để chứng minh sự xung đột ở mọi cấp độ trong việc thông diễn, giải thích, chú giải khi có sự gặp gỡ, giao lưu với nhau.

Để có được sự chấp nhận, nhiều khi người ta phải dùng đến quyền lực: quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, thậm chí cả quyền lực quân sự - dây xích và nòng súng. Vẫn là nước Pháp, P.Ricoeur được coi là nhà triết học có uy tín rất lớn về Herméneutique đã chỉ ra rằng: Không bao giờ có cùng một ý nghĩa cho một sự việc.

Vấn đề giải thích, chú giải, thông diễn về văn hóa, văn học nghệ thuật là lĩnh vực phong phú, sâu rộng có nhiều điều để bàn, trong khuôn khổ của một trang báo, không còn đất để bàn nữa, nên chỉ có thể nói tóm ở một tinh thần: Du nhập, chuyển tải, kết nối, chuyển dịch văn hóa văn học nghệ thuật không phải là bê thế giới của họ để ấn vào, ghép vào thế giới của mình, mà phải là chuyển thế giới của họ vào được thế giới của mình, làm thế nào để “chuyển được”, để “đưa vào được” thì những người làm công việc chuyển tải, kết nối, chuyển dịch không chỉ có chuyên môn nghề nghiệp vững mà còn đòi hỏi có một phông văn hóa, trí thức sâu rộng về văn hóa truyền thống, bản sắc, tính cách của đất nước dân tộc mình cũng như đất nước, dân tộc của họ. Chỉ có một vế bên này hay bên kia thì đều thất bại. Nhiều thí dụ về du nhập nghệ thuật, dịch văn chương đã cho ta thấy rõ điều này

NGUYỄN HÀO HẢI (CAND)
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?